28/12/2024

Đức Maria là người đầu tiên được đầy tràn ơn phúc lành của Thiên Chúa

Trong ngày đầu năm mới, phụng vụ làm vang lên trong lòng Giáo Hội rải rác khắp bốn phương trời lời chúc phúc cổ xưa của vị tư tế: “Xin Chúa chúc lành và gìn giữ con! Xin Chúa chiếu toả thánh nhan Chúa trên con, xin Chúa cúi xuống trên con! Xin Chúa quay mặt về bên con, và mang lại cho con hoà bình!”…

 Đức Maria là người đầu tiên được đầy tràn ơn phúc lành của Thiên Chúa

Thánh lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Ngày Thế giới Hoà bình lần 45
Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
Chúa Nhật cuối Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, 1/1/2012


Anh chị em thân mến,

Trong ngày đầu năm mới, phụng vụ làm vang lên trong lòng Giáo Hội rải rác khắp bốn phương trời lời chúc phúc cổ xưa của vị tư tế mà chúng ta vừa mới nghe trong bài đọc 1: Xin Chúa chúc lành và gìn giữ con! Xin Chúa chiếu toả thánh nhan Chúa trên con, xin Chúa cúi xuống trên con! Xin Chúa quay mặt về bên con, và mang lại cho con hoà bình! (Ds 6,24-26). Lời chúc phúc này được Đức Chúa trao cho Aaron và những con trai của ông qua trung gian Môisê, nghĩa là cho các tư tế trong dân Israel. Đây là ba lời cầu chúc chan hoà ánh sáng của Chúa, nhờ việc lập lại thánh danh Đức Chúa, chính Chúa và hình ảnh thánh nhan của Ngài. Thật thế, để được chúc lành, ta cần phải hiện diện trước tôn nhan Chúa, đón nhận thánh danh Ngài trên con người chúng ta, và ở lại trong không gian ánh sáng phát xuất từ thánh nhan Thiên Chúa, ở lại trong khoảng không gian được chiếu sáng nhờ cái nhìn của Chúa, một cái nhìn lan toả ân sủng và bình an.

 

Đó cũng chính là trải nghiệm của các mục đồng thành Bêlem mà trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta lại thấy họ xuất hiện. Họ có cảm nghiệm là mình đang sống với Thiên Chúa, với lời chúc phúc của Ngài, không phải trong một đại sảnh của hoàng cung, trước một vị đại vương, mà là trong một chuồng bò, trước một “trẻ sơ sinh nằm trong một máng lừa ăn” (Lc 2,16). Chính từ đứa trẻ này mà một luồng sáng mới đã chiếu toả rạng ngời trong màn đêm tăm tối, như chúng ta có thể thấy trên nhiều bức hoạ mô tả cảnh Đức Kitô giáng sinh. Từ nay, ơn chúc lành xuất phát từ Người: từ thánh danh của Người – Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Chuộc” – và từ gương mặt nhân loại của Người, và trong Người, Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng cai trị đất trời, đã muốn nhập thể, che giấu vinh quang của Ngài dưới tấm màn xác thịt của chúng ta, để mạc khải trọn vẹn cho chúng ta lòng từ ái của Ngài (x. Tt 3,4).

 

Người đầu tiên được đầy tràn ơn chúc lành này là Đức Maria, trinh nữ, hiền thê của Giuse, được Thiên Chúa chọn ngay từ giây phút đầu tiên trong đời để làm Mẹ Con Thiên Chúa làm người. Mẹ “có phúc giữa mọi người phụ nữ” (Lc 1,42) – như thánh nữ Elisabeth đã chào kính. Toàn bộ cuộc đời của Mẹ đều nằm trong ánh sáng của Chúa, đều ở trong phạm vi hoạt động của danh Chúa và của thánh nhan Thiên Chúa nhập thể trong Đức Giêsu, là “hoa quả đáng chúc tụng trong dạ khiết trinh của Đức Maria”. Phúc Âm theo thánh Luca đã mô tả như thế về Đức Maria: Mẹ cất giữ tất cả những biến cố này và suy đi gẫm lại những gì liên quan đến Đức Giêsu Con của Mẹ (x. Lc 2,19.51). Mầu nhiệm tình mẫu tử thần linh của Đức Maria mà chúng ta mừng kính hôm nay chứa đựng thật dư tràn hồng ân này, hồng ân mà mọi tình mẫu tử nhân loại đều chứa đựng, đến độ khả năng sinh sản của cung lòng người nữ vẫn luôn được liên kết với ơn chúc lành của Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là người mẹ đầu tiên được chúc phúc, và Mẹ là người mang ơn phúc lành; Mẹ là người phụ nữ đã đón tiếp Đức Giêsu trong dạ và đã sinh hạ Người cho toàn thể gia đình nhân loại, như phụng vụ đã cầu nguyện như sau: “Đức Maria diễm phúc trọn đời đồng trinh… đã chiếu giãi vào thế gian ánh sáng vĩnh cửu là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Tiền Tụng Đức Mẹ I).

 

Đức Maria, Mẹ và là mẫu mực của Giáo Hội, đang đón nhận trong lòng Lời Chúa và hiến mình cho Thiên Chúa như “mảnh đất tốt”, mà trên đó, Thiên Chúa có thể tiếp tục hoàn thành mầu nhiệm cứu độ của Ngài. Giáo Hội cũng tham dự vào mầu nhiệm mẫu tử thần linh, qua việc rao giảng, truyền bá hạt giống Tin Mừng trên thế giới, và qua các bí tích, thông truyền cho con người ân sủng và sự sống thần linh. Cách đặc biệt hơn, qua Bí tích Thánh Tẩy, Giáo Hội thể hiện chức vụ làm mẹ này, khi Giáo Hội sinh hạ những người con cho Thiên Chúa bằng nước và Thánh Thần, Đấng đã kêu lên trong tâm hồn mỗi người: “Abba! Cha ơi!” (Ga 4,6). Cũng như Đức Maria, Giáo Hội là trung gian chuyển trao phúc lành của Thiên Chúa cho thế giới: Giáo Hội lãnh nhận phúc lành này khi Giáo Hội đón nhận Đức Giêsu, và chuyển trao phúc lành này khi cưu mang Đức Giêsu. Đức Giêsu là lòng nhân ái và là hoà bình mà thế gian, tự sức riêng mình, không thể nào ban tặng cho mình được, và đó là điều mà thế gian luôn cần đến, như cần cơm bánh, và cần hơn cả cơm bánh nữa.

 

Các bạn thân mến, hoà bình, theo nghĩa đầy đủ và cao đẹp nhất, là toàn bộ và tổng hợp của mọi phúc lành. Chính vì thế, khi hai người bạn gặp nhau, họ chào nhau và chúc bình an cho nhau. Giáo Hội cũng thế, trong ngày đầu năm mới, Giáo Hội đặc biệt cầu xin Chúa ban cho ơn cao trọng này, và cũng như Đức Maria, Giáo Hội làm thế, khi giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người, bởi vì, như tông đồ Phaolô đã khẳng định:Người là hoà bình của chúng ta” (Ep 2,14) và đồng thời, Người là “đường đi”, mà nhờ đó, mọi người và mọi dân tộc có thể đạt được mục tiêu mà mọi người hằng khát vọng. Như thế, với nỗi ao ước sâu xa mà tôi đang cưu mang trong lòng, tôi vui mừng đón tiếp anh chị em, và xin được chào tất cả anh chị em đang hiện diện trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để cử hành Ngày Thế giới Hoà bình lần 45; xin chào các vị Hồng y; các vị đại sứ của nhiều quốc gia bằng hữu, mà hơn bao giờ hết, trong dịp may hạnh phúc này, đã cùng tôi và cùng Toà Thánh chia sẻ ý muốn nhắc lại sự cam kết dấn thân cổ vũ cho hoà bình trên toàn thế giới; xin chào vị Chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng ‘Hoà bình và Công lý’, cùng với vị Thư ký và các cộng sự viên, đã làm việc cách đặc biệt cho mục đích này; xin chào các vị giáo sĩ cấp cao khác và các cấp chính quyền đang hiện diện; xin chào những người đại diện các hội đoàn và phong trào của Giáo Hội và tất cả anh chị em, đặc biệt những anh chị em đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục giới trẻ. Thật thế, – như anh chị em đã biết viễn tượng giáo dục là viễn tượng đã được tôi nói đến trong sứ điệp năm nay của tôi.

 

“Giáo dục giới trẻ về hoà bình và công lý” là một nhiệm vụ có liên quan đến mọi thế hệ, và nhờ ơn Chúa giúp, gia đình nhân loại, sau những bi kịch và sau hai đại Thế chiến vừa qua, đã chứng tỏ mình ngày càng ý thức hơn về điều này, như đã được minh chứng, một mặt, qua những bản tuyên ngôn và những sáng kiến quốc tế, và mặt khác, đã được xác quyết trong những thập niên vừa qua bằng nhiều hình thức dấn thân khác nhau của chính những bạn trẻ trong lĩnh vực này. Đối với cộng đoàn Giáo Hội, giáo dục giới trẻ về hoà bình nằm trong sứ mệnh mà Giáo Hội đã lãnh nhận từ Đức Kitô, là một phần trong hoạt động loan báo Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng của Đức Kitô cũng là Tin Mừng của hoà bình và công lý. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Giáo Hội đã nhận trách nhiệm nói lên một yêu sách đòi buộc mọi lương tâm phải nhạy cảm và có trách nhiệm hơn đối với định mệnh của nhân loại: yêu sách đáp lại một thách đố mang tính quyết định, đó là thách đố về mặt giáo dục. Tại sao đây là một “thách đố”? Thưa ít nhất vì hai lý do sau đây: một là, vì trong kỷ nguyên của chúng ta đang sống hiện nay, được đánh dấu cách sâu xa bởi tâm tính công nghệ học, thì ước muốn giáo dục, chứ không phải chỉ thuần tuý là ước muốn truyền đạt kiến thức không thể được xem đóđiều đương nhiên, mà đó là một sự chọn lựa; hai, vì văn hoá theo thuyết tương đối đặt ra cho chúng ta một câu hỏi triệt để: giáo dục còn có ý nghĩa gì nữa không? Và rồi ta phải giáo dục cái gì?

 

Dĩ nhiên là giờ đây chúng ta không thể đề cập đến những vấn đề này một cách sâu xa được, những vấn đề mà tôi đã tìm cách giải đáp trong những dịp khác nhau. Trái lại, tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi đối diện với những bóng tối ngày nay đang che phủ chân trời thế giới, đảm nhận trách nhiệm giáo dục giới trẻ để họ biết chân lý, biết các giá trị và các nhân đức cơ bản, có nghĩa là xem xét tương lai với niềm hy vọng. Khi dấn thân để giáo dục toàn diện, ta cũng phải đề cập đến việc đào tạo hoà bình và công lý. Những bạn trẻ, thanh niên và thiếu nữ ngày nay đang lớn lên trong một thế giới đã trở nên bé nhỏ hơn, nếu ta có thể nói được như thế, và họ vẫn thường xuyên tiếp xúc với những nền văn hoá và truyền thống khác nhau, ngay cả khi những tiếp xúc đó không hẳn lúc nào cũng trực tiếp. Điều cần thiết cho giới trẻ, ngày nay hơn bao giờ hết, đó là phải học biết giá trị và phương pháp chung sống hoà bình, tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và cảm thông. Tự bản tính, người trẻ dễ dàng cởi mở hơn đối với những thái độ này, thế nhưng, thực tế xã hội mà trong đó họ lớn lên có thể lại làm cho họ suy nghĩ và hành động ngược lại, thậm chí một cách bất khoan dung và bạo lực. Chỉ có một nền giáo dục lương tâm chắc chắn mới có thể giúp họ tránh được những nguy cơ này, và làm cho họ có khả năng không ngừng chiến đấu, tin tưởng vào sức mạnh của chân lý và sự thiện. Nền giáo dục này bắt nguồn từ gia đình và được phát triển nơi học đường và trong những trải nghiệm đào tạo khác. Điều thiết yếu là giúp những em nhỏ tuổi hơn, thiếu nhi và các em đang tuổi mới lớn phát triển một nhân cách biết liên kết một ý thức sâu xa về công lý với sự tôn trọng người khác, với khả năng đương đầu với những xung đột mà không hề có tính khí độc đoán, với sức mạnh nội tâm để làm chứng cho sự thiện, ngay cả khi điều này đòi hỏi ta phải hy sinh, với sự tha thứ và hoà giải. Có như thế, các em mới có thể trở nên những người đàn ông và phụ nữ thực sự yêu chuộng hoà bình và xây dựng hoà bình.

 

Về điểm này, các cộng đồng tôn giáo cũng phải gánh vác một trách nhiệm đặc biệt trong nhiệm vụ giáo dục các thế hệ trẻ. Bất cứ lộ trình đào tạo tôn giáo đích thực nào cũng đều dẫn con người, ngay từ lứa tuổi măng non nhất, đến việc nhận biết Thiên Chúa, yêu mến Ngài và thi hành ý muốn của Ngài. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài là hoà bình và công lý, và bất cứ ai muốn tôn kính Ngài đều phải sống trước tiên như một người con theo gương cha mình. Một Thánh vịnh đã khẳng định như sau: “Chúa phân xử cách công minh, bênh quyền lợi cho những ai bị áp bức (…) Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và chan chứa tình thương” (Tv 103,6.8). Trong Thiên Chúa, công lý và lòng nhân từ đi đôi với nhau một cách tuyệt vời, như Đức Giêsu đã chứng minh cho chúng ta thấy qua chứng tá đời sống của Người. Trong Đức Giêsu, “tình yêu và chân lý” gặp gỡ nhau, “hoà bình và công lý” hôn nhau (x. Tv 85,11). Trong những ngày này, Giáo Hội đang cử hành đại mầu nhiệm Nhập Thể: chân lý của Thiên Chúa đã nẩy mầm từ mặt đất, và từ trời cao, công lý đã cúi nhìn xuống đất, đất đai đã sinh hoa kết trái (x. Tv 85,12.13). Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Con của Ngài là Đức Giêsu. Chúng ta hãy lắng nghe điều Thiên Chúa nói: “Ngài loan báo hoà bình” (Tv 85,9). Đức Giêsu là con đường trên đó chúng ta có thể bước đi, một con đường mở ra cho mọi người. Người là con đường hoà bình. Hôm nay, Đức Maria đã giới thiệu Người cho chúng ta, đã chỉ đường cho chúng ta: chúng ta hãy đi theo Mẹ! Và Mẹ, lạy Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, xin hãy đồng hành và bảo trợ chúng con. Amen.