29/12/2024

Sách mắc lỗi ‘trời ơi đất hỡi’

Nhiều cuốn sách mắc những sai sót lớn từ nội dung ra đến trang bìa do biên tập quá ẩu vẫn đang được bày bán trên thị trường.

 

Sách mắc lỗi ‘trời ơi đất hỡi’

 

 

Nhiều cuốn sách mắc những sai sót lớn từ nội dung ra đến trang bìa do biên tập quá ẩu vẫn đang được bày bán trên thị trường.  

 

 

 

Sách mắc lỗi 'trời ơi đất hỡi' 1Bìa cuốn Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn… thái – Ảnh: H.T

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống ở thế kỷ 17 !

Ngoài cuốn Võ Nguyên Giáp – Đại tướng của nhân dân và Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc, nhiều sách của NXB Văn hoá – Thông tin (VH-TT) do biên tập cẩu thả nên mắc nhiều sai sót về nội dung. Chúng tôi chỉ xin nêu vài cuốn in năm 2014.

Đầu tiên là cuốn Văn hoá văn nghệ dân gian ở huyện Hưng Hà, tác giả Phạm Minh Đức – Lưu Đức Lượng. Cuốn này tuỳ tiện trong cách viết thường, viết hoa và viết in hoa, viết sai tên PGS Chương Thâu thành “Trương Thâu” và tự ý luân chuyển đơn vị công tác của ông từ Viện Sử học sang Viện Văn học (trang 74). Phần viết về Lý Nam Đế từ trang 129 đến trang 131 đã viết sai tên vua thành “Lý Nam để”, trong một trang khi viết “Lý Bí”, lúc lại viết “Lý Bý”.

Thứ hai, cuốn Nghiên cứu tư liệu lý luận văn hoá dân gian Việt Nam (quyển 2), của nhà nghiên cứu quá cố Trần Gia Linh. Trang 353, trích dẫn bài viết của tác giả Tầm Vu (bút danh của cố GS-NGND-AHLĐ Trần Văn Giàu), “Thần Tản Viên” thành “Thần Tân Việt”. Sách đã đưa Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) đến sống ở thế kỷ 17, với bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết văn hoá năm 1696 (xem trang 60). Tên GS ngành múa Lâm Tô Lộc (1930 – 2009) được viết thành Lâm Tố Lộc (các trang 15, 112, 282, 286, 288…). GS ngành mỹ thuật Nguyễn Phi Hoanh (1904 – 2001) viết thành Nguyễn Phi Hoành (các trang 146, 148, 150, 313, 315, 316…). Trong cuốn sách này, các thuật ngữ khoa học cũng được phiên âm và viết rất tuỳ tiện. Ví dụ, trang 601 trích dẫn thuật ngữ Văn hoá dân gian của Tô Ngọc Thanh, trước viết folklore, giữa viết phôn-klo, cuối viết phôn-cơ-lơ.

Một dẫn chứng khác là ở trang 20, “Anh hùng ca và thời điểm xuất hiện anh hùng ca”, đã trích theo Cao Huy Đỉnh như sau: “Người anh hùng làng Gióng – NXB Khoa học xã hội, 1969”. Đối với người làm nghiên cứu về văn học dân gian, khi nhắc đến Cao Huy Đỉnh thì luôn nhớ rằng cách viết “Người anh hùng làng Dóng” mới là chính xác. Đây không phải cách viết chính tả thông thường, mà là cả luận điểm khoa học của ông. Đây là công trình nằm trong cụm công trình của Cao Huy Đỉnh được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học dân gian đợt đầu tiên (1996).  

Sách mắc lỗi 'trời ơi đất hỡi' 2Tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam ghi sai thành Hoài Trân – Ảnh: H.T

Thi nhân Việt Nam của “Hoài Trân”

Không có hợp đồng xuất bản với dịch giả, nhưng NXB Văn học và nhà sách Minh Thắng vẫn vô tư phát hành ra thị trường ấn phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, do Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch dịch, Trần Nghĩa giới thiệu, NXB Văn học – nhà sách Minh Thắng liên kết xuất bản. Cuốn sách này, ngay từ trang bìa chính đã viết sai: “Ngô gia văn phái” thành “Ngô gia văn thái” (!).

Hoàng Lê nhất thống chí có nhiều bản dịch khác nhau, NXB Văn học chọn bản in của hai dịch giả Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch. Nhà Hán học Nguyễn Đức Vân đã mất. Nay còn GS-TS Kiều Thu Hoạch, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá Dân gian, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian. Hỏi chuyện GS-TS Kiều Thu Hoạch, ông cho biết ông chỉ ký hợp đồng xuất bản cuốn sách này với NXB Trẻ (TP.HCM) chứ không hề ký hợp đồng xuất bản với nhà sách Minh Thắng”. Không liên hệ với dịch giả nên các đơn vị đã chọn một văn bản không rõ nguồn gốc để in. Về việc này, ông Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc phụ trách NXB Văn học, nói trước khi cấp giấy phép xuất bản, NXB Văn học đã yêu cầu nhà sách Minh Thắng phải làm hợp đồng với GS-TS Kiều Thu Hoạch. Tuy nhiên, việc này đã không được đối tác liên kết thực hiện.

Một cuốn sách khác là Thi nhân Việt Nam của hai tác giả Hoài Thanh – Hoài Chân từ lâu đã nổi tiếng trong giới văn học. Nhưng bản in của NXB Thời Đại năm 2011 lại đề tên tác giả sai từ trang bìa, “Hoài Chân” thành “Hoài Trân”. Ở trang bìa lót và dưới bức ảnh tác giả cũng đề sai tên như vậy. Bà Mai Thị Hương, Trưởng phòng Quản lý xuất bản – Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết cuốn Thi nhân Việt Nam của NXB Thời Đại ngay sau khi nộp lưu chiểu đã có báo cáo đình chỉ phát hành để sửa lỗi sai tên tác giả tại bìa lót cuốn sách. Nhưng do NXB chưa thực hiện việc thu hồi triệt để nên sách vẫn còn lưu hành trên thị trường.

Bị phạt 2 lần trong 1 tháng

Ngày 23.12, ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), ký Quyết định số 77 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xuất bản với NXB VH-TT. Theo quyết định này, NXB VH-TT đã vi phạm hành chính về việc ghi không đúng, không đủ những thông tin phải ghi trên 3 xuất bản phẩm theo quy định tại điều 27 của luật Xuất bản: Đền đá Nội Lâm trong làng du lịch sinh thái Tràng An, Huyền thoại về một chiếc máy cày, Mỹ thuật thủ đô 2014. Mỗi trường hợp bị phạt 4 triệu đồng. Trước đó, ngày 15.12, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ra văn bản xử phạt hành chính 21 triệu đồng đối với NXB VH-TT vì đã xuất bản cuốn sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc mà không có xác nhận đăng ký xuất bản.  

Duy Trang

 

Hiếu Trình