Lắng nghe tiếng gọi từ gia đình Nazareth. Bài 4: Gia đình là Cộng đồng cứu độ
Chúng ta gia nhập vào một gia đình là để cho mình được hạnh phúc, hạnh phúc nhất thời, hạnh phúc một đời và hạnh phúc muôn đời. Hạnh phúc là mục đích của gia đình. Mời các bạn cùng vào sống dưới mái gia đình Nazareth để hiểu hạnh phúc và ơn cứu độ đang dành cho tất cả những ai biết yêu thương.
Tuần tĩnh tâm: Lắng nghe tiếng gọi từ gia đình Nazareth
Bài 4
GIA ĐÌNH LÀ CỘNG ĐỒNG CỨU ĐỘ
Nhập đề
Chúng ta gia nhập vào một gia đình là để cho mình được hạnh phúc, hạnh phúc nhất thời, hạnh phúc một đời và hạnh phúc muôn đời. Hạnh phúc là mục đích của gia đình : từ gia đình nhỏ bé của vợ chồng cho đến gia đình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Vì thế mà ta không lạ gì khi nghe những lời chúc Trăm Năm Hạnh Phúc trong các lễ tân hôn hay lễ vu quy.
Thế nhưng con người chúng ta lại ít khi cảm nhận được hạnh phúc mà chỉ thấy khổ đau, chết chóc như nhà thơ Xuân Diệu từng than:
Yêu là chết ở trong lòng một ít!
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu,
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu.
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Vậy mà chúng ta đã suy niệm Thiên Chúa vừa là tình yêu và là sự sống vĩnh hằng, nên ta càng yêu thì càng sống, càng cho thì càng nhận, càng khổ thì hạnh phúc mới tròn đầy như Thiên Chúa tình yêu chết nhục nhã trên thập giá để mang ơn cứu độ cho ta và toàn thể vũ trụ.
Chính vì thế mời các bạn cùng vào sống dưới mái gia đình Nazareth để hiểu hạnh phúc và ơn cứu độ đang dành cho tất cả những ai biết yêu thương.
1. HẠNH PHÚC HOÀN TOÀN CHÍNH LÀ ƠN CỨU ĐỘ
1.1. Hạnh phúc là gì?
Người ta đã định nghĩa: hạnh phúc là tình trạng con người cảm thấy sung sướng vì đạt được ước mong của mình. Nhưng niềm mong ước của con người lại lớn nhỏ khác nhau nên hạnh phúc cũng thay đổi theo đó.
Hạnh phúc có thể chỉ là bát cơm nguội với miếng cá khô cho người nghèo đói, nhưng phải là đĩa bào ngư xào với nấm đông cô cho kẻ giàu sang. Rồi khi con người giàu sang này do làm ăn thua lỗ, mất hết tiền bạc, lại cảm thấy đời mình bất hạnh khi phải ăn bát cơm nguội với miếng cá khô.
1.2. Hạnh phúc chủ quan
Như thế nhiều khi hạnh phúc mang tính chủ quan vì “ trăm người, trăm ý”. Khi người ta không bằng lòng với thực tại mình đang sống, bất mãn với thực tại mình đang có thì lúc nào cũng thấy khổ đau vì “đứng núi này lại trông núi nọ”.
Biết bao lần đến chơi nhà bạn, thấy gia đình bạn thật hạnh phúc vì cha mẹ yêu thương, con cái lúc nào cũng vui vẻ tươi cười. Rồi nghĩ đến gia đình mình với cha mẹ luôn gắt gỏng, mắng chửi, ta thấy thật bất hạnh. Nhưng đó là ta chỉ đến chơi nhà bạn có một vài giờ chứ đâu có ở quanh năm suốt tháng để thấy cha mẹ họ cũng có lúc giận dỗi, mắng chửi nhau, có khi còn hơn cả gia đình ta nữa. Nhận ra được điều này ta sẽ thấy lòng mình dịu lại.
Biết bao lần định rủ người yêu đi chơi nhưng vừa ra đến đường thì trời đổ mưa. Ta bực bội, bất mãn cả với trời đất, với gió mưa, nhưng có biết đâu rằng những giọt mưa kia tuy có làm hỏng cuộc vui chơi của một vài người, nhưng lại làm cho đồng ruộng xanh tươi, cây cối ra hoa kết trái để nuôi sống và làm đẹp muôn người. Nhận ra được điều ấy, nỗi bất hạnh của ta sẽ được hoá giải thành niềm vui và ta giơ tay hứng những giọt nước mưa cùng với người yêu mà lòng đầy hạnh phúc.
1.3. Hạnh phúc khách quan và hiện thực
Dĩ nhiên hạnh phúc không phải chỉ hoàn toàn là chủ quan như kẻ cho đời là bể khổ, người cho đời là nguồn vui. Hạnh phúc có tính cách khách quan và hiện thực vì nó gắn liền với người hưởng thụ như một sự thật của cuộc đời. Dù mỗi người mơ ước hạnh phúc khác nhau nhưng có thể quy về những đối tượng rõ ràng ở bên trong hay bên ngoài con người. Đối tượng ấy là vợ đẹp con khôn, là nhà cao cửa rộng, là địa vị cao sang, là tuổi già đông con nhiều cháu, là học cao hiểu rộng … mà người ta thường gộp chung trong tiếng “phúc lộc thọ” hoặc “vạn sự như ý” để chúc cho nhau trong những ngày lễ tết.
Tuy nhiên trong tận thâm tâm, con người vẫn chưa bằng lòng với những gì mình có được và vẫn mơ ước một thứ hạnh phúc hoàn toàn để trẻ mãi, đẹp mãi, sống mãi, giàu có vô song, quyền lực vô cùng. Thứ hạnh phúc trọn vẹn ấy chỉ có thể tìm được nơi Thiên Chúa vì Ngài là cội nguồn của sự sống và của chân thiện mỹ. Chỉ có Ngài mới thoả mãn được mọi ước vọng sâu xa của lòng người (x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ (HCMV) Gaudium et spes, số 9-10).
Hạnh phúc hoàn toàn ấy con người và vạn vật đã từng nhận được từ bàn tay đầy yêu thương và quyền năng của Cha Trên Trời ngay từ lúc nguyên thuỷ khi Ngài đặt con người trong vườn địa đàng. Nhưng con người đã đánh mất hạnh phúc ấy khi từ chối tình yêu của Thiên Chúa, cắt đứt với nguồn sống, nguồn trẻ đẹp của mình, kéo theo vạn vật phải chịu cảnh hư nát, già nua, chết chóc với con người như chúng ta đã cùng suy niệm trong bài trước đây.
1.4. Đức Giêsu là hạnh phúc hiện thực, hoàn toàn của con người
Thiên Chúa muốn giải thoát con người khỏi mọi nghịch cảnh và sự dữ, mà tội lỗi là sự dữ lớn nhất vì chính nó tạo nên bất hạnh cho con người. Công cuộc cứu độ đó được Đức Giêsu Kitô thực hiện. Ngài chính là hạnh phúc hiện thực của con người chứ không phải là một niềm mơ ước ảo tưởng. Để chứng minh tính cứu độ hiện thực đó, Ngài đã chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền, xua đuổi ma quỷ, thứ tha tội lỗi, cho nước lã hoá rượu ngon, bánh cá hoá nhiều, cho kẻ chết sống lại, cho các tông đồ và môn đệ có thể làm được như Người để con người thấy rằng: mình có thể khoẻ lại, trẻ lại, đẹp lại, sống lại, quyền lực phi thường. Nhất là qua cái chết và cuộc sống lại của Ngài, Đức Giêsu cho chúng ta hiểu rằng mình có thể đạt được ước mơ hạnh phúc hoàn toàn. Do đó, hạnh phúc hoàn toàn bây giờ chính là ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô mang đến cho con người.
2. TIẾNG VỌNG TỪ GIA ĐÌNH NAZARETH
Một khi hiểu được hạnh phúc hoàn toàn chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể, thì chúng ta sẽ biết mình phải làm gì để tạo được hạnh phúc cho mình cũng như cho anh chị em mình. Điều này Mẹ Maria và Thánh Giuse đã làm một cách tốt đẹp nhất khi sống với Chúa Giêsu dưới mái nhà Nazareth. Hạnh phúc của các thành viên này cũng lớn lao nhất và ơn cứu độ ở đây cũng trọn vẹn nhất, đáng cho chúng ta tìm hiểu và sống theo vì gia đình này chính là một cộng đồng cứu độ.
2.1. Chiến thắng tội lỗi bằng tình yêu
Cả ba thành viên của gia đình Nazareth đều hiểu rõ rằng: chính tội lỗi phá huỷ hạnh phúc con người. Mà tội lỗi là hành động chối từ tình yêu, là yêu sai, yêu quấy. Muốn tạo hạnh phúc chỉ còn cách là mình phải yêu nhiều, yêu đúng và giúp người khác yêu nhiều, yêu đúng như Thiên Chúa muốn khi Ngài đặt tình yêu vào trái tim con người, khi nói với họ qua tiếng lương tâm con người (x. HCMV, số 16).
Thánh Giuse không bao giờ quên được lời thần sứ báo mộng : “Ông sẽ đặt tên con trẻ là Giêsu vì chính Ngài sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi” (x. Mt 1,21). Giuse cảm nhận được tác hại của tội lỗi đang tàn phá nơi con người mình, đang bắt mình già đi, yếu đi. Vì thế Giuse đã vượt qua chính đam mê và ước vọng hạnh phúc riêng tư của mình bằng cách dành tình yêu lớn lao hơn cho Thiên Chúa khi đón nhận Giêsu không phài là “con ruột”, cho Giêsu mang dòng họ của mình, nuôi nấng dạy dỗ Giêsu với tất cả tình yêu. Chính khi làm như thế, Thánh Giuse đã cộng tác đắc lực vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa một cách hoàn hảo hơn hết mọi người, chỉ sau Mẹ Maria.
Maria cũng chẳng bao giờ quên được ý nghĩa của tên Giêsu là “Đức Chúa Cứu Độ” theo lời loan báo của sứ thần. Dù được ơn làm Mẹ Thiên Chúa để được gìn giữ khỏi mắc tội tổ tông và mọi vết nhơ tội lỗi, Maria vẫn cảm thấy tác hại của tội lỗi trên con người mình cũng như trên mọi người vì Mẹ vẫn mang một thân xác như mọi người. Maria vẫn phải ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, làm việc, vui chơi. Thế xác ấy vẫn mệt mỏi vào mỗi kỳ kinh nguyệt, vẫn đau nhức khi trái gió trở trời, vẫn tàn tạ dần mòn theo năm tháng với làn da nhăn nheo và mái tóc bạc màu. Tay Maria vẫn chai sạn vì lam lũ và vầng trán vẫn hằn sâu nét lo âu, nhất là trước cái chết của Chúa Giêsu.
Thế mà Maria vẫn là người xinh đẹp nhất trước mặt Thiên Chúa vì Mẹ “đầy ơn phúc” nghĩa là “ đầy tình yêu Thiên Chúa” như lời chào của sứ thần. Mẹ đã dành trọn vẹn tình yêu của mình cho Thiên Chúa cũng như cho con người. Tình yêu dành cho Thiên Chúa khiến Maria dám chấp nhận tất cả, chẳng sợ những hòn đá bổ lên đầu vì tội chửa hoang. Tình yêu dành cho con người đã khiến Maria dám cho đi tất cả, cho đi Người Con Thiên Chúa của mình để đổi lấy đứa con của lòai người là Gioan. Yêu trọn vẹn và tột đỉnh như thế nên Maria là người thể hiện đúng nhất, tuyệt vời nhất tình yêu như Chúa Giêsu : “Yêu là cho đi tất cả, đón nhận tất cả, hy vọng tất cả, tha thứ tất cả” (x. 1Cr 13,7).
Chính tình yêu ấy đã khiến Mẹ Maria trẻ mãi, sống mãi, đẹp mãi dù chỉ là một người phụ nữ bình thường ở làng Nazareth. Đó là lời mời gọi cho tình yêu chúng ta và sự trẻ đẹp của chúng ta cũng phải đi theo hướng tinh thần đó, chứ không tìm thể hiện ở làn da trắng, sóng mũi dọc dừa, đôi mắt bồ câu, thân hình cao ráo như các hoa hậu, người mẫu hiện thời.
Tình yêu trọn vẹn đó đã khiến Maria cũng như chúng ta, ngay khi vượt qua ngưỡng cửa cái chết, ta được hồi phục hoàn toàn nét trẻ trung, xinh đẹp và sống mãi mãi của Hiền Thê Đức Kitô. Thân thể của Mẹ Maria hoàn toàn biến đổi như Đức Kitô Phục Sinh. Thân thể Đức Giêsu vẫn mang những yếu tố vật chất, vẫn ăn uống với các môn đệ sau khi sống lại, nhưng đã hoàn toàn đổi mới khiến Người vẫn vào được căn nhà đóng kín và hiện ra cùng lúc ở nhiều nơi. Những mảnh lụa bình dị ở làng Nazareth năm nào sẽ trở nên chói sáng rực rỡ như mặt trời trên mình người phụ nữ khải huyền của Gioan (x. Kh 12,1) như đã từng biến đổi trong cuộc biến hình của Đức Giêsu trên núi (x. Mc 9,1-8). Hình ảnh thiếu nữ trẻ đẹp tuyệt vời hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima và nhiều nơi trên thế giới luôn nhắc nhở ta sức mạnh của tình yêu đối với vật chất và thể xác con người. Maria đạt được hạnh phúc hoàn toàn, được cứu độ hoàn toàn chính vì tình yêu Người trọn vẹn. Đó là lời kêu gọi để ta vượt qua tội lỗi vì “tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (x. 1Pr 4,8).
2.2. Sống kết hợp mật thiết với Đức Giêsu
Kinh nghiệm thứ hai của Thánh Giuse và Mẹ Maria để đạt được hạnh phúc hoàn toàn đó là: sống kết hợp mật thiết với Đức Giêsu vì Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, là nguồn ơn cứu độ và hạnh phúc vô biên.
Gắn bó với Đức Giêsu không phải là giữ khư khư Đức Giêsu ở bên mình như một con búp bê tuyệt đẹp. Đức Maria dù ôm ấp, bồng bế Giêsu nhưng vẫn để cho Người lớn lên, phát triển, chạy chơi với bạn bè trong làng, vẫn để cho Giêsu tự ý ở lại đền Giêrusalem lúc lên 12 tuổi và hoàn toàn hoạt động theo ý mình khi rời ngôi nhà Nazareth đi giảng đạo. Bấy giờ, chính Maria lại đi theo Đức Giêsu trên con đường cứu độ để cùng đứng dưới chân thập giá với Chúa Giêsu.
Gắn bó với Đức Giêsu nơi Giuse không phải là buộc trẻ Giêsu bằng một sợi dây để Giêsu làm gì là mình biết ngay như mấy ông bố coi con cho vợ làm việc. Gắn bó với Giêsu cũng chẳng phải là bắt Giêsu phải đóng cái bàn, cái ghế theo đúng ý mình hay bắt Giêsu phải luôn luôn có mặt bên mình, để mình hãnh diện có một cậu con trai thông minh, đã từng ngồi giữa các tiến sĩ luật ở đền thờ Giêrusalem.
Thánh Giuse và Mẹ Maria gắn bó mật thiết với Đừa Giêsu bằng lòng tin và tinh yêu qua những công việc bình thường đến độ nhàm chán của cuộc sống với những chiếc tã bẩn cần giặt, với những cái bàn, cái ghế phải đóng cho khách hàng. Tất cả đều làm vì Giêsu, cho Giêsu. Maria biết rằng mình cần phải ngủ, phải ăn để có sữa cho con. Giuse biết rằng mình cần phải chịu đựng một bà khách hàng khó tính để có tiền mua bộ quần áo ấm cho con. Chịu đựng tất cả, hưởng dùng tất cả đều vì Giêsu, vì Thiên Chúa đã hiến thân làm người nơi Giêsu. Ta nhớ lại lời Thánh Tông Đồ Phaolô : “Vậy dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (x. 1Cor 10,31). Cả hai người đã gắn bó trực tiếp với Chúa Giêsu là Thiên Chúa cụ thể nên cũng cảm nghiệm được hạnh phúc thật sự khi cả hai làm mọi việc với tình yêu mãnh liệt.
Ta cứ tưởng tượng mấy khi người con trai ở gia đình cầm chổi quét nhà hay lau rửa bát đĩa? Việc ấy anh ta thường dành cho mẹ, cho chị gái hay em gái vì nghĩ rằng đó là “việc của đàn bà”. Thế mà đến nhà người yêu, khi người yêu ngỏ lời hay nhiều khi chẳng cần ngỏ lời, chàng ta cũng vội vàng xắn cao tay áo lên quét nhà, lau rửa bát đĩa và cảm thấy hạnh phúc khi được làm những việc đó cho người yêu. Tinh yêu quả thực đã làm cho ta quên đi con người ích kỷ, dám cho đi và đón nhận tất cả vì muốn gắn bó với người yêu.
Khi làm những công việc bình thường đó với một tình yêu lớn lao, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ở Nazareth không có những cơn xuất thần trong giờ cầu nguyện, cũng chẳng có phép lạ diệu kỳ nào để lôi kéo những người láng giềng nhận ra Thiên Chúa đã làm người ở giữa họ và đang muốn cứu độ thế giới. Ở Nazareth chỉ có một đời sống bình dị kèm theo một tình yêu lớn lao nhưng sức cứu độ lại vô cùng mãnh liệt. Do đó, ta hiểu được lời chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu : “Dù chỉ nhặt một cây kim nhỏ với một tình yêu lớn cũng có thể cứu vớt cả thế gian”.
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã sống như thế trong thầm lặng, bình thường cả một thời gian dài đến nỗi chúng ta chẳng biết gì hơn. Nhưng Chúa Giêsu đã chọn cuộc sống 30 năm đó làm nền tảng cho 3 năm giảng dạy và 3 ngày Vượt Qua để cứu độ thế giới. Chúng ta cần nhắc lại điều này để thấy cuộc sống bình dị thường ngày của chúng ta có giá trị cao cả vô cùng nếu chúng ta biết kiên trì, nhẫn nại trong tình yêu.
3. LẮNG NGHE TIẾNG GỌI TỪ GIA ĐÌNH NAZARETH
3.1. Chiến thắng tội lỗi nơi mình nhờ tình yêu
Hiểu được lời vọng từ gia đình Nazareth chúng ta thấy cần phải chiến thắng tội lỗi trong mình bằng tình yêu nồng nàn hơn, quảng đại hơn, trong trắng hơn. Đây chính là bước đầu tiên phải làm để có thể thống nhất được sức mạnh thể chất và tinh thần nơi mình. Công Đồng Vaticanô II đã nhắc nhở điều đó trong số 37 của Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes: “ Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực của bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại … Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ tìm được sự thống nhất trong chính mình sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa”.
Để vượt qua tội lỗi là hành động khước từ tình yêu, ta cần phải cầu xin Thánh Thần Tình Yêu đổ đầy tình yêu của Ngài vào trái tim ta và giúp ta hành động theo sự soi sáng của Ngài.
Một khi ta đưa được tình yêu trong sáng và mãnh liệt vào các công việc thường ngày, ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc ngọt ngào của Thiên Chúa. Ngồi trước mâm cơm đạm bạc, nếu ta ăn vui vẻ với tấm lòng biết ơn đối với Cha Trên Trời, với một lòng thanh thản vô tư, ta sẽ thấy những vật chất kia vẫn đưa vào cơ thể ta những chất bổ dưỡng, làm cho ta hồng hào, khoẻ mạnh có khi còn hơn cả những người giàu có ngồi trước bàn tiệc thịnh soạn với đủ sơn hào, hải vị mà lòng chán nản, buồn bực. Đây chẳng phải là kiểu sống duy ý chí, với những khẩu hiệu quyết tâm ảo tưởng đâu, nhưng tình yêu thật sự của Thiên Chúa ở nơi ta vẫn làm nên những điều kỳ diệu nhiều khi ta chẳng thể nào ngờ tới.
Với tình yêu, ta cũng có thể làm thay đổi cả cấu trúc hỗn độn của vật chất trên thân xác con người hay trong vũ trụ vạn vật để mang lại hạnh phúc cho tất cả. Ta có thể làm cho bánh cá hoá nhiều, gió yên, biển lặng, như bao vị thánh đã làm vì đức tin của họ to lớn hơn hạt cải và tình yêu của họ vượt ra ngoài giới hạn của con tim. Ta cũng có thể xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh nhân vì Đức Giêsu vẫn luôn trao quyền năng đó cho tất cả những ai muốn làm chứng cho Người (x. Mt 28, 18-20; Mc 16,17-18). Đó chính là ta đang mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người, mọi vật.
3.2. Tình yêu lớn trong những công việc nhỏ sẽ tạo ra hạnh phúc vô biên
Cộng đồng cứu độ Nazareth còn dạy chúng ta hãy làm các công việc nhỏ bé thường ngày của mình với tình yêu lớn vì nó sẽ tạo ra hạnh phúc vô biên mà ta không thể tưởng tượng nổi. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, vượt lên trên mọi không gian và thời gian sẽ nhìn thấy tất cả các kết quả đó và ban thưởng cho ta.
Xin chia sẻ với các bạn câu chuyện về nụ cười để chúng ta có thể cảm nghiệm được hạnh phúc vô biên trong những cái rất nhỏ bé của đời sống thường ngày: Có một cô gái đi trên hè phố, ngược chiều là chàng thanh niên. Không biết có gì vui trong lòng mà cô gái chợt mỉm cười đúng lúc chàng trai đi ngang qua. Anh chợt cảm thấy lòng tự nhiên vui phơi phới vì có một thiếu nữ đẹp cười với mình.
Về đến nhà, anh thấy bàn làm việc của mình bừa bộn, sách vở giấy bút quăng mỗi thứ một nơi. Hai đứa em đã phá phách, nghịch ngợm khi anh vắng mặt. Bình thường anh đã giận dữ, lôi cổ hai đứa em ra tát cho mỗi đứa vài cái. Nhưng hôm nay, vì đang giữ nụ cười của cô gái trong tâm trí, nên anh vừa huýt sáo vừa thu dọn đồ đạc cho ngăn nắp lại.
Hai đứa em thấy vậy vội vã đem bài ra học, không đợi anh mình giục giã như mọi khi, để khỏi bị đánh thêm vì tội lười biếng. Bà mẹ ngạc nhiên nghe tiếng trẻ học bài lớn tiếng. Bà vừa ngồi nhặt rau vừa tủm tỉm cười, tự hứa sẽ nấu bát canh ngon để thưởng cho mỗi đứa. Người cha đi làm về thường hay quát mắng vợ con vì bực bội ở sở làm. Nhưng hôm nay, vừa về đến nhà đã nghe tiếng trẻ học bài, nhìn vợ tươi cười, ông cảm thấy lòng mình thư thái quên hết mệt nhọc. Ông vào tắm cho mát rồi ngồi đọc báo chờ cơm. Chiều hôm đó, cả gia đình cảm thấy có cái gì đó thật là hạnh phúc, yên vui mà không biết bắt nguồn từ đâu. Các bạn đoán xem từ đâu? Có phải từ nụ cười bất ngờ của cô gái?
Nhưng chưa hết!
Sáng hôm sau, khi thầy gọi lên trả bài, hai đứa nhỏ trả lời chính xác khiến thầy giáo cảm thấy an ủi vì có học trò ngoan. Hôm đó, thầy thích thú giảng bài, trình bày rõ ràng, thái độ ôn tồn chứ không la mắng như mọi khi. Các học sinh trong lớp thầm nhủ: “Thầy dạy mình tận tâm như vậy mà bây lâu nay mình lười biếng, làm thầy buồn lòng. Thôi, chiều nay về nhà ta quyết tâm học hành chăm chỉ hơn”.
Chiều hôm đó, lại có mấy chục gia đình đột nhiên cảm thấy ấm êm, hạnh phúc vì có những đứa trẻ tự động học bài. Rồi những học sinh ấy được dạy dỗ tận tình, được yêu thương, trở nên người có đức, có tài và thành công trong xã hội. Sau đó, họ lập gia đình, có thêm những đứa con, đứa cháu tốt đẹp, hữu ích cho đất nước.
Tất cả những kết quả lớn lao đó bắt nguồn từ đâu? Ai trong chúng ta cũng có thể trả lời: từ nụ cười bất ngờ của cô gái trên đường phố! Chỉ có Thiên Chúa vượt khỏi những giới hạn của vật chất, không gian và thời gian mới nhìn thấy mọi hiệu quả lớn lao từ một nụ cười. Còn chúng ta không phải chỉ cười nói vô tình, ngẫu nhiên như cô gái đó. Chúng ta muốn in dấu tình yêu trên từng hành động của mình. Chắc chắn Cha trên Trời thấy dấu tình yêu sẽ ghi nhận và ban thưởng cho ta vì Ngài là tình yêu và cũng là ơn cứu độ. Vì thế, nói theo tinh thần của chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: một nụ cười đầy tình yêu chân thành của ta cũng đủ sức cứu độ cả thế giới.
Tuy nhiên, dù một nụ cười chỉ tốn có 1 hay 2 giây, nhưng thử hỏi mỗi ngày ta nở được mấy nụ cười chân thật cho người thân, bạn bè để làm cho đời họ hạnh phúc hơn và ơn cứu độ dồi dào hơn?
Kết luận
Suy niệm về ơn cứu độ hoàn toàn chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ con người và vũ trụ, chúng ta mới nhận ra Người chính là điểm hội tụ của tình yêu và sự sống mà mỗi thành viên trong gia đình chúng ta hướng tới. Nhưng vì Đức Giêsu đồng hoá mình với những con người nghèo khổ, đói rách, tù tội, bệnh tật, … (x. Mt 25, 34-40), nên càng dành tình yêu cho những con người đó bao nhiêu, ta càng cứu giúp được người khác, đồng thời làm cho sự sống của mình dồi dào và hạnh phúc tràn đầy bấy nhiêu.
Vì thế, những bài suy niệm này chỉ là điểm khởi đầu cho con đường tình yêu và hạnh phúc của ta. Muốn đạt được hạnh phúc, sự sống hoàn toàn, ta cần phải bước đi, phải hành động với Đức Giêsu.
Đó là lúc ta rời mái ấm Nazareth để thực hành những bài học về tình yêu, về sự sống và ơn cứu độ từ gia đình thánh thiện này.
SUY NGHĨ VÀ TỰ KIỂM
1. Bạn đang cảm thấy mình hạnh phúc hay bất hạnh? Tại sao?
2. Bạn có tin mình có thể dùng năng lực, tinh thần của mình để tác động lên vật chất không? Nếu có, bạn đã thử bao giờ chưa? Và thử như thế nào?
3. “Cái nết đánh chết đẹp”. Bạn nghĩ gì về cái đẹp của mình hay của người khác? Bạn có tự ti vì một khuyết điểm nào đó trên thân thể bạn không? Nếu phải chọn lựa giữa người đức hạnh, người thông minh và người có sắc đẹp, bạn sẽ chọn ai?
4. Người ta thường nói: “ Có thực mới vực được đạo”, vậy ơn cứu độ hiện thực mà bạn đem đến cho người thân yêu, người láng giềng của bạn là gì?
5. Bạn có bao giờ nghĩ rằng mình có quyền lực chữa lành bệnh tật cho người khác, xua trừ ma quỷ như Đức Giêsu đã trao quyền lực đó cho bạn không? (x. Mt 28, 18-20 ; Mc 16.15-18).
6. Bạn có ý kiến gì sau khi đọc tập suy niệm? Bạn nghĩ cần đóng góp, sửa đổi những gì để giúp cho các gia đình sống quanh bạn?
Xin chân thành cám ơn bạn.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn