09/01/2025

Giáo dục kỹ năng sống: cần nỗ lực từ nhiều phía

Chắc không ai cầm lòng được trước thông tin ngày 11-12 hai nữ sinh Trường THPT chuyên Thăng Long, Đà Lạt, Lâm Đồng cùng treo cổ tự tử trong phòng trọ.

 

Giáo dục kỹ năng sống: cần nỗ lực từ nhiều phía

 

Chắc không ai cầm lòng được trước thông tin ngày 11-12 hai nữ sinh Trường THPT chuyên Thăng Long, Đà Lạt, Lâm Đồng cùng treo cổ tự tử trong phòng trọ. 

 

 

Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, một hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng – Ảnh: H.CH.

Rồi chuyện học sinh nghiện game, bỏ nhà đi bụi, đánh nhau, trầm cảm…

Những hiện tượng đau lòng xảy ra không chỉ ở học sinh yếu, trung bình mà cả ở học sinh khá, giỏi; xuất hiện ở đủ các trường tiểu học, THCS, THPT; công lập, tư thục, giáo dục thường xuyên và cả với trường chất lượng cao. Vậy đâu là nguyên nhân?

* Với gia đình: Phụ huynh phần lớn bây giờ chỉ nghĩ làm sao con học – học khá – học giỏi là được, rất ít chú ý rèn luyện cho con thói quen tự học, kỹ năng ứng xử như khi gặp chuyện rủi ro, quan hệ bạn bè, vấn đề tình dục an toàn, chăm sóc sức khỏe bản thân… ít dành thời gian cho con. Con bị điểm kém, thầy cô mắng là về trách cứ, chì chiết con, thậm chí là đánh, xé sách vở, áo quần, phạt, dọa dẫm không cho đi học nữa…

* Học sinh ở trọ cũng là vấn đề nan giải. Trường xa nhà, học sinh phải thuê nhà trọ. Không ít học sinh từ ngoan thành hư có nguyên nhân từ đây. Tôi đã gặp học sinh ở trọ, vào lớp 10 em này học giỏi, ngoan, đến lớp 12 gần nửa tháng trời không về nhà trọ mà thuê khách sạn ở với bạn trai.

Vụ việc chỉ được phát hiện nhờ giáo viên chủ nhiệm của lớp. Học sinh ở trọ thôi thì đủ thứ: đánh bài, game, bù khú với bạn bè, đánh nhau, đã có trường hợp còn giấu cả xe đạp bạn mình lấy ở trường về cất ở nhà trọ. Thích thì học, không thích là “cày” game thâu đêm.

* Với nhà trường: Chương trình nặng, áp lực thi cử, bệnh thành tích, nhiều trường THPT ít chú tâm dạy kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn thể… Một số trường có tổ tư vấn tâm lý học đường nhưng học sinh ít đến chia sẻ. Hoạt động ngoài giờ lên lớp thì mô hình sinh hoạt, nội dung không đổi mới, nhàm chán…

Ít lắng nghe học sinh

Khẩu hiệu “Trường học thân thiện” thì nhiều nhưng để giáo dục học sinh, nhất là rèn thói quen, hành vi tốt thì nhiều trường vẫn nặng về xử phạt kỷ luật. Ít chịu khó lắng nghe học sinh tâm sự để hiểu, thông cảm và hướng các em vào quỹ đạo đúng.

Từ thực trạng trên, xin được có mấy kiến nghị: Một là, trong lúc chờ đến năm 2018-2019 để có chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới thì vấn đề cần làm ngay là Bộ GD-ĐT mạnh dạn cắt bỏ những nội dung quá tải, kiểm tra theo hình thức đề mở; bài thực hành, bài thu hoạch được viết từ các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Thay dần các bài kiểm tra học kỳ theo từng môn bằng bài kiểm tra năng lực: văn, sử, địa, giáo dục công dân, quốc phòng là một bài kiểm tra; lý, hóa, sinh, công nghệ là một bài kiểm tra.

Để có điểm thi học kỳ ở từng môn thì cứ tính tỉ lệ phần trăm kiến thức của bộ môn có trong bài kiểm tra năng lực rồi quy thành điểm số theo quy định hiện hành. Số buổi thi chỉ còn hai, ba buổi. Thi cử sẽ trở nên nhẹ nhàng, các trường có quỹ thời gian dành tổ chức các hoạt động giáo dục khác. Học sinh không bị áp lực bởi thi cử, học tập, sinh hoạt được đầu tư thích hợp, các em tham gia một cách tự giác hơn, tích cực hơn.

Hai là, với nhà trường: Trước hết ban giám hiệu cần có kế hoạch, đầu tư công sức, thời gian làm tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, thể dục thể thao. Giờ chào cờ phải coi đây là những tiết dạy của hiệu trưởng nên nội dung phải sâu sắc, có tính giáo dục cao, hình thức tươi vui, lôi cuốn.

Những giờ này nên tăng cường đối thoại với học sinh, lắng nghe các em nói, các em chia sẻ. Quan tâm đến học sinh yếu, học sinh ở trọ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để trợ giúp kịp thời. Việc giúp các em cũng cần hết sức tế nhị vì các em hay ngượng với bạn bè, thầy cô. Nhà trường (qua giáo viên chủ nhiệm) phải có sự liên hệ thường xuyên với phụ huynh học sinh. Tổ chức cho các em tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện an toàn giao thông, các hoạt động từ thiện, tham quan dã ngoại…

Với phụ huynh, cần dành thời gian cho con em, lắng nghe và hãy là người bạn của con em mình. Không tạo áp lực học tập, liên lạc với thầy cô, chia sẻ những thông tin cần thiết và cùng thầy cô có biện pháp giáo dục con em phù hợp.

Chỉ một quan tâm nhỏ nhưng ân tình của thầy cô, cha mẹ có khi giúp học sinh thay đổi hẳn theo hướng tích cực, tuổi trẻ là thế. Vấn đề là nhà trường và phụ huynh có làm không và làm như thế nào?

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG