Nhiều vị tướng dân tộc bị ‘kiếm hiệp hoá’
Có ý kiến cho rằng cuốn sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc đang cười cợt các danh tướng khi hình ảnh danh nhân na ná truyện kiếm hiệp.
Nhiều vị tướng dân tộc bị ‘kiếm hiệp hoá’
Có ý kiến cho rằng cuốn sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc đang cười cợt các danh tướng khi hình ảnh danh nhân na ná truyện kiếm hiệp.
|
Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc là cuốn sách liên kết giữa NXB Văn hóa Thông tin, nhà sách Tân Việt và Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học công nghệ, ra đời nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân VN (22.12). Sách do TS Nguyễn Hoàng Điệp và đại tá – bác sĩ Đức Thông đồng chủ biên.
Kỹ xảo hóa danh tướng
Các danh nhân Hai Bà Trưng, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trương Định… đều được minh hoạ bằng hình ảnh kiếm hiệp, na ná các nhân vật trong phim chưởng. Nguồn gốc của chúng là các tranh minh họa từ kỹ xảo của nhóm Viettoon, nhóm hoạ sĩ 8X ở hải ngoại, do hoạ sĩ Hoàng Vi Kha chủ trương, thực hiện từ nhiều năm trước, từng gây tranh cãi khi trưng bày ở TP.HCM.
|
Trang 79, mục viết về “Tây Sơn ngũ phụng thư” – danh hiệu của 5 phụ nữ nổi bật của nhà Tây Sơn là nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc và Nguyễn Thị Dung. Hình minh hoạ là bức tranh phong cách manga, chibi – truyện tranh Nhật Bản.
Nhìn vào bìa sau cuốn sách, thấy các anh hùng dân tộc VN vị nào cũng cầm binh khí như trong game online. Đặc biệt, bạn đọc có kiến thức lịch sử sẽ thấy tức cười khi xem chân dung Lý Thường Kiệt: giáp trụ sáng loáng, giáo nhọn, râu dài bạc trắng. Thực tế, Lý Thường Kiệt là hoạn quan thì làm gì… có râu. Chưa kể, ở trang trong lại có hình ảnh một Lý Thường Kiệt hoàn toàn khác, “mày râu nhẵn nhụi”, đeo kiếm đứng hiên ngang chỉ về phía xa. Hình ảnh này vốn có trong bản thảo đầu tiên về Việt Quốc công Lý Thường Kiệt thuộc dự án “Danh tướng Việt Nam” do Hội Khoa học lịch sử VN và Hội quán Di sản thực hiện vào năm 2013; tác giả là hoạ sĩ Hà Dũng Hiệp.
Cẩu thả về nội dung
Chúng tôi không bàn đến những sai sót về lỗi chính tả, chú thích chân trang chỗ có chỗ không, tên địa giới hành chính các tỉnh không cập nhật… đầy rẫy trong cuốn sách. Chỉ xin bàn về những cẩu thả trong nội dung, biểu hiện cho thấy hành vi cắt – dán tư liệu trên mạng internet.
Trang 68, phần viết về chiến công Rạch Gầm – Xoài Mút của Quang Trung, có chú thích chân trang đánh số 1 đề: “Xem thêm trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1784) đã trình bày trong sách”. Tuy nhiên, tìm hết trong cuốn sách cũng không thấy thông tin “xem thêm” này đâu cả. Trang 50 và 51, phần viết về Trần Khánh Dư, lặp lại hai lần cụm “Sau này ông được vua Trần Nhân Tông phục chức… bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về”.
Về tiểu sử 12 vị tướng thời hiện đại, nội dung và cấu trúc được sao chép từ trang Bách khoa thư mở Wikipedia. Vì thế, có những đánh giá, nhận định, hoặc nội dung không chính xác, bị bóp méo. Lấy một ví dụ, trong phần viết về đại tướng Văn Tiến Dũng, ở trang 199, có đoạn: “Năm 1986, tại Đại hội Đảng bộ toàn quân, ông không được bầu làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, do đó, không vào được Bộ Chính trị và phải rời cương vị Bộ trưởng Quốc phòng”. Bà Văn Tuyết Mai, con gái đại tướng Văn Tiến Dũng, cho biết: “Đọc xong nội dung viết về ba mình, tôi bức xúc vì cuốn sách này không phải tôn vinh mà bôi nhọ ba tôi. Để đưa thông tin năm 1986 ba tôi không được bầu vào Bộ Chính trị, cuốn sách cần phải được thẩm định lý do. Viết về ba tôi như vậy, cũng như các nhận định tào lao về một số bác khác cùng thời với ba tôi, thế hệ trẻ hôm nay đọc sách sẽ hiểu sai về các vị tướng lĩnh của cách mạng. Tôi không hiểu cơ quan nào đã thẩm định bản thảo để cho ra đời cuốn sách này?”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: “Cuốn sách có nội dung viết về nhiều vị tướng lĩnh của quân đội, vì vậy cần phải được thẩm định bởi một cơ quan chuyên ngành về lịch sử quân sự của Tổng cục Chính trị như Viện Lịch sử quân sự”.
Không được hỏi ý kiến Là tác giả hình ảnh Lý Thường Kiệt trong trang 37 của sách (không phải hình ảnh Lý Thường Kiệt có râu ở bìa 4), hoạ sĩ Hà Dũng Hiệp chia sẻ: “Về hình minh hoạ mẫu tượng Lý Thường Kiệt, tôi làm cho bên Công ty Circle và khi chuyển thể thành tượng thật thì tôi không nhận đó là mẫu của mình do chất lượng tạo hình quá yếu. Tôi chỉ bảo lưu mẫu vẽ là của mình thôi. Mẫu vẽ này bên Circle đã đăng tải lên vài báo, trong đó có Vnexpress. Khi lấy hình minh hoạ vào sách, người làm sách cũng không hề hỏi ý kiến của tôi hay chú thích nguồn ảnh ở đâu”. Xử phạt 50 triệu đồng chi nhánh doanh nghiệp sách Thành Nghĩa Theo thông tin từ Bộ TT-TT, Thanh tra Bộ vừa ra Quyết định số 1129/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với chi nhánh doanh nghiệp tư nhân sách Thành Nghĩa – nhà sách Nguyễn Văn Cừ (36 phố Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) liên quan đến việc phát hành các xuất bản phẩm Danh nhân và Thời đại (tác giả Lê Văn Tiễn, Lê Nam) và Đại Quang Việt sử (tác giả Lê Nam). Các hành vi này được xác định đã vi phạm điểm a và điểm b điều khoản 4, điều 27 Nghị định 169/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trước đó cuốn sách Danh nhân và Thời đại đã có quyết định thu hồi, còn cuốn Đại Quang Việt sử được xác định đã xuất bản trái phép. Các cuốn sách này từ năm 2012 đã được báo chí phát hiện có nhiều sai sót nghiêm trọng về nội dung. Trường Sơn
|
Duy Trang