Nên giao ngay việc in phôi bằng cho các trường
Đại diện nhiều trường và các chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải giao ngay việc quản lý phôi bằng cho các trường, bởi luật Giáo dục ĐH cho phép các trường tự chủ thì không lý do gì Bộ không những vẫn “ôm” mà còn đưa ra dự thảo để kéo dài thời gian.
Nên giao ngay việc in phôi bằng cho các trường
Đại diện nhiều trường và các chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải giao ngay việc quản lý phôi bằng cho các trường, bởi luật Giáo dục ĐH cho phép các trường tự chủ thì không lý do gì Bộ không những vẫn “ôm” mà còn đưa ra dự thảo để kéo dài thời gian.
|
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, Bộ không cấp phôi bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ như trước đây mà giao cho các trường.
|
Từ năm 1996 khi hai ĐH quốc gia được thành lập và một số trường ĐH vùng ra đời, các trường cũng đã đấu tranh để tự chủ về phôi bằng. Tuy nhiên, đến nay chỉ ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM được quản lý chỉ tiêu và tự in phôi.
Xóa “xin – cho” về phôi bằng
Mỗi năm các trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với Bộ để Bộ cấp phát phôi bằng theo chỉ tiêu. Và đây là một quá trình với rất nhiều nhiêu khê, bất cập, phi lý, là kẽ hở nảy sinh tiêu cực.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) phân tích: “Việc cung cấp phôi bằng cho các trường lâu nay nhằm để quản lý chỉ tiêu của các trường cũng chỉ là hình thức. Thậm chí đó còn là kẽ hở làm nảy sinh tình trạng “xin – cho”.
Hằng năm, số lượng phôi bằng cấp cho các trường rất lớn, tập trung cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9 cho các hệ đào tạo và các đối tượng sinh viên. Áp lực đối với bộ phận kiểm dò, cấp phát thời điểm này cực lớn. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, có nhiều công đoạn đối chiếu, so sánh văn bằng dễ bị bỏ qua.
Bộ cấp phôi bằng, còn các trường tự điền thông tin cụ thể về bằng cấp. Lợi dụng điều này, các trường có nhiều cách lách để vô tư sử sụng phôi bằng cho mục đích khác. Chẳng hạn, trường xin 50 phôi bằng cho 50 chỉ tiêu một ngành nhưng thực tế ngành này chỉ đào tạo 30 chỉ tiêu. Thế là trường đẩy 20 phôi bằng được cấp qua ngành khác. Có trường đã dùng cách này để cấp bằng cho những sinh viên học ngành chưa được phép đào tạo. Lại có trường hợp đơn vị tuyển dụng nhờ trường ĐH kiểm tra bằng tốt nghiệp của người lao động thì phát hiện bằng thật nhưng không học tại trường. Nghĩa là phôi bằng đã bị tuồn ra ngoài. Bằng thật nhưng thông tin trên bằng là giả.
|
Lãnh đạo của một trường ĐH tại TP.HCM cho biết hằng năm để mua được số lượng phôi bằng cho sinh viên tốt nghiệp, trường phải cử người ra Bộ mấy lần, rồi phải qua rất nhiều công đoạn, thủ tục hành chính mới xong.
Cần thực hiện đúng luật
Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, rất ủng hộ việc giao quyền chủ động cho các trường in phôi bằng tốt nghiệp. Tiến sĩ Phương nói: “Làm được vậy sẽ tiện hơn cho các trường ít nhất về mặt thời gian. Bình thường trường xét tốt nghiệp 4 lần/năm, nếu được chủ động in phôi bằng trường sẽ xét nhiều lần hơn”. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết các trường nghề đã tự in phôi bằng từ lâu và không có chuyện gì xảy ra.
Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM ý kiến: “Điều lệ trường ĐH và luật Giáo dục ĐH đều đã quy định rất rõ, các trường có thể tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc in phôi bằng. Điều này các trường hoàn toàn có thể làm được, chỉ có điều đến nay Bộ vẫn chưa cho phép. Nhiệm vụ của Bộ ở đây là ở khâu hậu kiểm, tăng cường thanh tra và giám sát”.
Đồng quan điểm, phó phòng đào tạo một trường ĐH ở TP.HCM đánh giá: “Việc Bộ in phôi và bán cho các trường ĐH trong suốt thời gian qua là quá phi lý. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ là quản lý những vấn đề mang tính chiến lược, có thể quản lý chất lượng đào tạo, phân chỉ tiêu, đưa ra tiêu chí đánh giá để xếp hạng… Việc in phôi là việc nhỏ, Bộ không cần thiết phải làm”.
Động lực thúc đẩy trường phát triển
Khi Bộ không cấp phôi bằng nữa, các trường được quyền quyết định mẫu văn bằng. Điều này sẽ giúp các trường không chỉ thiết kế mẫu văn bằng theo truyền thống, phong cách của trường, thích hợp với yêu cầu thẩm mỹ mà còn có trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị của văn bằng. Các trường phải cố gắng tự tạo thương hiệu để tấm bằng của trường có giá trị với xã hội. Đây là cách mà các nước đã làm từ lâu.
Ông Lê Viết Khuyến cho rằng đã đến lúc các trường phải tự chịu trách nhiệm về giá trị của tấm bằng do mình cấp ra. Trường nào có thương hiệu thì bằng cấp của trường đó sẽ có giá trị. Trường nào đào tạo dỏm thì bằng cấp cũng sẽ bị xã hội tẩy chay. “Hiện nay, các trường ĐH đều cấp bằng như nhau mang “thương hiệu” là Bộ, trong khi đó Bộ không kiểm soát được chất lượng và giá trị của các loại bằng này”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Ý kiến Thực hiện theo lộ trình “Bộ cũng cần có giải pháp và cân nhắc thực hiện theo lộ trình để phù hợp với thực tế VN hiện nay. Nên thí điểm với một số trường ĐH trọng điểm chứ không phải triển khai đồng loạt ngay khi mới bắt đầu”. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính Quyết liệt yêu cầu trường công khai thông tin “Việc trao quyền cho các trường được tự in phôi và cấp bằng cũng là chuyện cần làm từ lâu. Tuy nhiên, nhà nước vẫn cần có công cụ quản lý để tránh tình trạng gian lận. Bộ cần quyết liệt yêu cầu công khai thông tin văn bằng trên trang web của các trường để tiện tra cứu khi cần thiết. Hiện nay, quy định này đã có rồi nhưng nhiều trường không thực hiện”. PGS-TS Lê Hữu Lập
|
Đ.Nguyên – V.Thơ – M.Quyên – H.Ánh