27/11/2024

Hiệu phó dạy thêm trong trường

Một hiệu phó nhiều năm tham gia chỉ đạo và điều hành kỳ thi tuyển sinh của trường lại đứng ra “thuê” cơ sở trong trường để luyện thi vào lớp 10 với học phí trọn gói 7 triệu đồng/học sinh/năm.

 

Hiệu phó dạy thêm trong trường

 

Một hiệu phó nhiều năm tham gia chỉ đạo và điều hành kỳ thi tuyển sinh của trường lại đứng ra “thuê” cơ sở trong trường để luyện thi vào lớp 10 với học phí trọn gói 7 triệu đồng/học sinh/năm.

 

 

 

Trụ sở Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng
Trụ sở Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: Thuận Thắng

Chuyện lạ này xảy ra tại Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM).

Nhiều phụ huynh ở TP.HCM cho biết thầy Hoàng Ngọc Hùng, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu, là người dạy luyện thi vào lớp 10 có tiếng trong nhiều năm qua. Bất kỳ phụ huynh học sinh nào đến trường này để hỏi đăng ký học luyện thi, bồi dưỡng môn tiếng Anh đều được chỉ ngay đến gặp thầy Hoàng Ngọc Hùng.

“Muốn vào Năng khiếu phải luyện thầy Hùng”

Ngưng dạy, trả lại tiền

Ngay sau khi phóng viênTuổi Trẻ đến làm việc với nhà trường, ông Hoàng Ngọc Hùng đã ngưng lớp dạy thêm ở trường. “Tôi đã ngưng tất cả các lớp luyện thi lớp 9 vào lớp 10 vì không muốn vì chuyện nhỏ thế này mà lãnh đạo gặp rắc rối, mang tiếng Trường phổ thông Năng khiếu. Tôi ngưng không phải vì tôi sai, mà tôi nghĩ rằng không muốn bất cứ chuyện gì xảy ra đối với nhà trường. Tôi đã trả lại toàn bộ học phí cho phụ huynh. Thật sự tôi bị thiệt thòi rất nhiều nhưng tôi chấp nhận” – ông Hùng nói.

Chị N.T.T.H. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết con đầu của chị dù học giỏi tiếng Anh nhưng dự thi vô lớp chuyên Anh Trường phổ thông Năng khiếu lại không đậu.

Ngày xem kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhiều phụ huynh không ngần ngại chia sẻ “kinh nghiệm” với chị H. rằng: “Muốn con vào trường này thì phải luyện thi chỗ thầy Hoàng Ngọc Hùng – tổ trưởng tổ văn phòng, phụ trách đội tuyển bộ môn tiếng Anh”.

Một phụ huynh cho chị H. số điện thoại thầy Hùng, đồng thời cảnh báo phải kiên trì liên lạc bởi thầy thường không bắt máy.

“Sau nhiều lần gọi điện và nhắn tin, thầy Hùng nhắn cho tôi số tài khoản và mức đóng học phí” – chị H. nói rồi đưa cho chúng tôi xem nội dung tin nhắn: “Tôi sẽ mở lớp chuyên Anh 9 vào sáng chủ nhật hằng tuần tại Trường phổ thông Năng khiếu, 153 Nguyễn Chí Thanh, Q.5 từ 8-11g. Bắt đầu từ ngày 6-7. Đăng ký và đóng học phí trọn năm 7 triệu đồng vào tài khoản số… chủ tài khoản Hoàng Ngọc Hùng. Ghi đầy đủ tên học sinh khi chuyển tiền và nhắn tin cho tôi biết số điện thoại liên lạc với phụ huynh trong quá trình học”.

Bà L.T.T. (Q.5, TP.HCM) có con đang học lớp 9 cho biết bà cũng được nhiều phụ huynh truyền kinh nghiệm: “Nếu muốn con thi vào Trường phổ thông Năng khiếu thì nên cho con học thêm ở các thầy cô của trường này. Nếu không theo hết được cả ba môn văn, toán, tiếng Anh thì ít nhất phải xin được học thêm môn tiếng Anh chỗ thầy Hoàng Ngọc Hùng”.

Nhờ một phụ huynh khác, bà T. có số điện thoại liên lạc với ông Hùng. Sau đó, bà T. nhận được tin nhắn của ông Hùng thông báo mở lớp và yêu cầu đóng học phí qua tài khoản ngân hàng.

“Thầy yêu cầu đóng học phí trọn năm là 7 triệu đồng. Số tiền không nhỏ với tôi. Đóng như thế chẳng khác nào thầy ép con chúng tôi phải học cả năm… Lúc đó tôi định không cho con học nhưng vì không muốn con thua thiệt bạn bè nên bấm bụng đóng tiền. Đóng tiền rồi đến ngày con tôi học mới biết lớp của thầy Hùng hơn 70 học sinh. Các phụ huynh khác động viên tôi cứ cho cháu theo học sẽ có cơ hội đậu vào trường cao vì thầy Hùng là người ra đề” – bà T. nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Hùng được bổ nhiệm giữ chức phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu vào đầu tháng 10-2014. Trước đó ông Hùng là trưởng phòng giáo vụ – học vụ, tổ trưởng tổ văn phòng, phụ trách đội tuyển bộ môn tiếng Anh. Liên tục các năm từ 2009-2014, ông Hùng có tên trong hội đồng tuyển sinh lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu với vai trò là ủy viên thường trực tham gia chỉ đạo và điều hành kỳ thi tuyển sinh của trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ quanh câu chuyện dư luận cho rằng “cơ hội đậu vào trường cao vì thầy Hùng là người ra đề”, GS.TS Trần Linh Thước, hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu, cho biết thành phần hội đồng tuyển sinh lớp 10 của trường gồm có đại diện ban giám hiệu, các bộ phận quan trọng của nhà trường và các ủy viên khác.

“Trường phổ thông Năng khiếu có những thầy cô là tổ trưởng bộ môn, tổ trưởng phụ trách đội tuyển. Ban ra đề chỉ có hiệu trưởng, hiệu phó quyết định thành phần ra đề. Thành phần ra đề được giữ bí mật theo quy định chung” – ông Thước cho biết.

Về phần mình, ông Hùng nói: “Nguyên tắc nếu tôi là người ra đề thì tôi không được phép công bố với ai về điều này. Thông tin tôi tham gia ra đề do người ta suy luận. Tôi là người phụ trách đội tuyển tiếng Anh của trường. Các giáo viên trong trường nhìn qua biết được người nào chủ chốt môn nào thì họ suy luận ra”.

Cho “mượn” phòng học giá 150 triệu đồng/năm

Chỉ tham gia giảng dạy?

ThS Nguyễn Thị Huyền – trưởng phòng thanh tra pháp chế Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – cho biết: “Trường phổ thông Năng khiếu trực thuộc ĐHQG TP.HCM và chịu sự quản lý trực tiếp của Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Cơ sở Trường phổ thông Năng khiếu ở Q.5, TP.HCM hiện nay cũng là cơ sở của Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Trường ĐH Khoa học tự nhiên có thỏa thuận cho sử dụng phòng học với một cá nhân để ông Hoàng Ngọc Hùng vào dạy thêm và luyện thi. Theo quy định, giáo viên đang công tác trong một đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm. Thực tế ông Hùng không phải là người đứng ra tổ chức lớp mà chỉ là người tham gia dạy”.

Vậy ai là người ký hợp đồng với Trường phổ thông Năng khiếu, thuê cơ sở trường này để tổ chức dạy thêm? Trường phổ thông Năng khiếu đã không trả lời chúng tôi về vấn đề này.

Giải thích về lớp dạy thêm được tổ chức ngay trong Trường phổ thông Năng khiếu, ông Hoàng Ngọc Hùng cho biết trước đây nhà trường có cơ sở bồi dưỡng văn hóa nhưng giấy phép hoạt động đã hết hạn vào tháng 8-2014.

“Trong lúc chờ thành lập trung tâm bồi dưỡng văn hóa mới của trường, chính thầy Nguyễn Thanh Hùng (hiệu phó Trường phổ thông Năng khiếu) bảo tôi đưa vào trường mở lớp để gây dựng cơ sở ban đầu cho trung tâm. Ở trường tôi có dạy thêm một lớp sáng chủ nhật hằng tuần với 75 học sinh và một lớp ở nhà. Tôi có nhờ một người đứng ra thỏa thuận mượn phòng học của trường và phải trả chi phí 150 triệu đồng/năm” – ông Hùng cho biết.

Ông Hoàng Ngọc Hùng cho biết thêm học sinh của ông không chỉ dự thi vào Trường phổ thông Năng khiếu mà còn vào các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền…

“Nhiều người mong muốn tôi dạy cho con họ để bồi dưỡng kiến thức. Khi nghe Sở GD-ĐT TP.HCM cấm dạy thêm, tôi đã đưa lớp này vào trường. Rõ ràng tôi đi theo định hướng của Nhà nước. Tôi dạy thêm từ lâu rồi, cả thành phố này ai không dạy thêm. Chuyện dạy thêm ai cũng phải làm để sống. Tôi dạy thêm để có thể tồn tại được và đóng góp cho xã hội. Nếu chỉ bằng đồng lương nhà nước thì khó để chúng tôi làm việc tốt. Nếu tôi làm sai thì lãnh đạo ĐHQG thấy và nhà trường đã có ý kiến” – ông Hùng nói.

Ông Thước cũng xác nhận hiện ông Hùng có dạy thêm một lớp ở trường và dạy ở nhà riêng để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

“Nhà trường có thỏa thuận cho sử dụng phòng học với một cá nhân để ông Hùng mở lớp dạy luyện thi. Về nguyên tắc, tham gia dạy thêm theo đúng quy định giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng. Chúng tôi sẽ nhắc các thầy cô từng tham gia ra đề không được lạm dụng chuyện này để quảng cáo, tạo uy tín thu hút học trò. Ngoài thầy Hùng còn có nhiều giáo viên khác trong trường cũng dạy thêm đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, học sinh” – ông Thước nói.

Cho phép dạy thêm trong trường như vậy liệu có ổn không? Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo ĐHQG TP.HCM cho biết: “Chủ trương của ngành là phải giảm luyện thi nhưng ông Hùng lại tăng cường luyện thi là không được. Trường phổ thông Năng khiếu cho phép giáo viên dạy thêm trong trường như vậy cũng không ổn. Đề thi là do cả hội đồng ra, nhưng người tham gia ra đề không được phép tổ chức dạy luyện thi”.

TRẦN HUỲNH