Sử dụng thời gian tự học để làm việc khác
Nhiều sinh viên cho rằng chỉ lên lớp mới là đi học, còn thời gian ở nhà dành cho việc đi chơi…
Sử dụng thời gian tự học để làm việc khác
Nhiều sinh viên cho rằng chỉ lên lớp mới là đi học, còn thời gian ở nhà dành cho việc đi chơi…
|
60% không đáp ứng yêu cầu tự học
Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, Trưởng khoa Quản lý văn hoá nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết: “Học ĐH, nhất là theo học chế tín chỉ, thì thời gian tự học của sinh viên (SV) phải gấp 3 lần thời gian ở trên lớp. Trước khi đến giảng đường, SV cần chuẩn bị nội dung bằng cách đọc lý thuyết, tài liệu mà giảng viên đưa, chuẩn bị chủ đề thảo luận, tìm kiếm kiến thức liên quan để làm sáng tỏ vấn đề…”.
|
Bên cạnh đó là việc tự nghiên cứu, làm bài tập, thực hành ở nhà. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Khoa, có khoảng 60% SV không thể hiện được sự tự học này, thậm chí có nhiều lớp ông giảng dạy, con số còn lên khoảng 70 – 80%. Chính vì thế khi lên lớp, SV không thể tương tác được với giáo viên và với SV khác, không biết đặt câu hỏi, không thể thảo luận…
Để phát huy được tinh thần tự học đòi hỏi mỗi SV phải có tính chủ động cao và có kỹ năng quản lý thời gian, lên kế hoạch, sắp xếp chương trình học hợp lý. Nhóm SV Nguyễn Thị Diễm Mi và Nguyễn Thị Tâm, ngành tài chính ngân hàng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, trong một đề tài nghiên cứu về vấn đề tự học, đã khảo sát 304 SV thuộc khoa tài chính – kế toán. Có gần 60% SV coi việc tự học là quan trọng, nhưng chỉ 16,12% trong số hơn 300 SV có tính chủ động cao và 1,97% ở mức độ rất cao, còn lại 75,98% chỉ ở mức độ trung bình!
Sự im lặng đáng sợ
Thư viện là một địa điểm tự học lý tưởng của SV, cũng là nơi cung cấp rất nhiều sách, tài liệu để SV có thể nghiên cứu, tìm hiểu những kiến thức liên môn, liên ngành. Thế nhưng ông Trương Minh Hoà, Trưởng bộ môn Khoa học cơ bản Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, cho biết: “Ngày thường rất ít SV lui tới thư viện. Chỉ khi vào mùa thi, mùa chuẩn bị làm báo cáo thực tập mới đông” và đặt câu hỏi: “Vậy SV đọc gì, học gì trong suốt những năm học ĐH, CĐ?”.
Ngoài ra, ông Hoà còn nói vui, giảng đường thường xuyên xuất hiện “sự im lặng đáng sợ” khi giảng viên đặt câu hỏi, yêu cầu SV nêu ý kiến. Kết quả là giảng viên lại tự trả lời. Nguyên nhân, theo ông Hoà, vì SV chưa chuẩn bị bài học từ trước, sợ nói ra sẽ lộ dốt, hoặc do thiếu tự tin, không quen phát biểu trước đông người… Đây là hệ quả của cách học thụ động có từ thời phổ thông.
“SV vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của việc tự học trong quá trình nắm bắt kiến thức. Phần lớn các em thụ động, cho rằng chỉ lên lớp mới là đi học, còn thời gian ở nhà dành cho việc khác. Cho nên không ít em dùng thời gian tự nghiên cứu, đọc tài liệu, chuẩn bị nội dung học tập để đi chơi, lên mạng xã hội… Nếu áp dụng đúng cách thức của học chế tín chỉ thì có đến 70% SV bị rớt, không hoàn thành môn học”, thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa nhìn nhận.
Cách đánh giá, đo lường quá trình tự học của SV vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Một giảng viên Trường ĐH Sài Gòn nhận định: “Đa số giảng viên còn dễ dãi, giao cho SV tự học nhưng thú thực là không có sự kiểm tra, đánh giá. Các em vẫn đi học đều, vẫn làm bài thi đầy đủ và vẫn được điểm. Đó chỉ là những gì phản ánh trên giấy, còn thực tế kiến thức học được đến đâu, thì chưa đo lường được”.
Nhiều SV thừa nhận, bản thân chưa nhận thức đúng vai trò của tự học, hoặc biết là quan trọng nhưng chưa có phương pháp tốt. N.T.P, năm 3 ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ: “Trừ những bạn thông minh, năng động, chủ động được phương pháp, thì phần đông SV còn lại phải tự dò dẫm. Thực sự vì lớp học ở ĐH quá đông nên cố vấn học tập, giảng viên cũng khó hướng dẫn chi tiết và kiểm tra từng SV được. Sự đánh giá vẫn dựa trên các bài kiểm tra, bài thi”.
Cần có bộ phận cố vấn học tập giỏi Theo ông Trương Minh Hoà, giảng viên không phải chỉ vào lớp làm duy nhất nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho SV mà còn hướng dẫn cách học tập, nghiên cứu… Phải cung cấp đầy đủ tài liệu học tập: giáo trình, tài liệu đọc thêm, tài liệu tham khảo, công bố đề cương chi tiết môn học để SV biết rõ lịch trình học. Còn thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa cho rằng: “Cần có một bộ phận cố vấn học tập thực sự giỏi chuyên môn và có kiến thức bao quát để hướng dẫn SV phát huy được quá trình tự học. Lâu nay các trường vẫn có bộ phận này, nhưng hoạt động chưa hiệu quả”.
|
Mỹ Quyên