09/01/2025

Bỏ con dấu trên văn bằng, tại sao không ? – Kỳ 2: ‘Dấu mộc không có nghĩa lý gì !’

Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và những nhà tuyển dụng cho rằng dấu mộc trong các chứng chỉ, bằng cấp chỉ mang tính hình thức, không phải là “vật làm tin” để ứng viên được nhận vào làm hay không.

 

Bỏ con dấu trên văn bằng, tại sao không ? – Kỳ 2: ‘Dấu mộc không có nghĩa lý gì !’

 

 

Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và những nhà tuyển dụng cho rằng dấu mộc trong các chứng chỉ, bằng cấp chỉ mang tính hình thức, không phải là “vật làm tin” để ứng viên được nhận vào làm hay không.

 

 

Bỏ con dấu trên văn bằng, tại sao không ? - Kỳ 2: ‘Dấu mộc không có nghĩa lý gì !’
Nhà tuyển dụng không dựa vào bằng cấp mà chủ yếu dựa trên năng lực thực sự của người lao động – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian

Nhắc đến những bất cập lâu nay trong việc quản lý dựa trên những bằng cấp có dấu mộc của nhà trường, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM), nhận xét: “Thực ra, với những con dấu, người ta đều làm giả được hết. Bằng cử nhân, tiến sĩ đều làm được. Mộc nổi, mộc chìm đều làm được. Cho nên tôi thấy dấu mộc không có nghĩa lý gì. Thế giới đâu cần mộc, họ chỉ quan trọng chữ ký thôi”. Ông Bé cho hay, cách đây khoảng 2 năm ở Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.HCM) có một trường hợp sử dụng bằng ĐH Kinh tế giả mạo, có mộc đỏ hẳn hoi. Người này sau đó được bố trí lên tới chức quản đốc, làm chủ tịch công đoàn… nhưng cuối cùng bị đuổi việc khi mọi việc vỡ lở.

Ông Nguyễn Văn Bé khẳng định, ông ủng hộ việc bỏ con dấu trong những chứng chỉ bằng cấp. Thay vào đó, phải có mã số của sinh viên để khi nhà tuyển dụng cần xác minh, họ chỉ cần bốc điện thoại gọi đến nhà trường hỏi thăm. Đặc biệt, theo ông Bé, xu hướng quản lý bằng mạng internet là tốt nhất, để doanh nghiệp có thể sưu tra bằng cấp, bảng điểm, lý lịch thông thường (trừ những vấn đề liên quan đến an ninh) của ứng viên. “Nếu được như vậy, không chỉ người đi tìm việc có lợi mà phía doanh nghiệp cũng giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết, tiết kiệm thời gian. Vì vậy, nên tạo điều kiện cho nhà tuyển dụng dễ dàng xác minh về lý lịch, về học lực, về bằng cấp của ứng viên. Đây là điều quan trọng chứ không phải là cái mộc đỏ”, ông Bé nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Thành Công Mobile, nói: “Khi có mật khẩu và mã sinh viên, đơn vị tuyển dụng gõ vào sẽ xác minh ứng viên đó có học thiệt hay không, bằng cấp và bảng điểm. Nếu các trường ĐH nâng cấp lên, làm được điều này thì rất chuyên nghiệp, sẽ nâng cao uy tín của trường. Sinh viên cũng có lợi là không phải sao y bản chính mất thời gian. Khi đó xã hội ai cũng hoan nghênh thôi”.

Nhà trường trực tiếp phản hồi doanh nghiệp

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện bằng cấp và dấu mộc, bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Tổng giám đốc ivivu.com, mở ngăn kéo lục tìm và đưa ra 2 bản sao bằng cấp của mình, đó là bằng cử nhân Trường ĐH Oberlin và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard (Mỹ). Bà Hằng chia sẻ: “Bằng của tôi ở nước ngoài, người ta in trên một tờ giấy rất đẹp. Họ in màu, ký tên và có dấu mộc. Sau khi sung sướng nhận tấm bằng và chụp hình, sinh viên thường đem bằng về treo ở nhà chỉ để khoe thôi. Còn cầm bằng đi xin việc hoặc làm thủ tục gì đó, tôi thấy rất hiếm”. Bà Hằng cho biết thêm: “Nhưng khi về VN, tôi phải lôi những cái bằng này ra đem đi chứng thực và nộp cho các bên. Khác với lúc ở nước ngoài, tôi chưa bao giờ phải đưa nó ra và chỉ rằng tôi từng học ở đây rồi”.

“Vậy lấy gì làm bảo chứng trong tuyển dụng?”, chúng tôi thắc mắc. Bà Hằng nói: “Hồi tôi xin việc ở một ngân hàng bên Mỹ, họ yêu cầu nộp một học bạ. Tôi gửi thư về ĐH Harvard, đề nghị trường gửi học bạ và xác nhận tôi đã học ở đây. Thế là nhà trường in những thông tin đó trên một loại giấy đặc biệt kèm bảng điểm và gửi trực tiếp cho nhà tuyển dụng”.

Bà Hằng nói: “Bằng cấp chỉ mang tính hỗ trợ, bởi vì tôi không hỏi ứng viên từng đi học ở đâu. Nhưng nếu trong quá trình phỏng vấn, tôi vô tình phát hiện ứng viên gian dối một vài thông tin về học vấn thì tôi nghĩ rằng điều đó phản ánh sự không trung thực của bạn ấy”.

Có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng ở Mỹ và VN, ông Dương Xuân Giao, Giám đốc điều hành Công ty phát triển nguồn nhân lực NetViet, cho biết: “Ở nước ngoài, với những vị trí quan trọng, nhà tuyển dụng yêu cầu trường ĐH nơi ứng viên từng theo học gửi trực tiếp bảng điểm cho họ. Điều này đảm bảo bằng không thể nào giả được”. Ông Giao lưu ý: “Doanh nghiệp chỉ cần tra cứu tên sinh viên trong dữ liệu của nhà trường nhanh gọn”.

 

Các trường ĐH cũng nên đi tiên phong

Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng: “Thực tế con dấu trên văn bằng chỉ mang tính hình thức. Ở nước ngoài bằng cấp không cần con dấu. Ở nước ta, có xu hướng doanh nghiệp đã bỏ con dấu thì các trường ĐH cũng nên đi tiên phong. Nếu không sẽ chậm và ngày càng cách xa so với các nước trên thế giới”. Ông Khuyến còn khẳng định: “Đã đến lúc các trường phải tự chịu trách nhiệm về giá trị của tấm bằng do mình cấp. Trường nào có thương hiệu thì bằng cấp của trường đó sẽ có giá trị. Trường nào đào tạo dỏm thì bằng cấp của trường đó sẽ bị xã hội tẩy chay”.

Vũ Thơ

 

Như Lịch