Nói dối bệnh gì?
Nói dối là nói không đúng sự thật. Hầu như ai cũng đã có lần nói dối với những mức độ khác nhau.
Nói dối bệnh gì?
Nói dối là nói không đúng sự thật. Hầu như ai cũng đã có lần nói dối với những mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, với người hay nói dối, họ thường được coi là bất thường, không trung thực hoặc có vấn đề về tâm lý hay bệnh tâm thần.
Từ nhiều nguyên nhân, tình huống, hoàn cảnh khác nhau mà con người “quyết định” nói dối.
Một là để tránh bị trừng phạt.
Hai là để lừa đảo.
Ba là để vu khống người khác.
Bốn là để người khác khỏi bị đau khổ.
Năm là để chứng tỏ những điều mình không có, tỉ như bịa thành tích do lòng tự tôn thấp hoặc ngược lại tự bi kịch hóa để người khác chú ý đến mình. Trong trường hợp này, nói dối cũng được xem là một hành vi để tìm kiếm sự chú ý của người khác.
Sáu là có khi nói dối chỉ cho vui nhằm thỏa mãn một nhu cầu tâm lý của con người, thậm chí trên toàn thế giới như chuyện cá tháng tư, ngày này nhiều đài báo cũng đăng tin vịt “đàng hoàng”…
Như vậy nói dối cũng nhiều kiểu, có thể vô hại và có thể là có hại.
Có nhiều lý giải cho việc nói dối, nói chung người hay nói dối là những người bất thường, được đánh giá là không trung thực hoặc có vấn đề về tâm lý hay thậm chí do bị bệnh tâm thần.
Trong những trường hợp bệnh lý thì nói dối mang tính xung động, mãn tính, không có mục đích để hưởng lợi từ việc nói dối, họ thấy thoải mái dễ chịu khi nói dối, thậm chí còn được gọi là nghiện nói dối.
Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt với các trường hợp người bệnh bị rối loạn trí nhớ, những người này có thể có triệu chứng nhớ nhầm làm ta lầm tưởng với nói dối.
5 chẩn đoán thường gặp
Khi nói dối, cơ thể cũng có thể có những biểu hiện của sự bối rối như điều dối trá được phát âm với âm sắc cao hơn, nói không lưu loát, người có vẻ khựng lại, mắt không nhìn thẳng, lấy tay che miệng, sờ mũi, mím môi, nắm bàn tay… |
Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần ấn bản lần thứ năm của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ thì nói dối thường gặp trong các chẩn đoán sau:
(1) các rối loạn nhân cách (như các rối loạn nhân cách chống xã hội, ranh giới, kịch tính),
(2) các rối loạn giả vờ,
(3) giả bệnh,
(4) bịa chuyện
(5) nói dối bệnh lý.
Lưu ý cần phân biệt nói dối với hoang tưởng. Trong hoang tưởng người bệnh nói ra những ý tưởng, phán đoán sai lầm của mình mà bệnh nhân tin là đúng sự thật, chúng ta không thể nào đả thông, giải thích được. Các biểu hiện này gặp trong các trạng thái loạn thần, rối loạn nhân cách paranoid.
Trong số các rối loạn tâm thần kể trên thì triệu chứng bịa chuyện là thường gặp nhất ở nước ta hiện nay. Trong thực hành lâm sàng chúng tôi thường gặp triệu chứng này ở những bệnh nhân nghiện rượu mãn tính, mà số lượng người nghiện rượu ở nước ta không ít.
Những trường hợp này do thiếu vitamin B1 gây ra tình trạng viêm não gọi là hội chứng Korsakov. Người bệnh thường bịa ra những chuyện không có thật không nhằm một mục đích gì mà do tổn thương não gây ra, nghiện rượu đến mức này rất khó chữa.
Các nghiên cứu khoa học về sinh lý học thần kinh cho thấy rõ hoạt động của não bộ khi nói dối và nói thật khác biệt nhau: khi nói dối thì có những vùng não hoạt động nhưng khi nói thật không có.
Thông thường khi nói dối, cơ thể cũng có thể có những biểu hiện của sự bối rối như điều dối trá được phát âm với âm sắc cao hơn, nói không lưu loát, người có vẻ khựng lại, mắt không nhìn thẳng, lấy tay che miệng, sờ mũi, mím môi, nắm bàn tay lại…
Ngoài ra lúc nói dối nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, thân nhiệt cũng thay đổi, đây là cơ sở hoạt động của máy phát hiện nói dối. Tuy nhiên độ tin cậy của máy này vẫn còn bị hoài nghi.
Không thuốc đặc trị
Cũng như mọi căn bệnh khác, để điều trị những người nói dối bệnh lý, các nhà trị liệu tâm lý phải tìm hiểu động cơ nói dối của từng trường hợp một, xác định các rối loạn tâm thần liên quan nếu có để thay đổi hành vi của người bệnh. Cũng cần tìm hiểu thêm về hoàn cảnh sống của người bệnh, các sang chấn tâm lý ngay cả từ thời thơ ấu.
Cần lưu ý nói dối là một biểu hiện trong nhiều bệnh lý khác nhau nên bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác để điều trị các rối loạn tâm thần kết hợp.
Để đánh giá các loại nhân cách, người ta thường dùng trắc nghiệm MMPI (Minnesota Multiphasic Personality Inventory). Sau đó mới lên kế hoạch điều trị nhằm giúp người bệnh kiểm soát được xung động nói dối của mình.
Thuốc men chỉ được dùng để điều trị các triệu chứng loạn thần, trầm cảm hoặc lo âu kết hợp mà thôi chứ không có thuốc đặc trị chữa nói dối.
Tóm lại, nói dối là một rối loạn tâm lý thoạt nghe thì vô hại, nhưng thật ra lại gây rất nhiều phiền phức trong các mối quan hệ xã hội, xây dựng niềm tin… điều trị phức tạp, khó khăn không phải lúc nào cũng có hiệu quả.
Vì vậy nếu xung quanh ta có người thân, bạn bè, đồng nghiệp bị chứng bệnh này thì tốt hơn hết là ta phải lưu ý, giúp đỡ và… cảnh giác.