06/01/2025

Dạy thêm ở trung tâm sinh hoạt, tiệm karaoke

Hai ngày nghỉ cuối tuần, học sinh tiểu học vẫn phải cắp sách đến nhà cô giáo để học thêm, học sinh trung học cơ sở thì học thêm suốt cả ngày chủ nhật.

 

Dạy thêm ở trung tâm sinh hoạt, tiệm karaoke

 

Hai ngày nghỉ cuối tuần, học sinh tiểu học vẫn phải cắp sách đến nhà cô giáo để học thêm, học sinh trung học cơ sở thì học thêm suốt cả ngày chủ nhật. 

 

 

Một lớp học thêm ghép lớp 3, 4, 5 trên đường Phan Chu Trinh (Huế) vào tối chủ nhật – Ảnh: Ngọc Hiển
Môn lý lớp 6 thì có gì mà phải dạy thêm. Nếu dạy trước chương trình là vừa vi phạm quy định của ngành lại không đúng về mặt đạo đức nhà giáo
Ông NGUYỄN PHƯƠNG 
(hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Có lớp tiểu học cô giáo còn dạy thêm cả khoa học, lịch sử, địa lý…

Ðó là tình trạng đang diễn ra tại TP Huế.

Bất chấp chỉ thị “Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học” của bộ trưởng Bộ GD-ÐT, nhiều giáo viên tiểu học trên địa bàn TP Huế cho rằng đó là lớp học “phụ đạo”. Giáo viên còn thuê phòng, thậm chí dạy thêm ngay tại tiệm karaoke nhưng hiệu trưởng không hề hay biết.

Cuối tuần cũng kín lịch học thêm

Vẫn tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi tiểu học

Mặc dù bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ra chỉ thị (ban hành ngày 3-11) quy định không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học, nhưng một số trường tiểu học tại TP Huế vẫn tổ chức bồi dưỡng cho học sinh giỏi.

Một giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi cho biết trường này trong tháng 11 vẫn tổ chức ba lớp bồi dưỡng học sinh giỏi các môn toán, tiếng Việt và tiếng Anh.

Còn tại một trường tiểu học khác vào ngày 29-11 (thứ bảy) vẫn tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho học sinh giỏi lớp 5.

Hiệu trưởng trường này cho biết vẫn chưa có công văn chính thức bỏ thi học sinh giỏi từ Phòng GD-ĐT TP Huế nên trường vẫn bồi dưỡng cầm chừng.

14g chiều chủ nhật 30-11, các phòng học tại tầng hai của Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên – Huế (57 đường Lâm Hoằng, TP Huế) vẫn sáng đèn và rộn rã tiếng trẻ em.

Bên trong các phòng học khóa trái cửa là học trò đang giải bài tập toán trên bảng, có lớp thì cô giáo đang dạy môn lịch sử hoặc tiếng Anh.

Ðó là các lớp dạy thêm của giáo viên Trường tiểu học Vỹ Dạ, thuê mặt bằng Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh.

Ðứng đợi con trước cổng Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, chị H. có hai con học lớp 3 và lớp 5 Trường tiểu học Vỹ Dạ cho biết con chị không có ngày nào nghỉ, từ thứ hai đến thứ sáu học bán trú ở trường từ 7g-16g15 mỗi ngày. Hai ngày cuối tuần không học ở trường thì đến học thêm tại đây. Hai vợ chồng phải phân công nhau đưa đón hai con đi học thêm, xem như cả nhà đều không còn ngày nghỉ cuối tuần.

“Thật tình tôi chẳng muốn ép buộc con học thêm cả ngày nghỉ, nhưng cô giáo nói cháu yếu, chỉ học ở lớp thôi sẽ không kịp bạn nên cô dạy thêm buổi nào thì cháu theo cô buổi đó” – chị H. nói.

Nhà ở đường Nguyễn Sinh Cung, cô T., giáo viên Trường tiểu học Vỹ Dạ, từ đầu hè đã dạy thêm chương trình của năm học mới, nên đến nay lớp học thêm đã học sang phần của học kỳ hai môn tiếng Việt. Phụ huynh cho biết cô giáo không cho mang theo vở học thêm lên lớp, nhưng các em đã học thêm rồi nên đến lớp làm bài tập rất nhanh.

Tại một điểm dạy thêm trên đường Phan Chu Trinh, cô giáo ghép hơn 20 học sinh các lớp 3, 4 và 5 vào một phòng, trong lúc cô giảng bài cho lớp này thì lớp kia làm bài tập. Lớp học này kéo dài cả tuần. Sau khi học bán trú ở trường, phụ huynh chở thẳng con đến đây để kịp giờ học từ 16g30-19g30, riêng thứ bảy và chủ nhật học từ 16g-18g.

Chị T., có con đang học thêm lớp này, cho biết: “Con tôi học lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Ninh, tuần ba buổi học thêm với thầy chủ nhiệm nhưng chưa yên tâm nên mới đưa đến lớp này mà không biết cô cho cả ba khối học chung một lớp nhốn nháo như thế”.

“Giấu được ai thì giấu”

Khi phát hiện có người lạ đến ghi hình, cô M., giáo viên Trường tiểu học Vỹ Dạ đang dạy thêm môn địa lý ở Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, đột ngột cho học sinh gấp sách vở ra về.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi kết thúc buổi học, cô M. phân trần: “Ðây là lớp tôi chủ nhiệm, tôi dạy phụ đạo miễn phí chứ không phải học thêm cũng không bắt buộc các em đến học. Các em yếu quá nên tôi phải phụ đạo đủ các môn, kể cả khoa học, lịch sử, địa lý, tin học để các em thi học kỳ. Ở trường tôi lớp nào cũng phải phụ đạo như thế này, kể cả lớp giỏi, học sinh giỏi cũng đi học phụ đạo”.

Khi được hỏi tại sao phụ đạo không dạy ở trường mà lại dạy bên ngoài, lại còn thu tiền học sinh mỗi tháng 200.000 đồng thì cô M. cho rằng cuối tuần nhà trường đóng cửa nên cô thuê trung tâm này dạy, phụ huynh thấy cô nhiệt tình quá nên bồi dưỡng thêm mà thôi.

Cô H., giáo viên Trường tiểu học Vỹ Dạ, thừa nhận không phải dạy phụ đạo mà là dạy thêm, học phí mỗi tháng 200.000 đồng mỗi em và cô phải trích lại 400.000 đồng để trả tiền thuê phòng học.

Cô giáo này bộc bạch rất chân thành: “Học sinh học cả tuần rồi nên chỉ còn hai ngày thứ bảy và chủ nhật để học thêm thôi. Mình không muốn dạy nhưng phụ huynh chở con đến tận nhà yêu cầu. Học sinh yếu thì phụ huynh kêu cô thiếu trách nhiệm. Cuối học kỳ, áp lực thi đua giữa các lớp cũng đè nặng giáo viên nên phải dạy thêm nhưng giấu hiệu trưởng, nói chung giấu ai được thì giấu”.

Quá bất ngờ!

Ông Phan Ðức Sanh, hiệu trưởng Trường tiểu học Vỹ Dạ, cho biết quá bất ngờ bởi từ đầu năm trường đã cấm dạy thêm, không dạy phụ đạo.

“Giáo viên đã sai hoàn toàn, bắt các em đi học vào ngày nghỉ cuối tuần là phản giáo dục, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Tuy nhiên, cũng có phụ huynh nhờ cô dạy và các cô cũng chịu áp lực thi đua cuối năm nên mới dạy thêm lén lút như thế. Nhưng phát hiện trường hợp dạy thêm chúng tôi sẽ xử lý ngay, thậm chí cắt thi đua” – ông Sanh nói. 

Ông Lâm Thủy, phó trưởng Phòng GD-ÐT TP Huế, cho biết từ đầu năm học, tất cả giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn TP Huế đã ký cam kết không dạy thêm. Ở TP Huế chỉ có bốn giáo viên THCS được cấp phép dạy thêm, còn cấp tiểu học hoàn toàn không có, đến nay phòng cũng chưa phát hiện trường hợp nào dạy thêm trái phép.

Tuy nhiên, ông Thủy thừa nhận tình trạng dạy thêm trong TP Huế vẫn còn tồn tại, chỉ mới giảm so với năm trước và không thể chấm dứt trong một sớm một chiều.

Theo ông Thủy, các môn địa lý, lịch sử mà dạy thêm là do giáo viên bày đặt, và lấy cớ áp lực thi đua cuối học kỳ là ngụy biện.

“Không được nhồi nhét kiến thức cho học sinh tiểu học. Lứa tuổi này phải vừa học vừa chơi, phải có ngày cuối tuần nghỉ ngơi, như thế lên các cấp cao hơn các em sẽ phát triển rất tốt. Còn trường nào để xảy ra dạy thêm, hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm, bản thân lãnh đạo phòng cũng phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã lập đoàn thanh tra và sẽ phối hợp chính quyền địa phương nắm tình hình nơi giáo viên cư trú để xử lý các trường hợp dạy thêm trái phép” – ông Thủy nói.

Học sinh lớp 6 bước ra từ một lớp học thêm trong quán karaoke – Ảnh: Ngọc Hiển

Dạy trước chương trình

Không riêng gì cấp tiểu học, học sinh THCS cũng tranh thủ ngày chủ nhật để học thêm. Với các trường học hai buổi chính khóa thì lớp học thêm chuyển qua ban đêm, và chủ nhật là ngày nghỉ duy nhất trong tuần đã trở thành thời gian trống để các lớp dạy thêm điền vào. Các trường học một buổi thì tận dụng cả ngày thứ bảy để học thêm. 

Sáng thứ bảy khi chúng tôi đến tiệm karaoke mang tên Ti Gôn tại kiệt 87 trên đường Nguyễn Huệ thì thấy học sinh ra vào khá đông, xác minh thì được biết cô H. dạy toán lớp 6 ở Trường THCS Nguyễn Chí Diểu dạy ở điểm này.

Cô T., giáo viên vật lý lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, dạy thêm vào chiều chủ nhật ở nhà riêng trên đường Tố Hữu. Học sinh cho biết ở lớp học thêm cô dạy trước chương trình và làm hết bài tập trong sách giáo khoa, lên lớp chỉ việc học và giải lại bài đã giải ở lớp học thêm.

NGỌC HIỂN