26/11/2024

Chúa Nhật I MV B – 2014: Hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô để trở thành lời cứu độ cho mọi người

Bắt đầu Mùa Vọng hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho mỗi người chúng ta luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để trở thành trở thành lời cứu độ thật sự cho mọi người.

 Chúa Nhật I MV B – 2014

Hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô

để trở thành lời cứu độ cho mọi người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Bắt đầu năm Phụng vụ mới, năm B, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để có thể gặp được Đức Giêsu Kitô khi Người đến trong vinh quang vì không biết Người đến lúc nào như bài Phúc Âm diễn tả (x. Mc 13,33-37). Chúng ta cũng biết rằng mình có thể gặp được Đức Giêsu trong từng giây phút của cuộc sống trần thế để cảm nghiệm được Nước Trời không ở đâu xa, ở ngay trong lòng ta và ở giữa cộng đồng ta. Trong Chúa Nhật đầu tiên, chúng ta cần nhận thức được những yêu cầu của Giáo Hội đề ra cho năm mới này.

1. Định hướng năm mới

1.1. Chủ đề và kỷ niệm

Chúng ta biết Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta dành năm 2015 để suy nghĩ về đời sống thánh hiến, để cầu nguyện và giúp đỡ các linh mục, nhất là các tu sĩ, luôn sống gắn bó với Chúa Giêsu, trở nên hình ảnh sống động của Người cho thế giới.

Sau Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới năm 2012 theo chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin”, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị dành 3 năm liên tục cho công cuộc Phúc Âm hoá: năm 2014 để Phúc Âm hoá gia đình; năm 2015: bắt đầu từ Mùa Vọng này để Phúc Âm hoá giáo xứ và cộng đoàn; năm 2016 để Phúc Âm hoá xã hội.

Năm 2015 còn là dịp kỷ niệm trọng đại: 400 năm Giáo hội Việt Nam chính thức đón nhận Phúc Âm. Ngày 18/1/1615, đoàn Thừa sai Dòng Tên đầu tiên gồm linh mục Francois Buzomi, Diego Carvalho, 3 trợ sĩ là thầy Antonio Dias, Joseph và Paulo Saito (người Nhật Bản) đã đến Cửa Hàn, Đà Nẵng, để loan báo Phúc Âm cho dân tộc Việt Nam. Chỉ trong vòng 50 năm đầu tiên có hơn 100 ngàn tín hữu tin theo Đức Kitô. Từ đó các tín hữu Công giáo giới thiệu những giá trị mới của Phúc Âm như ý thức dân chủ, hôn nhân một vợ một chồng, bình đẳng nam nữ, khoa học kỹ thuật, chữ Quốc ngữ…cho hàng triệu đồng bào.

1.2. Tình trạng trì trệ, kém kết quả trong việc Phúc Âm hoá

Nhưng có lẽ chúng ta đang được mời gọi cùng nhìn lại tình trạng tình trạng trì trệ, kém kết quả trong việc Phúc Âm hoá của Giáo hội toàn cầu cũng như Giáo Hội Việt Nam để lắng nghe Đức Thánh Cha cũng như Hội đồng Giám mục yêu cầu ta điều gì.

Đối với Giáo Hội Việt Nam, trong hai thế kỷ đầu truyền giáo, có thể nói Phúc Âm được giới thiệu cho đồng bào qua nhiều giá trị mới và tín hữu đã sống những giá trị đó một cách tốt đẹp khiến cho nhiều người tin theo Đức Giêsu. Thời đó Giáo Hội không có nhà thờ, đền thánh, không có trường học, nhà giáo lý, và các phương tiện vật chất tối thiểu để truyền đạo như bây giờ. Các tín hữu phải lẩn trốn trong những nhà nhỏ bé để sống và chia sẻ những giá trị tốt đẹp của Phúc Âm cho nhau. Mọi người yêu thương và nâng đỡ nhau trong công việc, học hành, trong những thử thách của đời sống, nhất là trong những lúc bị bách hại với 130 ngàn người đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, chúng ta lại cuốn hút đồng bào tin theo Đức Kitô cách hiệu quả.

Từ năm 1883, khi không còn bị bách hại, được chính thức xây dựng nhà thờ, trường học, được tự do truyền đạo và hoạt động bác ái thì số người tin theo Đức Kitô lại giảm sút. Từ năm đó đến năm 2014, tỉ lệ người Công giáo Việt Nam vẫn giữ nguyên 7% dân số. Nếu so sánh với Giáo hội Hàn Quốc, chỉ trong vòng 60 năm, tỷ lệ dân số Công giáo so với dân số toàn quốc tăng từ 1% vào năm 1949 lên đến 10,5% vào năm 2010, và năm 2014 lên đến 13%, chưa kể 18% tin theo Chúa Kitô trong các giáo phái Tin Lành. Còn Việt Nam chúng ta, suốt 130 năm không tăng 1%! Vì thế chúng ta cần phải thay đổi để việc Phúc Âm hoá hiệu quả hơn.

1.3. Yêu cầu cho giai đoạn mới

Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của từng tín hữu cũng như của cộng đồng giáo xứ để thấy mình cần phải thay đổi những gì và thay đổi như thế nào. Giáo Hội quyết tâm, từ năm 2015, bắt đầu một giai đoạn mới: giai đoạn tân Phúc Âm hoá nhằm hướng mọi nỗ lực vào cuộc hiệp thông với Chúa Kitô để truyền bá đức tin.

Nếu nhìn vào đời sống của Giáo hội toàn cầu, chúng ta cùng ưu tư với Đức Thánh cha Phanxicô khi thấy rất nhiều cộng đồng tín hữu, từ các vị linh mục, tu sĩ, cho đến các giáo dân ưu tuyển thuộc các hội đoàn Công giáo Tiến hành, hình như chỉ sinh hoạt trong nhà thờ và quanh nhà xứ. Người tín hữu chưa dám mở rộng hoạt động “để đi tới những vùng ven”, tức là đến gặp những người nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bị gạt ra ngoài lề xã hội mà chúng ta có trách nhiệm phải loan báo Phúc Âm cứu độ cho họ một cách cụ thể. Giống như Chúa Giêsu, người ta đói, ta cho họ ăn; người ta bệnh, ta giúp cho họ được chữa lành; người ta bị ma quỷ kiềm chế, ta giải thoát họ; người ta bị lo buồn vì tội lỗi, mặc cảm, ta giúp cho họ cảm nghiệm được niềm vui, bình an và hạnh phúc Nước Trời.

Tuy nhiên, việc thay đổi đời sống không phải bằng cách hô hào, nhắc nhở vài ý hướng, viết lên vài khẩu hiệu như các năm trước đây. Chúng ta cần có những hành động cụ thể, rõ ràng, hiểu quả thì mới biến đổi thật sự con người. Vậy chúng ta sẽ làm gì?

2. Hiệp thông với Chúa Kitô để đổi mới

Các bài Thánh Kinh Chúa nhật hôm nay gợi ý cho chúng ta nhiều điều căn bản cho cuộc biến đổi mình và cộng đồng.

2.1. Biến đổi là công việc của Chúa

Trong nhiều năm qua chúng ta đã dâng lễ, cầu nguyện, làm việc từ thiện bác ái nhưng nhiều người tự hỏi tại sao việc truyền đạo lại kém kết quả. Bài đọc I (x. Is 63, 16-19; 64,2-7) như giải đáp cho ta câu hỏi này. “Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi”. Chúng ta sống đạo, truyền đạo bằng sức lực của mình, tự mãn vì những hành động đạo đức tốt đẹp của mình, và người ngoài Công giáo chỉ thấy ta chứ không thấy Chúa, nên họ chẳng thể nào tin Chúa và theo ta. Trước đây, qua đời sống các tổ tiên anh hùng của ta, họ thật sự gặp Chúa, nên dù bị bách hại, họ vẫn tin tưởng và sống các giá trị mới mẻ của Phúc Âm vì chúng đem lại cho họ niềm vui, hạnh phúc, giá trị làm người và làm con Chúa. Còn bây giờ, người Công giáo Việt Nam đem lại cho đồng bào mình những giá trị mới mẻ nào?

Điều ta cần làm là phải tin tưởng vào Chúa và hành động theo sự thúc đẩy và ân phúc Ngài ban vì “Lạy Chúa, Ngài là cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài làm ra tất cả chúng con” (Is 64,7). Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài để ban cho ta muôn vàn ân sủng, chia sẻ cho ta đời sống thần linh nên chúng ta có quyền sống và phải sống hạnh phúc, sung túc, thánh thiện như con cái tự do của Thiên Chúa.

Hơn nữa, sau khi con người phạm tội, cắt đứt nguồn sống thần linh thì Ngài đã cứu chữa chúng ta bằng cách sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, đến với ta. Người đến chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống kỳ diệu của Cha Trên Trời để chứng tỏ rằng Ngài đã tha thứ cho ta và muốn ta biến đổi để trở thành con Thiên Chúa giống như Người. Chúng ta đang chuẩn bị, không phải chỉ để kỷ niệm nhưng là để đón nhận, biến cố trọng đại đó trong mùa Giáng Sinh này vì Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm này và mãi mãi vẫn là một.

2.2. Canh thức để hiệp thông với Chúa Kitô

Bài đọc II (x. 1Cr 1,3-9) giới thiệu cho chúng ta phương thể để đổi mới chính mình vàcộng đồng, đó là hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Côrintô, nhắc nhở chúng ta rằng: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Ngài đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để trong Người chúng ta được phong phú về mọi phương diện”. Khi ta kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, Người sẽ ban cho ta tất cả những ân huệ thiêng liêng, biến đổi chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Người cho tất cả những ai nghèo khó, đói khát, bệnh tật, bị ma quỷ kiềm chế đang đầy rẫy trong xã hội hôm nay.

Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở ngay trong lòng ta. Chúng ta được mời gọi để canh thức vì từng giây phút của đời sống, từng ý nghĩ, nụ cười, từng lời nói, hành động, dù nhỏ bé nhất của ta, cũng được Chúa Giêsu đón nhận để chuyển vào đó tình yêu, quyền năng và ân phúc của Người. Nhờ đó mỗi lời ta nói ra sẽ là lời cứu độ, mỗi nụ cười của chúng ta đều mang lại niềm vui Phúc Âm, từng hành động của ta làm cho người khác được chữa lành, được giải thoát khỏi ma quỷ kiềm chế, được sung túc về vật chất và tinh thần và chúng ta trở thành lời cứu độ thật sự cho mọi người giống như Ngôi Lời đã nhập thể làm người và đang ở giữa chúng ta.

Lời kết

Bắt đầu Mùa Vọng hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho mỗi người chúng ta luôn luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để trở thành hình ảnh sống động của Người, trở thành lời cứu độ thật sự cho mọi người.