01/01/2025

Trường “gồng mình” vì thiếu hiệu phó

Gần nửa năm học trôi qua nhưng hàng loạt trường từ mầm non, tiểu học, THCS tại Q.10, TP.HCM vẫn phải chịu cảnh không có hoặc thiếu phó hiệu trưởng.

 

Trường “gồng mình” vì thiếu hiệu phó

 

Gần nửa năm học trôi qua nhưng hàng loạt trường từ mầm non, tiểu học, THCS tại Q.10, TP.HCM vẫn phải chịu cảnh không có hoặc thiếu phó hiệu trưởng.

 


 

 

Giờ tan học ở Trường tiểu học Bắc Hải, một trong nhiều trường ở Q.10, TP.HCM thiếu hiệu phó –  Ảnh: Như Hùng

Hiệu trưởng các trường này luôn trong tình trạng quá tải với công việc điều hành hoạt động của trường, hội họp với các cấp, thực hiện chuyên môn, tiếp phụ huynh, tổ chức hoạt động bán trú, ngoài giờ lên lớp…

Ngay cả chánh văn phòng UBND và Phòng GD-ĐT quận cũng không biết khi nào các trường này được bố trí nhân sự, dù nhiều trường hợp đã được trình từ tháng 3-2014.

Hiệu trưởng “tả xung hữu đột”

Nằm trong hàng loạt trường không có hiệu phó từ đầu năm học đến nay, Trường tiểu học Điện Biên (Q.10) có “hoàn cảnh” đặc biệt nhất vì sau hơn một năm “khuyết” hiệu trưởng, giờ vẫn chưa biết khi nào mới có hiệu phó.

Năm học 2013-2014, sau khi thầy hiệu trưởng cũ được chuyển về Phòng GD-ĐT, Trường tiểu học Điện Biên một thời gian dài không có hiệu trưởng và lúc này cô Phạm Thị Gái, hiệu phó nhà trường, phải “lãnh” trách nhiệm phụ trách công tác của trường.

Đến đầu năm học 2014-2015, một hiệu phó ở Trường tiểu học Dương Minh Châu mới được điều động về làm hiệu trưởng của trường. Hiệu trưởng mới, công việc mới lại trong cảnh không có người phụ giúp, hỗ trợ. Từ khi có hiệu trưởng mới thì nơi đây lại không còn phó vì người cũ đã xin chuyển công tác về Q.3, sau một năm phải mệt nhọc choàng gánh công việc của người đứng đầu.

Không biết nguyên nhân

Ông Võ Ngọc Thanh, chánh văn phòng UBND Q.10, cho biết quy trình bố trí nhân sự lãnh đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận như sau: Phòng GD-ĐT và Phòng nội vụ chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất nhân sự lên lãnh đạo khối (phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã), sau đó chuyển qua ban tổ chức quận ủy (tham mưu) đến thường trực quận ủy.

Sau đó chuyển hồ sơ về lại để xin ý kiến tập thể lãnh đạo UBND quận. Trong trường hợp nhân sự đó không được các cấp đồng ý (ví dụ, ban tổ chức quận ủy không đồng ý) thì sẽ được trả lời ngay.

Về việc đến bao giờ các trường mầm non, tiểu học, THCS có phó hiệu trưởng, ngay cả Phòng GD-ĐT Q.10, đơn vị được chánh văn phòng UBND Q.10 yêu cầu cung cấp thông tin cho Tuổi Trẻ, cũng lắc đầu vì họ không có câu trả lời.

Đối với từng trường hợp cụ thể, Phòng GD-ĐT cũng cho biết họ không hiểu do thiếu thủ tục, do không đồng ý hay có nguyên nhân nào khác.

Tại Q.10, rất nhiều trường vấp phải tình trạng như Trường tiểu học Điện Biên.

Theo số liệu từ Phòng GD-ĐT, Q.10 hiện có ba trường mầm non, 11 trường tiểu học (trong đó có năm trường hoàn toàn không có hiệu phó) và ba trường THCS trong tình trạng không có hoặc thiếu hiệu phó.

“Nếu có hiệu phó, tôi có thể giao đi họp các buổi về triển khai công tác y tế học đường, chích ngừa cho học sinh, công tác bảo vệ môi trường hoặc các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của trường trong phường… Không có phó, có tuần tôi đi họp kín cả sớm, cả chiều, không có thời gian để đến từng lớp, quan sát các hoạt động dạy học của giáo viên, học sinh như trước. Một người cứ phải trong nhiều vai thì rất khó để làm tốt mọi việc, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh” – hiệu trưởng một trường tiểu học có hơn 700 học sinh ở Q.10 chia sẻ.

Gần bốn tháng không có hiệu phó, hiệu trưởng một trường tiểu học khác cho biết để có thể sát sao công tác học tập của học sinh, nắm chuyên môn của từng giáo viên, ông luôn phải “trên từng cây số”, thoắt ẩn thoắt hiện lúc ở trường, khi ở cụm, khi ở quận, lúc lại ngồi trong lớp…

Cứ có giờ nào ở trường, thầy tranh thủ thời gian để dự giờ thăm lớp mà rất nhiều khi không báo trước cho giáo viên. Có khi thầy còn yêu cầu họp tổ chuyên môn giữa giờ ra chơi để nắm tình hình.

Thầy cũng nhờ các tổ chuyên môn phụ giúp trong công tác để có thể làm “tròn vai” hơn. Khi phải báo cáo về bữa trưa học đường, thầy nhờ cô tổ trưởng bán trú soạn; những gì liên quan đến thể dục, thẩm mỹ, thầy nhờ tổ văn thể mỹ; triển khai thông tư 30 (thay chấm điểm bằng nhận xét)… thầy lại nhờ các tổ chuyên môn viết ra giúp.

Nhưng thực tế, công tác chuyên môn của giáo viên và các tổ bộ môn đã bở hơi tai, việc viết báo cáo lắm lúc cũng chỉ là viết cho có, nên không ít lần hiệu trưởng phải hết chỉnh sửa lại bổ sung mới có thể gửi đi hoặc trình lên trên được.

“Tôi biết nhiều chuyện làm không đúng chức năng, nhiệm vụ như vậy thì giáo viên sẽ khó chịu, nhưng giờ biết làm sao khi bản thân cũng phải choàng gánh rất nhiều việc” – vị hiệu trưởng này thừa nhận. Thầy cho rằng nếu có người “đỡ đần công việc sự vụ”, thầy có thể yên tâm hơn để tìm cách phát triển trường, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Trình 9 tháng vẫn chưa có câu trả lời

Điều lệ trường tiểu học ban hành theo thông tư 41 của Bộ GD-ĐT ngày 30-12-2010 quy định mỗi trường tiểu học phải có từ một đến hai phó hiệu trưởng, trong trường hợp đặc biệt có thể bổ nhiệm thêm. Ở Q.10, tất cả trường tiểu học đều học ngày hai buổi, có bán trú, nhiệm vụ và các hoạt động dạy học rất nặng. Hiểu rõ điều này, nhưng tại sao công tác bố trí nhân sự cho giáo dục ở Q.10 lại chậm trễ?

Trả lời Tuổi Trẻ, Phòng GD-ĐT Q.10 cho biết vị trí lãnh đạo các trường (từ mầm non, tiểu học, THCS) đều được thực hiện theo đề án nhân sự năm năm. Sau khi có đề án, để bổ sung lãnh đạo cho các trường, Phòng GD-ĐT sẽ có tờ trình lên Phòng nội vụ UBND quận.

Từ tháng 3-2014, Phòng GD-ĐT đã có bốn tờ trình gửi Phòng nội vụ UBND quận để đề bạt, bổ sung nhân sự cho các trường.

“Phòng GD-ĐT đã gửi tờ trình đầu tiên vào tháng 3-2014, tiếp đó là tờ trình tháng 5-2014, tháng 9-2014 và tháng 10-2014. Mỗi tờ trình, quận chỉ giải quyết 1-2 trường hợp. Sau đó, do chờ đợi quá lâu và “nóng ruột” vì sự đốc thúc của các hiệu trưởng, Phòng GD-ĐT tổng hợp bốn tờ trình đó và gửi lại cho Phòng nội vụ quận vào ngày 7-11-2014” – ông Phan Văn Đồng, trưởng Phòng GD-ĐT Q.10, cho biết.

Trong tờ trình ngày 7-11, có năm trường mầm non, 11 trường tiểu học, ba trường THCS thiếu hiệu phó và bốn trường hợp hiệu phó ở các trường hết thời gian giữ chức vụ yêu cầu được bổ nhiệm lại. Theo tờ trình này, trong số 11 trường tiểu học hiện không có hoặc thiếu hiệu phó, có hàng loạt trường hợp đã gửi lên quận từ tháng 3, tháng 5 và tháng 9-2014.

Đó là các trường như tiểu học Thiên Hộ Dương, Bắc Hải, Điện Biên, Nhật Tảo, Trương Định, Hoàng Diệu, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Thị Kỷ. Ông Nguyễn Thành Văn, phó Phòng GD-ĐT Q.10, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến việc bố trí hiệu phó ở các trường mầm non, tiểu học, THCS bị ách lại. Như việc giáo viên hoặc hiệu phó khai không đủ trong hồ sơ hoặc chờ để bổ túc các chứng chỉ, văn bằng, lý lịch… Tuy nhiên, không có trường hợp nào trong số này bị vướng về tiêu chuẩn, nguyên nhân chậm chủ yếu nằm ở quy trình.

Sợ chểnh mảng chuyên môn vì choàng gánh

Một giáo viên tiểu học tại Q.10 là tổ trưởng tổ bộ môn cho biết việc thiếu hiệu phó khiến các giáo viên rất cực, nhất là từ sau ngày 15-10 khi Bộ GD-ĐT áp dụng thông tư 30. Tổ bộ môn thường được hiệu trưởng nhờ phải “giúp việc” như xem xét sổ sách trong tổ và viết báo cáo. Tổ trưởng bộ môn do còn phải đi dạy nên cũng phải chia việc cho các giáo viên trong tổ.

“Biết hiệu trưởng nhiều việc, giáo viên chúng tôi cũng rất chia sẻ, giúp đỡ, nhưng phải thú thật là cứ làm như thế này hoài thì đuối lắm, không thể làm nổi. Mà làm vậy, chúng tôi cũng không được tăng lương, trong khi không có thời gian để rèn luyện thêm chuyên môn, e ngại nhất là sa sút, chểnh mảng chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và sự tin yêu của phụ huynh, học sinh” – cô giáo này nói.

MỸ DUNG