26/11/2024

“Trả lại bình yên cho khu phố”

Góp phần làm nóng trang báo Tuổi Trẻ tháng 10-2014 là bốn câu chuyện từ bạn đọc.

 

“Trả lại bình yên cho khu phố”

Góp phần làm nóng trang báo Tuổi Trẻ tháng 10-2014 là bốn câu chuyện từ bạn đọc.

 

 

Nhờ hỗ trợ của bạn đọc, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi được nhiều hình ảnh tiêm chích và mua bán ma túy tại khu vực bến xe An Sương, TP.HCM - Ảnh: Khoa Long
Nhờ hỗ trợ của bạn đọc, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi được nhiều hình ảnh tiêm chích và mua bán ma túy tại khu vực bến xe An Sương, TP.HCM – Ảnh: Khoa Long

Bốn câu chuyện này gồm: phóng sự ảnh “Dân kêu trời vì chợ ma túy”, thông tin “Sản phụ bị xe trộn bêtông cán chết”, nổ lớn tại Q.12 (TP.HCM) và tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên quốc lộ 14 ngày 1-10.

Giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 10-2014 đã trân trọng trao đến bốn bạn đọc này.

Ngoài ra, giải thưởng cũng trao đến bạn đọc T.N. ở thị xã La Gi (Bình Thuận) – người báo cho Tuổi Trẻ thông tin “Một người chết ở đồn công an trong tư thế treo cổ” (Tuổi Trẻ ngày 28-10).

Chị N. cho biết gia đình người bị chết rất bức xúc nên chị cung cấp thông tin cho Tuổi Trẻ với mong muốn báo chí tìm hiểu và thông tin xác thực cho người dân về nguyên nhân sự việc.

Chợ ma túy đã giảm 60%

Sống ở khu vực bến xe An Sương, Q.12, TP.HCM, hằng ngày chứng kiến cảnh mua bán ma túy và hút chích xì ke diễn ra quá công khai, xem thường pháp luật.

Sau khi đắn đo, cân nhắc, một bạn đọc (tạm gọi là ông A.) đã gọi điện đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ để phản ảnh.

Ngay lập tức, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ với ông và được hướng dẫn rất tận tình cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tay ảnh tác nghiệp.

Và phóng sự ảnh “Dân kêu trời vì chợ ma túy” – thành quả của bốn ngày đêm mật phục của phóng viên – đã đăng trên Tuổi Trẻ ngày 12-10. 

Ông A. nhớ lại: “Hôm đó là chủ nhật, vừa cầm Tuổi Trẻ trên tay là tôi thấy vui trong lòng liền, mở ra xem thấy phục các cháu phóng viên quá đỗi. Ra trước nhà, tôi thấy mọi người xôn xao về tờ báo, nhà nào cũng tìm mua Tuổi Trẻ về xem. Ngó qua dải phân cách quốc lộ 22 thấy sạch bóng dấu vết ma túy, bình yên đến lạ, tôi và bà con khu phố vui mừng khôn xiết”.

Ông A. chia sẻ: Trước đây, đêm nào những người nghiện cũng nằm trước nhà chúng tôi, vứt ống tiêm khắp nơi, tiêu tiểu tại chỗ. Sáng ra, chúng tôi phải đuổi họ đi, dọn dẹp, chùi rửa hiên nhà. Cả dãy nhà ai cũng bị thế, phản ứng, đuổi đi thì những người nghiện đập phá nhà cửa trả thù.

Có gia đình có con đi học ở Q.1 phải thức sớm mỗi sáng nhưng không dám dắt xe ra khỏi nhà, phải đánh thức bố mẹ nhờ mở cửa, bảo vệ mình. Người dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trước tình hình phức tạp này và lo lắng con em mình sẽ bị sa ngã trước những hình ảnh diễn ra hằng ngày.

Khi Tuổi Trẻ đăng, truyền hình đưa tin, các cơ quan báo chí khác cùng lên tiếng thì hôm sau và các hôm sau nữa tình hình khác hẳn. Cảnh mua bán ma túy chỉ còn lác đác. Công an Q.12 và Hóc Môn đi tuần nhiều hơn.

“Có thể nói, nhờ tiếng chuông cảnh báo của Tuổi Trẻ mà tình hình đã giảm được khoảng 60%. Tôi xin thay mặt bà con trên tuyến quốc lộ 22 xin cảm ơnTuổi Trẻ, cảm ơn về loạt phóng sự ảnh này mà nhờ đó công an hai quận huyện đã kết hợp truy đuổi triệt để, trả lại bình yên cho khu phố chúng tôi” – ông A. bày tỏ.

Nhờ hỗ trợ của bạn đọc, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi được nhiều hình ảnh tiêm chích và mua bán ma túy tại khu vực bến xe An Sương, TP.HCM - Ảnh: Khoa Long
Nhờ hỗ trợ của bạn đọc, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi được nhiều hình ảnh tiêm chích và mua bán ma túy tại khu vực bến xe An Sương, TP.HCM – Ảnh: Khoa Long

50 căn nhà hư hỏng đã được hỗ trợ

Bạn đọc Lê Văn Huy (Q.12, TP.HCM), người đầu tiên cung cấp tin về vụ nổ lớn tại Q.12 ngày 17-10, nói rằng vụ nổ này là ấn tượng khó phai, sẽ theo ông suốt cuộc đời.

Ông Huy nhớ lại: “Chiều hôm đó tôi định đi giao hàng nhưng vì trời nắng quá nên mới mở cửa cho mát, chờ trời dịu bớt thì lên đường. Bỗng dưng một tiếng nổ chát chúa vang lên từ phía trước nhà tôi, nhà cửa xung quanh bị hư hỏng hết do ai cũng đóng cửa đi làm, đi học (nhà tôi bị ảnh hưởng nhẹ do tôi mở cửa trước đó nên không bị nén khí làm bể kính). Tim tôi lúc đó như ngừng đập, xung quanh tiếng la hét, kêu khóc vang lên tựa như cảnh bị động đất. Một vài người chết, một số bị thương phải đưa đi cấp cứu. Cảnh tượng thật tan hoang, tiêu điều”.

Là bạn đọc báo Tuổi Trẻ từ năm 2007 đến nay nên ông Huy đã lưu số đường dây nóng Tuổi Trẻ trong điện thoại và lập tức gọi điện cho Tuổi Trẻ để thông tin.

Ông cho biết rất vui khi phóng viên của tờ báo mà ông yêu thích đã có mặt sớm tại hiện trường và nhanh chóng đưa tin tức và hình ảnh sống động lênTuổi Trẻ Online.

Ông chia sẻ: “Nhờ Tuổi Trẻ và nhiều báo đài đưa tin mà các cơ quan đoàn thể đã đến giúp đỡ bà con khá nhiều. 50 căn nhà bị sập, hư hỏng được hỗ trợ sửa chữa lại”.

Lên tiếng về quốc lộ 14

Chiều 1-10, một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Ea H’Leo (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) khiến hai nạn nhân tử vong tại chỗ, 10 hành khách trên xe bị thương nặng.

Vụ tai nạn gây sửng sốt không chỉ bởi số người thương vong mà những hình ảnh rùng rợn, bàng hoàng được truyền đi từ hiện trường đã xuất hiện đầu tiên trên báo điện tử của Tuổi Trẻ (TTO ngày 1-10, bản tin “Xe khách tông xe máy, 2 người chết, 10 người bị thương”).

Người chia sẻ cho TTO những hình ảnh, những dòng tin ngắn gọn và sớm nhất ấy là ông Vũ Đình Năm – một bạn đọc, cũng là một nhà báo và gắn bó với báo Tuổi Trẻ từ nhiều năm nay.

Ông Năm cho biết chiều hôm ấy, ông đi nhờ xe của một người bạn để qua tỉnh Đắk Lắk công tác. Khi vừa qua ranh giới hai tỉnh Gia Lai – Đắk Lắk chừng 3km, ông Năm hốt hoảng bởi cảnh tượng trước đầu xe: một chiếc xe khách loại 16 chỗ bật lộn nhiều vòng rồi nằm bẹp dúm bên đường. Hai thi thể gồm một đàn ông và phụ nữ bị xe cán nằm úp mặt dưới đường sần sùi đá dăm. Phía trong xe những tiếng kêu đau đớn, la hét và cánh tay dính máu chìa ra trong tuyệt vọng tạo nên một cảnh tượng khủng khiếp…

Là một trong ít người có mặt ở hiện trường đầu tiên, ông Năm vội cùng những người khác tập trung lật chiếc xe khách ngược trở lại để đưa những người bị kẹt ra khỏi xe.

Hai chiếc xe tải khác đi qua hiện trường cũng được dừng lại, một xe nhanh chóng đưa tài xế đi khỏi hiện trường, xe còn lại khẩn cấp chở người đi cấp cứu.

Sau khi hoàn tất công việc cứu người, nhà báo Vũ Đình Năm mới nghĩ đến nghĩa vụ khác của mình: chụp ảnh, ghi lại vài dòng ngắn ngủi để lên tiếng về mức độ khủng khiếp của vụ tai nạn.

Ông Năm cho biết là nhà báo đi lại nhiều nhưng mỗi lần phải đi trên quốc lộ 14 ông đều cảm thấy ngán ngại. Đường quá xấu, đào xới lỗ chỗ và chằng chịt ổ voi, ổ gà, xe phải “bò” trên quốc lộ.

Vậy mà nhiều lần ông cũng phải thót tim vì cảnh hai ba xe khách rượt đuổi, đánh võng cắt đầu xe phía trước để tranh giành khách.

“Lúc ghi lại thông tin, tôi nghĩ làm sao cho thông tin ấy xuất hiện sớm nhất, chân thực nhất trên một tờ báo có ảnh hưởng nhất để lên tiếng về mức độ xuống cấp và tai nạn rình rập trên quốc lộ 14. Và tôi nghĩ phải gửi cho Tuổi Trẻ” – ông Năm chia sẻ và cho biết rất hài lòng khi chỉ chưa đầy 30 phút sau khi những dòng tin nóng hổi được gửi đi, bản tin đã xuất hiện trên TTO.

THÁI BÁ DŨNG

ĐỖ QUYÊN – N.NAM