Chứng hay quên
Nhiều người lo ngại về triệu chứng hay quên nhưng theo các bác sĩ, nếu bị quên lành tính thì không đáng lo ngại, còn quên do bệnh lý cần điều trị sớm.
Chứng hay quên
Nhiều người lo ngại về triệu chứng hay quên nhưng theo các bác sĩ, nếu bị quên lành tính thì không đáng lo ngại, còn quên do bệnh lý cần điều trị sớm.
Bác sĩ Tống Mai Trang, khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, kể nhiều người đến gặp bác sĩ than phiền: “Thời gian gần đây tôi rất hay quên, bác sĩ khám giúp xem tôi có mắc bệnh gì không?”.
Theo bác sĩ Mai Trang, những người có triệu chứng hay quên có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây có thể do cuộc sống bận rộn, áp lực công việc căng thẳng.
Ảnh hưởng đến công việc
Tập trung, thư giãn, ăn ngủ đủ, tránh bia rượu… Đó là những việc cần làm để phòng ngừa chứng hay quên. Theo thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn (khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), trí nhớ của não người được ví như bộ nhớ của chiếc máy vi tính. Nếu thông tin dồn dập, quá nhiều sẽ khó nhớ, dẫn đến “tràn bộ nhớ”. Do vậy để phòng ngừa chứng hay quên, cần tập trung vào những thông tin nào cần ghi nhớ, lọc bỏ thông tin không cần thiết. Để tăng cường tập trung, mỗi người phải biết sắp xếp công việc, cuộc sống một cách khoa học, không quá bừa bộn, lộn xộn. Ngoài ra, theo bác sĩ Minh Mẫn, thư giãn tích cực bằng cách nghe nhạc, đánh đàn, thổi kèn, sáo… làm não ở trạng thái hưng phấn thì khả năng ghi nhớ sẽ tốt hơn; chơi những trò chơi “tập thể dục” não như ghép hình, chơi ô chữ, tập thiền, yoga có thể tốt cho việc tăng tập trung chú ý, cũng có lợi cho trí nhớ. Ngủ đủ cũng là cách giúp não lấy lại năng lượng, hoạt động ghi nhớ thông tin tốt hơn. Ăn uống đầy đủ, hợp lý giúp thể chất khỏe, làm nền tảng cho tinh thần phát huy hiệu lực, trong đó có trí nhớ. Cũng cần tránh sử dụng rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện vì những chất này khiến trí nhớ suy sụp dần. |
Chị H.T.G., 35 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, kể nửa năm trở lại đây chị thường xuyên quên hết việc này đến việc khác.
Không ít lần chị được mời đi họp nhưng lại không đi vì quên bẵng. Nhiều lần chị hẹn với khách hàng sẽ gọi điện lại nhưng do phải giải quyết nhiều công việc nên vài ngày sau chị mới giật mình nhớ ra mình đã quên không gọi lại cho khách hàng!
Và gần như lần nào đến lúc lấy xe máy để về nhà, chị G. đều phải tìm thẻ xe một lúc lâu vì không nhớ để ở đâu. Chị G. lo lắng không biết mình có mắc bệnh gì không.
Chị G. là một trong rất nhiều trường hợp mắc chứng hay quên phải nhờ bác sĩ tư vấn.
Bác sĩ Tống Mai Trang kể rất nhiều người bệnh đã đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám với lý do thường xuyên bị quên và triệu chứng hay quên này đã ảnh hưởng đến công việc của họ.
Mới đầu những người này quên vật dụng, quên lịch làm việc, làm một công việc nhưng phải hỏi tới hỏi lui nhiều lần… Sau đó có người bị quên nhiều hơn như quên các cuộc hẹn, quên cả đường về nhà, quên mình là ai…
Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân này mắc bệnh hay quên lành tính, còn những người bệnh đã có triệu chứng “quên nặng” như quên đường về nhà, quên mình là ai… được người nhà đưa đi khám thường là những trường hợp quên có bệnh lý.
Một cô thư ký xinh đẹp mới hơn 30 tuổi kể cô thường triệu tập các cuộc họp cho sếp. Thế nhưng một ngày gần đây khi sếp hỏi cuộc họp đã sẵn sàng chưa để sếp xuống họp thì cô giật mình vì trong đầu cô không nhớ ra một cuộc họp nào.
Cô mạnh dạn hỏi lại sếp: “Cuộc họp nào ạ?”. Lúc này, sếp trừng mắt nhìn cô tỏ vẻ khó chịu và nhắc lại tên cuộc họp đó. Nghe xong cô mới nhớ ra, vội vàng xin lỗi sếp và cảm thấy thật sự lo lắng trước bệnh hay quên của mình. Ngay hôm sau cô xin phép nghỉ làm đến bệnh viện khám với mong muốn được bác sĩ tìm ra bệnh.
Phân loại bệnh nhân
Theo bác sĩ Mai Trang, khi tiếp nhận những bệnh nhân có triệu chứng hay quên, bác sĩ sẽ sàng lọc ra những bệnh nhân quên lành tính theo tuổi và những bệnh nhân quên có bệnh lý bằng cách đề nghị họ trả lời một bộ câu hỏi.
Từ đáp án trả lời của bệnh nhân, bác sĩ sẽ phân loại bệnh nhân bị quên lành tính hay quên bệnh lý. Nếu bệnh nhân chỉ bị quên lành tính, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh đừng quá lo lắng vì chứng hay quên có thể sẽ được cải thiện.
Nhóm bệnh nhân này cũng được tìm nguyên nhân như quên do thiếu tập trung, mất ngủ hay stress trong cuộc sống. Từ những nguyên nhân tìm được, các bác sĩ sẽ có những hướng dẫn thích hợp cho bệnh nhân.
Ví dụ với bệnh nhân làm việc thiếu tập trung, bác sĩ sẽ hướng dẫn những bài tập giúp tập trung hơn. Bác sĩ sẽ khuyên những người hay quên muốn nhớ một đồ vật hay việc gì đó nên gắn thêm một sự kiện nào đó.
Ví dụ một người hay quên chìa khóa thì nên để chìa khóa gần điện thoại di động, đồng thời cũng nên để điện thoại gần bình bông trên bàn làm việc. Nếu bệnh nhân hay quên do bị trầm cảm phải chữa bệnh trầm cảm mới cải thiện được trí nhớ.
Còn những người hay quên do thiếu ngủ thì phải giải quyết tình trạng thiếu ngủ vì mất ngủ nhiều não kém tập trung cũng dẫn đến chứng hay quên… Bác sĩ còn hướng dẫn người bệnh có được sự tập trung hơn bằng cách giảm stress trong cuộc sống, cách ăn uống, vận động… và dặn người bệnh kiểm tra lại sau 3-6 tháng.
Sau thời gian này, bệnh nhân đến tái khám, nếu tình trạng hay quên đã được cải thiện, bác sĩ sẽ dặn bệnh nhân chỉ phải quay lại bệnh viện khi cần. Với những bệnh nhân bị giảm trí nhớ nhiều hơn, bác sĩ sẽ cho làm những test xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân.
Còn những trường hợp được bác sĩ chẩn đoán quên do bệnh lý sẽ được làm thêm những test chuyên sâu đánh giá xem bệnh nhân bị giảm trí nhớ thiên về loại gì. Nếu bệnh nhân bị quên nặng dần, sau này có thể diễn tiến thành bệnh Alzheimer (sa sút trí tuệ), còn nếu bệnh nhân bị giảm trí nhớ về việc lập kế hoạch làm việc hoặc rối loạn hành vi (dễ bị kích động, hung hãn) thì có thể bị ảnh hưởng ở thùy trán.
Tùy từng loại bệnh, các bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau. Bệnh hay quên thuộc nhóm bệnh lý sẽ có diễn tiến ngày càng quên nhiều hơn nên cách điều trị của bác sĩ là sẽ làm cho tốc độ quên diễn tiến chậm đi.