Đứng lâu, ngồi một chỗ dễ bị giãn tĩnh mạch chân
Suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý rất thường gặp, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống và công việc của người bệnh.
Đứng lâu, ngồi một chỗ dễ bị giãn tĩnh mạch chân
Suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý rất thường gặp, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống và công việc của người bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115 chuẩn bị phẫu thuật laser nội tĩnh mạch cho bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch chi – Ảnh: Q.T. |
Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết rõ yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa bệnh này.
Theo một nghiên cứu gần đây của một nhóm bác sĩ tại TP.HCM trên 1.500 người từ 50 tuổi trở lên cho thấy có đến 40,6% mắc bệnh suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân ở các mức độ khác nhau, đa số bệnh ở độ 1 và 2 (bệnh có sáu mức độ). Trong đó, nữ mắc bệnh nhiều gấp ba lần nam và tập trung nhiều ở phụ nữ mập, sinh nhiều.
Bệnh khiến đứng ngồi không yên
Theo PGS.TS Cao Văn Thịnh – phụ trách khoa lồng ngực mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM – nếu trước đây bệnh suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân chỉ tập trung ở người lớn tuổi, phụ nữ thừa cân, mang thai nhiều lần… thì hiện nay có xu hướng tăng lên ở người trẻ chịu nhiều áp lực do hoàn cảnh xã hội và tính chất công việc.
Trong nhóm các bệnh nhân tới khám và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, có những trường hợp chỉ 35-36 tuổi, nhóm các bệnh nhân này thường phải làm việc trong môi trường đứng hay ngồi một tư thế lâu như giáo viên, phẫu thuật viên, nhân viên bán hàng, thợ dệt, thợ cắt tóc… và các trường hợp ít vận động.
Mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân 115 đã thực hiện thủ thuật laser nội tĩnh mạch hai bên chân cho bệnh nhân T.H. (51 tuổi, ngụ TP.HCM). Khi tái khám bệnh nhân cho biết đã bớt nhiều “cảm giác bồn chồn, đứng ngồi không yên” – một trong các dấu hiệu đặc thù của bệnh suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân.
Theo bà H., bà bị giãn tĩnh mạch cả hai chân gần năm năm nay và ngày nào cũng phải uống hai viên Daflon, mang vớ y khoa để ép tĩnh mạch chân nhưng luôn có cảm giác khó chịu, hai chân bồn chồn, nặng như chì. Lâu lâu bà lại bị vọp bẻ, ngón chân cứ co quắp mãi, không duỗi ra được.
Sáng thức dậy đánh răng, nếu không mang vớ y khoa là bà không đứng nổi hai, ba phút và cứ phải vừa đánh răng vừa nhảy, đá chân cho bớt cảm giác châm chích, tê nhức, nặng trịch ở cả hai chân. Căn bệnh khiến bà đứng cũng không yên mà ngồi cũng không yên…
Tuy uống thuốc thường xuyên, mang vớ y khoa suốt ngày nhưng bà H. vẫn cảm thấy bệnh không thuyên giảm. Nghe nhiều người chỉ uống lá rau diếp cá, uống nước hoa hòe, mua giấm táo về thoa ở hai bắp chân sẽ hết bệnh, bà cũng cố gắng làm theo nhưng bệnh vẫn ngày càng nặng hơn.
Do máu ứ trệ
Theo PGS Thịnh, suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân là bệnh mãn tính và tiến triển. Đây là loại bệnh lý làm suy van hệ tĩnh mạch chi dưới, gây suy giảm đáng kể chức năng đưa máu từ ngoại biên trở về tim của hệ thống tĩnh mạch. Nguyên nhân của bệnh chính là tình trạng máu bị ứ trệ.
Khi máu ứ trệ ở ngoại biên kéo dài sẽ làm mạch máu mất dần chức năng, thành mạch giãn ra, nhiều đoạn tạo thành búi huyết khối. Nếu không được điều trị, huyết khối sẽ theo hệ thống tĩnh mạch chủ dưới lên tĩnh mạch chủ trên và đi vào động mạch phổi, gây tắc và bệnh nhân có thể tử vong.
Bệnh nhân suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân thường thấy nhức mỏi, nặng chân, tê, cảm giác bị châm chích như kiến bò, bị vọp bẻ về đêm…
Thông thường sau một ngày làm việc, chân của bệnh nhân thường có phù nhẹ, biểu hiện của tình trạng máu ứ trệ, kém lưu thông thường do phải làm việc trong tình trạng đứng lâu hoặc ngồi nhiều ở một tư thế.
Với người mang thai, béo phì, chế độ ăn ít chất bã (nhiều thịt và chất bột đường, ít ăn rau, trái cây), người ít vận động… cũng dễ mắc bệnh. Một nhóm nguyên nhân khác cũng gây suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chi gần đây được nhiều chuyên gia trên thế giới nhắc tới là tình trạng căng thẳng (stress) do áp lực trong cuộc sống và công việc hằng ngày.
Người ta cho rằng những người nhập cư có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn các nhóm khác trong cộng đồng do họ phải lo lắng nhiều thứ hơn trong cuộc sống…
Tại khoa ngoại lồng ngực mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115 thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân ở những giai đoạn khác nhau.
Khoảng 50% số bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn 3-4 trở lên, nhiều trường hợp cẳng chân, bàn chân đã phù, biến đổi màu da và lở loét cần can thiệp phẫu thuật hoặc laser nội tĩnh mạch.
Các biện pháp phòng ngừa Việc điều trị suy tĩnh mạch mãn, giãn tĩnh mạch chân tùy thuộc vào mức độ bệnh và cách phòng ngừa tái phát. Với mức độ bệnh 1, 2, 3 (chưa bị phù, biến đổi màu da chân và loét), chỉ cần điều trị bảo tồn bằng cách dùng thuốc, bằng cách duy trì mang vớ áp lực phù hợp với cỡ chân và tập luyện theo hướng dẫn, tránh để máu ngoại biên ứ trệ sẽ hạn chế đáng kể sự tiến triển của bệnh. Khi mắc bệnh từ độ 4 trở lên, việc điều trị bảo tồn ít hiệu quả thì cần điều trị can thiệp kết hợp với việc phòng chống tái phát bệnh. Hiện nay với sự ra đời của các phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn như chích xơ, đặc biệt thủ thuật laser nội tĩnh mạch đã mang lại những lợi ích đáng kể cho người bệnh vì điều trị được trong ngày, ít đau, tỉ lệ thành công cao, ít biến chứng. Theo PGS Thịnh, nguyên tắc phòng ngừa bệnh này là làm bất cứ việc gì giúp máu lưu thông tốt là được. Để khắc phục tình trạng ứ trệ máu ngoại biên, cần đồng bộ thực hiện loại bỏ các nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể, tránh đứng, ngồi quá lâu một tư thế, kết hợp với các giải pháp phòng ngừa như tập hít thở sâu, thường xuyên vận động, khi nằm nghỉ nên kê cao chân 15-20 độ. Đồng thời sử dụng thuốc đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ, mang vớ áp lực khi đứng, ngồi lâu một tư thế và tái khám định kỳ theo chuyên khoa. |