01/01/2025

Để có nền giáo dục thống nhất, hiệu quả

Nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi về tuyến bài nên giao bộ nào quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến.

 

Để có nền giáo dục thống nhất, hiệu quả

 

Nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi về tuyến bài nên giao bộ nào quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến.

 


 

 

Một buổi thực hành chế biến món ăn của học viên lớp quản lý khách sạn hệ cao đẳng Trường cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn – Ảnh: Như Hùng

Hợp lý nhất là giao Bộ GD-ĐT

Hợp nhất giáo dục cao đẳng, trung cấp, dạy nghề vào một đầu mối là việc đáng lẽ phải làm từ hơn 15 năm nay. Không có một nước nào trên thế giới có một sự phân công kỳ lạ như nước ta: bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ nền giáo dục trước Chính phủ và quốc dân mà lại không có quyền, không có trách nhiệm gì với hệ thống các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề, vốn thuộc Bộ LĐ-TB&XH!

Có ý kiến cho rằng trường thuộc quyền lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH sẽ được đầu tư khá hơn trường thuộc Bộ GD-ĐT. Tình hình đó là có thật trong thời gian vừa qua. Nhưng nếu chuyển toàn bộ hệ dạy nghề qua Bộ GD-ĐT thì những chế độ ưu tiên đầu tư cho hệ này cũng sẽ chuyển theo chứ không phải là sang Bộ GD-ĐT sẽ “nghèo” hơn
 
Ông PHAN HOÀNG MẠNH

Bây giờ hợp nhất lại, theo tôi, tốt nhất và hợp lý nhất là giao cho Bộ GD-ĐT. Lý do:

1. Bộ GD-ĐT là cơ quan được Quốc hội và Chính phủ giao trách nhiệm xây dựng và quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân (bao gồm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài) nên phải có trách nhiệm và quyền hạn quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục chuyên nghiệp.

Thống nhất tổ chức vào Bộ GD-ĐT mới có điều kiện thuận lợi xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất và có hiệu suất, có sự phối hợp gắn bó giữa các hệ đào tạo, các cấp trình độ, có sự thống nhất khi thực hiện những đổi mới căn bản về quan điểm và phương pháp giáo dục hiện đại.

2. Bộ GD-ĐT có cả một bộ máy hoàn chỉnh để quản lý việc đào tạo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn về quản lý giáo dục (tổ chức, thanh tra, kiểm định chất lượng, chế độ tài chính, đào tạo bồi dưỡng giáo viên…).

3. Thống nhất tổ chức vào Bộ GD-ĐT mới có điều kiện thuận tiện bảo đảm sự phối hợp giữa các cấp đào tạo chuyên nghiệp (dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học), bảo đảm sự đào tạo liên thông giữa các cấp giáo dục chuyên nghiệp, liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp, bảo đảm phân luồng và sự chuẩn bị nghề nghiệp trong quá trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự phối hợp hoạt động có hiệu suất cao hơn của hệ thống các tổ chức giáo dục thường xuyên ở địa phương.

Lâu nay các hoạt động ấy bị quá nhiều trục trặc, hiệu quả rất kém… Một nguyên nhân cơ bản là do tình hình tổ chức quản lý cắt rời nhau, rất khó phối hợp, rất lãng phí đầu tư công sức và tiền của.

4. Thống nhất tổ chức vào Bộ GD-ĐT mới thuận lợi cho việc xây dựng khung trình độ quốc gia, thống nhất các loại văn bằng tốt nghiệp các cấp, cho việc ký kết công nhận bằng cấp trong quan hệ quốc tế.

PHAN HOÀNG MẠNH 
(phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức Bộ GD-ĐT,
nguyên vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp)

Cần hỗ trợ lẫn nhau

Để giáo dục nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng phát triển đất nước, theo tôi, Bộ GD-ĐT cùng Bộ LĐ-TB&XH nên phối hợp nhịp nhàng với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, không vì lợi ích cục bộ của ngành nào. Chức năng của ngành giáo dục và đào tạo ai cũng đã rõ.

Bộ này từ trước đến nay làm luôn công tác đào tạo nghề nghiệp, cơ cấu hiện nay là được sáp nhập từ Bộ Giáo dục và Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trước đây, vì vậy cơ sở vật chất, quy mô giảng dạy và các chính sách lương bổng cho giáo viên có rất nhiều ưu điểm.

Trong khi đó Bộ LĐ-TB&XH hiện tại vẫn được giao trách nhiệm đào tạo nghề nhưng vai trò còn mờ nhạt, chưa thật sự là trụ cột trong lĩnh vực này.

Về mặt đào tạo, tôi nghĩ nên giao cho Bộ GD-ĐT quản lý. Trên cơ sở những kinh nghiệm của mình, Bộ GD-ĐT cần nhân rộng mạnh hơn nữa những mô hình đào tạo nghề tiên tiến.

Song để sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả phải nhờ đến Bộ LĐ-TB&XH. Bộ này phải quản lý đầu ra sau khi kết thúc đào tạo nghề. Điều khiển, phân công lao động, dự đoán, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong từng thời điểm, giai đoạn.

Chỉ có như vậy, Bộ LĐ-TB&XH mới hỗ trợ được Bộ GD-ĐT triển khai, điều chỉnh quy mô, phạm vi, lĩnh vực… đào tạo. Tạo sự cân đối về nguồn nhân lực cho xã hội và qua đó, Bộ GD-ĐT mới có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, giúp Bộ LĐ-TB&XH làm tốt công tác quản lý nguồn nhân lực. Có như thế mới chấm dứt được tình trạng thừa thầy thiếu thợ và cải thiện được chất lượng nguồn nhân lực bất ổn định hiện nay.

Không thể giao cho một bộ duy nhất

Quản lý nhà nước về giáo dục phải là Bộ GD-ĐT. Việc lập trường, mở nghề phải giao cho Bộ GD-ĐT cấp phép và thanh tra, kiểm tra nội dung giấy phép đã cấp theo chuyên ngành giáo dục – đào tạo.

Còn nội dung, tiêu chuẩn, cấp độ của nghề thì không thể giao cho một bộ duy nhất nào. Thật vậy, nội dung đào tạo lái ôtô không ai chuyên môn hơn Bộ GTVT, nội dung đào tạo y tá không ai bằng Bộ Y tế. Ngoài ra xã hội còn tự tạo ra vô số nội dung đào tạo nghề mới như MC, làm đẹp, trang điểm cô dâu…

TS NGUYỄN HỮU HÙNG (Hội Cao su – nhựa TP.HCM)

LÊ QUANG VŨ