“Câu like”, đúng – sai mặc kệ!?
Những ngày qua, một cuộc tranh luận nổ ra gay gắt giữa những người yêu ảnh phong cảnh với những bạn trẻ thích chụp ảnh “tự sướng” trước thiên nhiên ở Ðà Lạt.
“Câu like”, đúng – sai mặc kệ!?
Những ngày qua, một cuộc tranh luận nổ ra gay gắt giữa những người yêu ảnh phong cảnh với những bạn trẻ thích chụp ảnh “tự sướng” trước thiên nhiên ở Ðà Lạt.
Hình ảnh phản đối hành vi phản cảm được một nhóm bạn trẻ lập ra trên Facebook – Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
Các bạn trẻ “vô tư” vào vườn cải của nông dân làm dáng -Ảnh: Nguyễn Nghĩa |
Những tấm ảnh “tự sướng” phản cảm giữa vườn hoa cải giống ở Ðơn Dương (Lâm Ðồng) được đăng tải nhằm “câu like” (nút bấm “thích”) trên Facebook.
Chúng tôi tìm về Ðơn Dương ngày chủ nhật, sau vài ngày đọc những ý kiến tranh luận gay gắt trên các diễn đàn.
Quả thật, câu chuyện về ý thức và văn hóa sống của các bạn trẻ thành phố dường như chẳng mấy thay đổi. Ðiều đó thể hiện rõ khi bà con nông dân, những chủ vườn hoa cải vốn nổi tiếng chất phác, hiền lành biểu lộ “ác cảm bất thường” với “đám trẻ phố ăn mặc sành điệu đi chụp ảnh”.
Thấy tôi cầm chiếc máy ảnh đi về phía vườn cải, anh chủ vườn vội vàng bước đến giọng như năn nỉ: “Thôi nhé, các cô cậu thông cảm. Vườn cải nhà tôi trồng để lấy hạt bán giống và để ép dầu, giờ nó mới đang ra hoa thụ phấn…”. Câu nói bỏ lửng đó như một “nhát chém” với chúng tôi.
Hỏi ra mới biết nhà nông nơi đây buộc phải có sự “canh chừng” này bởi mấy tuần nay, ngày nào họ cũng phát hiện vườn cải bị giẫm nát.
“Sáng sớm nay ra đồi thấy gần 30 bạn trẻ thành phố kéo đến chụp hình. Lớp lớp hơn chục chiếc xe máy, ôtô xếp hàng dài bên con đường đất dẫn vào vườn cải. Chẳng cần hỏi han, xin phép, họ cứ vô tư lội vào vườn cải tạo dáng, rồi còn bẻ hoa, nhổ cả cây để làm duyên làm dáng… Ðau lòng lắm cô à!” – anh Phạm Văn Tân, chủ vườn cải, phân trần.
Anh Tân cho biết mấy tuần nay phải đóng cửa tiệm sửa xe máy để vào vườn cải làm nhiệm vụ canh gác. “Tôi không ngăn cản mọi người đến thăm, chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Nhưng vì họ thiếu cái gì nhỉ? Hoa đang mùa rộ mà đạp dập hết như thế thì làm sao ra hạt được!?” – anh Tân nói.
Trao đổi câu chuyện với nhiếp ảnh gia MPK (Ðà Lạt), anh cho rằng: “Thật ngạc nhiên khi các bạn trẻ thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, của hoa lá, muốn lưu giữ vẻ đẹp ấy mà lại thiếu ý thức trong việc nâng niu, giữ gìn. Tại sao người nông dân ở vùng quê họ biết nuôi dưỡng cái đẹp cho đời sống thì chúng ta – những người được cho là “văn hóa thị thành” – chỉ việc đến tận hưởng mà không biết giữ?”.
“Tôi nghĩ phong trào khoe sự sành điệu bằng cách chụp hình “tự sướng” câu like trên Facebook của một bộ phận bạn trẻ đang khiến các bạn tự bỏ qua văn hóa và lòng tự trọng, với sự thỏa mãn tầm thường” – bạn Thế Anh (Ðà Lạt) nói.
Còn bạn Nguyễn Văn Thắng (nick Dalat Traveler) – một nhiếp ảnh gia phong cảnh, là một trong những người đầu tiên phát hiện vườn hoa cải và chụp những tấm hình về vườn cải ấy chia sẻ lên Facebook với ý quảng bá vẻ đẹp vùng đất quê hương nơi anh đang sinh sống – bức xúc khi viết status (trạng thái) tuyên bố: “Từ nay mình không chia sẻ địa điểm chụp ảnh đẹp công khai trên Facebook nữa!”.
Cảnh đẹp tất nhiên ai cũng thích, nhưng không phải vì thích mà cho phép mình có những hành động vô ý thức, tàn phá cảnh đẹp gây thiệt hại về kinh tế cho những nông dân hiền lành, chất phác, gắn miếng cơm manh áo với ruộng đồng.
“Không ít bạn chụp ảnh phong cảnh rất có ý thức cũng đã bị nông dân mắng chửi và đuổi oan. Qua sự việc lần này, mỗi người chúng ta khi chia sẻ địa điểm có cảnh đẹp, hãy chọn lọc những người bạn đồng hành có ý thức” – anh Thắng nói.
“Bức tranh quê” mùa hoa cải vốn mộc mạc, bình an ở vùng rau nổi tiếng Ðơn Dương đã bị nhiều bạn trẻ dành cho một “nhát cắt”, và làn sóng tranh cãi về văn hóa “phượt” chụp hình câu like một lần nữa dấy lên khi cộng đồng mạng chưa ngừng chỉ trích ý thức của một bộ phận giới trẻ với loại hình này tại những điểm phượt “kinh điển” ở Tây Bắc vào mùa lúa chín, mùa hoa tam giác mạch…
Một số người tuyên bố sẵn sàng “nhận gạch đá” khi “xâm mình” đăng những tấm ảnh “phá phách” ấy lên nhiều diễn đàn nhiếp ảnh để nhắc nhở và cảnh báo. Song dường như hành động ấy chỉ như muối bỏ bể khi trào lưu “tự khoe” và “tự sướng” đang lấn át văn hóa cuộc sống.