Say âm nhạc đường phố
Tiếng violin, viola, flute mộc vang lên cùng tiếng nhạc DJ ở khu thương mại giữa thủ đô Hà Nội. Hàng trăm khán giả tụm lại xung quanh các nghệ sĩ của dàn nhạc Rhapsody Philharmonic, say sưa thưởng thức thứ âm nhạc đầy ngẫu hứng.
Say âm nhạc đường phố
Tiếng violin, viola, flute mộc vang lên cùng tiếng nhạc DJ ở khu thương mại giữa thủ đô Hà Nội. Hàng trăm khán giả tụm lại xung quanh các nghệ sĩ của dàn nhạc Rhapsody Philharmonic, say sưa thưởng thức thứ âm nhạc đầy ngẫu hứng.
Chỉ cách đây dăm năm, âm nhạc đường phố vẫn còn là của lạ, nhưng đến giờ mọi chuyện đã khác.
Các nghệ sĩ trẻ trình diễn tại phố đi bộ Lương Ngọc Quyến - Ảnh: T.L Dàn nhạc Rhapsody Philharmonic trình diễn tại Trung tâm thương mại Hà Nội – Ảnh: T.L |
Không giới hạn thể loại
|
Vài năm trước, nhiều người yêu hát xẩm như nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ – nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa… đã tìm cách vận động mọi “cửa” để đưa chiếu xẩm ra góc chợ Đồng Xuân. Xẩm được sống trong đúng không gian âm nhạc truyền thống. Cùng khi ấy, một nhà tài trợ đã làm cú “liều” khi bỏ không gian âm nhạc nhà hát sang trọng đã được định hình với nhạc giao hưởng để đưa thứ âm nhạc hàn lâm này ra góc phố nhộn nhịp. Giữa không gian mới, nhạc giao hưởng đến gần công chúng phổ thông hơn. “Thay vì chờ đợi, giao hưởng hè phố đã mời gọi, tìm khán giả cho mình”, nghệ sĩ Xuân Huy, chỉ huy dàn nhạc của chương trình Luala Concert, chia sẻ về mục đích của Luala Concert.
Kể từ sau cuộc “mở đường” của Luala Concert, mới đây có thêm dự án âm nhạc giao hưởng ngẫu hứng trên đường phố do dàn nhạc Rhapsody Philharmonic thực hiện. Những nghệ sĩ trẻ chơi các bản nhạc giao hưởng, hoặc phối theo phong cách giao hưởng dễ nghe để cuốn hút khán giả. Giám đốc của dàn nhạc Rhapsody Philharmonic, nhạc sĩ Lưu Quang Minh, hy vọng: “Chúng tôi muốn gắn kết nhạc giao hưởng với cộng đồng”. Mỗi tháng một lần, họ lại hẹn nhau tại một địa điểm trong thành phố, có thể là quảng trường, góc công viên, khu trung tâm thương mại… cùng chơi nhạc giao hưởng một cách ngẫu hứng.
Cách đây một tháng, nhạc sĩ Quốc Trung và các nghệ sĩ trẻ đã trình diễn trong suốt nhiều tuần tại góc phố đi bộ Lương Ngọc Quyến (Hà Nội) để hâm nóng Liên hoan Âm nhạc quốc tế Gió mùa. Điều anh muốn là thay đổi tư duy lẫn ý thức nghe nhạc của công chúng. Không gian âm nhạc đường phố không có bất cứ giới hạn nào với các thể loại âm nhạc.
Thêm điểm nhấn văn hóa, du lịch
Một nhóm nghệ sĩ tự vận động, một nhà tài trợ bỏ tiền túi để tổ chức, một dàn nhạc tự túc kinh phí, đó là cách mà các chương trình âm nhạc đường phố được thực hiện. Nhưng như thế, không thể nói trước khi nào các chương trình sẽ phải dừng lại. Âm nhạc đường phố chỉ có cơ hội được duy trì thành hoạt động thường niên khi được nhà nước “tài trợ”.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, cứ đến cuối tuần, góc phố đi bộ Lương Ngọc Quyến trở thành không gian nhạc sống, khán giả cả Tây lẫn ta ngồi xúm quanh. Ban Quản lý khu phố cổ Hà Nội đã tổ chức các chương trình âm nhạc đường phố tạo thêm điểm đến cho khách du lịch và người dân. Ở đó, người ta có thể nghe đủ thể loại âm nhạc, nghe tiếng đàn nhị chơi cùng dàn trống và guitar, những bài hát trữ tình, nhạc cách mạng, rồi cả hát văn… “Nhu cầu của người dân muốn được thưởng thức âm nhạc không chỉ trong nhà hát, các quán bar, trong những sự kiện nghệ thuật lớn, mà còn là những chương trình nho nhỏ, gần gũi”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long lý giải về sự hào hứng của khán giả khi dự các chương trình âm nhạc đường phố.
Kỳ thực không phải bây giờ, mà từ hồi đầu thế kỷ 20, Hà Nội đã có sinh hoạt âm nhạc đường phố. “Hà Nội là trung tâm của tứ trấn, bởi vậy trong đời sống văn hóa tâm linh có rất nhiều lễ hội đường phố. Trong đám rước ở các làng xã đã có những loại hình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp. Đặc trưng văn hóa làng xã được chuyển qua không gian đô thị là một trong những nguyên nhân để âm nhạc đường phố phát triển. Ngoài ra Hà Nội còn là nơi tiếp nhận văn minh, văn hóa nước ngoài, chẳng hạn của Pháp là nơi có âm nhạc đường phố thịnh hành. Không phải đô thị nào cũng có sự gắn kết lịch sử, truyền thống, văn hóa như Hà Nội để âm nhạc đường phố phát triển như thế”, ông Long nói.
Minh Ngọc