28/12/2024

Mở rộng sử dụng văcxin ngừa tiêu chảy “made in VN”

Hai năm trở lại đây, đã có thêm nhiều trẻ được dùng loại văcxin ngừa rotavirus gây bệnh tiêu chảy do VN sản xuất, do giá thành đã giảm tới 70% so với văcxin nhập ngoại.

 

Mở rộng sử dụng văcxin ngừa tiêu chảy “made in VN”

 

Hai năm trở lại đây, đã có thêm nhiều trẻ được dùng loại văcxin ngừa rotavirus gây bệnh tiêu chảy do VN sản xuất, do giá thành đã giảm tới 70% so với văcxin nhập ngoại.

 


 

 

PGS.TS Lê Thị Luân, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế, tại nơi đóng gói văcxin ngừa tiêu chảy VN – Ảnh: N.Khánh

Thành tựu này là của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), đứng đầu là PGS-TS Lê Thị Luân – phó giám đốc trung tâm. Đây là lần đầu tiên có một văcxin do VN nghiên cứu sản xuất thành công từ khâu chọn chủng virút, tiêu chuẩn hóa chủng, xây dựng quy trình sản xuất… 

Công trình của đời người

Những ngày này PGS Luân và nhóm nghiên cứu rất bận rộn, một phần bởi có thêm rất nhiều người biết công trình này, loại văcxin này sau khi đoạt giải Nhân tài đất Việt 2014 trong lĩnh vực y dược.

Hồi tưởng lại, PGS Luân không khỏi bùi ngùi khi nhớ về những ngày đầu tiên, năm 1998 khi bà tham gia giám sát bệnh do virút rota tại VN theo chương trình của Tổ chức Y tế thế giới.

Nhóm giám sát của PGS Luân nhận thấy số ca mắc tiêu chảy vào viện do virút rota ở VN cao hơn hẳn thế giới, lên tới 50-70% (trong khi thế giới chỉ dưới 40% số ca tiêu chảy là do nguyên nhân này), đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam thì số ca mắc bệnh cao suốt năm, còn miền Bắc thì tiêu chảy do virút rota thường nổi lên vào mùa đông xuân.

Theo ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, dự kiến từ năm 2017 văcxin ngừa tiêu chảy này sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Các cháu bị tiêu chảy do virút rota thường không đáp ứng với điều trị kháng sinh. Khi trẻ bị tiêu chảy vào viện, bác sĩ lâm sàng có thể sử dụng phác đồ điều trị kháng sinh cho các cháu, nhưng với nhóm bệnh nhân này thì kháng sinh không hiệu quả, mà sau điều trị các cháu có thể bị rối loạn tiêu hóa do kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi, gây tình trạng phân sống ở trẻ em” – PGS Luân chia sẻ.

Từ lý do này, nhóm của PGS Luân đã bắt đầu tiến hành chọn chủng virút và tạo chủng giống.

Những công việc tưởng như đơn giản, nhưng mãi đến năm 2005 các anh chị mới chọn được chủng giống ứng cử viên cho sản xuất văcxin, năm 2007 bắt đầu xây dựng quy trình sản xuất văcxin trong phòng thí nghiệm, đến năm 2009 đưa văcxin ra thực địa trên người tình nguyện và đến năm 2012 văcxin này chính thức được cấp số đăng ký lưu hành.

Toàn bộ quá trình kéo dài 14 năm, quãng thời gian không ngắn đối với một đời người, và với cuộc đời của những người làm khoa học thì cũng không hề ngắn ngủi.

“Giai đoạn đầu chúng tôi rất bế tắc vì virút rất khó phát triển trên tế bào vero, phải mất ba năm mới nuôi cấy thích nghi. Còn ngày chúng tôi vui nhất là khi đưa văcxin ra thực địa năm 2009. Thực địa thành công mới khẳng định được chín năm đã qua là thành công, vì nếu không thành công sẽ phải quay lại từ đầu.

Rất may là khi so sánh với văcxin tương tự của Bỉ, văcxin ngừa tiêu chảy rotavirus do chúng tôi nghiên cứu sản xuất có độ an toàn và các thông số tương đương, riêng hiệu quả bảo vệ thì văcxin VN có nhỉnh hơn dù chỉ là chút đỉnh không có ý nghĩa thống kê” – PGS Luân cho biết.

Trẻ mới sinh sẽ được tiêm miễn phí

PGS-TS Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, tỏ ra rất thích thú khi nói về ý nghĩa đề tài nghiên cứu văcxin này. Theo ông Phu, virút rota là nguyên nhân 

hàng đầu dẫn đến bệnh tiêu chảy ở VN. Từ năm 2008 đã có hai loại văcxin ngừa rota ngoại được nhập khẩu, với giá thành tiêm dịch vụ từ 1,5-1,6 triệu đồng/liệu trình 2-3 liều uống, thì từ năm 2012 khi văcxin nội ra thị trường, trẻ em đã có thể được ngừa bệnh này với giá 500.000 đồng/2 liều uống.

“Bộ Y tế đang chuẩn bị đưa văcxin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2017. Đây sẽ là loại văcxin thứ 13 trong chương trình tiêm chủng mở rộng của VN” – ông Phu cho biết.

Theo PGS-TS Trần Như Dương – phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, để ngừa tiêu chảy do virút rota, trẻ sẽ được uống liều văcxin thứ nhất khi trên sáu tuần tuổi và liều hai cách liều thứ nhất ít nhất hai tháng.

Nếu không có văcxin nội sẽ rất khó có cơ hội phổ cập văcxin này do giá thành văcxin ngoại rất cao, từ 550.000 đồng/liều uống với liệu trình ba liều uống và 770.000 đồng/liều với liệu trình hai liều uống.

“Theo chúng tôi được biết, nếu đưa văcxin này vào tiêm chủng mở rộng thì cần tới 4,5 triệu liều văcxin ngừa rota/năm, lúc này giá thành sẽ giảm tiếp xuống còn khoảng 70.000 đồng/liều, rẻ hơn rất nhiều so với hiện nay” – ông Dương nói.

Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế, hiện văcxin ngừa virút rota nội địa đã chiếm được 40% thị phần sản phẩm này trên thị trường tiêm ngừa dịch vụ.

Nhưng nếu tính cả hai loại văcxin ngoại khác đang nắm 60% thị phần, mới có khoảng 25% trẻ trong độ tuổi được ngừa căn bệnh này bằng văcxin, trong khi muốn loại trừ bệnh phải có trên 80% trẻ có miễn dịch phòng bệnh, tức là chỉ khi văcxin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí mới có hi vọng tiến tới loại trừ căn bệnh này.

Hiện giờ thì hi vọng đó đang dần đến, và nhóm của PGS Luân đang bắt đầu hành trình mới: nghiên cứu văcxin ngừa bệnh tay chân miệng. Hành trình này, theo PGS Luân, đã có con đường mòn phía trước nên sẽ nhanh đến đích.

LAN ANH