10/01/2025

Linh… đặc cách

Đó là Trần Thị Thùy Linh, người có nhiều bài báo công bố khoa học trên tạp chí quốc tế khi còn là sinh viên và được đặc cách trao học bổng nghiên cứu sinh tại Pháp khi vừa tốt nghiệp ĐH.

 

Linh… đặc cách

 

 

Đó là Trần Thị Thùy Linh, người có nhiều bài báo công bố khoa học trên tạp chí quốc tế khi còn là sinh viên và được đặc cách trao học bổng nghiên cứu sinh tại Pháp khi vừa tốt nghiệp ĐH. 

 

 

Linh... đặc cách 1
Trần Thị Thùy Linh (hàng đầu, bìa trái) dự một hội thảo cùng bạn bè quốc tế – Ảnh: T.L

 

Chọn ngôi trường GS Ngô Bảo Châu từng học…

Ngay sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành công nghệ sinh học tại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, Trần Thị Thùy Linh cùng lúc nhận được nhiều học bổng theo học sau ĐH. Đó là học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ của DAAD (chương trình học bổng kết hợp giữa Đức và Thái Lan), học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp dành cho thạc sĩ… Không dừng lại ở đó, hồ sơ của Linh còn xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” khi nhận được học bổng nghiên cứu sinh theo Đề án 911 của Chính phủ VN để học tập tại ĐH Paris XI (Paris-Sud University, Pháp).

 

 
 

Để có công bố về nghiên cứu của mình trên tạp chí khoa học là một quá trình rất dài, đòi hỏi sự đam mê nghiên cứu và sự kiên nhẫn rất nghiêm túc

 

Trần Thị Thùy Linh

 

 

Chia sẻ về điều này, Linh cho biết: “Ngay từ khi xin học bổng mình đã chủ động liên hệ trực tiếp với các giáo sư để trao đổi về đề tài nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu phù hợp là yếu tố quyết định để mình chọn lựa học bổng nghiên cứu sinh trong số các học bổng được cấp trên. Nhưng mình không phủ nhận rằng, được học tập tại ngôi trường mà GS Ngô Bảo Châu từng học khiến mình rất hãnh diện”.

Theo chủ sở hữu của nhiều suất học bổng sau ĐH giá trị này, yếu tố cần thiết để được chấp nhận đơn xin học bổng là học lực tốt, nhưng điều kiện quan trọng lại chính là niềm đam mê và động lực của ứng viên. “Bạn phải chứng tỏ cho hội đồng xét duyệt thấy niềm đam mê và mong muốn tìm tòi học hỏi không ngừng trong ngành học đó. Để cuộc phỏng vấn thành công, việc thể hiện một cách tự tin và thoải mái mong muốn được trở thành ai đó sau khi hoàn thành chương trình học thực sự quan trọng”, Thùy Linh bật mí. 

Và những bài báo ISI

Có thể nói, yếu tố quyết định nhất mà hội đồng xét duyệt căn cứ để chấp nhận đơn xin học bổng của Thùy Linh chính là 3 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh sách ISI (Institute for Scientific Information – các tạp chí khoa học có uy tín dựa trên hệ số tham khảo cao).

Từ đề tài nghiên cứu trong luận văn tốt nghiệp ĐH về dược phẩm trị bệnh cúm A trên protein M2 dựa trên mô phỏng tính toán, Thùy Linh đã có bài báo đầu tiên đăng trên tạp chí khoa học quốc tế mang tên Molecules vào năm 2011. Trong năm 2013 và 2014, Linh tiếp tục cho ra đời thêm 2 bài báo đăng trên tạp chí uy tín Medicinal Chemistry Research. Điều đáng nói, cả 3 bài báo này đều thuộc danh sách ISI và Linh đều là tác giả chính.

Nói về việc sở hữu bài báo khoa học quốc tế khi còn là sinh viên ĐH, Thùy Linh cho biết trước đó là chuyện không tưởng. Bởi theo Linh: “Để có công bố về nghiên cứu của mình trên tạp chí khoa học là một quá trình rất dài, đòi hỏi sự đam mê nghiên cứu và sự kiên nhẫn rất nghiêm túc. Mà điều này, mình đã có được sự ảnh hưởng rất sâu đậm từ chính một giảng viên đã trực tiếp hướng dẫn đề tài luận văn cho mình. Nếu không có những cơ hội tiếp cận với nghiên cứu đích thực theo chuẩn mực quốc tế mà giảng viên đứng lớp đã tạo ra, nhất định mình chưa thể có ngày hôm nay”. Cơ hội đó, theo Thùy Linh, có thể kể tới là chuyến đi thực tập tại Malaysia để làm việc với nhóm nghiên cứu tại đây trước khi có sự ra đời của bài báo đầu tiên.

Giờ đây, trên đất Pháp mỗi ngày Thùy Linh dành toàn thời gian miệt mài với việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để phát triển thuốc trị bệnh Alzheimer. Linh cho biết cô đã nộp bài báo đầu tiên của đề tài tiến sĩ và đang hoàn thiện bài thứ 2 để nộp cho một tạp chí uy tín trong ngành.

“Nghiên cứu là niềm vui lớn nhất của em hiện nay. Em mong muốn sẽ học được nhiều nhất từ chương trình này để có thể làm tốt vai trò một giảng viên ĐH khi về VN – con đường các thầy cô của em đã từng đi qua”, Linh tâm sự.

Hà Ánh