Tiềm ẩn nguy cơ bệnh học đường ở học sinh
Đáng lo là nguy cơ các bệnh học đường vẫn tồn tại bởi điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, bàn ghế hầu hết không đúng chuẩn so với chiều cao của học sinh…
Tiềm ẩn nguy cơ bệnh học đường ở học sinh
Đáng lo là nguy cơ các bệnh học đường vẫn tồn tại bởi điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, bàn ghế hầu hết không đúng chuẩn so với chiều cao của học sinh…
Mới đây, TP Cần Thơ vừa kết thúc đợt kiểm tra y tế trường học năm 2014 ở các quận, huyện.
Học sinh trường tiểu học Trung Hưng 1 (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) ngồi học với một loại bàn ghế từ lớp 1 đến lớp 5 – Ảnh: T.L. |
Kết quả kiểm tra tại chín quận, huyện (mỗi quận huyện đoàn kiểm tra tại một trường mầm non và một trường tiểu học) cho thấy có bảy trường tiểu học sử dụng bàn ghế học sinh không đúng với kích thước chiều cao học sinh, hoặc bố trí bàn ghế chưa hợp lý cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, không đủ ánh sáng phòng học và khu vệ sinh dơ, thiếu so với số lượng học sinh.
Báo cáo về hoạt động y tế trường học trong học kỳ II năm học 2013-2014 của Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ cho thấy qua đợt khám sức khỏe học sinh tại các trường học trên địa bàn đã phát hiện nhiều học sinh bị bệnh học đường, trong đó nhiều nhất là tật khúc xạ và cong vẹo cột sống.
Cụ thể, ở bậc tiểu học có 428 học sinh bị tật khúc xạ, 357 em bị cong vẹo cột sống; bậc trung học cơ sở có 468 học sinh bị tật khúc xạ và 124 em cong vẹo cột sống; bậc trung học phổ thông có 195 học sinh bị tật khúc xạ.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Tiến – trưởng khoa ngoại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, bệnh cong vẹo cột sống ở tuổi học đường là bệnh lý cơ năng, mắc phải do nhiều nguyên nhân tác động, từ tuổi đi học mẫu giáo cho đến phổ thông trung học.
Nguyên nhân có thể do bàn ghế ngồi học không phù hợp với chiều cao, hoặc do tư thế ngồi học không đúng, việc này kéo dài sẽ trở thành thói quen xấu không được nhắc nhở (cả ở trường và ở nhà) lâu dần thành bệnh. Bệnh cong vẹo cột sống có thể diễn biến từ từ trong suốt thời gian dài.
Các trường hợp nặng có thể làm ép ngực, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch; đối với nữ cong vẹo cột sống còn có thể làm vẹo khung xương chậu gây khó khăn trong việc sinh nở. Về thẩm mỹ người bệnh sẽ đi đứng tư thế không bình thường, chân thấp chân cao.
Bệnh lý này hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được bằng việc trang bị bàn ghế phù hợp chiều cao của học sinh ngay từ khi các em bắt đầu đi học, luôn chú ý hướng dẫn học sinh ngồi học đúng tư thế. Khi mới bị cong vẹo cột sống, các bậc cha mẹ có thể chú ý quan sát con từ phía sau, thấy xương bả vai của các em không đều nhau, vai có thể lệch một bên thì phải đi kiểm tra để điều trị.
Các trường hợp vẹo dưới 30 độ đều có thể điều trị bảo tồn bằng cách mặc áo nẹp cố định một thời gian sẽ hết, nếu để lâu bệnh nặng hơn thì phải điều trị can thiệp bằng phẫu thuật rất phức tạp.