Nuôi kiến tạo trầm hương
Từ việc nuôi loài kiến xanh để kích thích cây dó bầu tạo ra trầm hương, ông Trương Thanh Khoan (61 tuổi, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã thu về hàng tỉ đồng/năm.
Nuôi kiến tạo trầm hương
Từ việc nuôi loài kiến xanh để kích thích cây dó bầu tạo ra trầm hương, ông Trương Thanh Khoan (61 tuổi, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã thu về hàng tỉ đồng/năm.
Khoan vào thân cây dó, sau đó bơm chất kích thích vào – Ảnh: T.Huy |
Mới đây, thương lái trầm từ Thái Lan qua xin mua lại công thức kích thích cây để tạo trầm hương với giá rất cao, nhưng ông chưa bán.
Tìm trầm, trồng dó
Nông dân Trương Thanh Khoan khó có thể quên thời kỳ khó khăn những năm 1970. Gia đình nghèo lại đông anh em, một mình ông phải lặn lội vào rừng nhiều năm theo nghề săn tìm trầm hương. Ông đã lặn lội khắp các khu rừng ở Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, ra tận các khu rừng miền Trung và sang tận Lào để tìm trầm.
Nghề săn trầm, rồi buôn trầm của ông không “thuận chèo mát mái” khi lượng trầm tự nhiên trong rừng ngày càng cạn kiệt, còn giá trầm hương lúc ấy không cao. Khi tạm ngưng nghề buôn trầm, ông bắt đầu chuyển qua trồng quýt, và doanh thu từ quýt hằng năm cũng đủ để gia đình ông khấm khá lên.
Thế nhưng niềm đam mê với cây dó, với những thỏi trầm thơm ngát khiến ông không thể rời xa nghề cũ. Năm 2000 khi có chút vốn liếng từ nghề trồng quýt, ông mạnh dạn trồng ngàn cây dó để tạo trầm.
Theo nghề khai thác trầm trong rừng, ông thường thấy có những cây dó lâu năm, tích tụ tạo thành khối trầm lớn. Và khi vô tình chuyền tay nhau làm rớt khối trầm bị bung vỡ ra, người ta phát hiện vết bom đạn cắm vào trầm hoặc những vết trầy xước, va chạm của cây dó trong quá trình phát triển của chúng.
Từ đó ông Khoan nhận thấy một điều: thân cây dó khi bị những vết tích tác động từ bên ngoài sẽ tạo ra chất nhựa để bảo vệ vết tích đó và tích tụ thành trầm.
“Nhưng điều ngạc nhiên nhất là khi tôi phát hiện những tổ kiến bám vào và sinh sôi thành đàn trong những vết đục khoét trên thân cây dó. Những cây dó này có nhiều trầm và đạt chất lượng tốt, tôi mang về nhà đốt thử thì trầm thơm ngào ngạt” – ông Khoan cho biết.
Từ sự phát hiện này, ông tiếp tục theo dõi về liên quan giữa đàn kiến xanh và những “vết thương” trên thân cây dó để tạo trầm.
Thân cây dó đã được bơm chất kích thích – Ảnh: T.Huy |
Nuôi kiến lấy… dịch
Nhưng cây dó tạo trầm không hề đơn giản. Thực tế đã cho thấy trên nhiều vùng đất trong cả nước, có những nơi người dân ôm mộng trồng dó tạo trầm đã trắng tay sạt nghiệp. Khi mang dó về trồng, cây sẽ mãi mãi không tạo ra trầm hương nếu như không tìm ra cách tác động vào cây để cây tích tụ trầm.
Ông Khoan liền nghĩ đến loài kiến mà nhiều năm ông theo dõi chúng trong rừng. Đó là loài kiến xanh, hình thù tương tự với loài kiến ba khoang.
Nghe ông Khoan trồng cây dó và dự tính tạo ra chất kích thích cho trầm, nhiều người dân trong vùng nghĩ ông Khoan gàn dở. Làm sao tin được khi trầm hương xưa nay chỉ tích tụ, hình thành trong tự nhiên, nhưng nay lại nghe ông Khoan có thể tự tìm ra chất kích thích giúp cây dó tạo trầm được. Vì vậy không ít người cho rằng ông Khoan chỉ “nổ” cho vui.
Năm 2012, “Chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương” của ông đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2012. Phương pháp “Chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương” của nông dân Trương Thanh Khoan cũng đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012-2013). Tháng 6-2014, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế cho ông Trương Thanh Khoan về “Phương pháp tạo chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương”. |
Nhưng ông Khoan không “nổ” cho vui. Khi cây dó sinh trưởng với đường kính thân cây từ 10-15cm, ông Khoan bắt đầu khoan nhiều lỗ trên thân cây dó, rồi bơm chất hỗn hợp vào thân cây. Hỗn hợp này có gì đặc biệt? Dịch kiến xanh!
Ông Khoan nuôi kiến và lấy dịch kích thích cây dó tạo trầm. Kiến được cho vào thùng gỗ và nuôi trong vùng yên tĩnh, dưới đáy thùng ông lót những tấm hút dịch. Kiến được cho ăn mật, đường, lá cây…
Khi có tác động bên ngoài như tiếng ồn, rung lắc… là kiến phản ứng mạnh và tiết ra dịch, dịch thấm vào tấm lót, vắt dịch kiến này ra và hòa vào một hỗn hợp vi sinh.
Dịch kiến được ông pha trộn với hỗn hợp vi sinh, sau đó cho lên men và bơm vào những lỗ khoan trên thân cây dó, cứ sáu tháng ông bơm hỗn hợp vi sinh vào lỗ khoan trên thân cây một lần.
Với những cây dó lớn sinh trưởng nhiều năm, muốn cho cây tích tụ được nhiều thì tiếp tục duy trì bơm hợp chất vào lỗ khoan.
“Khi bơm các hợp chất vào cây, cây bị kích thích và tôi thấy cây tạo trầm rất tốt. Chế phẩm sinh học này an toàn và có tác động đến sự hình thành trầm trên cây dó bầu” – ông Khoan lý giải.
Kiếm tiền tỉ
Ông Khoan thử nghiệm hỗn hợp vi sinh này trên nhiều mẫu cây dó với các dung lượng khác nhau. Khi cây dó trưởng thành từ bốn năm trở lên là có thể khai thác tạo trầm bằng việc bơm hỗn hợp vi sinh trên vào lỗ khoan của cây, từ 6-8 tháng là cây đã bắt đầu tạo rõ hình một miếng trầm kiếng.
Lúc cây từ 8-15 tháng, ông chọn ra những mẫu cắt trên thân cây để khai thác kiểm chứng, rồi chọn mẫu cây tạo trầm đạt nhất áp dụng vào thực tế.
Sau khi áp dụng thực tế trên cây đạt kết quả như mong đợi, ông thu hoạch thành phẩm trầm đạt từ loại 5 đến loại 6 (sản phẩm trầm có từ loại 1 đến loại 7) có màu đen sẫm, bóng, khi phần trầm mới lấy ra khỏi thân cây dó đã có mùi hương trầm đặc trưng. Hiện trầm hương loại 5 và loại 6 có giá từ 2-5 triệu đồng/ký.
Ông Khoan cho biết: “Chế phẩm vi sinh giúp quá trình tích tụ trầm trên cây dó nhanh. Trầm do tôi tạo nên không có hóa chất độc hại, làm ra đến đâu có khách hàng từ trong nước đến các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… tìm về tận nhà mua hàng”.
Không chỉ bán các sản phẩm trầm hương theo trọng lượng, ông Khoan còn lên kế hoạch chế tác những sản phẩm mỹ thuật từ trầm như hồ lô, bình hoa, cây khô trầm trưng bày, chuỗi tràng hạt…
Hiện nay vườn cây dó của ông Khoan có đến trên 3.000 cây đang trong giai đoạn khai thác tạo trầm và 10.000 cây nhỏ đang sinh trưởng, mỗi năm ông thu được tiền tỉ từ việc áp dụng thành công phương pháp nuôi kiến tạo trầm độc đáo này.