ĐỐI THOẠI TUỔI ĐÔI MƯƠI: “Cơ hội tốt thật sự không bao giờ nằm trên bàn nhậu”
“Đối thoại tuổi đôi mươi” là chuyên mục ghi lại những chia sẻ, tâm tình của các cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội về chủ đề giới trẻ.
“Đối thoại tuổi đôi mươi” là chuyên mục ghi lại những chia sẻ, tâm tình của các cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội về chủ đề giới trẻ.
“Cháy hết mình” trong cả việc học, lao động và hoạt động xã hội là phương châm sống của một số bạn trẻ hiện nay. Trong ảnh các bạn trẻ quốc tế, du học sinh Việt tham gia dự án SEALNet 2014 tại VN – Ảnh: B.Trân |
Kỳ này là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Đạo (sinh năm 1956, phó tổng giám đốc Samsung Vina), một trong những người Việt hiếm hoi nắm giữ vị trí cao nhất ở tập đoàn trên.
Ảnh: Danny Nguyễn |
* Được biết con đường ông đi đến vị trí hôm nay lắm chông gai, thậm chí có lúc rơi vào trạng thái bế tắc…
– Tôi tốt nghiệp khoa điện – bộ môn điện tử (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) năm 1979 và từng có thời gian dài làm trong lĩnh vực kỹ thuật truyền hình. Tuy nhiên đến giai đoạn xóa bao cấp đầu những năm 1990, các đài truyền hình địa phương có ngân sách riêng nên vai trò chủ đạo của nơi tôi làm việc (Viện Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật phát thanh truyền hình) mất dần.
Không còn đề tài để nghiên cứu, chẳng thấy cơ hội phát triển… tôi thấy mình quá lạc hậu so với thế giới ngoài kia mỗi khi đọc tài liệu nước ngoài. Có những lần ngồi uống cà phê ngoài đường, tôi thấy tai lùng bùng khi nghe một số bạn trẻ trò chuyện cùng nhau về các phần mềm vi tính căn bản. Tôi quyết định mua một chiếc máy vi tính dòng IBM XT cũ để mỗi tối tự mày mò tìm hiểu, dần dà “nâng cấp” lên máy AT 286 để thỏa lòng nghiên cứu sâu.
Nhưng tôi vẫn rơi vào trạng thái khủng hoảng vì cả ngày chỉ ngồi không ở cơ quan, làm những công việc vặt vãnh…
* Và đó là động lực khiến ông “bứt” ra ngoài làm lại từ đầu dù thời điểm đó ông đang là trưởng phòng ở viện và đã 35 tuổi?
– Tôi mất gần một năm đắn đo, trằn trọc để đưa ra quyết định này. Thời điểm đó việc từ bỏ biên chế là điều rất kinh khủng, giống như “ra ngoài vòng xã hội”. Nhưng nhìn lại tôi thấy bản thân vẫn còn trẻ, còn nhiều khát khao vươn lên. Thời gian đầu ra ngoài tôi ngày đi làm, tối tranh thủ tự học tiếp về vi tính, đồng thời tập tễnh tìm hiểu từng chút một về kiến thức kinh doanh… Khuya cặm cụi sửa tivi để có thêm thu nhập, có những đêm tận 11g mà chén cơm vẫn còn dang dở. Bận rộn nhưng tôi thấy mình hạnh phúc.
Năm 1994, tôi có cơ hội tham gia một dự án liên doanh. Giai đoạn này “liên doanh” là một khái niệm rất mới khiến nhiều người e dè. Còn tôi lại rất háo hức vì biết rằng mình sẽ học được nhiều điều từ cái gọi là “mới mẻ” này. Đó chính là dự án liên doanh Samsung Vina.
* Có vẻ như ông là người rất có duyên với hai từ “cơ hội”?
– Thật ra cơ hội ít khi “từ trên trời rơi xuống”. Phần lớn đến từ việc chúng ta đã nỗ lực, chuẩn bị như thế nào. Có nhiều người ai oán “vì sao cơ hội chẳng bao giờ đến?”. Tôi nghi ngờ điều đó bởi tin chắc mỗi người chúng ta đều gặp nhiều cơ hội lướt qua trong đời, vấn đề là bạn đã chuẩn bị sẵn sàng về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm… để nhận ra cơ hội đang đến hay đang đi qua.
Tôi cũng muốn nhân đây nhắn nhủ với các bạn trẻ: hãy không ngừng tôi luyện, nâng cao năng lực bản thân. Cơ hội tại những quốc gia đang phát triển luôn nhiều hơn hẳn ở những đất nước đã phát triển.
* Ông từng cho rằng chúng ta có thể học ở mọi nơi và từ bất kỳ ai…
– Đúng vậy. Tôi luôn cho rằng kiến thức có ở khắp nơi, quan trọng là mình có thấy được và chịu khó tìm hiểu hay không. Đó có thể là học từ bạn bè, Internet hay từ sách…
Thời học phổ thông, dẫu luôn đứng đầu lớp nhưng tôi chơi với cả nhóm học giỏi lẫn “xóm nhà lá” là những bạn thường cúp cua, lười học… Ở “xóm nhà lá” tôi vẫn học được nhiều điều: không ai tốt hoặc xấu hoàn toàn, ở trong “người xấu” vẫn có những điểm tốt nhất định, đồng thời tôi cũng hiểu rõ được ảnh hưởng của cái xấu để sau này tránh.
* “Giết thời gian” là cụm từ khá phổ biến trong giới trẻ Việt hiện nay, song song đó là câu chuyện năng suất lao động của người Việt còn quá thấp, ông nghĩ gì về điều này?
– Tôi thấy tiếc và xót xa khi nhiều bạn trẻ hiện sống hời hợt, đua nhau chạy theo những giá trị ảo và không xác định rõ mục tiêu sống trong đời. Nếu có mục tiêu sống rõ ràng, tôi đoan chắc họ sẽ luôn thấy mình bận rộn với một cuộc sống có ý nghĩa, hạnh phúc dù là đang làm việc hay giải trí. Vế còn lại, có lẽ là do người Việt thường làm dưới khả năng của mình.
Các công ty Hàn Quốc nói chung và Samsung nói riêng lại rất khác. Cụ thể Samsung luôn đặt ra các chỉ tiêu tưởng chừng bất khả thi ở nhân viên. Khi cấp trên đưa ra chỉ tiêu, nhân viên chỉ được quyền nói cần gì để làm được điều đó, không được nói không thể. Nghe qua có vẻ “sắt thép” nhưng thực chất đó là động lực để mọi người vượt qua những giới hạn, rào cản mà bản thân tự tạo ra.
Nếu bạn tin chắc bản thân chỉ làm tối đa được 100 nhưng công ty giao chỉ tiêu 120, tôi cam đoan rằng khi nỗ lực hết mức bạn sẽ đạt được ít ra là 110, nghĩa là cao hơn mức bạn tự lượng. Chưa làm mà nói không thể là không chấp nhận được, bắt tay vào làm thực tế và nhận thấy làm không được là câu chuyện khác. Chúng ta không nên thỏa hiệp với những rào cản do bản thân tự tạo nên ngay từ đầu.
Gắn bó với Samsung gần 20 năm, tôi thấy tỉ lệ thành công của cách vận hành này rất cao, và đó là lý do để họ phát triển vũ bão như hiện nay.
* Có thời gian dài làm việc cho Nhà nước, lại là người quảng giao… nhưng ông lại không rượu bia?
– Đây cũng là điều khiến tôi gặp không ít khó khăn trong công việc.Thời gian đầu đi làm tôi thậm chí từng bị phê bình là thiếu hòa đồng khi luôn tránh các cuộc vui chè chén. Sau này khi bước vào con đường kinh doanh, chuyện tránh nhậu càng vô cùng khó. Tôi cố gắng uống ở mức cầm chừng khi không thể từ chối, và dần thì đối tác cũng hiểu, không ép nữa. Gặp nhiều người than “phải nhậu mới có việc và có cơ hội thăng tiến”, tôi chỉ biết lắc đầu. Cơ hội tốt thật sự không bao giờ nằm trên bàn nhậu. |