27/11/2024

Mỹ thuật ứng dụng như một khu vườn tạp

“Mỹ thuật ứng dụng như một khu vườn tạp. Mỗi loại có một cây thưa thớt. Và chẳng thể làm kinh tế gì với vườn đó được”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói.

 

Mỹ thuật ứng dụng như một khu vườn tạp

 

 

“Mỹ thuật ứng dụng như một khu vườn tạp. Mỗi loại có một cây thưa thớt. Và chẳng thể làm kinh tế gì với vườn đó được”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói.

 

 Toàn cảnh khu triển lãm - Ảnh: Tuấn Phạm
Toàn cảnh khu triển lãm – Ảnh: Tuấn Phạm

Thiếu kiểu dáng và nhờn luật bản quyền

Chú gà gốm của họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan đẹp vững chãi ở một góc triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, khai mạc chiều 20.11. Một tác phẩm đồ sộ khác của nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung cũng ở rất gần đó. Gốm Nhung, gốm Đoan – hai tên tuổi của gốm Việt, họ cũng có những sản phẩm thương mại. Nhưng chỉ đơn lẻ một vài người như họ, với số lượng thương phẩm không nhiều chưa thể làm nên một nền mỹ thuật công nghiệp đúng nghĩa. “Nói đến mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp là phải nói đến kiểu dáng, đến sản xuất hàng loạt và bán chạy trên thị trường”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói.

 

 
 

Đến chợ gốm Bát Tràng thấy chủ yếu các mẫu gốm của nước ngoài tràn ngập. Những chú chó béc giê màu vàng, tai vểnh, thè lưỡi đỏ lòm được xếp hàng từng bộ nghênh ngang đứng ngay cửa chợ khiến người ta tưởng đây là chợ chó

 

Họa sĩ Lê Huy Văn

 

 

 
 

“Các làng nghề đang chết vì thiếu kiểu dáng. Thành ra sự lành nghề cũng không cứu nổi làng nghề”, ông Cương nói. Người dân có thể làm nhiều đồ đẹp lắm, nhưng chủ yếu theo mẫu đặt của nước ngoài. Thậm chí, họa sĩ Lê Huy Văn, ĐH Mỹ thuật công nghiệp, còn nhận xét đi đến chợ gốm Bát Tràng thấy chủ yếu các mẫu gốm của nước ngoài tràn ngập. Những chú chó béc giê màu vàng, tai vểnh, thè lưỡi đỏ lòm được xếp hàng từng bộ nghênh ngang đứng ngay cửa chợ khiến người ta tưởng đây là chợ chó.

Chưa kể nhiều mẫu sáng tạo vừa ra xong đã có người ăn cắp. “Tôi vừa làm xong mẫu gà đồ chơi, một thời gian sau tạt vào khu mua bán sang trọng đã thấy có hàng nhái y chang ở đó rồi”, họa sĩ Đinh Công Đạt nói. Cả ông Đạt và ông Cương đều đã dùng các kỹ thuật của làng nghề cho chuỗi sáng tác nghệ thuật Davines Arts mà các ông tham gia. Trong sự kiện tới đây, ông Cương “tuyển” và tôn vinh guốc nghệ thuật truyền thống…

Cái chết đó của làng nghề, sự yếu ớt của công nghiệp mỹ thuật khiến cuộc ra quân của ngành năm nay thật buồn tẻ. Chúng ta có các tác phẩm gốm, lác đác trang sức, tranh thêu không nhiều và không nổi trội, vài bộ trang phục, một ít bàn ghế và đồ trang trí bằng mây. Nếu như gốm khá hơn cả trong mặt bằng thì những nhánh mây tre, kim hoàn, thêu… còn lại thực sự mờ nhạt. Triển lãm như một khu vườn tạp của gia đình. Tí ớt, tí chanh, cam, bưởi. Chỉ để ăn chơi. Đó cũng là hiện trạng mỹ thuật ứng dụng hiện nay, theo họa sĩ Lê Thiết Cương: “Mỹ thuật ứng dụng như một khu vườn tạp. Mỗi loại có một cây thưa thớt. Và chẳng thể làm kinh tế gì với vườn đó được”.

Sức sống từ văn hóa truyền thống

Trong khi thực trạng “vườn tạp” vẫn tiếp tục diễn ra thì cả thị trường lẫn nhu cầu của người tiêu dùng đã chuyển hết sang các khu vườn chuyên canh. Ở đó, cam phải thật ngon, bưởi phải thật xịn. Đã thế, chúng còn được bày sẵn trong đĩa để khách dễ tiêu dùng.

Một ví dụ về khả năng phục vụ của mỹ thuật ứng dụng mà Th.S Đặng Thị Thanh Hoa, ĐH Mỹ thuật, tâm đắc là thiết kế tương tác. Người tiêu dùng có thể nhìn ngắm, xoay và xem sản phẩm ở nhiều góc độ trên thiết kế với hiệu ứng xoay đa chiều. Thậm chí một số catalog nội thất còn có tính năng cho phép khách hàng chọn trong danh sách mặt hàng của hãng rồi tự tay phối hợp các đồ vật thành không gian mình muốn.

 

 Một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm
Một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm

 

Theo TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Huế, có thể cứu mỹ thuật công nghiệp bằng chính sức sống từ văn hóa truyền thống. Với trường ông, việc đưa nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống Huế, nhất là thời Nguyễn vào có tác dụng rất tích cực. Thống kê cho thấy, từ năm 2000 – 2014 có hơn 50 % sinh viên chọn chủ đề tốt nghiệp liên quan đến truyền thống, trong đó tính ứng dụng cao. “Bộ tráp đựng lễ vật tân hôn của sinh viên Mai Quốc Thành với màu son đỏ truyền thống ấm cúng, sâu nặng tính truyền thống Huế xưa. Bộ lịch diều Huế của sinh viên Tống Phương Uyên sử dụng hình ảnh quen thuộc của diều dân gian Huế vẫn mang giá trị hiện đại, mới mẻ trong đó”, ông Bình cho biết.

Giấy Trúc Chỉ là một hướng đi khác cho ngành giấy truyền thống. Nghệ thuật giấy này hiện chuyên chở nhiều hình ảnh biểu tượng từ vốn cổ mỹ thuật, trước mắt là của khu vực Kinh thành Huế, để làm trang trí và truyền thông điệp. “Đó là các bộ quạt, đèn nến, đèn bát giác với các hình ảnh lấy từ phù điêu trang trí trên bộ cửu đỉnh ở Đại nội Kinh thành Huế. Hình ảnh từ bộ bát âm của dòng tranh dân gian làng Sình, các hoa văn họa tiết thảo mộc, chim thú, linh vật từ di sản mỹ thuật Huế”, TS Nguyễn Nghĩa Phương giới thiệu. Ngoài ra các sản phẩm Trúc Chỉ còn chuyên chở những hình ảnh kiến trúc cổ, danh lam thắng cảnh của Huế, của VN để giới thiệu và lan tỏa trong giới trẻ người Việt và du khách nước ngoài.  

Trinh Nguyễn