11/01/2025

Tuổi 20 của ‘Dạ cổ hoài lang’

Gọi Dạ cổ hoài lang là tượng đài của sân khấu cũng không ngoa. Một vở kịch chỉ có 4 diễn viên, trong không gian sân khấu nhỏ, lại được xếp lịch diễn suốt 20 năm, thay biết bao diễn viên, vậy mà vẫn có thể chinh phục được khán giả, thì hiếm hoi lắm.

 

Tuổi 20 của ‘Dạ cổ hoài lang’

 

 

Gọi Dạ cổ hoài lang là tượng đài của sân khấu cũng không ngoa. Một vở kịch chỉ có 4 diễn viên, trong không gian sân khấu nhỏ, lại được xếp lịch diễn suốt 20 năm, thay biết bao diễn viên, vậy mà vẫn có thể chinh phục được khán giả, thì hiếm hoi lắm.

 

 Tuổi 20 của 'Dạ cổ hoài lang'
Thành Lộc và Việt Anh trong Dạ cổ hoài lang, bản dựng của Công Ninh – Ảnh: T.L

 

Dạ cổ hoài lang đã diễn hơn 1.000 suất, chẳng những gây sốt ở TP.HCM mà còn chinh phục cả khán giả Hà Nội, đồng thời lấy luôn 4 huy chương vàng cho 4 diễn viên trong Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995. 

Điểm đúng tâm tư khán giả

Năm 1993, nghệ sĩ Thanh Hoàng (đang cộng tác với Nhà văn hóa Q.Phú Nhuận) nghe được bản Dạ cổ hoài lang, thấy hay quá, thế là nảy ra một ý, lấy luôn tên bài ca làm tựa đề kịch bản. Đến lúc ấy thật ra anh chưa đi Mỹ bao giờ, chỉ nghe bạn bè là Việt kiều kể về những nỗi cô đơn, nhớ nhung nơi đất khách quê người, vậy mà anh đã kết hợp với bài Dạ cổ hoài lang để thành một câu chuyện cảm động về cuộc sống và nỗi niềm của hai ông già người Việt trên đất Mỹ. Sau khi được các vị đầy kinh nghiệm ở Hội Sân khấu TP.HCM góp ý, “tác giả quần chúng” Thanh Hoàng đã chỉnh sửa kịch bản có thể trình làng “đứa con” mang tính chuyên nghiệp.

Thế là Dạ cổ hoài lang đường hoàng bước vào Sân khấu 5B, chính thức công diễn vào năm 1994. Đạo diễn Công Ninh mới đi tu nghiệp nước ngoài về, đã chọn Dạ cổ hoài lang làm tác phẩm đầu tay. Việt Anh ban đầu được phân công vai ông Tư nhưng nằng nặc đòi vai ông Năm vì vai này mới có “đồ chơi” cho anh tung hoành. Quả vậy, suốt 20 năm, Việt Anh đã “sừng sững” với vai này chưa ai thay thế nổi. Thành Lộc vào vai ông Tư, còn Quốc Thảo – Hồng Vân trẻ măng đã đóng vai chàng trai, cô gái trẻ. Chỉ có 4 nhân vật thôi, nhưng đủ cả khóc cười nồng ấm, và không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả đã thấm ướt cuộc đời… Những năm 80, 90 (thế kỷ 20) đi lại chưa dễ dàng như bây giờ, nên người xa quê trĩu nặng nỗi niềm, còn người trong nước cũng mong ngóng, đợi chờ, vì vậy vở diễn điểm đúng tâm tư của khán giả, bùng lên như giải tỏa sự dồn nén bấy lâu. Khán giả thì xếp hàng dài từ 5B cho đến tận hồ Con Rùa để mua vé, mỗi ngày diễn 3 suất vẫn không đủ bán.

Năm 1996, Dạ cổ hoài lang ra Hà Nội diễn hơn chục suất. Tưởng kịch nam khó làm khán giả bắc “cảm”, nhưng không ngờ, diễn xong, khán giả ùa lên vừa tặng hoa vừa khóc. Có người còn cất tiếng hát bài Dạ cổ hoài lang bằng giọng bắc. Rồi mấy tháng sau, vở diễn được ra bắc lần nữa, diễn cho khán giả toàn cấp thứ trưởng, bộ trưởng cho đến phó thủ tướng, thủ tướng… Trong đêm diễn ấy nhiều vị đã len lén lau nước mắt.

Sau này, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã thay vai cho nhau nhưng Dạ cổ hoài lang vẫn không giảm sức thu hút. Khi nghệ sĩ Thành Lộc về IDECAF, thì 5B đã chọn Lê Vũ Cầu, rồi tới Thanh Hoàng, tới Hoài Linh đóng vai ông Tư. Vai chàng trai và cô gái thì có Phương Linh, Cao Minh Đạt, Ngọc Trinh, Tường Vy, Quý Bình, Tuyết Vân, Quỳnh Anh lần lượt biểu diễn. 

Bản dựng mới

Bây giờ, dù người ta có thể đi nước ngoài như đi chợ, nhưng giá trị của Dạ cổ hoài lang dường như vẫn vẹn nguyên. Bởi vì nó không lên gân, cũng không hô khẩu hiệu yêu nước yêu quê, mà nó nhẹ nhàng thủ thỉ; tự tình dân tộc, niềm hoài hương, đã được thể hiện một cách thật sâu lắng, nhẹ nhàng, thấm thía. Vở diễn đã làm sáng lên bài Dạ cổ hoài lang bấy lâu nằm im lặng trong kho báu âm nhạc cổ truyền.

Tác giả Thanh Hoàng từng ao ước Dạ cổ hoài lang được “làm mới” để kỷ niệm tuổi 20 thật đẹp. Thế là nhân lúc anh tạm ngưng diễn ở 5B một thời gian vì chuyện gia đình, anh đã chuyển kịch bản cho IDECAF dàn dựng. Anh nói: “Sau khi Lê Vũ Cầu mất, Hoài Linh thì có sân khấu riêng, mà tìm mãi không ra diễn viên nào khác nữa, cho nên gần như chỉ có tôi đóng thường xuyên, khiến tôi rất ngại. Vì vậy tôi xin rút, xin 5B để cho IDECAF dựng, mọi người đều đồng ý”. Vậy là Dạ cổ hoài lang trở về với “cố nhân” là NSƯT Thành Lộc trong vai ông Tư, NSƯT Hữu Châu đóng vai ông Năm thay cho NSƯT Việt Anh; Lương Thế Thành, Vân Trang vai chàng trai và cô cháu gái. Sàn tập từ giữa tháng 11 đã sôi động.

Đạo diễn Vũ Minh nói: “Tôi bị áp lực lắm, vì vở này đã in sâu vào trái tim khán giả. Nhưng tôi đã làm mới bằng cái nhìn của người hôm nay. Dù bối cảnh vẫn là năm 1980, có những câu chẳng thích hợp nữa thì bỏ đi, vì bây giờ lớp trẻ đã tinh ý và hiện đại hơn nhiều. Tiết tấu cũng phải nhanh hơn”.

NSƯT Thành Lộc thì gặp lại “tình xưa” nên mặt mày hớn hở, chưa kịp ăn sáng đã bò toài trên sàn tập đọc kỹ từng câu thoại, cậu tài xế chỉ kịp mua ổ bánh mì cho anh vừa gặm vừa làm việc. Anh bảo: “Tôi đã diễn hơn 400 suất nên câu nào “của mình” là mình nhớ ngay, hoặc đọc một hồi là khơi gợi lại. Còn câu nào của các đồng nghiệp thêm vào để phù hợp với mảng miếng của họ thì tôi đọc thấy lạ hoắc liền”. Một kịch bản có tới mấy đời nghệ sĩ đóng vai cho nên thêm thắt vào khá dầy. Nhưng nhiều câu đã được cả nhóm gạch bỏ, chẳng hạn, không cần diễn tả cây cầu khỉ vì lớp trẻ đã thấy nhiều qua mô hình của các khu du lịch, hoặc bỏ luôn những câu về kênh truyền hình ở Mỹ…

Ngược lại, nhiều chi tiết khác được thêm vào, đặc biệt là với tài hoa của Hữu Châu, thì anh phải tạo được nét riêng của mình. Thành Lộc – Hữu Châu từng là một cặp tung hứng trong rất nhiều vở nên hai anh dư sức tạo thêm “hoa lá cành” cho Dạ cổ hoài lang. Tuy nhiên, hai nghệ sĩ này cũng không tham, mà biết tiết chế đúng chỗ, chỉ giữ cái lõi của kịch bản là “hồn quê”, phải làm cho khán giả cảm động chứ không được sa đà vô chi tiết gây hài.

Dự kiến tháng 12 vở sẽ công diễn tại Sân khấu IDECAF, cho kịp còn trong “độ tuổi” 20 của Dạ cổ hoài lang.

Hoàng Kim