27/11/2024

NGẮC NGOẢI RẠP PHIM NHÀ NƯỚC – KỲ 2: Èo uột và bỏ hoang

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên – Huế hiện đang quản lý bốn rạp chiếu nằm ở khu đất vàng của tỉnh, tuy nhiên chỉ duy nhất một rạp còn hoạt động cầm chừng.

 

NGẮC NGOẢI RẠP PHIM NHÀ NƯỚC – KỲ 2:

Èo uột và bỏ hoang

 

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên – Huế hiện đang quản lý bốn rạp chiếu nằm ở khu đất vàng của tỉnh, tuy nhiên chỉ duy nhất một rạp còn hoạt động cầm chừng.

 

Rạp Đông Ba (TP Huế) cũ kỹ, xuống cấp, gần trọn mặt tiền dành cho thuê - Ảnh: T.Lộc
Rạp Đông Ba (TP Huế) cũ kỹ, xuống cấp, gần trọn mặt tiền dành cho thuê – Ảnh: T.Lộc

Sự phí phạm tại các rạp phim này có nguyên nhân chính: bỏ bê nhiều năm không được đầu tư, nâng cấp.

Bãi đáp của con nghiện

Rạp Hoàn Mỹ (đường Chi Lăng, Huế) nổi tiếng một thời đã bị bỏ hoang từ hơn 20 năm nay với cánh cửa bằng sắt im ỉm cùng hai ổ khóa lớn. Sân trước trở thành một quán phở nhỏ và là nơi tập kết hàng hóa, xe, thùng rác. Bên trong hai tầng nhà trống hoang, mái tôn trông nham nhở như vừa khắc phục sự cố sập trần mái.

Còn dãy nối liền với nơi chiếu phim thì trông hoang tàn, đổ nát như ngôi “nhà ma”. Nền nhà la liệt rác, xà bần và kim tiêm… Một người dân sống gần rạp cho biết dãy nhà này hiện trở thành “bãi đáp” của con nghiện. Thỉnh thoảng có một vài thanh niên – có thể do thiếu tiền chích hút – tháo tôn và gỗ đưa đi mà chẳng ai dám nói.

Ông Nguyễn Viết Cườm – chủ quán cà phê Dạ Thảo trước mặt rạp Hoàn Mỹ – cho biết rạp phim này do tư nhân xây dựng từ những năm 1950, từng nhiều lần đổi chủ, từ người Việt, người Hoa đến người Ấn.

Ông kể: “Hồi đó khách nườm nượp, rạp chiếu nhiều suất cả ngày lẫn đêm. Sau năm 1975, đơn vị chiếu bóng nhà nước tiếp quản tiếp tục chiếu phim thêm mười mấy năm nữa thì khách vắng dần. Khoảng cuối thập niên 1980 thì nghỉ chiếu phim và bỏ hoang từ đó đến nay”.

Được biết, giữa thập niên 1990, khu tập thể với gần 10 hộ gia đình cán bộ ngành chiếu phim phía sau rạp đã dời đi nơi khác. Đồng thời, một trận bão làm mái rạp sập xuống. Đơn vị quản lý rạp phim này là Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cho lợp tạm mái tôn để che mưa nắng nhưng không sử dụng vào việc gì cả và bỏ hoang cho đến nay.

Cách rạp Hoàn Mỹ chừng 200m, có tuổi đời tương đương là rạp Gia Hội, hiện đang là trung tâm tiệc cưới. Đây chính là rạp xinê Châu Tinh nổi tiếng một thời ở Huế. Ông Tô Hữu Điền, nguyên giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên – Huế, cho biết năm 1975 trung tâm tiếp quản rạp và chiếu phim hơn chục năm nữa thì vắng khách, đến giữa thập niên 1990 nghỉ chiếu hẳn.

Sau một thời gian để không, một công ty du lịch đổ tiền vào chỉnh trang biến thành một nhà hàng. Nhưng một thời gian dài kém hiệu quả, công ty này trả mặt bằng. Những năm gần đây rạp Gia Hội được một cán bộ thuộc trung tâm phát hành phim thuê và đầu tư thành nơi tổ chức cưới hỏi.

Dự án chuyển đổi… giậm chân tại chỗ

Ông Hồ Xuân Đài, giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Thừa Thiên – Huế, cho biết trung tâm này đang quản lý bốn rạp phim. Ngoài ba rạp Hoàn Mỹ, Gia Hội và Đông Ba gần như giữ nguyên trạng kể từ ngày tiếp quản, còn có thêm rạp Fafilm được xây sau năm 1975. Rạp này cũng có thời gian bỏ không vì vắng khách, biến thành quán bar, sàn nhảy, hiện là quán cà phê chiếu phim theo hình thức liên kết.

Nhưng ngay cả với rạp Đông Ba (tên cũ là rạp Tân Tân ở đường Trần Hưng Đạo, TP Huế) là rạp duy nhất còn duy trì chiếu phim cho đến ngày nay, cũng đang hoạt động èo uột. Tiền sảnh đang cho một tiệm đồng hồ và một tiệm tạp hóa thuê kinh doanh, bày hàng chiếm gần trọn mặt tiền.

Tuổi đời hơn 60 năm, rạp rộng hơn 500m2 này không có bãi giữ xe, lâu ngày chưa được sửa chữa lớn, thiết bị lỗi thời, nguồn phim nghèo nàn, không còn đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người xem phim. Ngày thường rạp chiếu mỗi suất tối, khách chỉ lác đác.

Duy chỉ dịp tết mới có khách, có ngày chiếu hai suất. Tổng doanh thu của rạp mỗi năm chưa đến 700 triệu đồng. Khắc phục phần nào sự lạc hậu này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có giải pháp tạm: đồng ý cấp 1 tỉ đồng sửa chữa rạp và cấp 2,5 tỉ đồng mua thiết bị chiếu phim kỹ thuật số trong năm 2015.

Hơn năm năm trước, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng đã lên phương án bán ba rạp Hoàn Mỹ, Gia Hội và Đông Ba – đều là ba khu đất “vàng” của Huế – lấy tiền xây một rạp chiếu phim hiện đại. Đồng ý phương án trên, tháng 10-2009, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Điện ảnh Thừa Thiên – Huế tại 25 Hai Bà Trưng (gồm cả rạp Fafilm).

Trong đó, xây công trình chiếu phim rộng 1.785m2, khu vực dịch vụ văn hóa phẩm và vui chơi cho trẻ em rộng gần 600m2, nhà hành chính hơn 550m2… Tổng mức đầu tư gần 23 tỉ đồng, kế hoạch hoàn thành cuối tháng 10-2011. Thế nhưng, dự án hiện vẫn giậm chân tại chỗ, bởi chính sách thắt chặt đầu tư công đối với những công trình không cấp thiết.

_________

Kỳ 3: Xác rạp hát, hồn… không liên quan!

THÁI LỘC