10/01/2025

Chớm bệnh tâm thần phải điều trị sớm

Rất nhiều người khi có triệu chứng bệnh tâm thần thì bản thân hoặc gia đình e ngại, tránh né không đi điều trị làm bệnh ngày càng nặng.

 

Chớm bệnh tâm thần phải điều trị sớm

Rất nhiều người khi có triệu chứng bệnh tâm thần thì bản thân hoặc gia đình e ngại, tránh né không đi điều trị làm bệnh ngày càng nặng.

 

 

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tư vấn cho một bệnh nhân có biểu hiện tâm thần - Ảnh: .T.Dương
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tư vấn cho một bệnh nhân có biểu hiện tâm thần – Ảnh: .T.Dương

Trong khi đó, theo bác sĩ chuyên khoa, nếu được điều trị sớm, nhiều khả năng người bệnh sẽ trở lại cuộc sống bình thường.

Tự tử vì trầm cảm

Trong khi người dân ở tỉnh thường đưa người bệnh tâm thần đến những ông “thầy” chữa bệnh bằng bùa ngải, đấm đá… thì không ít người dân ở thành phố khi phát hiện người trong gia đình có biểu hiện tâm thần lại tránh né và không muốn cho hàng xóm, người quen biết
Bác sĩ LƯU QUỐC THÁI

Bác sĩ Lưu Quốc Thái, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, kể ông vẫn nhớ trường hợp một chàng trai trẻ, hơn 20 tuổi, ở Sóc Trăng, bị bệnh tâm thần phân liệt nhưng người nhà chỉ đưa đến Bệnh viện Tâm thần TP điều trị khi bị thầy bùa “chê”.

Hơn ba năm trước, khi phát hiện anh này có những biểu hiện bất thường như thường xuyên không ngủ đêm, ngồi lẩm nhẩm một mình… gia đình đã đưa anh đến một thầy bùa ở gần nhà điều trị vì nghĩ anh bị người âm nhập.

Thầy bùa điều trị bằng cách cho người bệnh uống bùa, ngải và càng ngày bệnh càng nặng hơn… Đến một ngày người bệnh hung dữ đánh cả thầy bùa nên thầy “chê”, không nhận điều trị nữa.

Khi tiếp nhận bệnh nhân này, bác sĩ Thái nhận định bệnh nhân đã mắc bệnh rất nặng nên chỉ điều trị ổn định, chứ không thể đưa bệnh nhân trở về cuộc sống như lúc đầu.

Trường hợp bệnh nhân T. (hơn 30 tuổi, chưa lập gia đình) đã ám ảnh các thầy thuốc mãi.

Bác sĩ Thái kể khi phát hiện anh T. có biểu hiện tâm thần như bỏ việc ở nhà, đi lòng vòng suốt đêm, thường ngồi ghi chép trong sổ sẽ gặp… những nguyên thủ quốc gia, lập tức ba mẹ T. đã xây riêng một phòng để nhốt anh vì sợ hàng xóm và người quen biết.

Thời gian đầu anh T. yên lặng ở trong phòng nhưng càng về sau càng muốn chống đối. Căn phòng không yên ắng như trước mà hàng xóm dần quen với tiếng la hét, phá phách của anh. Sau bảy năm nhốt anh T. trong phòng và biết không thể tiếp tục làm vậy được mãi, ba mẹ anh mới đưa anh đến khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.

Bác sĩ chẩn đoán anh T. mắc bệnh loạn thần. Cũng do đến bệnh viện trễ nên việc điều trị ổn định cho bệnh nhân phải cần thời gian dài và bệnh nhân không thể trở về cuộc sống bình thường như những trường hợp được phát hiện, điều trị sớm.

Bác sĩ Thái còn cho biết đa số người bệnh trầm cảm đến bệnh viện điều trị trễ vì không biết mình mắc bệnh.

Những người mắc bệnh trầm cảm có triệu chứng điển hình của bệnh này như buồn chán, không muốn làm việc, mất ăn, mất ngủ còn dễ phát hiện, chứ nhiều người mắc bệnh trầm cảm chỉ có triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp, đau bao tử, rối loạn tiêu hóa, đi tiểu lắt nhắt, đau nhức cổ, gáy… thì rất khó phát hiện. Khi gặp những triệu chứng này, người bệnh thường đến chuyên khoa tai mũi họng, tim mạch, tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình… khám.

Không ít trường hợp điều trị chuyên khoa trong vài năm, tốn hàng chục triệu đồng mới được một người quen kể từng có triệu chứng như vậy và sau đó đã tìm ra bệnh trầm cảm.

Người mắc bệnh trầm cảm rất dễ nóng giận nên nếu không được điều trị sớm có thể bị mất việc, bỏ học, tan vỡ gia đình… Bác sĩ Thái kể có những cặp vợ chồng phải ly dị vì người vợ hoặc chồng mắc bệnh trầm cảm và người còn lại không thể chịu đựng được…

Bác sĩ Thái nhấn mạnh người mắc bệnh trầm cảm bị mất ngủ liên tục lâu ngày nếu không được điều trị có thể dẫn đến loạn thần. Những người trầm cảm có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nếu không được điều trị đúng, sớm cũng sẽ dẫn đến suy kiệt cơ thể. Nguy hiểm hơn là trầm cảm lâu ngày còn có thể dẫn đến tự tử.

Bệnh viện Tâm thần TP từng tiếp nhận những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm nặng vì đến điều trị trễ. Có những bệnh nhân mới đến bệnh viện khám được hai lần, bác sĩ chưa thể đưa bệnh nhân ra khỏi tình trạng trầm cảm thì bệnh nhân đã tự tử.

Để càng lâu tổn thương càng nhiều

Bác sĩ Thái cho biết rối loạn tâm thần (tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, loạn thần…) là rối loạn các chất chuyển hóa thần kinh trong não.

Khi các chất này gia tăng sẽ làm tăng hoạt động cảm xúc, tư duy và khi tăng nhiều quá, hoạt động cảm xúc, tư duy liên tục sẽ gây ra sự suy yếu và tổn thương hệ thần kinh. Nếu không được điều trị tốt để giảm các chất này xuống thì các tổn thương sẽ nhiều lên.

Do vậy, nếu để bệnh nhân nặng mới đến điều trị thì hiệu quả giảm rất nhiều.

Nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần đa số là do di truyền. Ngoài những rối loạn gen do di truyền thì trong cuộc sống cũng có những yếu tố góp phần làm bệnh phát triển sớm hoặc nặng lên như áp lực công việc, các chấn thương tâm lý (xung đột trong gia đình, lo lắng về kinh tế…).

Những người bệnh bị rối loạn lưỡng cực sẽ có những biểu hiện dễ phát hiện như vui hoặc buồn quá mức bình thường, còn bệnh rối loạn tâm thần phân liệt khởi phát triệu chứng bệnh từ từ nên rất khó phát hiện.

Đa số chỉ người nhà, người thân trong cơ quan mới phát hiện được người bệnh có những thay đổi tính tình, như trước đây hay đi chơi với bạn bè nhưng nay không đi nữa.

Trước đây, về đến nhà vui vẻ nói chuyện với mọi người nhưng nay chỉ ở trong phòng, không nói chuyện với ai, thường giở sổ ghi chép, có thể ghi những điều rất hoang tưởng hoặc viết những câu hoàn toàn vô nghĩa.

Người bệnh có thể ghi sẽ xây dựng một công trình thủy điện lớn, hoặc ghi sẽ tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới…

Người bệnh cũng tự mình tách ra khỏi sinh hoạt của gia đình như đến bữa cơm không ăn cùng gia đình… Khi phát hiện những biểu hiện tâm thần, cách tốt nhất nên đưa người bệnh đến bệnh viện tâm thần để được khám.

Bác sĩ Thái khuyên để tránh mắc các bệnh tâm thần cần cân bằng cuộc sống bằng cách tránh áp lực công việc, biết cách nghỉ ngơi và chơi thể dục, thể thao.

Thư cầu cứu của người bị rối loạn tâm thần

Trong khi thực hiện bài viết này, báo Tuổi Trẻ nhận được lá thư cầu cứu của anh H.V.L. (34 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Anh L. viết: “Tôi đã trải qua sự căng thẳng ghê gớm, tột độ, sợ hãi, lo lắng, hồi hộp, mệt mỏi, sống dở chết dở, chán nản, giận dữ, u ất, vô vọng, ức chế, sốc, khiếp sợ, hãi hùng, đau đớn, đời sống thống khổ trong tâm trí, bế tắc trong mọi sự giúp đỡ, bào mòn sự nhẫn nại, bóp chẹt mọi hi vọng, trầm cảm, chấn thương tâm lý, tổn thương tinh thần suốt hơn 12.225 giờ liên tục cho đến nay.

Tôi đã mắc phải căn bệnh: rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn ngôn từ, nhận thức, cảm xúc, nhân cách, tiền đình, thoái hóa tế bào thần kinh não bộ lan tỏa, sa sút trí tuệ, xáo trộn điện hóa sinh não bộ…

Do vậy, mỗi khi chợp mắt bất kể ngày hay đêm thì xuất hiện ảo ảnh, những luồng ánh sáng thuần khiết, những cảnh tượng kỳ bí và huyền ảo, những thế giới mà tôi chưa bao giờ trông thấy, những ngôn ngữ, âm thanh lạ.

Các hiện tượng xảy ra ở não bộ và cơ thể tôi như có gì đó, cảm nhận giống như kim châm, di chuyển xung quanh vỏ não, thường đau ở đỉnh đầu, nửa đầu và các cơn đau chùm.

Còn tim mạch thi thoảng nhói đau, đập mạnh, đôi khi co thắt, kể cả trong chiêm bao, thường xuyên đau rát cuống họng, bụng cồn cào, giống như không khí và dịch tràn đầy bên trong cơ thể.

Tôi đã đi khám ở nhiều bệnh viện, uống nhiều thuốc nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Vì vậy, tôi chân thành cần sự giúp đỡ của quý bạn đọc gần xa, các danh y, bác sĩ…”.

Sau khi đọc thư của anh L., bác sĩ Nguyễn Văn Ca – phó khoa tâm thần kinh Bệnh viện 175 – cho biết hiện anh L. đang có những rối loạn tâm thần nhưng vẫn chưa quá nặng nên nếu được điều trị cơ bản anh có thể ổn định tâm thần, làm việc được.

Theo BS Ca, anh L. nên đến các cơ sở chuyên khoa có uy tín để được khám, điều trị cơ bản.

THÙY DƯƠNG