Học những điều không ai sử dụng
Kiến thức lạc hậu, học mà không biết để làm gì vì giờ không ai còn sử dụng là thực trạng việc dạy môn tin học trong trường phổ thông hiện nay.
Học những điều không ai sử dụng
Kiến thức lạc hậu, học mà không biết để làm gì vì giờ không ai còn sử dụng là thực trạng việc dạy môn tin học trong trường phổ thông hiện nay.
|
Tài liệu biên soạn cách đây hơn 10 năm
Khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào lớp 10 chuyên tin Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, không ít phụ huynh đã phải thốt lên: “Sao giờ còn thi lập trình Pascal, còn ai sử dụng kiến thức này nữa đâu?”.
Khi tiếp xúc với các giáo viên dạy môn tin học trong trường phổ thông càng thấy đây là sự thật “đau lòng”.
Một giáo viên giải thích vì sao giờ này còn thi lập trình Pascal vào lớp 10 chuyên tin. Ông nói: “Học sinh học gì thì phải thi nấy và việc giảng dạy kiến thức tin học lạc hậu bắt đầu từ bậc tiểu học”. Một giáo viên tin học khác phân tích: “Thứ nhất ngôn ngữ lập trình này hầu như không còn ứng dụng trong thực tế. Từ nhiều năm nay, trong lĩnh vực công nghệ thông tin họ nói đến lập trình Java hay C++… Còn nếu nói học Pascal để tiếp cận với ngôn ngữ lập trình thì câu lệnh trong Pascal rất khó, không phù hợp với học sinh lớp 8. Trong khi đó có nhiều ngôn ngữ lập trình ứng dụng khác có cách tiếp cận đơn giản”.
Còn giáo viên khác thì tâm tư: “Công nghệ thông tin thay đổi hằng ngày, hằng giờ. Chỉ cần ngủ qua một đêm thức dậy là lĩnh vực này đã làm cả thế giới thay đổi. Thế nhưng tài liệu giảng dạy môn tin học của Bộ GD-ĐT triển khai ở các trường hơn 10 năm không hề có sự điều chỉnh, cập nhật”.
Ông Quách Văn Khái, giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Chí, Q.6, TP.HCM, lấy ví dụ: “Từ lâu, Microsoft đã khai tử điều hành Windows XP cùng bộ Word Office 2003 và đã giới thiệu lần lượt các bộ điều hành mới với nhiều tính năng hiện đại. Trong khi đó, ròng rã từ năm 2003 đến nay, chúng tôi vẫn dạy học trò những kiến thức cũ rích này”.
Phải điều chỉnh nội dung giảng dạy
Nhắc đến việc hằng ngày phải dạy những kiến thức lạc hậu, hầu hết giáo viên đều bức xúc. Một giáo viên nói: “Hiện nay, trẻ em có cơ hội tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. Nếu cứ dạy những kiến thức mà học sinh biết là lỗi thời thì sao còn hứng thú? Bên cạnh đó, là thầy, lẽ ra phải nói cái mới mà cứ đi dạy cho trò những điều trò đã biết thì ngay bản thân chúng tôi cũng thấy băn khoăn”.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD Q.Tân Phú, TP.HCM, nhấn mạnh: “Kiến thức không bao giờ là đủ, đặc biệt là đối với môn tin học đòi hỏi người dạy phải luôn luôn trong tâm thế làm mới kiến thức cho mình. Tuy nhiên, đã là giáo viên thì phải bám sát theo chương trình của Bộ quy định”. Vì vậy, để học sinh không cảm thấy nhàm chán, tiếp thu được những kiến thức mới, phù hợp với thực tiễn, ông Trần Trọng Khiêm chia sẻ: “Các trường cũng muốn mời giáo viên thỉnh giảng vì đây chính là những người vừa có tay nghề vừa có kinh nghiệm thực tiễn, cập nhật thường xuyên những kiến thức mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này sẽ làm học sinh yêu thích môn học vì tiếp nhận kiến thức giúp ích cho mình trong cuộc sống”.
Cũng chính từ mục đích cung cấp cho học sinh những kiến thức thực tiễn, Trường tiểu học Pham Văn Chí, Q.6, TP.HCM, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất bằng cách nâng cấp phòng máy, cài đặt các phần mềm ứng dụng đang sử dụng hiện nay…
Tuy nhiên, nhiều giáo viên tin học cho rằng những giải pháp trên đều chỉ là tình thế còn căn cơ thì đã đến lúc Bộ phải cập nhật và có những điều chỉnh kịp thời về nội dung giảng dạy.
Bích Thanh