09/01/2025

Những người thầy nghệ sĩ

Dân gian có câu “Thầy già con hát trẻ”. Thế nhưng khi các lớp học sân khấu mở ra nhiều hơn, đã xuất hiện thêm một thế hệ những người thầy sân khấu trẻ, năng động và đặc biệt là có những “chiêu” từ kinh nghiệm thực tế mà nhà trường không thể có.

 

Những người thầy nghệ sĩ

 

 

Dân gian có câu “Thầy già con hát trẻ”. Thế nhưng khi các lớp học sân khấu mở ra nhiều hơn, đã xuất hiện thêm một thế hệ những người thầy sân khấu trẻ, năng động và đặc biệt là có những “chiêu” từ kinh nghiệm thực tế mà nhà trường không thể có.

 


NSƯT Hữu Châu và học trò  - Ảnh: H.K

Hầu hết các giảng viên trẻ này đều là nghệ sĩ có tiếng, tạo được tin tưởng trong lòng học trò. Vừa đi dạy vừa đi diễn nên thầy cô luôn cọ xát thực tế, cập nhật đời sống sân khấu, hỗ trợ rất nhiều cho học trò.

Nổi tiếng nhất hiện nay có lẽ là NSƯT Hữu Châu với sở trường môn tiếng nói sân khấu. “Ông thầy” này dạy ở Trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM một thời gian nhưng lại gắn bó lâu dài với lớp học do NSND Hồng Vân chiêu sinh, nay đã là khóa thứ 3. Diễn viên Ngọc Trinh thì đi dạy môn kỹ thuật biểu diễn cho lớp luyện thi diễn viên điện ảnh chuẩn bị thi vào Trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, và còn dạy cho các lớp của những công ty sự kiện. Hữu Tiến là gương mặt thân quen của kịch Thế Giới Trẻ, tuần diễn 4 suất, mà lại kín mít lịch dạy suốt từ thứ hai tới chủ nhật, nhiều ngày dạy luôn 2 ca. Chẳng những dạy cho Trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM mà còn cho Trường đại học Quân đội và gắn bó với đội kịch Tuổi Ngọc.

Giảng viên trẻ của cải lương thì có Trung Thảo, Lê Tứ, Hồng Thắm đều là những diễn viên giỏi nghề, được giải Trần Hữu Trang, giải trong các liên hoan sân khấu, thậm chí tham gia đóng kịch và đóng phim. Hiện nay Trung Thảo là người giỏi vũ đạo của cải lương nên Trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, Trường Múa TP.HCM và các tỉnh mời anh phụ trách môn này. Anh còn tập huấn thường xuyên cho nhiều nghệ sĩ tham gia các chương trình truyền hình. Mới đây là Hoài Lâm, Minh Thuận trong Gương mặt thân quen có công của Trung Thảo “bẻ chân bẻ tay”. Không chỉ dạy vũ đạo, anh còn giỏi cả hóa trang và kỹ thuật biểu diễn, nên phụ trách luôn khi cần.

 

 
 

Tôi không vợ, không con cái chi hết, nên tôi thương học trò như con vậy. Ối, mà chị ơi, tui hay nói với tụi nó “Tao mắc nợ tụi bây”, vậy mà tụi nó cứ rần rần đeo theo tui

 

NSƯT Hữu Châu

 

 

Nghiệp diễn, nghiệp dạy

Các nghệ sĩ này đã không hề nghĩ rằng có ngày mình đứng trên bục giảng. Trung Thảo kể: “Hồi tôi còn học ở Trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, thầy hiệu trưởng Hà Quang Văn nhìn ra tố chất nào đó mà kêu tôi lên phụ giảng, tôi hoảng hốt từ chối. Thầy ép mãi tôi mới chịu dạy. Thế rồi dính luôn với nghề. Vừa tốt nghiệp tôi đã đi dạy song song với đi hát”. Lê Tứ và Hồng Thắm cũng là những sinh viên ưu tú được cất lên giảng dạy như thế.

Ngọc Trinh cũng bất ngờ khi nhớ lại khởi đầu nghề dạy của mình: “Tôi nhỏ xíu người, đi diễn còn bị bắt đóng vai con nít, vậy mà được mời dạy, thấy… hết hồn. Theo con đường sư phạm rồi, tự nhiên thấy mình chững chạc hẳn ra”. Trung Thảo mặt trắng trẻo thư sinh, dù hơn 30 tuổi vẫn được gọi “bé Sữa”. Cho nên có lần mới bước vào thang máy dành cho giáo viên đã bị ông bảo vệ la lên: “Sinh viên thì đi thang khác kìa”. Còn khi vô lớp, “học trò” thấy anh này tưởng học trò mới đăng ký, hai bên ngồi “tám” chuyện cả buổi, xong học trò than: “Thầy vô trễ vậy ta!”. Chừng “thầy” đứng lên, học trò giật mình, và chỉ biết… vỗ tay.

Lương ít, tình nhiều

Lương cho thầy cô giáo ở các trường sân khấu chính quy và các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi rất thấp, có khi chỉ vài chục ngàn đồng một tiết dạy. Lương của lớp học xã hội hóa thì đỡ hơn. Nhưng quy lại vẫn là… lương nhà giáo. Nhưng các thầy cô này vẫn gắn bó với nghề.

 


Bé Gia Lộc (lớp kịch Tuổi Ngọc của diễn viên Hữu Tiến) và diễn viên Duy Nhân trong bộ phim Màn đêm không tối – Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

 

NSƯT Hữu Châu là “ông thầy” nổi tiếng “chịu chơi”, bởi bao nhiêu tiền lương đều dẫn học trò đi ăn sạch bách. Anh cười: “Tôi đi đóng kịch đóng phim vừa đủ nuôi gia đình rồi, lương này là của sư phạm thì quay trở lại nuôi sư phạm. Học trò mình còn khó khăn thì mình hỗ trợ cho nó có sức mà học, sau này có nghề để sống. Tôi không vợ, không con cái chi hết, nên tôi thương học trò như con vậy. Ối, mà chị ơi, tui hay nói với tụi nó “Tao mắc nợ tụi bây”, vậy mà tụi nó cứ rần rần đeo theo tui”. Rần rần trên cả Facebook nữa. Nhiều hôm “ông thầy” tự dưng viết một câu “Thèm thịt vịt quá!”, thế là có đứa chạy đi mua thịt vịt đem tới thầy ăn liền. Học trò đi đâu về cũng mua đồ ăn biếu thầy, dù chỉ cái bánh, con cá… Thầy đi đóng phim ở gần nhà đứa nào là y như rằng nó chạy tới chăm thầy từng ly sữa, tô canh. Món quà nhỏ thôi, nhưng cái tình thì giống như cha con. Nói chuyện cũng “trả treo”, hài hước y như người cùng một nhà. Nhưng khi học thì rất nghiêm túc, để ra trường không hổ danh “sư phụ”.

Hữu Tiến cũng thương học trò như con vì anh đã làm “gà trống nuôi con” suốt mấy chục năm nay, tình thương của người cha lẫn người mẹ đã hòa lẫn đầy ắp. Anh kể: “Theo quy định thì bé 6 tuổi mới được vô lớp kịch Tuổi Ngọc, nhưng có nhiều bé 4 tuổi ham học quá cũng đòi đi vô. Qua vài tháng nếu thấy có năng khiếu thì tôi nhận luôn. Mà trời ơi, chăm nó cực dữ lắm. Có khi nó tè trong quần nữa. Rồi khóc, rồi té… Ôi thôi, đủ thứ chuyện của trẻ con chứ đâu chỉ mệt vì dạy học”. Nhưng anh nói điều đó không khổ bằng cái khổ ứng phó với phụ huynh. Ai cũng muốn con mình thành “sao”, cứ đòi con được phân vai chính khi lên sân khấu, ấy vậy mà lúc tập tuồng thì sợ con vất vả. Vì vậy, anh chẳng bao giờ dám nhận quà vào ngày 20.11, bởi sợ phụ huynh… mè nheo. Con nít vậy mà vô tư hơn. Có đứa cứ kêu “ba Tiến” ngọt xớt. Vì cái tiếng “ba” này mà cực cũng vui! Nhiều bé đã đi đóng phim thường xuyên như Gia Bảo (Ông trùm, Bóng giang hồ), Gia Lộc (Màn đêm không tối), Minh Ngọc (Ảo vọng)…

Có khi thầy trò giận nhau rồi mới biết thương nhau. Như Ngọc Trinh, từng thủ thỉ tế nhị khuyên một em rằng em không có năng khiếu, nên đổi nghề để không phí phạm thời gian, em liền sầm mặt giận cô giáo. Nhưng khi lên sàn tập vở diễn em mới thấy cô nói đúng, bèn tự động lui về hậu trường chăm sóc bạn bè từng bộ trang phục, từng món đạo cụ… Không ngờ bạn bè lại cảm ơn em nhiều nhất. Và sau này em đã đi du học ở Singapore, cứ nhắn tin về cảm ơn cô đã có một lời khuyên thẳng thắn giúp em tốt hơn.

Hoàng Kim