07/01/2025

Phải cân đối giữa dạy chữ và rèn người

Học trò thì quay cuồng với học kiến thức để đáp ứng các kỳ thi, còn phụ huynh không thể giảm tải được chương trình đành phải thay con làm mọi việc. Cái vòng luẩn quẩn ấy buộc phải tìm được lối ra.

 

Phải cân đối giữa dạy chữ và rèn người

 

 

Học trò thì quay cuồng với học kiến thức để đáp ứng các kỳ thi, còn phụ huynh không thể giảm tải được chương trình đành phải thay con làm mọi việc. Cái vòng luẩn quẩn ấy buộc phải tìm được lối ra.

 


Ngoài những buổi học trên lớp, học sinh cần những hoạt động trải nghiệm để phát triển các kỹ năng sống - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

 

Phát biểu góp ý về đổi mới chương trình – sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Quốc hội mới đây, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, nói: “Tôi đọc một khảo sát mới đây có tới 20% học sinh (HS) tiểu học có chỉ số mỡ trong máu quá cao; số lượng HS phải đeo kính ngày càng trở nên phổ biến. Điều này là do HS quá ít vận động và tham gia các hoạt động trải nghiệm, thời gian ngồi một chỗ để học quá nhiều”.

Biết sai mà vẫn chấp nhận

 

 
 

Đưa hoạt động trải nghiệm vào chương trình

Nhằm khắc phục tình trạng “nặng dạy chữ, nhẹ dạy người” như hiện nay, theo thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT xây dựng, sẽ có hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho HS. Hoạt động này mang tính tự chọn bắt buộc dành cho tất cả HS từ lớp 1 đến lớp 12, giúp HS vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống. HS sẽ đi thực địa, tham quan, sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động xã hội/tình nguyện, dự án và nghiên cứu khoa học, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, cắm trại, thực hành lao động…

 

 

Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận chương trình các môn học chỉ xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ mà chưa xây dựng chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực của HS; chưa đảm bảo sự cân đối giữa dạy chữ và rèn người. Trong một số môn học có những nội dung chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản, còn nặng tính hàn lâm, quá tải, chưa thiết thực; việc tổ chức các hoạt động giáo dục chưa được coi trọng…

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Hà Nội, thừa nhận: “Áp lực thành tích nặng nề quá nên đôi khi người lớn ‘nhắm mắt’ làm ngơ trước cái sai và thậm chí còn chấp nhận nó”. Không phải phụ huynh không biết làm bài tập giúp con là sai, không phải cô giáo đọc bài văn không biết đó là bài văn của bố của mẹ HS hoặc chép từ văn mẫu. Nhìn một sản phẩm thủ công mà HS nộp, cô biết đó là cái mua sẵn hoặc người lớn làm cho đấy nhưng vẫn chấp nhận để có thành tích điểm giỏi. Người lớn biết hết, nhưng đôi khi họ phải đối phó để đạt được yêu cầu của chương trình, đạt bao nhiêu tỷ lệ HS khá, giỏi…

Một phụ huynh có con vừa học hết cấp THCS cho rằng cần phải xem lại chương trình. “Hồi trước môn thủ công ở cấp tiểu học bắt tất cả các con phải học thêu. Cháu nhà tôi là nam, nếu cô giao bài tập không hoàn thành thì bị trách phạt nên mẹ buộc phải thêu hộ con”, phụ huynh này tâm tư.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Kỹ năng sống của giới trẻ bây giờ vô cùng yếu. Thậm chí, nhiều em tốt nghiệp ĐH vẫn chưa nấu nổi một nồi cơm cho đúng nghĩa”. Cũng theo bà Hương, các môn như tự nhiên, xã hội, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, thủ công… bị coi là môn phụ khiến cả thầy và trò chỉ chú trọng đến những gì sẽ được kiểm tra, đánh giá và bỏ bê những môn “phụ” ấy. Học lệch dẫn đến việc trẻ em kém hiểu biết thế giới xung quanh.

Điều chỉnh từ chương trình học, quan điểm giáo dục

Với quan điểm HS cần có kỹ năng sống, trước hết để thành một công dân bình thường, bà Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội), cho biết nhiều năm gần đây nhà trường đã đưa vào những bài học trải nghiệm để dạy cho HS những kỹ năng cơ bản nhất. Ví dụ, mỗi học kỳ vài buổi, thay vì đi đến các khu du lịch thì nhà trường đưa HS về vùng ngoại thành hoặc miền quê không quá xa thành phố, tổ chức cho HS chia nhóm, hái rau ở vườn, bắt cá dưới ao… và tự nấu ăn. Theo bà Thuận, những buổi học trải nghiệm ấy HS học được rất nhiều điều mà không có sách vở nào thay thế được.

Ở một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, mô hình “Nông trại trường” cũng bắt đầu được thí điểm áp dụng. Đây là mô hình trường học gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương. HS tiểu học trồng rau, chăn nuôi; HS trung học tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, mía đường (tại Tuyên Quang).

Bà Vũ Thu Hương cũng khẳng định trang bị kỹ năng sống đòi hỏi sự chung tay của cả gia đình và nhà trường. Cha mẹ sẽ bớt chiều chuộng, lo lắng, chăm bẵm các em thái quá mà sẽ để ý dạy bảo các em cẩn thận hơn. Còn ông Nguyễn Tùng Lâm thì khẳng định: “Chỉ khi ngành GD-ĐT không gây áp lực với HS bằng những kỳ thi đánh đố, nội dung chương trình không chỉ toàn kiến thức hàn lâm thì khi đó HS mới có thời gian để rèn luyện những kỹ năng làm việc gì ngoài giải toán và làm bài tập làm văn”.

Trong khi đó, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), trong một bức tâm thư gửi phụ huynh trường mình đã viết: “Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì mà dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”. Có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa ấm chén, tưới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa… Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi khinh những người lao động. Là một thầy giáo lâu năm, tôi rút ra một nhận định: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công”.

 

Hệ quả của nặng lý thuyết, nhẹ thực hành

Trong 3 nhiệm vụ quan trọng của giáo dục hiện nay, ngoài kiến thức và đạo đức, việc giáo dục kỹ năng sống hãy còn quá nhiều khiếm khuyết…

Từ khảo sát thực tế HS cấp THPT, chúng tôi nhận thấy hầu hết các em đều cho rằng chỉ hiểu biết và sử dụng thành thạo những gì thuộc về “công nghệ số hóa”. Tuy vậy, “thảm cảnh” của  học sinh ngày nay, nói theo ngôn ngữ của chính họ, chỉ là “anh hùng bàn phím”. Một giáo viên tâm sự: “HS ngày nay non quá. Cái gì cũng không biết, cái gì cũng ỷ lại. Hôm đi đường thấy một nam sinh lớp 11 xe đạp bị trật dây xích mà không tự gắn vào được. Thời như tuổi chúng, nếu xe bể vỏ tôi còn có thể tự vá”.  

Chỉ biết kiến thức là hiểu biết đóng, vận dụng được kiến thức là hiểu biết mở. Và vận dụng linh hoạt nó cho cuộc sống là kỹ năng ứng xử mềm. Học hóa học không phải chỉ để biết các công thức, các phản ứng trên sách vở mà phải biết ứng dụng nó cho cuộc sống. Học trò của ta rất hạn chế phần này. Một giáo viên hóa kể: “Hôm trước dạy đến phần phản ứng thủy phân tinh bột, khi đã cho phương trình phản ứng quá rõ ràng rằng tinh bột khi kết hợp với nước (trong điều kiện nhiệt độ, a xít) sẽ cho ra glucose. Sau bài học đó tôi hỏi lớp: “Những người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn thức ăn gì gần gũi nhất hằng ngày?”. Thế mà chẳng em nào trả lời được. Chúng không nghĩ ra rằng gạo đem nấu thành cơm sẽ cho ra một lượng glucose nhất định, mà chất này chính là đường”.

Vai trò của gia đình thì đã quá rõ. Ở đây chúng ta cần thấy trách nhiệm của ngành giáo dục. Đây chính là hệ quả của một quá trình giáo dục lý thuyết nhiều hơn thực hành, sách vở giáo khoa trường học nhiều hơn thực tế cuộc sống, áp lực từ việc học hành thi cử. Hệ lụy của nó là con em chúng ta suốt ngày vùi đầu vào sách vở, nghẹt thở với các kỳ thi.

Trần Ngọc Tuấn

 

Tuệ Nguyễn