08/01/2025

Giúp trẻ giảm lệ thuộc thiết bị số

Con số “78% trẻ đô thị dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị số” từ một khảo sát mới đây tại bốn thành phố lớn thật sự đáng lo ngại.

 

Giúp trẻ giảm lệ thuộc thiết bị số

Con số “78% trẻ đô thị dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị số” từ một khảo sát mới đây tại bốn thành phố lớn thật sự đáng lo ngại.

 

Trẻ em bị ảnh hưởng và lệ thuộc nhiều vào các thiết bị số như máy tính bảng, điện thoại... - Ảnh: T.T.D.
Trẻ em bị ảnh hưởng và lệ thuộc nhiều vào các thiết bị số như máy tính bảng, điện thoại… – Ảnh: T.T.D.

Làm sao giúp trẻ tránh sự lệ thuộc vào các thiết bị số? Chúng tôi giới thiệu hai ý kiến về vấn đề này.

Việc trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh thường xuyên, thành thục đang là một thực tế đáng lo ngại vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ như chậm nói, khả năng tự lập kém, không mở mang kiến thức tổng quát qua trực quan sinh động.

Ngoài ra, trẻ còn không biết kỹ năng xã hội như chào hỏi, chơi chung; không biết kiểm soát cảm xúc vì không có cơ hội kết bạn trực tiếp mà chỉ ở thế giới ảo.

Trong quá trình làm việc với trẻ và gia đình hơn 12 năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, tôi giới thiệu vài gợi ý để giúp trẻ tuổi mầm non không tiếp cận nhiều đến thiết bị số, không lệ thuộc hay không nghiện tivi và máy tính bảng.

Hãy chơi cùng trẻ: nhiều cha mẹ áy náy vì có ít thời gian chơi với con nên sẽ dẫn cháu đi siêu thị và công viên khi có thể. Công viên giúp trẻ vui chơi ngoài trời, hoạt động thể lực, giúp trẻ kết bạn, nhưng thụ động vì ngoài khả năng của cha mẹ, không phải lúc nào trẻ cũng gặp bạn hợp với lứa tuổi.

Nếu không có nhiều thời gian, cha mẹ chỉ cần ngồi bên cạnh con, chơi cùng con một trò chơi có cấu trúc (giải thích luật chơi, sắp xếp người chơi), mục tiêu. Các trò chơi phải luôn cần sự tương tác qua lại giữa cha, mẹ và con (là bạn chơi của nhau), không nên để trẻ chơi một mình.

Chơi luân phiên sẽ giúp con trẻ học chờ đợi, biết kiểm soát cảm xúc. Các trò chơi dân gian như: úp lá khoai, chi chi chành chành, lò cò, nhảy dây… khiến trẻ em rất thích và gần gũi nhau hơn.

Trò chơi cờ cá ngựa ở tuổi lên 5 vô cùng hấp dẫn khi cha mẹ và con cái cùng chơi để giúp trẻ học đếm, chờ đến lượt mình, nhất là học kiểm soát cảm xúc buồn, ấm ức và cha mẹ cũng học đồng hành với nỗi buồn, nuối tiếc của con.

Mỗi lần 15-30 phút chơi đồ hàng với trẻ như nấu ăn, búp bê ở trẻ nhỏ từ 16 tháng trở lên đến 3-5 tuổi, chơi đóng vai công chúa, hoàng tử ở trẻ lớn hơn là những trò chơi thu hút trẻ em và cũng sẽ phát hiện những trẻ không có khả năng này do vấn đề phát triển như rối loạn phát triển – tự kỷ hay nhút nhát, chậm nói hay thích nghi kém.

Trang bị cho trẻ kỹ năng đọc sách: bên cạnh vui chơi, đọc sách là kỹ năng quan trọng mà trẻ cần được trang bị trước khi vào lớp 1 hơn là rèn chữ. Hằng ngày trẻ học đọc sách từ cha mẹ hay người chăm sóc.

Từ tuổi đầu tiên, đọc sách có nghĩa là nhìn hình và chỉ đúng tên đồ vật, con thú và hình ảnh người thân. Sách nên có nhiều màu sắc để thu hút trẻ, cũng như cha mẹ sẽ cùng trẻ đọc sách mỗi ngày 15 phút.

Dần dần cha mẹ yêu cầu trẻ nói lại đoạn của câu chuyện cha mẹ vừa mới đọc để giúp trẻ phát triển từ vựng, kỹ năng kể chuyện và sự tự tin. Từ đó, phát triển tình cảm giữa cha mẹ – con cái bền vững.

Sách giúp con trẻ tư duy, tưởng tượng hơn là xem phim hoạt hình trên tivi và chơi game trên điện thoại. Tuổi mầm non, sách giúp hình thành nền tảng kỹ năng xã hội, các giá trị đạo đức mà cha mẹ hằng ngày nhắc nhở.

Sau này khi trẻ biết chữ, cha mẹ cần tìm sách cho con, không để con tự chọn mua đọc mà không có sự giám sát của cha mẹ. Đó là sách về khoa học: thực vật, động vật, thiên văn và tìm hiểu các danh nhân thế giới, chuyện cổ tích và văn học của các nước theo lứa tuổi.

Đây là nền tảng cơ bản giúp trẻ chia sẻ và kết bạn ở tuổi học đường mà không phải dựa vào điện thoại hay máy tính bảng của thế giới ảo.

Tạo niềm vui khác cho con

Nhà tôi có hai tivi, vợ chồng tôi đều sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng, song chúng tôi tự đặt ra nguyên tắc là hạn chế tối đa xem tivi, dùng điện thoại và dùng máy tính bảng ở nhà. Chúng tôi quan niệm: muốn con tránh xa thiết bị số thì cha mẹ phải làm gương.

Vợ chồng tôi có hai con đều ở lứa tuổi tiểu học. Để “bão thiết bị số” không tràn vào gia đình mình, vợ chồng tôi đặt ra các nguyên tắc với con mình: không được xem tivi, dùng thiết bị số nếu không được phép của cha mẹ; tuyệt đối không được xem điện thoại vì màn hình quá nhỏ; nếu xem tivi thì chỉ được xem vào cuối ngày trước khi đi ngủ, không được xem quá 30 phút; nếu được dùng máy tính bảng cũng dùng vào cuối ngày, không quá 30 phút, nếu để máy sát mặt mà bị nhắc lần thứ ba sẽ chấm dứt xem; chưa cho con cái tiếp xúc với máy tính để bàn, chưa cho thi Violympic như bạn bè cùng lứa…

Để cho con cái xa rời thiết bị số, chúng tôi phải tìm cách để các con có niềm vui khác. Mỗi tuần dù bận bịu bao nhiêu chúng tôi cũng dành thời gian đưa hai cháu tham gia những hoạt động giải trí khác như học bóng rổ, đi các khu vui chơi, siêu thị, giao lưu với bạn bè…

Tại các siêu thị lớn bây giờ đều có khu chơi game, hai cháu đều được chơi nhưng mỗi lần chơi mỗi cháu được cho không quá 10 xu (xèng)…

Từ khi các cháu lên hai, lên ba, vợ chồng tôi đều tập cho các con thói quen tiếp cận với sách.

Ngoài việc mỗi tuần ít nhất một lần đưa các cháu đến nhà sách (có khi mua, có khi chỉ là “coi cọp”), chúng tôi mua sách về để khắp nhà, ngăn nắp, với mong muốn sách luôn ở trong tầm mắt của các cháu, muốn đọc lúc nào cũng có.

Trong khi mọi người thường đưa máy tính bảng cho con cái để làm “người giữ trẻ” thì chúng tôi đưa sách. Chúng tôi không mua nhiều, mỗi tuần chỉ một hai cuốn, để tạo tâm lý cho các cháu luôn “thèm” sách, đọc hết cuốn này chờ được đi nhà sách để mua sách mới.

Dần dà, con trai đầu 8 tuổi nay rất thích sách, cháu đọc sách bất cứ khi nào rảnh ở nhà. 

Quyết tâm tuân thủ các nguyên tắc xem, đọc như vậy qua năm tháng, bây giờ hằng đêm mỗi khi học bài xong, dường như con chúng tôi không chú tâm đến việc đòi mở tivi hay dùng máy tính bảng như trước.

Thay vào đó cháu uống sữa, nghỉ ngơi, vui đùa với nhau trước khi vào giường nghe chuyện cổ tích do cha mẹ kể.

N.T.U.