Văn nghệ “đi dây” giữa đạo đức và thị trường
Khoảng 200 nhà khoa học xã hội, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành đã tham dự hội thảo “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay”.
Văn nghệ “đi dây” giữa đạo đức và thị trường
Khoảng 200 nhà khoa học xã hội, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành đã tham dự hội thảo “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay”.
Rất nhiều nhà kinh doanh muốn có phần trong thị trường phim ảnh VN. Trong ảnh: khán giả mua vé xem phim tại rạp Cinebox, TP.HCM – Ảnh: Tiến Long |
Sự kiện diễn ra tại TP.HCM từ ngày 11 đến 12-11. Hội thảo do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) trung ương tổ chức, từ thực tế “xã hội đang xuống cấp về đạo đức”, như trong đề dẫn của GS.TS Đinh Xuân Dũng.
Phải mạnh dạn, tin tưởng vào nhiệt tình xây dựng của các nhà văn, khuyến khích họ sáng tạo; có cái nhìn thông thoáng đối với tác phẩm đề cập những vấn đề gai góc |
PGS.TS Vũ Nho |
Đạo đức xuống cấp và sự kỳ vọng vào văn học nghệ thuật
Câu chuyện về truyện ngắn đầu tay Nhớ cố hương của nhà văn Đoàn Giỏi được GS.TS Huỳnh Như Phương thuật lại vắn tắt nhân hội thảo lần này, bởi đây là trường hợp đặc biệt trong sáng tác: một truyện ngắn có ba số phận.
Đoàn Giỏi thoạt đầu viết cái kết truyện về một cậu bé nghèo đi ở đợ, ngày tết nhớ quê tìm đường trở về, đói khát cảm sốt mệt lả cuối cùng nằm chết dọc đường.
Truyện này lần đầu gửi đến Nam Kỳ tuần báo của Hồ Biểu Chánh, ông này đề nghị sửa cái kết khác đi: Trong lúc thằng bé nằm lả bên đường thì có một chiếc ôtô chạy ngang, một phụ nữ xinh tươi bước xuống.
“Cô liền dạy sốp-phơ bồng đứa nhỏ lên và nói: Tội nghiệp con nít đói rách đau ốm. Để chở nó về kiếm thuốc cho nó uống, rồi hỏi nó con nhà ai thì mình đưa nó về cho nó ăn tết. Làm phước không mất đâu mà sợ”.
Đến khi theo cách mạng, năm 1948 Đoàn Giỏi viết lại truyện này, sửa đoạn kết một lần nữa, lần này đứa bé không chết dọc đường, mà nó về làng gặp các bạn nghèo, rồi cùng theo cách mạng “như một thanh niên tiền phong thực thụ”. Ông Huỳnh Như Phương nhấn mạnh “ba số phận câu chuyện này cũng là ba quan điểm về đạo đức”.
Đây cũng chính là minh chứng cho trường hợp đạo đức xã hội thay đổi theo từng thời kỳ và theo nhận thức của từng nhà văn, thậm chí của mỗi nhà văn trong hoàn cảnh xã hội khác nhau. Đạo đức xã hội trong VHNT hôm nay là một khái niệm rộng lớn.
Và cơ sở để huy động các ý tưởng, đóng góp từ các nhà chuyên môn trong hội thảo lần này là mối quan tâm từ trung ương. GS.TS Đinh Xuân Dũng trong tham luận đề dẫn có giải thích về cơ sở này: “Tại sao hội thảo của chúng ta tập trung bàn về vấn đề này? Có lẽ câu trả lời dễ dàng được mọi người đồng tình là xã hội đang xuống cấp về đạo đức. Điều đó đúng nhưng có lẽ chưa đủ…
Với tất cả sự tỉnh táo của mình, chúng ta nhận thức rõ xu hướng vận động của đạo đức xã hội ở VN hiện nay đã và đang xuất hiện rất nhiều vấn đề lớn và phức tạp chưa từng có so với giai đoạn trước 1975, 1980. Sự tha hóa về đạo đức trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội không còn là điều bất thường, mà đó là điều rất đáng lo ngại”.
Như vậy, đạo đức xã hội đang là một thực tế đặt ra cho VHNT, ở đó có sự kỳ vọng rằng chính VHNT bằng chức năng của mình sẽ góp phần tác động để xã hội VN hiện nay phát triển tốt hơn, “bền vững hơn” như nghị quyết trung ương 9 vừa nêu.
Chia sẻ điều này, ông Võ Văn Thưởng – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – gợi ý: thời gian qua, một trong những thành công của VHNT là phê phán cái ác, cái xấu, nhưng cần hơn là việc thức tỉnh những giá trị tốt đẹp, định hướng dẫn dắt con người vươn lên những giá trị tốt đẹp cao hơn, như vậy là VHNT đã góp phần rất tích cực đến xây dựng và bồi đắp tình cảm, lý tưởng cho con người.
Mục tiêu thị trường có mâu thuẫn với mục tiêu nghệ thuật?
Nhiều ý kiến tại hội thảo khi đề cập đến vấn đề đạo đức và những hoạt động, tác động của thị trường khiến giới quan sát hình dung VHNT của chúng ta đang ở thế “đi dây” giữa một bên là xây dựng các giá trị đạo đức như mong muốn, một bên là làm thế nào để kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nghệ thuật thành công trên thị trường như một nhu cầu tất yếu của phát triển.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh đơn cử trong lĩnh vực điện ảnh hiện nay khuynh hướng thương mại đang lấn át: “Không còn thấy đâu bóng dáng những bộ phim mang đậm bản sắc dân tộc, nếu có thì chúng cũng bị che lấp bởi dòng phim thương mại, chiều theo thị hiếu của một thiểu số thanh niên tầng lớp khá giả ở các đô thị… Đó là những chuyện trong giới showbiz, giới đại gia, chân dài, ở biệt thự, đi xe hơi khủng… Tóm lại là cuộc sống hưởng thụ của giới nhà giàu”.
Ông tâm sự: “Tôi giật mình nhận ra rằng trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, các liên hoan phim trên thế giới quay lưng với điện ảnh VN. Ngay cả Liên hoan phim Fukuoka, một liên hoan phim rất thân thiết với điện ảnh VN, lâu nay cũng không mời một phim VN nào nữa”.
Và đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa ra nhận định: “Điện ảnh VN chỉ có hai thời kỳ: thời kỳ làm phim không vì tiền và thời kỳ làm phim vì tiền. Làm nghệ thuật với tâm thức vì tiền thì làm sao có được những bộ phim hay trở thành kinh điển của điện ảnh VN”.
Có thể ít người chia sẻ với quan niệm này của ông, hơn nữa, giữa khát vọng làm nghệ thuật đỉnh cao với mục tiêu đạt mức lợi nhuận không nhỏ không hẳn lúc nào cũng nằm trong thế xung đột loại trừ.
Ông Minh cũng còn một băn khoăn khi đưa ra con số VN mỗi năm nhập hơn 140 phim, trong khi Trung Quốc chỉ nhập 20 phim mỗi năm cho đất nước có hơn 1,3 tỉ dân.
“Tôi không hiểu những người có trách nhiệm nghĩ gì khi đặt bút ký cho phép phim nước ngoài tràn vào VN không giới hạn về số lượng” – ông Minh đặt câu hỏi.
Nhưng câu trả lời có lẽ cũng cần đặt lại ở phía khác: việc đáp ứng nhu cầu xem phim của công chúng VN hiện nằm trong tay ai?
Nếu những đạo diễn đầy tâm huyết trong nước không giành lấy phần trả lời, sân chơi đầy lợi nhuận ấy ắt thuộc về bên ngoài. Tất nhiên, trong trường hợp nhập siêu sản phẩm nghệ thuật như vậy, việc giữ gìn hay bảo đảm “đạo đức xã hội” như các nhà lý luận đang quan tâm là hết sức khó khăn.
Các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư được nhắc đến trong dòng tác phẩm đấu tranh quyết liệt với cái ác, cái xấu – Ảnh: Tiến Long |
Nhiều cán bộ văn hóa đứng ngoài cuộc văn hóa
Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng đề cập đến khái niệm “thân giáo” của Nho gia để nêu yêu cầu “hiện nay, những người cầm cân nảy mực của quốc gia phải làm gương đi”, bởi “suy thoái đạo đức đã và đang diễn ra trên mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ”.
Theo ông, trong tình hình hiện nay, Đảng trao cho văn nghệ sĩ trách nhiệm chấn chỉnh đạo đức xã hội là đúng, vì VHNT là lĩnh vực có tác động đến lương tâm và lương tri của toàn xã hội. Nhưng ông cũng lưu ý: “Không một lò đào luyện nào có thể đào tạo được nhà văn lớn. Đó là sản phẩm tự nhiên của xã hội”.
Cho nên, câu hỏi của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên: “Ngành văn hóa được Đảng và Nhà nước ta ưu ái nhiều hơn cả các nước khác, nhưng tại sao ta không có tác giả lớn, tác phẩm lớn?”, là không dễ trả lời.
Đơn giản như ở khâu phát hiện và quảng bá tác phẩm hay, nội dung tư tưởng có giá trị, TS Đinh Xuân Dũng cho rằng có vai trò của cán bộ chuyên trách.
“Một số cán bộ trong hệ thống chính trị gần như đứng ngoài cuộc, họ không dành thời gian đọc tác phẩm mà chủ yếu chạy theo các hoạt động kinh tế (theo điều tra xã hội học ở Hà Nội, chỉ có 2,7% cán bộ quan tâm đến VHNT, còn trên 70% quan tâm đến giá cả, thị trường)”.
Đồng quan điểm với nhà phê bình Nguyễn Hòa rằng người làm công tác phê bình cũng phải tỉnh táo để “góp phần nhân đạo hóa, đừng làm tha hóa con người”. TS Cao Thị Hồng (Đại học Thái Nguyên) đã có tham luận về các truyện ngắn của Lê Minh Khuê sau năm 1975 với vấn đề viết về cái ác, cái xấu.
Đi sâu phân tích các nhân vật tha hóa và bị tha hóa trong văn của Lê Minh Khuê, TS Hồng cho rằng: “Đằng sau cái hiện thực nhiễu loạn, đảo điên bộn bề ấy là cái nhìn nghiêm túc, sắc sảo của nhà văn về cái xấu xa, tàn ác”.
Trọng tâm của mọi vấn đề là người làm nghệ thuật phải đủ tài năng. Nói như nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Muốn có tác phẩm thấm nhuần đạo đức con người thì người nghệ sĩ phải có năng lực sáng tạo, hiểu biết sâu rộng về văn hóa đất nước, và phải cảm thông sâu sắc với người cùng khổ, đau nỗi đau của cộng đồng mình”.
Tất nhiên, để tài năng VHNT có thể tồn tại và phát huy đúng mức, bao giờ cũng cần một môi trường tương xứng trong hoạt động.
Cụ thể như ý kiến của PGS.TS Vũ Nho (Viện Khoa học giáo dục VN): “Phải mạnh dạn, tin tưởng vào nhiệt tình xây dựng của các nhà văn, khuyến khích họ sáng tạo; có cái nhìn thông thoáng đối với tác phẩm đề cập những vấn đề gai góc, nổi cộm của cuộc sống. Chỉ có như vậy chúng ta mới hi vọng có những tác phẩm tốt, tác phẩm đỉnh cao…”.
30 năm chiến tranh và gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã có những tác phẩm có sức cổ vũ sâu sắc về lý tưởng, về đạo đức và trở thành sức mạnh tinh thần của con người VN. Có lẽ điều đó không nên phủ nhận, mặc dầu còn có những tác phẩm không ít những hạn chế khó tránh khỏi trong điều kiện lịch sử cụ thể. Những năm đầu đổi mới, VHNT trở thành người chiến sĩ tiên phong dự báo cho sự đổi mới, đồng thời lên án tận cùng những nhân tố vi phạm đạo đức cản trở sự phát triển của xã hội và sự hình thành của những khát vọng mới. Sự lên án cái xấu, cái ác đã thức tỉnh con người đấu tranh đòi xã hội phải tốt đẹp hơn. Ví dụ như kịch Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tào Mạt… Cái đêm hôm ấy đêm gì, Người đàn bà quỳ… gần đây, hồi ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, truyện ngắn của Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư… và một số phim truyền hình đã tham gia với một trách nhiệm cao trong việc lên án cái ác, cái xấu. Phải nhận thấy rằng trước thực trạng đạo đức xã hội (như đã trình bày), VHNT VN những năm qua đã xuất hiện một số tác phẩm thể hiện khát vọng đấu tranh quyết liệt với mong muốn bằng sức mạnh của riêng mình, góp phần cứu vãn đạo đức xuống cấp. (Trích tham luận đề dẫn của Gs.TS Đinh Xuân Dũng) |