13/01/2025

Hãy cho trẻ lớn lên

Những chuyên viên tư vấn cho rằng phụ huynh không nên “úm” con mãi. Thay vào đó, hãy tạo cho trẻ có sự độc lập để lớn lên.

 

Hãy cho trẻ lớn lên

Những chuyên viên tư vấn cho rằng phụ huynh không nên “úm” con mãi. Thay vào đó, hãy tạo cho trẻ có sự độc lập để lớn lên.

Người trẻ thường muốn có một sự độc lập nhất định - Ảnh: Như Lịch
Người trẻ thường muốn có một sự độc lập nhất định – Ảnh: Như Lịch

 

“Xà nẹo” hoài, sao trẻ lớn nổi !

Trực tiếp trao đổi với những phụ huynh tỏ ra hoang mang khi con em của họ bỗng tách ra ngủ riêng, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thẳng thắn nói: “Các anh chị không hiểu tâm lý của con. Nếu muốn con cứ xà nẹo bên mình như vậy, thì nó sẽ thành con nít hoài. Các anh chị nên tạo điều kiện để con mình độc lập, để nó bứt phá làm người lớn”.

 

 
 

Dù cha mẹ có nỗ lực đến đâu để xích lại gần con thì cũng phải biết tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt

 

Nguyễn Thị Thanh Thúy
Hội trưởng Hội quán các bà mẹ

 

 

Theo tiến sĩ Hồng, hầu như phụ huynh nào cũng muốn bảo vệ để con mình phát triển một cách trong suốt, lành lặn. “Cha mẹ nên chia sẻ kinh nghiệm để giúp con tránh bớt sai lầm. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh và môi trường, cũng cần để trẻ vấp váp trong một số trường hợp, từ đó các em trở nên rắn rỏi hơn”, tiến sĩ Hồng nhắn nhủ.

Cùng quan điểm trên, ông Hứa Văn Trụ, Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS – THPT Ngôi Sao, Q.Bình Tân, TP.HCM, góp ý: “Theo thời gian thay đổi, các cháu phải lớn lên. Vì vậy, phụ huynh cần phải cho các cháu tự lập, đừng cho ngủ với mẹ nhiều quá”.

Ông Trụ nói thêm: “Tôi rất kỵ việc xem Facebook hay tin nhắn của con, mà có những cách theo dõi khác. Quan trọng nhất là gia đình phải cuốn hút nó, gia đình không thể thay thế được. Nó bỏ đi là cuộc sống nó bất hạnh”.

Đang trong độ tuổi mới lớn, Nguyễn Thị Tuyết Trinh, học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng đôi khi cha mẹ can thiệp nhiều quá cũng làm mất tính riêng tư của các bạn trẻ. Nữ sinh này so sánh: “Người lớn ra đời trước, họ đã trải qua nhiều chặng đường đời rồi. Còn người trẻ chỉ mới trải qua một vài chặng, nên có những chuyện tất nhiên không thể bằng người lớn được. Vì vậy, cha mẹ và con cái cần lắng nghe cả hai chiều của nhau để thông cảm cho nhau”.

Người lớn cần cân bằng cuộc sống

Anh Phan Thành Hổ, phụ trách các lớp huấn luyện kỹ năng sống tại Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, nhìn nhận: Trong nhiều gia đình hiện nay tồn tại hố ngăn cách âm thầm nhưng rất đáng lo ngại giữa cha mẹ và con cái. Đặc biệt, có những trẻ muốn bỏ nhà ra đi, để thoát khỏi nỗi cô đơn, trầm cảm lâu nay của bản thân và không khí nặng nề trong gia đình.

Đặc biệt, theo anh Hổ, quan niệm về giá trị sống của không ít bậc phụ huynh và người trẻ bây giờ rất khác nhau. “Thấy con đi quán bar, nhảy hiphop hoặc có vết xăm nhỏ trên tay… là cha mẹ hốt hoảng, xem như con em mình đã bị hư hỏng. Thay vì có sự thảo luận, điều chỉnh thì cha mẹ thường cấm đoán quyết liệt, kéo theo những phản ứng tiêu cực khác”, anh Hổ cho biết.

Tiến sĩ Hồng khẳng định giá trị sống đã có sự thay đổi, dẫn đến mâu thuẫn trong quan niệm thời hiện đại với truyền thống. Bà Hồng cũng nêu ra một số giải pháp để có thể rút ngắn khoảng cách giữa con cái và cha mẹ, đó là: cha mẹ phải biết cách tổ chức, cân bằng cuộc sống; sẵn sàng làm bạn của con.

Đổi vai để hiểu nhau hơn

Những đứa trẻ tự đi chợ, nấu cơm và năn nỉ những “đứa con” (do một số thành viên khác đóng) dùng bữa. Rồi các em bịt mắt mình bằng mảnh vải đen, chỉ còn thấy mờ mờ và bắt đầu ngồi lựa đậu, xâu kim chỉ… Đó là một số trò chơi đóng vai cha mẹ, ông bà được lồng ghép trong những chương trình huấn luyện kỹ năng sống tại một số trung tâm kỹ năng. Thu Hằng, học sinh lớp 8, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Trước đây, em hay chê các món ăn mẹ nấu. Sau khi có dịp thực hành những công việc nội trợ, em cảm nhận rõ nỗi vất vả lo toan, tình thương yêu bao la của mẹ dành cho em và gia đình”.

Trong khi đó, phía phụ huynh cũng có những cố gắng để hòa nhập vào thế giới của con em mình. Bà Phạm Thị Nhàn, một phụ huynh có con gái đang học tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM, thổ lộ: “Khi tình cờ biết được con mình có bạn trai, tôi đau đầu lắm! Thời buổi này dạy con tuổi mới lớn, quả là rất khó”. Tuy vậy, bà Nhàn cho hay bà thường để ý con mình dùng từ ngữ, ký hiệu tuổi mới lớn như thế nào để nhắn tin hoặc giao tiếp với con cùng bạn bè của nó. Thậm chí, bà không câu nệ hát cả những bài hát của con, miễn sao để con cảm nhận bà là người mẹ gần gũi.

Hội trưởng Hội quán các bà mẹ Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng cho hay bà thường tận dụng mọi cơ hội làm bạn cùng con, chơi cùng con để hiểu con hơn. “Do có những thay đổi về tâm sinh lý, nên kể cả khi con mình vẫn ngoan đi nữa thì có những chuyện nó không muốn nói với mình”, bà Thúy tâm tình. Vì vậy, theo bà Thúy: “Dù cha mẹ có nỗ lực đến đâu để xích lại gần con thì cũng phải biết tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt”.

 

40% không cho cha mẹ biết mình có người yêu

 

Khoảng 15% trên tổng số 400 học sinh nam, nữ bậc THCS, THPT tại TP.HCM và Hà Nội được khảo sát cho rằng mình đang có người yêu. Trong số đó, gần 40% giấu không cho cha mẹ biết, 13% cho rằng cha mẹ không quan tâm việc các em có người yêu hay không.

Đặc biệt, 14% cho rằng tuổi có thể quan hệ tình dục là 15 – 18 tuổi. Khoảng 30% đồng tình hoặc không phản đối quan niệm “Quan hệ tình dục khi yêu là chuyện bình thường”, trong khi con số này lên tới 43% đối với những học sinh đang yêu.

(Trích kết quả khảo sát “Hành vi tuổi teen đô thị” của ông Phan Quang Thịnh – Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường TITA, được công bố vào tháng 9.2014)

 

 

“Bố yêu tôi nhiều hơn tôi tưởng !”

 

Có lẽ mọi người sẽ thấy lạ khi ở thời đại này, bố tôi vẫn không biết tới những ngày gọi là ngày kỷ niệm, kể cả ngày sinh nhật. Và khi đã biết, bố tôi còn cố tình lảng tránh, kể cả sinh nhật của chính mình! Ông là một người bố bình thường một cách kỳ lạ. Có lẽ, ông không thích hoặc không biết ôm, cũng chẳng quen nói lời ngọt ngào nếu không muốn nói là chưa bao giờ. Ngay cả khi đi cạnh đứa con gái duy nhất, ông cũng lảng tránh cái khoác tay ấm áp mà nó muốn thể hiện, có lẽ ông ngượng. Nhưng trong một đám đông hỗn loạn đi lễ chùa, ông nắm chặt tay tôi cho dù tôi đã 22 tuổi. Nó diễn ra thoáng nhanh và không đặc biệt. Sau này, mỗi dịp sinh nhật, kỷ niệm hay bất kể ngày nào, tôi thường nhớ đến điều đó và mỉm cười: “Bố yêu tôi nhiều hơn tôi tưởng!”.

(Tâm sự của một bạn trẻ trên trang mạng Hội Những đứa con muốn bố mẹ hiểu mình hơn)

 

 

Như Lịch