27/11/2024

Chúa Nhật truyền giáo 2014: Truyền giáo trong xã hội hiện nay

“Bối cảnh sống của con người đã thay đổi rất nhiều về lĩnh vực văn hoá, kinh tế, xã hội nên chúng ta cần phải đổi mới công cuộc loan báo Tin Mừng bằng việc Tân Phúc Âm hoá, đổi mới về nhiệt huyết, về phương pháp và cách biểu hiện Tin Mừng”

 Chúa Nhật truyền giáo 2014

Truyền giáo trong xã hội hiện nay

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay là ngày Chúa nhật Truyền giáo. Vì thế trong ít phút này, chúng ta cùng nhìn lại công cuộc loan báo Tin Mừng để thấy mình cần phải hành động như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay.

1. Tình trạng truyền giáo thiếu hiệu quả

Chúng ta đã biết: vào tháng 10/2012, Giáo Hội đã tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin”. Khi chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lại công cuộc loan báo Tin Mừng để thấy rằng hiệu quả của công việc này chưa cao, thậm chí nhiều nơi còn sút kém.

Nếu so sánh tỷ lệ của người Công giáo toàn cầu cách đây 60 năm, vào năm 1960 tỉ lệ là 18,2% với khoảng 750 triệu người tín hữu; vào năm 2013vừa qua tỷ lệ này giảm xuống còn 17,5% với tổng số tín hữu là 1 tỷ 200 triệu người trên tổng số 7 tỷ người sống trên trái đất. Như thế, trong 50 năm qua việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Công giáo không những không phát triển mà còn giảm sút. Số người tín hữu chỉ tăng trưởng về số lượng cơ học, nghĩa là nhiều người sinh ra do cha mẹ Công giáo nên giữ đạo của ông bà cha mẹ để lại thôi.

Nếu nhìn vào Giáo hội Việt Nam chúng ta thấy kết quả còn đáng chú ý hơn nữa: suốt từ năm 1885 đến nay là 130 năm, Giáo hội Việt Nam không tăng được 1% dân số. Vào năm 1885, VN có hơn 7% dân số Công giáo; bây giờ chỉ còn gần 7% dân số (hơn 6 triệu người Công giáo so với hơn 90 triệu dân). Nếu năm 1960 GHVN có 1.914 linh mục, 5.789 tu sĩ, thì năm 2013 có 4.635 linh mục và 19.617 tu sĩ nam nữ. Ngoài ra chúng ta còn đang có khoảng 60.000 giáo lý viên và gần nửa triệu đoàn viên của các đoàn thể Công giáo tiến hành: thiếu nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Dòng Ba Đa Minh, Liên Minh Thánh Tâm, Giới trẻ Con Đức Mẹ… Số tín hữu đông đảo như thế nhưng mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 40 ngàn người lớn trở lại đạo và hầu hết là để lập gia đình, sau khi lập gia đình rồi, nhiều người cũng chẳng muốn giữ đạo. Nói lên vài con số thống kê như vậy để thấy rằng Giáo Hội đang mời gọi chúng ta làm thế nào để loan báo Tin Mừng cho có hiệu quả.

Trong ngày Chúa nhật Truyền giáo hôm nay, nhiều xứ đạo tổ chức những buổi cầu nguyện hoặc phiên chầu Thánh Thể vì người ta nhớ đến câu nói của Chúa Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người”. Một số dòng tu, thậm chí nhiều linh mục, vẫn nghĩ rằng việc truyền giáo tập trung vào việc cầu nguyện là chính. Người ta đưa hình ảnh của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cả đời ở trong tu viện, chẳng đi đâu cả mà vẫn truyền giáo, và được phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê dành cả chục năm trời đi đến nhiều dân tộc vùng châu Á để loan báo Tin Mừng. Rồi người ta lập luận: không cần đi đâu, cứ ở trong nhà cầu nguyện, hy sinh là Chúa sẽ cho người khác theo đạo!

2. Lời mời gọi của Giáo Hôi hôm nay

Qua Thượng Hội đồng Giám mục 2012, Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Bối cảnh sống của con người đã thay đổi rất nhiều về lĩnh vực văn hoá, kinh tế, xã hội nên chúng ta cần phải đổi mới công cuộc loan báo Tin Mừng bằng việc Tân Phúc Âm hoá, đổi mới về nhiệt huyết, về phương pháp và cách biểu hiện Tin Mừng (x. Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng 2012 (TLLV), số 87).

Trước đây người ta quan niệm Chúa là tất cả, bây giờ những ý thức hệ duy vật, duy thực, duy lý làm cho người ta nghĩ rằng vật chất, tiền bạc, danh lợi mới làm nên giá trị sống và con người dồn hết sức lực để kiếm tìm chúng. Những phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet giới thiệu những cảnh sống xa hoa, những kiểu sống buông thả theo tham vọng và dục vọng lôi cuốn mạnh mẽ con người, nhất là các bạn trẻ. Người ta nghĩ đến những giá trị mới của khoa học thực nghiệm và các khoa học xã hội nhân văn, thay vì đắm mình trong những tư tưởng viển vông của triết học và thần học (x. TLLV, số 52-67).

Trước đây con người sống trong một thế giới tương đối ổn định, ít chiến tranh hay khủng hoảng, thỉnh thoảng vài chục năm mới đối đầu với một bệnh dịch nào đó. Còn bây giờ con người phải đối mặt với nhiều vấn đề, với chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, thiên tai, dịch bệnh nhiều lần ngay trong từng chục năm sống của đời mình. Đối mặt với chúng, người ta thấy rằng lòng tin vào Chúa hình như chẳng giải quyết được gì, còn cầu nguyện hình như chỉ là thái độ trốn chạy thực tế hiểm nguy trước mắt (x. TLLV, số 52-67).

Thái độ sống của những chức sắc trong các tôn giáo, nhất là Kitô giáo, dường như xa lạ với thực tế đời sống con người khi tập trung chú ý cho các nghi lễ phụng tự, hô hào những cuộc hành hương hao tốn tiền bạc, bỏ rơi những con người nghèo đói, tật bệnh, nghiện ngập, bất hạnh ngay trong chính địa phương mình (x. TLLV, số 48, 69). Thượng Hội đồng mời gọi chúng ta hãy học lại bài học loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô thì mới mong việc truyền giáo đạt kết quả tốt đẹp.

3. Hành động loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô

Khi Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những người chinh phục con người như lưới cá” (Mc 1,16) là Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy quan tâm đến con người thì mới chinh phục được con người. Giáo Hội cũng mời gọi ta như thế vì con người là con đường của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội quay lưng với con người, thì con người cũng quay lưng lại với Chúa Kitô vì Giáo Hội là hình ảnh của Chúa Kitô. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy thoát ra khỏi nhà thờ, nhà xứ để đến với con người như Chúa Giêsu đã từ trời xuống với con người để kéo con người lên với Thiên Chúa.

Nhiều người chúng ta tưởng lầm rằng đạo nằm trong nhà thờ này, trong buổi cầu kinh, dâng lễ này. Nhiều anh em linh mục chúng tôi cứ chờ con người ta đến với mình ở trong nhà xứ, kêu mời người ta đến nhà thờ thay vì chính mình đi đến người khác. Chúa đòi ta phải ra đi đem theo đạo là chính Chúa Giêsu hiện thân nơi con người mình đến với mọi người như Người yêu cầu ta hôm nay: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19) nếu ta muốn cho 93% người dân Việt Nam gặp được Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu còn cụ thể hơn nữa. Người biết khi sai ta vào lòng xã hội Việt Nam hôm nay để loan báo Tin Mừng, Người khuyên ta đừng tìm đến với những người giàu có, mạnh khoẻ, xinh đẹp, quyền thế vì họ đang tự mãn, chẳng cần ơn cứu độ, dù thực ra họ còn khốn khổ hơn nhiều so với ai khác. Người bảo ta hãy đi loan Tin Mừng cho 18 triệu người Việt Nam nghèo khổ, không kiếm được mỗi ngày 20.000 đồng, cho hơn 10 triệu người đang chịu đựng đủ loại bệnh, cho 16,7 triệu người khuyết tật và khoảng 2 triệu trẻ mồ côi, cho 5 triệu người nghiện phim sex hằng đêm, 10 triệu người nghiện trò chơi trực tuyến mỗi ngày, vài triệu bà mẹ phá thai luôn cắn rứt lương tâm và hàng triệu người nghiện cờ bạc, rượu bia, thuốc lá, ma tuý, mãi dâm…Nhiều linh mục, tu sĩ ngần ngại không dám đến với những con người khốn khổ đó dù vẫn động lòng xót thương họ chỉ vì không biết phải rao giảng Tin Mừng thế nào. Chủng viện và tu viện đâu có dạy cách rao giảng Tin Mừng kiểu ấy!

Muốn cứu độ họ ta phải học hỏi cho biết họ đang cần loại Tin Mừng nào: đó không phải là những câu Thánh Kinh thuộc lòng sáo rỗng hay những bài giải thích Tin Mừng nặng tính văn chương bác học, những bài giáo lý xa rời thực tế. Tin Mừng là một con người sống động, là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, là Đức Giêsu Kitô. Chỉ có Người mới có sức cứu độ và giải thoát con người (x. TLLV, số 18, 19, 20, 21, 33,169). Muốn nói được Tin Mừng này, ta phải gặp được Chúa Giêsu và yêu Người để trở nên hiện thân sống động của Người cho những kẻ khốn khổ kia.

Hơn nữa, Đức Giêsu hiểu khả năng giới hạn của ta nên mới nói với chúng ta hôm nay: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28,18). Người sẽ chuyển thông quyền năng đó cho tất cả những ai muốn làm “tông đồ” của Người để chúng ta có thể làm cho người đói được ăn, người bệnh tật được chữa lành, người bị ma quỷ kiềm chế được giải thoát. Điều kiện Người đặt ra là chúng ta phải gặp gỡ được Người, yêu mến Người đến độ gắn bó mật thiết với Người. Tuy nhiên dù hằng ngày đọc nhiều giờ kinh, dự nhiều thánh lễ, nhưng có thể chúng ta vẫn chưa thật sự gặp được Chúa Giêsu Kitô.

Cuối cùng để có thể nói được Tin Mừng cứu độ, ta cần phải thở hít được Thần Khí của Đức Kitô vào trong buồng phổi thiêng liêng của mình. Làn khí ấy có khả năng biến đổi dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Đức Giêsu Kitô. Giống như các thánh tông đồ xưa được biến đổi hoàn toàn sau khi nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, đời sống của ta cũng sẽ là một phương tiện hiệu quả để loan truyền Tin Mừng khắp thế giới (x. TLLV, số 162).

Lời kết

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lại sứ mạng truyền giáo để đổi mới trọn vẹn khi chúng ta mở lòng trí hoàn toàn cho Đức Giêsu Kitô và thở được Thần Khí Tình yêu của Người. Xin Chúa Giêsu đổ tràn Thánh Thần trên chúng ta để chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Người cho muôn loài, nhất là cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ trong xã hội hôm nay.