13/01/2025

Trẻ mầm non “chóng mặt” vì ngoại khoá

Các trường mầm non thuộc các quận nội thành TP.HCM hầu hết đều mở lớp dạy ngoại khoá (có trường gọi là lớp năng khiếu) cho học sinh với nhiều mức học phí khác nhau tuỳ mỗi trường.

 

Trẻ mầm non “chóng mặt” vì ngoại khoá

“Trẻ mầm non có nhiều cháu phát âm còn chưa tròn vành rõ chữ mà nhà trường đã mở hàng loạt lớp ngoại khóa”. 

 

Học sinh Trường mầm non Hoa Lư, quận 1 (TP.HCM) học môn tiếng Anh ngoại khóa - Ảnh: H.HG.
Học sinh Trường mầm non Hoa Lư, quận 1 (TP.HCM) học môn tiếng Anh ngoại khóa – Ảnh: H.HG.

“Như con tôi, cháu mới đi học mầm non được một tháng, chưa quen với lịch sinh hoạt của lớp chính khoá, sáng đi học vẫn còn mếu máo đòi ở nhà thì làm sao mà học ngoại khoá?”.

Đó là tâm sự của một phụ huynh ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Từ phản ảnh trên, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát “bỏ túi” ở các trường mầm non thuộc các quận nội thành TP.HCM. Kết quả: hầu hết trường đều mở lớp dạy ngoại khoá (có trường gọi là lớp năng khiếu) cho học sinh với nhiều mức học phí khác nhau tu mỗi trường.

Học phí ngoại khoá cao hơn chính khoá

“Năm trước tôi đăng ký cho con học ba môn ngoại khoá: đàn organ, vẽ và tiếng Anh. Một bữa, tôi đi đón con sớm, nhìn vào lớp học ngoại khoá thấy các bé nhốn nháo, con tôi thì cứ nhìn ra cửa sổ… Sau một năm đi học ngoại khoá bé chẳng nhớ được gì, năm nay rút kinh nghiệm tôi không đăng ký cho bé học môn ngoại khoá nào. Thế nhưng vài ngày cô giáo lại hỏi “mẹ đã đăng ký cho bé học ngoại khoá chưa?”.

Đã vậy, cô còn thuyết phục “mẹ nên cho bé học ngoại khoá sẽ tốt hơn cho bé”. Mấy bữa sau, bé nhà tôi về nói với mẹ: “Mẹ đăng ký học ngoại khoá cho con đi nha. Nếu không là tới giờ học ngoại khoá, con phải ra khỏi lớp đó” – bà T., phụ huynh một trường mầm non khá nổi tiếng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, phản ảnh.

Hiệu trưởng trường mầm non trên cho biết: “Năm học 2014-2015, nhà trường có liên kết với các trung tâm để mở lớp ngoại khoá với năm môn học: hội họa, võ thuật, thể dục nhịp điệu, múa hiện đại và tiếng Anh. Riêng lớp đàn organ tạm thời chưa mở ngay đầu năm học vì đàn đã quá cũ, cần tân trang.

Mức học phí mỗi môn học là 80.000 đồng/tháng/học sinh theo quy định chung của quận, riêng môn tiếng Anh là 200.000 đồng/tháng/học sinh. Từ tuần thứ tư của tháng 9, chúng tôi tổ chức cho tất cả học sinh học thử các môn ngoại khoá. Sau đó, em nào thích và phụ huynh có điều kiện thì đăng ký cho con em mình học, không thì thôi chứ nhà trường không ép buộc”.

Tương tự, ở Trường mầm non 7A (Q.Bình Thạnh), năm nay nhà trường cũng mở lớp ngoại khoá với sáu môn: thể dục nhịp điệu, tạo hình, võ thuật, đàn organ, tiếng Anh và bơi lội với mức học phí từ 50.000-70.000 đồng/môn/tháng/học sinh.

Trường mầm non Hoa Lư, Q.1 mở lớp ngoại khoá với ba môn: tiếng Anh, vẽ, thể dục nhịp điệu với học phí 60.000 đồng/tháng (thể dục nhịp điệu), 66.000 đồng/tháng (vẽ) và 320.000 đồng (tiếng Anh dành cho học sinh 3-4 tuổi), 480.000 đồng (tiếng Anh dành cho học sinh 5 tuổi).

Trong khi đó, mức học phí chính khoá hiện chỉ 160.000 đồng/tháng/học sinh mẫu giáo ở nội thành TP.HCM.

Không biết hiệu quả việc học của con

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ban giám hiệu các trường mầm non sẽ xếp lịch học ngoại khoá cho học sinh: buổi sáng học sau 9g, buổi chiều sau 14g, mỗi tiết học từ 30-45 phút, mỗi môn ngoại khoá sẽ dạy hai tiết vào hai buổi/tuần.

Thế nhưng, ở nhiều trường mầm non các giáo viên đã vận động và khuyến khích phụ huynh đăng ký cho con học càng nhiều càng tốt (trong khi một số trường chỉ cho phụ huynh đăng ký tối đa ba môn học). Và trên thực tế nhiều phụ huynh đăng ký cho con học tới năm môn ngoại khoá như chị M., nhà ở P.5 (Q.Gò Vấp).

Khi chúng tôi hỏi: “Chị có biết như thế là bé sẽ phải học năng khiếu suốt từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày hai tiết sáng và chiều hay không?”, chị M. cười: “Từ đó giờ nhà trường đâu có công bố thời khoá biểu học ngoại khoá. Tui cứ đăng ký rồi đóng tiền vậy thôi chứ thằng nhỏ học như thế nào thì mình làm sao biết được. Tính ra học phí ngoại khoá của con tôi gấp bốn lần học phí chính khoá”.

Khi tiếp xúc với các phụ huynh, chúng tôi đều nhận được câu trả lời khá giống nhau: không biết (hoặc không quan tâm) đến hiệu quả việc học ngoại khoá của con. Nói như chị T.Thủy, nhà ở P.7, Q.3: “Vì bé còn nhỏ quá, có chịu học hay không làm sao ba mẹ biết được.

Ngay cả việc giáo viên có dạy theo đúng quy định một tuần hai tiết hay không thì phụ huynh cũng không thể kiểm tra. Như năm học trước, cứ ngày nào học vẽ thì bé nhà mình mang về một sản phẩm của bé (cô giáo có chấm điểm hẳn hoi). Tuần đó, mình không thấy bé mang về, hỏi thì bé bảo hôm nay không học vẽ.

Hôm sau, mình lên lớp hỏi cô chủ nhiệm thì cô bảo có học. Vài ngày sau nữa, tình cờ gặp anh trưởng ban đại diện phụ huynh của lớp, mình kể chuyện này cho anh nghe. Anh ấy lên nói chuyện với cô hiệu trưởng mới được biết tuần đó giáo viên dạy vẽ bị ốm, cô sẽ dạy bù vào tháng sau”.

Dạy ngoại khoá không cần phải kiểm tra, đánh giá học sinh – đây là điều đương nhiên. Nhưng công tác thanh tra, giám sát, dự giờ… cũng phụ thuộc vào ban giám hiệu các trường có nhiệt tâm hay không!

Không thể giao hết cho đối tác

Việc các trường mầm non tổ chức dạy ngoại khoá là để đáp ứng nhu cầu của một số phụ huynh không có điều kiện đưa con đến nhà thiếu nhi hay các trung tâm văn hoá để học năng khiếu.

Cũng không phủ nhận việc dạy ngoại khoá đã giúp các trường mầm non phát hiện khả năng của học sinh và tham gia các phong trào tích cực hơn như: học sinh học hội họa tham gia cuộc thi “Nét vẽ xanh”, học sinh lớp thể dục nhịp điệu tham gia hội thi về thể dục thể thao…

Tuy nhiên, các trường phải bảo đảm có phòng học để giảng dạy ngoại khoá. Bên cạnh đó, ban giám hiệu nhà trường cần có sự kiểm tra, giám sát việc dạy và học ngoại khoá, không thể giao hết cho đối tác.

Đồng thời, nhà trường cũng cần trao đổi, nhắc nhở giáo viên, không được gợi ý hoặc ép buộc phụ huynh cho con em học ngoại khoá. Mỗi học sinh cũng không được học quá ba môn ngoại khoá/tuần.

Bà NGUYỄN THỊ KIM DUNG (trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM)