15/01/2025

Chúa Nhật XXX TN A – 2014: Mãi mãi yêu thương

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho ta biết con người bắt ngưồn từ đâu và phải sống như thế nào khi cảm nghiệm được Thiên Chúa là tình yêu.

 Chúa Nhật XXX TN A – 2014

Mãi mãi yêu thương

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong mấy ngày qua, tôi đọc cuốn “Tự Truyện của một Yogi” do Paramahansa Yogananda viết và xuất bản năm 1946. Sách dày tới 570 trang khổ lớn, kể về những suy tư và trải nghiệm tâm linh của một tín đồ Ấn Độ giáo. Từ đó đến nay, cuốn sách này được in đến 7 lần. Trong chương cuối cùng của cuốn sách, tác giả viết rằng: “Thượng đế là tình yêu; ý định của Ngài dành cho sáng tạo chỉ có thể bén rễ trong tình yêu” (x. NXB Nhã Nam- Lao Động, 2014). Tôi đã thầm cảm ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta biết và cảm nghiệm được Chúa là tình yêu mà không cần phải dành cả một đời tìm tòi và tu luyện như tác giả. Quả thật, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho ta biết con người bắt ngưồn từ đâu và phải sống như thế nào khi cảm nghiệm được Thiên Chúa là tình yêu.

1. Một tình yêu trọn vẹn, duy nhất

1.1. Vấn đề nan giải

Khi những nhà thông luật Do Thái hỏi thử Chúa Giêsu về điều răn trọng nhất, họ cũng muốn Người giải đáp cho họ vấn nạn khó khăn nhất cho chính cuộc sống của họ, bởi vì trong năm sách đầu của Kinh Thánh Cựu Ước, gọi là Ngũ Thư, người ta ghi nhận có khoảng 683 khoản luật mà mỗi người phải giữ đối với Thiên Chúa và với anh em. Họ không biết điều luật nào quan trọng nhất và mình phải giữ luật đó thế nào cho đúng. Chúa Giêsu trả lời: “Điều răn trọng nhất và thứ nhất là ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi; và điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là ngươi phải yêu người lân cận như chính mình”.

Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu đã giải đáp cho người Do Thái thời trước luật sống nào quan trọng nhất. Đồng thời, Người cũng giải đáp cho chúng ta thời nay vấn nạn lớn nhất là con người bắt nguồn từ đâu và phải sống như thế nào. Sống trong một thế giới sùng bái của cải vật chất như là vị thần toàn năng và tìm cách hưởng thụ cho thoả những dục vọng, con người vẫn cảm thấy sống như vậy thật vô nghĩa và trống rỗng. Con người cũng như vạn vật, trong cõi sâu thẳm của lòng mình, vẫn muốn sống trẻ đẹp mãi mãi, giàu sang vô cùng, quyền năng vô tận, nhưng lại  mà không biết mình bắt nguồn từ đâu và phải sống như thế nào cho xứng đáng là một con người biết suy tư, có ước vọng cao cả và hướng tới vô biên.

1.2. Con người bắt nguồn từ đâu?

Nhìn vào con người mình, chúng ta thấy mình giống như cục đá, cỏ cây, thú vật, vì theo sự phân tích của khoa học thực nghiệm, tất cả chỉ là tập hợp của những chất vô cơ và hữu cơ như carbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng, chì kẽm… Những chất đó không có sự sống, không có suy tư, không có tình yêu. Vậy mà tại sao ta đang sống, đang yêu, đang suy nghĩ? Chắc chắn ta phải bắt nguồn từ một ai đó, từ một đấng nào đó cho ta tình yêu, tư tưởng, sự sống. Nếu ta trở về được với nguồn đó thì ta sẽ sống vĩnh hằng, sẽ yêu vô tận, sẽ khám phá được sự thật vô biên. Con người gọi tên nguồn chân thiện mỹ, sự sống, tình yêu đó là Chúa Trời, là Ông Thiên, Ông Giàng, là Đức Cao Đài, Đức Thánh Allah hay tên nào cũng được.

Rồi khi con người dùng trí khôn mình để suy nghĩ về sự sống mình đang có thì họ nhận ra giá trị cao cả nhất của Thiên Chúa chính là tình yêu. Con người tự hỏi; “Tại sao Thiên Chúa lại ban cho tôi sự sống, tư tưởng, tình yêu trong khi tôi chỉ là một con người tội lỗi, tầm thường, nay còn mai mất như bao thụ tạo khác? Rồi người ta hiểu được đó là vì Chúa yêu tôi, dù tôi không có gì đáng cho Ngài yêu. Ngài dựng nên tôi theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài để tôi có thể sống một cách phi thường, yêu một cách quảng đại, và tâm trí tôi có thể mở đến vô biên, tiếp xúc được với Chúa là Đấng siêu việt. Vì thế, chính nhờ câu trả lời của Chúa Giêsu “ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”cho các luật sĩ Do Thái mà con người biết mình bắt nguồn từ đâu.

1.3. Con người phải sống như thế nào?

Khi chúng ta hiểu được mình bắt nguồn từ đâu, từ chính Thiên Chúa là tình yêu, thì chúng ta lại thấy ngay rằng mình phải yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn của mình thì mới xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa. Tại sao? Vì tất cả khả năng suy nghĩ của trí khôn ta, tất cả sức sống kỳ diệu ta mang trong mình và tất cả tình yêu ấp ủ trong trái tim đều là quà tặng, là ân huệ cho không của Thiên Chúa. Ta mắc nợ Ngài về tình yêu, tư tưởng, sự sống, nên dù Ngài không đòi, nhưng trách nhiệm trong tình yêu đòi con người phải đáp lại bằng việc gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Càng gắn bó mật thiết với Chúa, con người càng phát huy sự sống phi thường và khả năng suy tư vô hạn của mình, con người càng nên giống Thiên Chúa.

Rồi với trí khôn Chúa ban, chúng ta lại thấy rằng chúng ta không phải là đối tượng duy nhất của tình yêu Thiên Chúa, ta còn bao nhiêu anh chị em khác đang ngồi quanh đây, còn bao nhiêu vạn vật đang sống quanh mình cũng đã được Chúa dựng nên và yêu thương. Họ cũng mang hình ảnh của Thiên Chúa, họ là chính Chúa Giêsu (x. Mt 25, 31-46), Con Thiên Chúa, nhất là những người nghèo khổ, tàn tật, mồ côi, goá bụa như Bài đọc I yêu cầu (x. Xh 22, 20-26). Nếu họ mang hình ảnh của Thiên Chúa giống như tôi thì tôi cũng phải yêu họ hết lòng, hết sức, hết linh hồn giống như tình yêu trọn vẹn tôi dành cho Chúa. Vì thế Đức Giêsu đã xác định: điều răn dạy về tình yêu đối với con người cũng giống như điều răn thứ nhất vì cùng nói về tình yêu duy nhất, trọn vẹn: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi”.

2. Những nhận thức cơ bản

Từ việc nhận ra cội nguồn của mình và cách hành xử cần phải có đối với Thiên Chúa và anh chị em mà người tín hữu chúng ta xây dựng nên một vài nhận thức cơ bản để định hướng cuộc đời.

2.1. Chúa yêu thương tôi

Nhận thức cơ bản đầu tiên là Chúa yêu thương tôi. Từ muôn thuở, trước khi có trời đất, Ngài đã yêu thương tôi và còn yêu mãi mãi. Ngài dựng nên tôi theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài, Ngài đặt tôi vào thế giới này để tôi sống với anh chị em tôi và giúp cho họ hiểu được tình yêu vô tận của Ngài.

Tình yêu ấy, nhờ Đức Giêsu Kitô mà chúng ta hiểu được, là Ngài đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, cho tôi để tôi sống như Người Con đó. Cuối đời, tôi lại trở về với Ngài là người cha nhân từ cũng là Thiên Chúa của tôi để tôi được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Vì thế tôi luôn sống trong niềm vui, tin yêu và hy vọng.

Đó là nhận thức quan trọng nhất mà mỗi người tín hữu chúng ta cần lưu giữ từng giây phút trong đời để chúng ta không bao giờ tuyệt vọng, nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc vì mình đang được yêu thương và đang được mời gọi để yêu thương.

2.2. Tình yêu là giá trị cao cả nhất

Nhận thức thứ hai: tình yêu là giá trị cao cả nhất. Khi Chúa Giêsu nói phải yêu Chúa bằng trọn vẹn con người thì ta hiểu rằng để sống như Thiên Chúa cách phi thường, để trí khôn có thể mở ra cách vô biên thì chỉ có một điều kiện duy nhất và quan trọng nhất, đó là hãy yêu thương cách trọn vẹn và quảng đại như Ngài. Vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài yêu tôi, ban không cho tôi tất cả những ân huệ nên tôi cũng được mời gọi để yêu thương cách quảng đại, vô vị lợi như Ngài. Đối với Ngài cũng như với anh chị em và vạn vật quanh tôi, tình yêu là giá trị cao cả nhất và tồn tại mãi mãi so với đức tin và đức cậy như Thánh Phaolô đã xác tín (x.1Cr 13,13).

Nhờ đó tôi hiểu được rằng giá trị cao cả của đời tôi không còn phải là tài sản lớn lao, là học vị tiến sĩ kỹ sư, là chồng giỏi, vợ đẹp, con khôn hay được mọi người vỗ tay ca tụng như một nhà bác học, một diễn viên ngoại hạng, một vận động viên nổi tiếng thế giới… Vì Thiên Chúa là tình yêu nên giá trị ấy chính là tình yêu mà tôi đưa vào trong những công việc rất bình thường của đời sống hằng ngày, khi tôi làm vì yêu Chúa và vì yêu mọi người.

2.3. Mãi mãi yêu thương

Nhận thức thứ ba là sống trong tình yêu như thế là tôi sống trong Thiên Chúa. Sống như thế tôi sẽ luôn cảm nhận được hạnh phúc, dù tôi có bị phản bội, thua thiệt, bách hại trăm bề bởi bất cứ ai. Tôi sẽ luôn tha thứ cho người đóng đinh mình như Chúa Giêsu vì tôi biết rằng Người đã sống lại cho tôi sau cái chết nhục nhã trên thập giá nên trái tim tôi mãi mãi mở ra như trái tim Người. Khi hiểu được giá trị của tình yêu không phải chỉ là hành động tốt đẹp mà còn là chịu đựng và tha thứ vô bờ như Chúa Giêsu, thì tôi sẽ vượt lên tất cả những căng thẳng, thất bại, thua thiệt trong cuộc đời để giữ được bình an và hạnh phúc mãi mãi.

Kết luận

Đó là bài học quan trọng Chúa Giêsu dành cho ta qua câu trả lời cho thầy thông luật hôm nay: “Hãy yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hãy yêu anh em như chính mình”.