28/11/2024

Giấc mơ của cô bé xóm chài

Cô học trò nhỏ tâm sự: “Những lúc thấy mẹ ốm, em ước lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho mẹ và bà con sống quanh đảo”.

 

Giấc mơ của cô bé xóm chài

Trong căn nhà trống trải, cô bé chăm chú dõi mắt theo từng sợi cước, bàn tay thoăn thoắt đan những mắt lưới thuần thục như một ngư dân. 

 

Ngô Thị Mỹ Lệ (phải) tập trung ôn luyện môn sinh học để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố sắp tới - Ảnh: Tiến Thành
Ngô Thị Mỹ Lệ (phải) tập trung ôn luyện môn sinh học để chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố sắp tới – Ảnh: Tiến Thành

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Học bổng dành cho 237 học sinh, sinh viên 4 tỉnh ven biển Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và Ninh Thuận 

* Tài trợ: Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam

Từ khi học lớp 5, Ngô Thị Mỹ Lệ đã làm quen với công việc ấy.

Lệ nói ước mơ của em muốn trở thành một bác sĩ giỏi, để có thể chữa bệnh cho bố mẹ và bà con xóm chài sống trên hòn đảo Trí Nguyên xinh đẹp.

Vừa đan lưới vừa học

Nhà trường giảm thu các khoản tiền quỹ

Cô Trần Thị Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/2 Trường THCS Bạch Đằng, cho biết ở lớp Lệ luôn là một học sinh ngoan, chăm chỉ, xông xáo tham gia các hoạt động ngoại khoá và đạt học lực tiên tiến. “Biết hoàn cảnh em Lệ khó khăn, nhà lại đông anh em tuổi ăn tuổi học nên trường và lớp luôn tạo điều kiện để Lệ tới trường, như cho em mượn sách thư viện và giảm thu các khoản tiền quỹ hằng năm” – cô Tuyết nói.

Căn nhà của gia đình Lệ nằm lưng chừng bên mép núi đảo Trí Nguyên, thuộc tổ 1, P.Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang (Khánh Hoà), cách đất liền khoảng 15 phút đi đò.

Hằng ngày ngoài giờ học, Lệ cùng em gái phụ giúp mẹ đan lưới tại nhà. Mỗi vạt lưới phải làm mất một ngày, bán với giá 5.000-10.000 đồng, tạm đủ để chi tiêu lặt vặt trong gia đình.

So với bạn bè cùng trang lứa, Lệ nhỏ con hơn hẳn, khuôn mặt đăm chiêu vì gánh nặng lo cho các em. Là chị cả, những lần cha mẹ đi biển 2-3 ngày mới về, một mình Lệ phải cáng đáng mọi việc trong gia đình: từ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt đồ đến việc dạy các em học bài…

Vào những lúc triều rút, chị em Lệ lại rủ nhau đi bắt ốc, cua ven đảo về ăn.

Bận rộn việc nhà nhưng chưa bao giờ Lệ chểnh mảng việc học.

Cô học trò nhỏ tâm sự: “Những lúc thấy mẹ ốm, em ước lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho mẹ và bà con sống quanh đảo”.

Lệ đang ra sức học tập tốt các môn khối B, trong đó có sinh học, môn học mà em yêu thích và học giỏi nhất. Lệ chia sẻ, tin vui mới nhất của em là được thầy cô chọn vào đội tuyển của trường để thi học sinh giỏi cấp thành phố môn sinh học vào ngày 25-10.

Vì vậy, thời gian này dù có bận rộn đến đâu, cứ tới 13g30 hằng ngày cô học trò lại cắp túi sách chạy vội tới lớp để nghe thầy cô bồi dưỡng kiến thức trước ngày thi.

Có một điều đặc biệt, tất cả sách vở của bốn chị em Lệ từ nhiều năm nay đều không phải do bố mẹ mua, mà mượn từ nhà trường hoặc những người đã học trong xóm. Những cuốn sách cũ nhưng luôn được Lệ giữ sạch sẽ và xếp ngăn nắp trong góc học tập.

“Em cũng thích có sách mới lắm, nhưng biết cha mẹ đâu có tiền nên mượn sách của nhà trường hay các anh chị khóa trước đem về học cũng tốt” – Lệ giãi bày.

Không chỉ tháo vát việc nhà, ở trường và lớp Lệ luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt mới đây, em vừa giành được huy chương bạc ở môn thi đẩy gậy trong hội thi Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố.

“Em chiến thắng có lẽ vì hưởng gen di truyền khỏe mạnh của người dân chài” – cô học trò nhỏ cười nói.

Cho con học tới cùng

Những năm gần đây, ở những điểm trường trên các hòn đảo như Trí Nguyên, Vũng Ngán, Bích Đầm, tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều.

Ngoài lý do theo cha mẹ đi làm biển, thì lý do chính vẫn xuất phát từ cái nghèo. Gia đình của Lệ cũng không ngoại lệ, nghĩa là cũng nghèo. Bố mẹ em đều quê ở Phú Yên, vì cảnh nghèo khó mà phải nghỉ học từ sớm, rồi lang bạt kiếm sống. 

Bà Đỗ Thị Mỹ, mẹ của Lệ, kể từ năm 14 tuổi bà phải nghỉ học để nhường cho người chị được tiếp tục học, rồi từ Phú Yên bà theo anh trai vô Nha Trang để mưu sinh bằng nghề chèo ghe, làm lưới trên các đảo nhỏ.

Sau này lấy chồng, có con, vợ chồng lại quanh năm suốt tháng bám biển. Cuộc sống vất vả, thu nhập bấp bênh nhưng chưa bao giờ vợ chồng bà Mỹ nghĩ tới chuyện cho con nghỉ học.

“Đã nhiều lần, hai chị em gái Lệ nằng nặc xin đi theo ghe, nhưng tui nhất quyết bảo đời cha mẹ đã kém chữ rồi, giờ các con phải bảo nhau ráng học giỏi để thành tài” – bà Mỹ nói.

Hiện tài sản có giá trị nhất của gia đình Lệ là chiếc ghe nhỏ góp chung vốn với người anh trai, trị giá hơn chục triệu đồng và đã mua cách đây 7-8 năm.

Vào những ngày trời yên biển lặng, cha mẹ em lại chạy ghe xuôi ngược tới biển Đại Lãnh, Phú Yên có khi quần thảo đêm ngày tại các đảo lớn nhỏ trên vịnh Nha Trang để giăng lưới bắt tôm cá. Những ngày trời trở gió, cả nhà lại ngồi quây quần cùng đan lưới bán.

Chỉ còn vài tháng nữa, cô học trò Ngô Thị Mỹ Lệ sẽ học hết cấp II, chuẩn bị vào lớp 10. Bà Mỹ bảo lại có trăm thứ phải lo. Cả bốn đứa con đều đang tuổi ăn, tuổi học.

Không lo sao được khi gia đình sẽ phải làm cật lực để có tiền cho Lệ thuê mướn nhà trọ trên đất liền, thuận tiện việc học. Căn nhà rồi sẽ thiếu vắng cô con gái lớn để đảm đang việc nhà trong lúc hai vợ chồng đi biển dài ngày.

 

Gần 1,8 tỉ đồng “Tiếp sức con ngư dân đến trường”

Ngày 25-10, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” của báo Tuổi Trẻ sẽ trao 237 suất học bổng “Tiếp sức con ngư dân đến trường” dành cho con ngư dân bốn tỉnh ven biển miền Trung bao gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Mỗi suất học bổng trị giá 2,5 triệu đồng (học sinh THCS), 3 triệu đồng (học sinh THPT) và 5 triệu đồng (sinh viên).

Trước đó ngày 18-10, tại TP Đà Nẵng, chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” đã trao 306 suất học bổng “Tiếp sức con ngư dân đến trường” cho con ngư dân năm tỉnh thành ven biển bao gồm Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Tính chung hai đợt, chương trình trao 543 suất học bổng với tổng kinh phí gần 1,8 tỉ đồng. Toàn bộ kinh phí trao học bổng do Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tài trợ.

Học bổng “Tiếp sức con ngư dân đến trường” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, báo Tuổi Trẻ phối hợp với chín tỉnh, thành đoàn và Hội Nghề cá chín tỉnh thành ven biển miền Trung từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tổ chức nhằm tuyên dương con ngư dân, đặc biệt là ngư dân đang khai thác đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa, vượt khó và học giỏi.

T.BÌNH