28/11/2024

Học sinh được cởi trói, giáo viên rối

Tiêu chí thân thiện với học sinh sẽ bị tiêu diệt. Khi giáo viên chịu nhiều áp lực từ việc mất thời gian quá nhiều cho đánh giá, từ việc phải vận động học sinh tham gia quá nhiều cuộc thi từ các cấp, các tổ chức khác nhau liên quan đến trường học, từ các phong trào dành riêng cho giáo viên thì cái đầu họ càng căng.

 

Học sinh được cởi trói, giáo viên rối

Quyết định của Bộ GD-ĐT “thay chấm điểm bằng nhận xét” đối với giáo dục tiểu học (thông tư 30) là một quyết định đáng hoan nghênh. 

 

Những con dấu của giáo viên đặt hàng tại một cơ sở sản xuất con dấu ở Hà Nội và nhận xét được đóng dấu trên vở học sinh - Ảnh: N.Khánh

 

Những con dấu của giáo viên đặt hàng tại một cơ sở sản xuất con dấu ở Hà Nội và nhận xét được đóng dấu trên vở học sinh – Ảnh: N.Khánh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuy nhiên, việc này áp dụng ngay trong năm học 2014 – 2015 sẽ có nhiều bất cập.

Bất cập vì những lý do sau: học sinh tiểu học đang học quá nhiều môn, chương trình quá nặng, giáo viên chưa được tập huấn về cách dạy theo lối đánh giá mới, chương trình thiết kế hiện nay không dành cho lối đánh giá này, hồ sơ sổ sách dành cho cách đánh giá này chưa chuẩn bị kịp…

1 buổi dạy làm việc… hơn 16 giờ

Giáo viên căng, học sinh lãnh đủ

Nếu trường linh động cho giáo viên chủ nhiệm cứ ba bài phê một bài thì thời gian cho việc nhận xét cũng vẫn là kinh khủng. Nếu làm không đủ giáo viên sẽ bị trừ thi đua, áp lực càng nặng họ sẽ trút hết xuống học sinh, học sinh sẽ lãnh đủ.

Tiêu chí thân thiện với học sinh sẽ bị tiêu diệt. Khi giáo viên chịu nhiều áp lực từ việc mất thời gian quá nhiều cho đánh giá, từ việc phải vận động học sinh tham gia quá nhiều cuộc thi từ các cấp, các tổ chức khác nhau liên quan đến trường học, từ các phong trào dành riêng cho giáo viên thì cái đầu họ càng căng.

Khi đầu giáo viên căng quá, nhiều điều đáng tiếc sẽ xảy ra ở môi trường học đường.

Học sinh tiểu học hiện nay phải học 13 môn: toán, tập đọc, luyện từ và câu, chính tả, tập viết, tự nhiên xã hội (lớp 4, 5 thì thay bằng lịch sử – địa lý), mỹ thuật, kỹ thuật, thể dục, âm nhạc, đạo đức, tin học, tiếng Anh.

Giáo viên chủ nhiệm phải dạy hết, trừ tiếng Anh, tin học. Nếu trường nào có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật thì giáo viên chủ nhiệm phải dạy 9-10 môn.

Đó là lý do bao năm rồi yêu cầu giảm cân cho cặp học sinh mà cặp các em vẫn nặng. Nay thay đổi cách đánh giá thì giáo viên thêm nặng đầu.

Vậy thử nhẩm tính, giáo viên chủ nhiệm sẽ mất bao nhiêu thời gian cho việc ghi lời phê một lớp học? Hiện nay, ở TP.HCM sĩ số bình quân là 35-40 em/lớp, một ngày các em học 5 tiết.

Cô giáo phê một lời phê gồm hai dòng, hết ít nhất 1 phút, kiểm tra xem đúng sai hết khoảng 4 phút, thời gian cho mỗi em trên một môn là 5 phút.

Thời gian tốn cho công đoạn này của một giáo viên tính như sau: 40 học sinh x 5 phút x 5 môn = 1.000 phút = 16,6 giờ/buổi dạy.

Trường nào có giáo viên chuyên trách thể dục, mỹ thuật, âm nhạc thì các giáo viên này cũng sẽ tốn thời gian gấp nhiều lần theo số lớp họ đảm nhiệm.

Bị động về mọi mặt

Mới có một công đoạn mà tốn thời gian như vậy, còn thời gian đâu soạn giáo án cho 10-13 môn, thời gian đâu đi làm ngoài để có thêm thu nhập.

Và giáo viên còn đâu thời gian dành cho gia đình và nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Đầu óc không còn thoải mái làm sao có sáng tạo trong tiết dạy, làm sao tạo hứng thú cho học sinh.

Về mặt truyền đạt thông tư, tập huấn thông tư 30 cho cán bộ quản lý, cho giáo viên đáng lẽ phải tập huấn từ cuối năm học trước. Đằng này, ngày 28-8 công bố thì 15-10 áp dụng nên tạo sự bị động cho cán bộ, giáo viên quản lý mọi mặt.

Về mặt chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện nay là thiết kế dành cho cách đánh giá theo điểm số thường xuyên chứ không phải dành cho cách đánh giá của thông tư 30. Do đó, thông tư 30 ra đời thì tốt nhưng những cái theo nó không đồng bộ, giống như sửa nhà chỉ sửa vách, sửa cột mà không sửa móng khiến nó có thể đổ bất cứ lúc nào.

Về mặt hồ sơ sổ sách cho đồng bộ với cách đánh giá của thông tư 30 cũng chưa đáp ứng kịp. Qua thông tư 30, thấy rõ Bộ GD-ĐT không có chuẩn bị từ trước.

Ban hành thông tư, quyết định theo kiểu cảm hứng nên khiến các trường bị động trong dự toán dẫn đến bội chi cho việc mua hồ sơ sổ sách mới.

Thử hỏi các vị ở bộ có biết học bạ của những năm trước đó là dành cho việc đánh giá cả năm năm, nay thông tư 30 ra đời thì phải vứt bỏ gây lãng phí lớn…

Việc này có thể ví như một huấn luyện viên bắt vận động viên nhảy xà đơn phải nâng cao thành tích ở mức cao hơn trong khi không có tập luyện, thao dượt từ trước và vận động viên ấy cũng không có quyền bỏ cuộc. Vận động viên kia sẽ nhảy cho huấn luyện viên hài lòng nhưng kết quả thế nào mọi người cũng thấy rõ.

 

Sự thật nào sau lời phê?

Đã mấy chục năm qua, chúng ta quen với cách đánh giá điểm số cho học sinh và điều này đã ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi thầy cô và các bậc phụ huynh.

Đối với giáo viên, đó cũng là cách đánh giá chính xác nhất đối với từng học trò của mình, còn đối với phụ huynh vẫn quen hỏi con được mấy điểm qua từng buổi học để từ đó định hướng và kèm cặp con em mình.

Và dĩ nhiên từ những điểm số hằng ngày đó sẽ cộng lại và tính vào điểm trung bình cuối năm của các em để phân loại học sinh trong từng lớp học. Với cách đánh giá này, đã có nhiều ý kiến cho rằng các trường và giáo viên chạy theo thành tích, phụ huynh cũng bơ phờ theo con học thêm các lớp này lớp khác để con em mình bằng bạn bằng bè.

Việc bỏ điểm số thay bằng lời phê cũng cho thấy còn nhiều băn khoăn trong tình hình giáo dục hiện nay. Lời phê được giao toàn quyền cho giáo viên, vậy lời phê ấy có thật sự đảm bảo công bằng và công tâm không?

Đó là câu hỏi mới bắt đầu cho ngành giáo dục. Và lời phê như vậy có làm động lực cho học sinh cố gắng phấn đấu và thi đua hay không? Khi những điểm tương đương sát nhau thì lời phê liệu có trùng lắp? Cách xếp loại học lực học sinh sẽ được đánh giá như thế nào khi lời phê chỉ mang tính định tính chứ không phải định lượng.

Từ đó, chắc chắn sẽ dẫn đến vô vàn sự hiểu lầm của phụ huynh đối với học lực con em mình. Bởi chúng ta biết rằng với những quy định và hướng dẫn hiện nay của ngành, không mấy thầy cô có đủ dũng khí để nhận xét những học sinh yếu kém bằng những lời phê sự thật. Bởi phê như vậy giáo viên đang tự làm khó mình và dẫn đến nhiều điều phiền toái, nếu không bị ban giám hiệu nhắc nhở thì cũng sẽ bị phụ huynh phản pháo, dư luận lên tiếng…

Cái gì cũng có mặt trái, mặt phải, cách thay đổi nào mới cũng dẫn đến những xáo trộn ban đầu.

Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, nhiệm vụ chính là đào tạo và giáo dục con người, nếu chúng ta không cẩn thận, không chặt chẽ thì cách nhận xét bằng lời phê này sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, chiếu lệ và sẽ có những lời phê na ná nhau.

Sự kỳ vọng quá nhiều nhưng mơ hồ trong nhận xét, đánh giá chưa hẳn đã là điều tốt cho giáo dục nước nhà trong tương lai.

NGUYỄN VĂN KHÁNH 
(giáo viên Trường THCS Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang)