Chữ ký khác nhau khó rút được tiền
Những rắc rối xung quanh chữ ký khi giao dịch tại quầy diễn ra rất phổ biến do các NH luôn yêu cầu chữ ký của KH phải giống 100% với chữ ký mẫu đã đăng ký mới rút được tiền.
Chữ ký khác nhau khó rút được tiền
Ngày 21-10, ông Bùi Cao Trí (Q.10, TP.HCM) đến ngân hàng rút 50 triệu đồng nhưng ký mãi vẫn không đúng với chữ ký đăng ký mẫu.
Ngoài giấy tờ tuỳ thân, chữ ký của khách hàng rất quan trọng khi giao dịch với ngân hàng – Ảnh: T.Đ. |
Nơi ông TRí đến là ngân hàng (NH) VPBank chi nhánh đường Ba Tháng Hai, Q.10, TP.HCM. Nhân viên NH không cho ông rút tiền, dù chữ ký sau giống khoảng 80%
Do bị nhân viên NH từ chối, ông Trí xin được làm giấy xác nhận của công an nơi cư trú về chữ ký của mình, nhân viên NH trả lời cũng không được, ông Trí cũng trình cả chứng minh nhân dân, hộ khẩu, nhân viên NH vẫn không giải quyết. Ông Trí thắc mắc: “Làm thế nào để những người lỡ có chữ ký không giống 100% chữ ký ban đầu rút được tiền? Liệu NH không linh hoạt thì có phương án khác để giải quyết?”.
Đăng ký dấu vân tay Có nhiều trường hợp khách hàng không thể ổn định ký chữ ký giống nhau, nhân viên ngân hàng có thể tư vấn khách đăng ký vân tay để hỗ trợ làm sao cho khách hàng tiện nhất. |
Trả lời trường hợp trên, ông Kalidas Ghose, giám đốc khối khách hàng cá nhân VPBank, cho biết theo các quy định, khách hàng phải ký đúng chữ ký mẫu đã đăng ký với NH khi thực hiện các giao dịch về tiền gửi tiết kiệm.
Về phía NH, VPBank có nghĩa vụ phải kiểm soát chữ ký của khách hàng tại mỗi lần giao dịch để bảo đảm các chữ ký của khách hàng trùng khớp, bảo đảm quyền lợi cho chính khách hàng, tránh các hành vi giả mạo, gian lận gây thất thoát tài sản của khách.
“Về thắc mắc của ông Bùi Cao Trí, VPBank rất tiếc khi các cán bộ giao dịch đã không giải thích rõ cho khách về nội dung, mục đích của các quy định nêu trên, dẫn đến khách hàng có thể có một số hiểu nhầm với VPBank” - ông Kalidas Ghose nói.
Hơn một ngày sau, ông Trí mới được chi nhánh VPBank liên hệ lại để hỗ trợ sau khi NH này có các biện pháp nghiệp vụ để xác thực khách hàng, xác minh rõ người đến đề nghị giao dịch. Cuối cùng, NH đã cho ông thực hiện việc đăng ký lại chữ ký mẫu trên cơ sở văn bản đề nghị của mình và giải quyết cho ông Trí rút tiền.
Thực tế những rắc rối xung quanh chữ ký khi giao dịch tại quầy diễn ra rất phổ biến do các NH luôn yêu cầu chữ ký của KH phải giống 100% với chữ ký mẫu đã đăng ký mới rút được tiền.
Đã có nhiều trường hợp giả mạo chữ ký khách hàng để rút hàng tỉ đồng, vì vậy tại nhiều NH hiện nay, mặc dù khách đã trình ra giấy tờ hợp lệ và đúng luật nhưng vẫn không rút được tiền vì chữ ký không giống với chữ ký mẫu.
Giám đốc một NH lớn cho biết bản thân mình hằng ngày phải ký nhiều giao dịch với NH Nhà nước nhưng cũng không ít lần bị trả về vì chữ ký không giống như đăng ký ban đầu, huống hồ những khách hàng lâu lâu mới đến NH để giao dịch. “Chỉ cần chữ ký sai một chút xíu là NH không chấp nhận vì hiện chữ ký dễ bị giả mạo” – vị này cho biết.
Có rất nhiều trường hợp khách hàng mở tài khoản 5-10 năm trước mà không hề giao dịch trong thời gian dài, khi quay lại thì họ không thể nhớ được chữ ký đăng ký ban đầu khiến phía NH cũng khá vất vả.
Tại BIDV, để rút được tiền, khách hàng phải thỏa mãn đồng thời ba điều kiện là có CMND hoặc hộ chiếu, chữ ký giống với chữ ký mẫu và hình dạng bên ngoài phải giống một cách tương đối so với ảnh trong giấy tờ trên.
Tại Vietcombank, đại diện phòng dịch vụ thể nhân NH này cho biết về mặt pháp lý, NH rất chặt trong quy trình này để đảm bảo an toàn cho khách hàng, nhưng cũng sẽ tìm phương án xử lý theo hướng tiện lợi nhất cho khách hàng nếu xảy ra trường hợp trên. Thông thường khi mở một tài khoản, khách hàng phải ký 2-3 chữ ký, trong đó khách hàng sẽ đăng ký một chữ ký mẫu và có 2-3 chữ ký dự phòng khi khách hàng không thể ký giống như chữ ký ban đầu để tham chiếu.
Theo đại diện Vietcombank, một trong những cách phòng tránh rủi ro là khi mở tài khoản tại NH, khách hàng cần tự điền thông tin cá nhân để NH có cơ sở tham khảo nét chữ nếu xảy ra tình huống quên chữ ký đăng ký, điều này cũng giúp NH có cơ sở để chi trả đúng người.
Đã có nhiều trường hợp khách hàng ký ban đầu không giống, sau nhiều lần nhân viên gợi ý thì bắt đầu hoảng loạn càng ký càng không giống, vì vậy NH và khách hàng cần hợp tác để đảm bảo khách hàng được thuận lợi, an toàn nhất.
Giám đốc một NH cho biết quy định này không phải làm khó cho khách hàng mà là để bảo vệ tài sản cho họ, đề phòng các trường hợp giả mạo chữ ký để rút trộm tiền. Ngay khi khách không rút tiền thì họ cũng không lo bị mất. Vì toàn bộ số tiền trong tài khoản của khách vẫn được lưu giữ tại NH.