1 giáo viên phải nhận xét 1.260 học sinh
Học sinh vẫn chưa thật sự quen với việc không còn được chấm điểm nữa, giáo viên mất nhiều thời gian cho sổ sách và nhận xét, khó tránh khỏi những nhận xét trùng lắp, khiên cưỡng, đó là những gì giáo viên chia sẻ sau một tuần dạy học trong môi trường “không điểm số”.
1 giáo viên phải nhận xét 1.260 học sinh
“Cô ơi, em làm bài như thế này thì được mấy điểm?” hay: “Em chỉ sai một lỗi thì có phải là 9 điểm không cô?”.
Những lời nhận xét của giáo viên thay chấm điểm cho học sinh lớp 3 tại một trường tiểu học ở TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
Lớp tôi có hơn 50 học sinh. Mỗi tháng viết tay 100 lời nhận xét khác nhau cho ba nội dung ở hai cuốn: sổ liên lạc và sổ theo dõi, đánh giá học sinh. Thế thì thời gian đâu để chúng tôi đầu tư vào bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy? |
Một giáo viên chủ nhiệm ở quận Tân Phú |
Đó là câu hỏi mà cô T. – giáo viên khối 5 Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM – nhận được nhiều nhất suốt tuần đầu tiên chính thức thực hiện thông tư 30 của Bộ GD-ĐT quy định việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm số.
Học sinh vẫn chưa thật sự quen với việc không còn được chấm điểm nữa, giáo viên mất nhiều thời gian cho sổ sách và nhận xét, khó tránh khỏi những nhận xét trùng lắp, khiên cưỡng, đó là những gì giáo viên chia sẻ sau một tuần dạy học trong môi trường “không điểm số”.
Tuy nhiên phần lớn giáo viên ủng hộ đổi mới này của Bộ GD-ĐT, bởi áp lực học tập lên học trò giảm đáng kể, phụ huynh cũng tránh được việc so sánh điểm số của con mình với bạn khác.
Làm cho có?
Khi tham khảo một số vở bài tập môn toán và tiếng Việt của học sinh lớp 1 ở một trường tiểu học, chúng tôi thấy cách nhận xét chỉ xoay quanh mấy chữ: “Em làm tốt”, “Em làm khá tốt”, “Bài làm tốt” được giáo viên viết bằng mực đỏ cuối mỗi trang vở.
Khi chúng tôi thắc mắc là chỉ nhận xét đơn giản như vậy thôi hay sao, cô giáo giải thích rằng đây là học sinh có học lực bình thường. Với một số học sinh đặc biệt thì cô sẽ nhận xét kỹ hơn, dài hơn và cụ thể hơn.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.9 lại cho rằng: “Đánh giá bằng nhận xét phải cụ thể, rõ ràng, chỉ ra cho học sinh biết mình đã làm tốt phần nào, còn phần nào phải khắc phục. Việc cho điểm được xem là vô cảm thì việc đánh giá bằng nhận xét càng không thể vô cảm, không thể làm cho có. Điều quan trọng là nhận thức của giáo viên như thế nào. Nếu chỉ là “khá” hoặc “khá tốt” tức vẫn chưa phải thật tốt. Nếu chưa thật tốt thì còn điểm nào phải sửa chữa?”.
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 tại quận Gò Vấp cũng nêu quan điểm: “Giáo viên không nhất thiết nhận xét bằng chữ hằng ngày ở từng môn, mà có thể luân phiên các cách nhận xét khác nhau: nhận xét bằng lời trong buổi học, nhận xét vào vở theo dạng “cuốn chiếu”, môn toán chỉ nhận xét trong vở các học sinh thuộc tổ 1, môn tiếng Việt sẽ nhận xét học sinh tổ 2, cứ như vậy luân phiên thay đổi với các môn khác. Với cách làm này mỗi ngày giáo viên phải nhận xét khoảng 30 cuốn sách, vở của học sinh”.
Với cách tính trung bình như vậy, hầu hết giáo viên mà chúng tôi đã gặp đều cho biết: họ phải mang tập vở của học sinh về nhà để nhận xét vì trên lớp không đủ thời gian.
Thầy Trần Minh Hùng, giáo viên lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), phân tích: “Một môn học có nhiều phân môn, ví dụ môn tiếng Việt có bốn phân môn: chính tả, làm văn, luyện từ và câu, tập đọc. Môn học nào cũng có vận dụng, mà vận dụng thì giáo viên phải xem, phải nhận xét (bằng lời hoặc bằng chữ) để biết học sinh học tập như thế nào. Trung bình, mỗi ngày tôi mang tập một môn học của học sinh về nhà để nhận xét. Về nguyên tắc, giáo viên sẽ ghi nhận xét bằng chữ theo kiểu luân phiên. Nhưng trên thực tế, có những học sinh cần giúp đỡ nhiều thì tôi sẽ gọi bé lên, chỉ cho bé những lỗi sai cần sửa, đồng thời ghi nhận xét thường xuyên hơn các bạn khác”.
Theo các giáo viên, trước đây cho điểm thì dễ và nhanh, nay ghi nhận xét, giáo viên phải tư duy sao cho câu nhận xét vừa nhẹ nhàng, tế nhị lại vừa khuyến khích được HS học tập. Nghĩ ra rồi thì khi viết cũng phải nắn nót cho đẹp để phụ huynh còn đọc nữa.
Do đó, khi đi tập huấn về đánh giá bằng nhận xét, nhiều giáo viên đã trao đổi với nhau để thống nhất: trường hợp X thì nên ghi: “Nếu bài văn của em hạn chế sử dụng từ thừa thì sẽ hay hơn”, trường hợp Y là: “Nếu em cẩn thận hơn trong tính toán sẽ đạt kết quả cao”, trường hợp Z là: “Em cần ôn lại quy tắc về tìm số bị chia”…
Bỏ bớt thủ tục
Đến thời điểm này, giáo viên tiểu học ở TP.HCM vẫn chưa nhận được các loại sổ, sách phục vụ việc đánh giá bằng nhận xét. Tuy nhiên, theo tài liệu tập huấn của Bộ GD-ĐT dành cho giáo viên ở TP.HCM, ngoài việc nhận xét thường xuyên hằng ngày, sau mỗi tháng và cuối mỗi học kỳ giáo viên sẽ phải ghi nhận xét cho từng học sinh theo ba nội dung: môn học và hoạt động giáo dục (kiến thức, kỹ năng), năng lực, phẩm chất vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh (trước đây là sổ điểm). Các loại sổ còn lại: học bạ, sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm…thì vẫn giữ nguyên như cũ.
Thế nhưng, với giáo viên bộ môn còn nhiêu khê hơn: giáo viên dạy tiếng Anh còn đỡ: trung bình mỗi lớp dạy từ 3-8 tiết/tuần/lớp, còn giáo viên môn thể dục, kỹ thuật, mỹ thật, âm nhạc thì mỗi tuần chỉ dạy từ 1-2 tiết/lớp.
Theo quy định, mỗi tháng giáo viên phải dạy 23 tiết/tuần thì phải… phụ trách 23 lớp. Trong khi đó, ở những vùng đông dân nhập cư, có trường phải phân công giáo viên âm nhạc giảng dạy… 28 lớp vì thiếu giáo viên, tính trung bình mỗi lớp 45 học sinh x 28 lớp thì mỗi tháng giáo viên bộ môn ở trường tiểu học phải viết nhận xét cho 1.260 học sinh(?).
Câu hỏi đặt ra ở đây là giáo viên có nhất thiết phải viết nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh hằng tháng không? Nói như một giáo viên ở Q.5 thì: “Hằng tháng, giáo viên phải viết nhận xét vào sổ liên lạc gửi về cho phụ huynh. Đây là việc cần thiết phải làm nhằm thông báo và phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh. Nhưng sổ theo dõi, đánh giá học sinh chỉ là một thủ tục hành chính để báo cáo với ban giám hiệu trường mà thôi”.
Theo giải thích của giáo viên này, trong quá trình giảng dạy, người giáo viên phải hiểu rất rõ năng lực của từng em học sinh, yếu chỗ nào, giỏi chỗ nào để điều chỉnh cách dạy của mình. Điều này, các thầy cô phải làm hằng ngày chứ không phải sau một tháng mới nhìn lại học trò mình giỏi, kém chỗ nào.
Thế thì ghi nhận xét sau mỗi tháng để làm gì? Vừa làm khổ giáo viên, vừa không có tác dụng trên thực tế. Thời gian ghi nhận xét, hãy để cho giáo viên đọc sách, báo, tài liệu, tư duy những hoạt động giáo dục tích cực cho học sinh.
Các giáo viên ở TP.HCM không giấu giếm rằng nếu bắt buộc phải viết thì họ sẽ viết, nhưng sẽ làm theo kiểu đối phó mà thôi. Họ chỉ có thể làm tốt tất cả nếu như sĩ số lớp học từ 20-30 học sinh.
Hiệu trưởng một Trường tiểu học ở TP.HCM:
Đừng “hành” giáo viên bằng những thủ tục rườm rà Đánh giá học sinh bằng nhận xét là một bước tiến mới của giáo dục nước ta. Nó làm giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh nhưng vô tình lại làm tăng áp lực cho giáo viên. Ở các nước tiên tiến, họ thực hiện đánh giá bằng nhận xét rất tốt vì sĩ số học sinh/lớp của họ chỉ 15-20 học sinh với chương trình học nhẹ nhàng, lớp học hiện đại, tiện nghi. Ở ta, một lớp có đến 50 học sinh, chương trình học hàn lâm, nặng nề, sáo rỗng, phòng học thiếu thốn trang thiết bị giảng dạy thì có thực hiện đánh giá bằng nhận xét được không? Tôi nghĩ là làm được. Với điều kiện: phải giao quyền cho giáo viên tiểu học: anh dạy lớp nào thì anh phải nghĩ ra cách để giúp học sinh lớp đó tiến bộ; cách đánh giá học sinh thay đổi thì cũng phải thay đổi cả cách đánh giá giáo viên. Trên hết là phải tập huấn thật kỹ để hoạt động đánh giá đi vào thực chất, chứ đừng “hành” giáo viên bằng những thủ tục rườm rà, những yêu cầu vô lý khiến họ phải đối phó. H.HG. |