13/01/2025

Chứng chỉ A, B, C… tụt dốc

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia A, B, C một thời lừng lẫy được xem là “hàng nội chất lượng cao” thì giờ đây xã hội đã “quay lưng”.

 

Chứng chỉ A, B, C… tụt dốc

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia A, B, C một thời lừng lẫy được xem là “hàng nội chất lượng cao” thì giờ đây xã hội đã “quay lưng”.

 

Chứng chỉ A, B, C... tụt dốc
Giờ học tiếng Anh tại một trường ĐH ở TP.HCM chiều 9.10 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Tụt dốc trong 10 năm nay

Phóng viên Thanh Niên đã đến các trung tâm ngoại ngữ lớn tại TP.HCM tìm hiểu về tình hình đăng ký theo học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia.

Tuy không có thống kê cụ thể nhưng lãnh đạo Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định các lớp ngoại ngữ chứng chỉ quốc gia giảm hẳn trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tương tự, tại Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lượng học viên giảm hơn nửa. Theo thông tin từ phòng ghi danh của trung tâm này, mấy năm trước, mỗi tháng trung tâm đều có khoảng 100 học viên nhưng hiện tại số lượng này chỉ vào khoảng 30 – 40.

Thạc sĩ Vĩnh Huy, Hiệu trưởng cơ sở ngoại ngữ Tiến Bộ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết kể từ khi thành lập vào năm 2010 đến nay, số học viên đến hỏi đăng ký học các chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia chỉ trên đầu ngón tay. Ông Huy nói: “Trước đây, chúng tôi có 2 chương trình: chứng chỉ quốc gia và TOEIC. Nhưng phần đông sinh viên và người đi làm đều đăng ký theo học TOEIC”.

Ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trước đây mỗi năm thành phố có khoảng 10.000 lượt người đăng ký dự thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia. Tuy nhiên từ 2 năm trở lại đây, số lượng này giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 60%. Dù chưa thống kê chính xác nhưng theo ông Ba, hiện nay số thí sinh dự thi các chứng chỉ quốc tế cao hơn.

“Mua được với chi phí thấp”?

Một thực tế là hiện nay rất ít sinh viên chọn học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia.

Phan Ngọc Thảo, sinh viên năm cuối ngành quản trị luật Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết đang chuẩn bị tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh TOEIC để phục vụ chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường. “Em chưa từng có suy nghĩ về chuyện học thi chứng chỉ quốc gia và cũng nhận thấy rất ít người có nhu cầu này. Nguyên nhân quan trọng không gì khác là xuất phát từ mục đích sử dụng, khi mà chuẩn đầu ra của trường ĐH và cả nhà tuyển dụng đều chỉ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Vì vậy, dù có thi chứng chỉ A, B, C, sinh viên cũng phải tiếp tục thi thêm các chứng chỉ quốc tế để phục vụ mục đích trên”.

Đang học ngành quản trị du lịch Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Huỳnh Tuyết Minh cho hay đã có được chứng chỉ TOEIC 625 điểm. Tuyết Minh kể: Theo quy định nhà trường, sinh viên tốt nghiệp phải có chứng chỉ ngoại ngữ B hoặc TOEIC 350 điểm. Tuy vậy, hầu hết các thành viên trong lớp Minh đều chọn thi TOEIC. Minh lý giải: “Tụi em thấy khi ra trường, các chứng chỉ A, B, C không thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và làm việc sau này. Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế luôn có giá trị hơn, chất lượng hơn nhiều”.

Lê Đỗ Hữu Huỳnh, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, so sánh: “Chứng chỉ quốc gia nặng về đọc, viết và rất yếu trong giao tiếp. Ngay việc tổ chức thi và cấp bằng giữa hai hệ thống chứng chỉ này cũng có nhiều khác biệt về mức độ nghiêm túc. Chứng chỉ quốc gia có thể thi và lấy dễ dàng ở nhiều trung tâm, thậm chí còn mua được với chi phí thấp, trong khi chứng chỉ quốc tế thực sự thì việc thi cử tốn kém và bài bản hơn nhiều. Chính điều này tạo nên tâm lý không “chuộng” chứng chỉ quốc gia của cả người học và người sử dụng lao động”.

Chỉ dành cho công chức ?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xã hội “quay lưng” với chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia. Thạc sĩ Vĩnh Huy cho rằng các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện nay chủ yếu tuyển người có chứng chỉ quốc tế, chứ ít ai căn cứ vào chứng chỉ A, B, C của VN. Một người làm công tác lâu năm tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM cho biết: “Chúng ta gia nhập WTO nên phải hội nhập. Và người đi học hay đi làm đều cần chứng chỉ quốc tế (làm việc, du học…). Vì vậy, ít ai thi chứng chỉ quốc gia”.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn (SFC), thẳng thắn nói: “Thực sự trong đầu tôi không còn khái niệm chứng chỉ A, B, C nữa vì nó quá lạc hậu. Bản thân tôi không tin việc thi cử những chứng chỉ đó là nghiêm túc, nên cũng không tin tưởng vào chất lượng của nó”. Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Quỳnh khẳng định doanh nghiệp thường quan tâm hơn đến những ứng viên có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. “Vì chúng tôi đã đủ niềm tin với những bằng quốc tế rồi. Bản thân doanh nghiệp không chú ý A, B, C nữa đâu. Tất nhiên, ngoài bằng cấp, nhà tuyển dụng cần phải có thêm bài kiểm tra và phỏng vấn nữa để đánh giá chính xác từng ứng viên”, ông Tuấn Quỳnh giải thích.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng nhân sự Công ty GrabTaxi VN, khẳng định: “Hiện nay, chất lượng các ứng viên có chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C rất hiếm đạt yêu cầu so với các ứng viên có chứng chỉ TOEIC, TOEFL, IELTS”.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nhận định, các trung tâm ngoại ngữ bây giờ chủ yếu đào tạo chứng chỉ quốc tế, còn phần lớn chứng chỉ A, B, C đáp ứng nhu cầu của công chức. Thực tế cũng chứng minh điều đó. Tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên ở trung tâm ngoại ngữ các trường ĐH tại TP.HCM cho thấy, học viên luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia phần lớn là nhân viên các cơ quan ban ngành của thành phố.

 

Chưa thi đã có kết quả

 

Nhiều người còn cho rằng do một số trung tâm dễ dãi trong tổ chức thi nên nhiều người dù có chứng chỉ A, B, thậm chí C vẫn không giao tiếp được. Một cán bộ từng làm việc tại một trung tâm ngoại ngữ (thuộc một trường ĐH ở TP.HCM) cho biết: “Khoảng đầu những năm 1990, tôi mất hơn 3 năm để lấy lần lượt các chứng chỉ A, B, C của ĐH Sư phạm TP.HCM. Khi đó, việc học những chứng chỉ này rất vất vả và nghiêm túc. Tôi lấy bằng B là có thể làm hướng dẫn viên du lịch được. Còn bây giờ, nhiều người lấy chứng chỉ B, C nhưng cũng không nói chuyện được. Vì vậy, doanh nghiệp mất lòng tin vào các chứng chỉ này. Trước đây, khi tổ chức thi các chứng chỉ quốc gia, chúng tôi cũng làm nghiêm túc, mỗi kỳ thi có khoảng 50% học viên rớt. Từ đó học viên sợ, rỉ tai nhau và “nghỉ chơi” với trung tâm này để chạy đến những trung tâm… chưa thi đã có kết quả”.

 

 

Không nhắc gì đến A, B, C

 

Các văn bản chính quy hiện hành của ngành giáo dục các cấp về chuẩn ngoại ngữ chỉ đề cập các hệ thống chứng chỉ khác.

Đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN, trong đó quy định mức độ tương thích giữa khung năng lực ngoại ngữ VN và khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR). Khung năng lực được chia làm 3 cấp và 6 bậc tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR.

Quy chế đào tạo sau ĐH hiện hành của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu ngoại ngữ cho đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo khung tham chiếu châu Âu. Trong đó có bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEIC hay TOEFL sang cấp độ B1, B2 khung châu Âu.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 ban hành từ năm 2008 cũng không đề cập đến các chứng chỉ A, B, C.

 

N.Lịch – M.Luân – H.Ánh – B.Thanh