13/01/2025

Nữ sinh Pakistan đồng chủ nhân giải Nobel hoà bình

Nữ sinh người Pakistan Malala Yousafzai và nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ Kailash Satyarthi đã chia sẻ giải thưởng Nobel hoà bình năm 2014.

 

Nữ sinh Pakistan đồng chủ nhân giải Nobel hoà bình

Nữ sinh người Pakistan Malala Yousafzai và nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ Kailash Satyarthi đã chia sẻ giải thưởng Nobel hoà bình năm 2014.

Nữ sinh Malala Yousafzai và Ông Kailash Satyarthi
Nữ sinh Malala Yousafzai và Ông Kailash Satyarthi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hội đồng giải Nobel chiều 10-10 tuyên bố hai người đã được vinh danh vì họ hoạt động rất mãnh liệt trong các cuộc chiến chống áp bức trẻ em và thanh niên cũng như đấu tranh quyền được đến trường cho toàn bộ trẻ em. Yousafzai và Satyarthi sẽ nhận giải thưởng trị giá 1,1 triệu USD.

Giải thưởng này là của tất cả trẻ em, những đứa trẻ không có tiếng nói và chúng cần được lắng nghe
Nữ sinh Malala Yousafzai

Niềm tự hào của Pakistan

Ở tuổi 17, Malala Yousafzai là người trẻ nhất nhận giải trong lịch sử của giải Nobel. Sau khi bị Taliban bắn vào đầu, Yousafzai đã được đưa đến Bệnh viện Queen Elizabeth ở Birmingham (Anh) bằng đường hàng không để chữa trị những vết thương đe dọa mạng sống của cô.

Kể từ đó, Yousafzai tiếp tục đi học ở thành phố này và đấu tranh cho quyền được đi học của trẻ em nữ.

Cô gái trẻ này từng xuất hiện trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để diễn thuyết cho mục tiêu của cuộc đấu tranh mà cô đang thực hiện, từng được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới.

Sinh năm 1997 ở thung lũng Swat, nơi phiến quân chiếm đóng trong hai năm 2007-2009. Tháng 10-2012, cô gái trẻ này từng bị Taliban bắn trọng thương ở đầu vì đấu tranh đòi quyền cho các bé gái được đi học.

Yousafzai từng là ứng cử viên hàng đầu cho giải Nobel hoà bình năm 2013. Nhà hoạt động vì giáo dục của trẻ vị thành niên này nhận được tin vui khi cô đang còn học ở trường tại Birmingham.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif chúc mừng Yousafzai và nói rằng cô là “niềm kiêu hãnh” của đất nước Pakistan. “Cô ấy là niềm tự hào của Pakistan, cô ấy đã làm cho những người đồng hương của mình hãnh diện. Thành tựu mà cô ấy đạt được là không gì bằng” – AFP dẫn lời Thủ tướng Sharif nói.

“Con bé đã nói lên tiếng nói công lý ở một nơi mà phụ nữ không bao giờ có quyền được lên tiếng” – Ahmed Shah, giáo viên đồng thời là bác của Yousafzai, vui mừng.

Còn Ayesha Khalid, bạn học của Yousafzai, cho rằng không chỉ Yousafzai giành giải thưởng Nobel mà tất cả bé gái Pakistan đều có được giải thưởng này. “Cô ấy đã chứng minh rằng các người không thể ngăn chặn giáo dục bằng cách cho nổ tung những ngôi trường” – Khalid nói.

Uỷ ban trao giải Nobel cho rằng sự phát triển hoà bình thế giới chỉ có thể đạt được nếu trẻ em và những người trẻ tuổi được tôn trọng. Đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, Yousafzai là một bằng chứng cho thấy trẻ em có thể đóng góp vào sự cải thiện tình trạng của chính mình.

“Cô ấy đã đấu tranh trong những hoàn cảnh nguy hiểm nhất. Thông qua cuộc đấu tranh quả cảm của mình, Yousafzai đã trở thành người phát ngôn cho các trẻ em nữ” – tuyên bố của Uỷ ban Nobel ở Na Uy nhận định.

Tôi cảm ơn Ủy ban Nobel vì sự công nhận hoàn cảnh khó khăn của hàng triệu trẻ em đang chịu khổ đau trong thời hiện đại này
Ông Kailash Satyarthi

Sự công nhận cuộc chiến vì quyền trẻ em

Hơn 30 năm trước, chàng trai Kailash Satyarthi đã bỏ nghề kỹ sư điện tử, nghề mà nhiều thanh niên Ấn Độ lúc bấy giờ mơ ước, để dốc tâm xây dựng phong trào cứu sống trẻ em.

Giờ đây, tổ chức phi lợi nhuận mà ông thành lập đang dẫn đầu trong phong trào bài trừ nạn buôn bán và bóc lột trẻ em ở Ấn Độ.

Hội đồng Nobel nhận định Satyarthi đã giữ gìn truyền thống của anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi và đã dẫn đầu rất nhiều cuộc tuần hành hoà bình ở Ấn Độ đấu tranh chống bóc lột lao động trẻ em vì mục đích tài chính.

“Ông ấy cũng đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển những nguyên tắc quốc tế liên quan đến quyền trẻ em” – Hội đồng trao giải Nobel ở Na Uy khẳng định.

Khi hay tin đoạt giải Nobel, ông Satyarthi thốt lên rằng ông rất vui và cho rằng “đó là sự công nhận cuộc chiến vì quyền trẻ em của chúng tôi”.

“Tôi cảm ơn Uỷ ban Nobel vì sự công nhận hoàn cảnh khó khăn của hàng triệu trẻ em đang chịu khổ đau trong thời hiện đại này” – Hãng tin Press Trust of India dẫn lời nhà hoạt động cho biết.

Gửi lời chúc mừng Yousafzai và Satyarthi, nguyên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cho rằng không có công cụ nào cho sự phát triển hiệu quả hơn việc trao quyền cho phụ nữ.

Vốn kiệm lời, thậm chí ngay cả ở quê nhà Ấn Độ ông cũng ít thể hiện mình bằng lời nói, nhưng nhà hoạt động 60 tuổi này đang dẫn đầu cuộc tuần hành toàn cầu chống lại nạn bóc lột lao động trẻ em. Sự kiện kết nối khoảng 2.000 nhóm xã hội và các tổ chức, liên đoàn ở 140 quốc gia.

Satyarthi đã giúp 70.000 trẻ em Ấn Độ bị những thương nhân và chủ đất buộc “lao động như nô lệ” ở cơ sở của họ. Ước tính hiện nay có 168 triệu lao động trẻ em trên khắp thế giới bị bóc lột lao động, tăng 90 triệu trong 14 năm qua.

Từ New Delhi, ông Satyarthi cho biết sau khi biết tin được trao giải Nobel hòa bình, ông cảm nhận rằng cộng đồng quốc tế sẽ chú ý nhiều hơn đến chính nghĩa vì trẻ em thế giới.

 

“Một số phong trào đã được sản sinh từ Ấn Độ, sau đó lan ra toàn cầu và chúng tôi đang có một phong trào tầm cỡ thế giới chống áp bức trẻ em” – nhà hoạt động Satyarthi nói.