Bước qua lệ làng
Hai năm trước, một đứa trẻ vừa ra đời thì người mẹ chết vì băng huyết. Người làng quyết định chôn sống đứa trẻ theo người mẹ xấu số. Một cô y tá trẻ đã kịp thời cứu lấy sinh linh bé bỏng này gián tiếp xoá bỏ hủ tục ngàn đời giữa rừng xanh.
Bước qua lệ làng
Hai năm trước, một đứa trẻ vừa ra đời thì người mẹ chết vì băng huyết. Người làng quyết định chôn sống đứa trẻ theo người mẹ xấu số.
Vợ chồng cô y tá Hồ Thị Hiếu hạnh phúc đưa bé Quốc Khánh đến trường vào mỗi buổi sáng – Ảnh: Tấn Vũ |
Một cô y tá trẻ đã kịp thời cứu lấy sinh linh bé bỏng này gián tiếp xoá bỏ hủ tục ngàn đời giữa rừng xanh.
Làng Tắc Giang của người Xê Đăng ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam nằm lưng chừng trên đỉnh Ngọc Linh quanh năm sương phủ. Để đến được cổng làng phải leo dốc hơn năm giờ theo những cung đường chỉ đặt vừa bàn chân, bên dưới là vực thẳm và những con suối đá nước rầm rì chảy.
Đứa bé sơ sinh trong huyệt mộ
Rạng sáng 2-9-2012, một ngày mưa dầm rả rích. Người dân làng Tắc Giang bàng hoàng nhận hung tin người mẹ trẻ Hồ Thị Yên đột ngột qua đời sau khi hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Theo lệ làng, việc an táng phải diễn ra gấp rút ngay trong ngày.
Và đứa trẻ chưa kịp đặt tên phải chôn theo người mẹ. Ông Hồ Văn Xếp, cha đứa trẻ, nuốt nước mắt tiễn vợ và con ra phía bìa rừng. Ông xé 1/4 chiếc chăn cũ quấn cho đứa trẻ để giữ hơi ấm và chuẩn bị đặt nó xuống huyệt mộ, 3/4 còn lại quấn thi thể người mẹ và người ta đặt đè người mẹ lên đứa trẻ trước khi lấp đất đầy huyệt.
Nhận được tin, cô y tá chưa chồng người Xê Đăng Hồ Thị Hiếu, tuổi vừa 25, quyết định băng rừng để cứu đứa nhỏ. Sợ đến nơi không kịp, cô gọi điện cho em gái mình là Hồ Thị Hoàng, 19 tuổi, cướp lấy đứa trẻ chạy ngược về phía miền xuôi. Cuộc tháo chạy giữa đám người đưa tang làm cả làng bỡ ngỡ. Bỏ lại sau lưng những lời xì xào, cả những lời buộc tội, hai cô gái ôm đứa trẻ chạy về trung tâm huyện.
Hiếu nhớ lại: “Em quyết định cứu đứa trẻ dù chưa biết tương lai như thế nào. Chỉ biết thương mà cứu. Ôm đứa bé về xuôi, em buộc phải ra khỏi làng vì nếu đứa trẻ chết thì cả làng gặp hoạ. Và tội lỗi này em và gia đình sẽ không trả hết được”.
Nếu no ấm sẽ không còn hủ tục Ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết ông vừa từ miền xuôi lên đây nhậm chức được ba tháng và ưu tiên của ông là tích cực tuyên truyền, vận động người dân bỏ các hủ tục lạc hậu như chôn trẻ con. Tuy nhiên, do việc đi lại ở các bản làng quá xa xôi, có nơi đi bộ gần một ngày đường vì không có đường giao thông nên việc thông tin hết sức khó khăn. Theo ông Bửu, việc đầu tiên phải làm là phát triển kinh tế và thông tin. Khi dân làng no ấm và thông tin đầy đủ thì hủ tục chắc chắn sẽ dần qua. |
Sau khi đưa đứa trẻ đến trung tâm y tế cắt rốn và tắm rửa sạch sẽ, Hiếu ẵm cậu bé đi xin sữa. “Em chạy ra quán cà phê Thu Kiệt mua chịu mấy bịch sữa cho bé uống. Trong túi không còn đồng nào vì lương thử việc được 500.000 đồng nhưng chưa lãnh. Cô chủ quán thương nên cho em mua nợ” – Hiếu kể.
Không được về nhà, cũng không thể ở mãi trong trạm y tế, Hiếu quyết định ôm đứa trẻ đến quán cà phê Thu Kiệt. Vợ chồng cô chủ quán dành cho Hiếu một căn phòng nhỏ để qua ngày.
Hằng ngày Hiếu chạy lên trạm y tế cách quán cà phê này 13km để đi làm. Ngoài giờ làm việc, cô y tá trẻ phải phụ giúp dọn dẹp quán cà phê, nấu cơm và rửa chén tách cho gia chủ.
Cứ thế đứa trẻ lớn lên cho đến ngày tròn tháng. “Em quyết định đặt tên cho cháu là Quốc Khánh vì được sinh ra đúng ngày lập quốc. Họ Hồ của người Xê Đăng cũng là họ của đứa trẻ. Em rất thích cái tên Hồ Quốc Khánh đầy ý nghĩa này” – Hiếu nói.
Với đồng lương thử việc ít ỏi, để có thêm thu nhập nuôi đứa bé, Hiếu làm tất cả mọi việc từ nhặt ve chai đến bán kem cây và rượu gạo. Lương của Hiếu 500.000 đồng nhưng để rảnh tay đến cơ quan, Hiếu thuê một người trông trẻ và trả lương 800.000 đồng/tháng.
Ngày thứ bảy và chủ nhật, với một ít kem trong gùi và vài chục lít rượu gạo, Hiếu vượt rừng đi bán dạo khắp các cánh rừng bên dãy Ngọc Linh. Những chiều mưa rừng, kem que chảy thành thứ nước sền sệt, người trong bản bắt gặp cô y tá trẻ một mình ngồi khóc bên sườn đồi.
“Que kem vốn 500 đồng/cây, em mang lên núi bán được 2.000 đồng/cây. Ngày nắng quá kem cũng tan, mà mưa thì coi như lỗ vốn” – Hiếu nhớ lại.
Dòng sông hạnh phúc
Ngày chúng tôi tìm đến thăm, Hiếu vừa cưới chồng đúng một tuần. Căn nhà nhỏ bên dòng sông Tranh ấm áp tiếng cười. Cậu bé Hồ Quốc Khánh kháu khỉnh có đôi mắt sáng rực đã biết vòng tay chào khách. Bên trong mái ấm hạnh phúc, chồng Hiếu đút cơm cho bé Khánh ăn trước khi đến lớp.
Ngày Hiếu mang đứa trẻ về nhà, người làng Tắc Giang xì xầm bảo rằng cô gái trẻ mà có con nuôi thì thanh niên trong làng chẳng ai dám cưới. Vượt qua tất cả Hiếu vẫn sống cùng đứa trẻ với đầy ắp lòng yêu thương. Hiếu kể: “Lúc trước em nghĩ mình sẽ không có chồng. Em cứ ở vậy nuôi bé Khánh cũng được. Nhưng rồi hạnh phúc cứ đến, em không biết…”.
Anh Zơ Râm Phượng – chồng Hiếu, người Cơ Tu ở tận biên giới Nam Giang xa xôi giáp Lào – vì cảm phục cô y tá trẻ có tấm lòng nhân hậu đã vượt rừng đến dạm hỏi và cưới Hiếu. Vì hai người khác ngôn ngữ nên họ tỏ tình, yêu nhau bằng tiếng Kinh. Và cháu Hồ Quốc Khánh, bây giờ bập bẹ cả ba thứ tiếng Kinh, Xê Đăng lẫn Cơ Tu.
Bây giờ Hiếu đã được ký hợp đồng trở thành nhân viên chính thức của trạm y tế xã Trà Cang. Đồng lương có khá hơn nên cuộc sống của gia đình nhỏ này cũng bớt nhọc nhằn. Công việc của Hiếu là đi khám bệnh cho các bản làng xa xôi nên thỉnh thoảng Hiếu ghé về làng cũ thăm gia đình cha ruột và các anh em của Hồ Quốc Khánh. Căn nhà vẫn đói nghèo như muôn năm cũ.
Ước mong của Hiếu là nuôi Khánh thành người. Mai này Khánh lớn lên có thể bay xa hơn nhưng phải quay về tìm lại gốc gác của mình (người cha ruột, các anh chị) và giúp đỡ bản làng.
Hiếu nói: “Năm 2010, ở làng Tắc Giang cũng xảy ra một trường hợp tương tự nhưng em đến nơi thì quá muộn. Một đứa trẻ vô tội đã chết vì hủ tục. Từ ngày còn nhỏ, trong những bữa cơm tối, cha mẹ em có kể về chuyện chôn sống các em bé. Em thấy rờn rợn trong người nhưng không biết cách nào cứu giúp. Nguyện với lòng sẽ làm điều đó và em đã liều lĩnh bước qua”.