Làng đại học lúc 0 giờ
Về khuya, không gian ở làng đại học chẳng hề im ắng. Sự ồn ào của các quán karaoke, quán nhậu và sự náo nhiệt của các tiệm internet đã phá tan nét tĩnh mịch, trầm lặng đáng có của nó.
Làng đại học lúc 0 giờ
Về khuya, không gian ở làng đại học chẳng hề im ắng. Sự ồn ào của các quán karaoke, quán nhậu và sự náo nhiệt của các tiệm internet đã phá tan nét tĩnh mịch, trầm lặng đáng có của nó.
|
Làng đại học ở P.Linh Trung, Q.Thủ Đức (TP.HCM) và P.Đông Hòa, TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) hầu như không ngủ…
Mất ngủ vì karaoke
Đồng hồ điểm 1 giờ sáng, nhưng phía trước Trường ĐH Khoa học tự nhiên vẫn còn hơn chục bạn trẻ đang ngồi bệt dưới nền đất. Người thì ta thán “đêm nay lại thức tiếp ư”, người bảo “thôi mai chuyển nhà”…
“Chắc là trời nóng quá không ngủ được”, tôi đoán và dò hỏi. Một bạn sinh viên trả lời: “Không, vì ồn, ồn kinh khủng. Chịu đựng hết nổi rồi, nên quyết định dọn đi”. Nhìn thấy tôi vẫn còn ngạc nhiên, cả nhóm cùng hướng mắt về phía trước để chỉ nguyên nhân: quán karaoke Hoàng Phúc (19/9, tổ 10, P.Tân Lập, TX.Dĩ An, Bình Dương) vẫn còn sáng đèn, bên ngoài là hàng chục xe máy của khách.
Vị trí đang đứng cách quán cả vài chục mét, vậy mà những âm thanh chát chúa từ quán phát ra cũng khiến tôi khó chịu. “Đó là nỗi ám ảnh của chúng tôi, nếu như ban ngày còn đỡ vì trộn lẫn bao âm thanh khác nhau, thì khuya về, nghe những tiếng gào thét inh ỏi, chẳng thể chợp mắt nổi”, Thành Quang, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nói.
“Thường thì đến thư viện trường hoặc tìm các quán cà phê ngồi học bài. Nhưng đêm đến phải về, mà về là bị tra tấn bởi những giọng ca như búa bổ, những âm thanh đinh tai nhức óc. Có khi nhét bông gòn để học bài, để ngủ. Đôi lúc phải mua thuốc ngủ mà uống để có được giấc ngủ ngon”, Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin, than thở.
|
Ngoài karaoke Hoàng Phúc, khu vực này còn nhiều quán karaoke khác: Ngọc Tú 3 (10/8, P.Tân Lập), Ti Ti (6/9, P.Tân Lập)… mà khi nhắc đến, sinh viên ở đây ai cũng lắc đầu ngao ngán. “Đó là trung tâm ô nhiễm tiếng ồn, luôn hành hạ giấc ngủ của sinh viên mỗi đêm đấy. Chẳng biết bao giờ chúng tôi mới được bình yên”, Phú Bình nói thêm.
3 giờ 15. Thử tìm vào quán karaoke Hoàng Phúc, nhân viên nhiệt tình đón tiếp. Nhưng chưa được 5 phút, chúng tôi đã phải vội tính tiền, vì không thể chịu nổi những âm thanh chát chúa phát ra từ phòng bên cạnh…
“Không thể bỏ game”
Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài ‘Cày game’ thâu đêm ở làng đại học, thời gian này cơ quan chức năng ở địa phương thường xuyên đi tuần, kiểm tra, nhằm lập lại trật tự.
Rạng sáng, chúng tôi chứng kiến lực lượng dân phòng và Công an P.Đông Hòa (TX.Dĩ An, Bình Dương) kiểm tra, xử lý hàng loạt quán internet. Trò chuyện với chúng tôi, một chủ quán kể: “Quán chật cứng, không còn một máy trống, công an vào tụi sinh viên như vịt bị lùa, chạy tán loạn”.
Tuy vậy, khi công an vừa đi, tình trạng vẫn tiếp diễn y như cũ. Tôi hỏi: “Không sợ ư?”, chủ quán internet Tân Tiến 3 bảo: “Phải lén mở để kiếm tiền nộp phạt, vì vừa bị thu máy tính tiền”. Nói là lén vậy, nhưng những đêm khuya 20, 21.9, quán này mở công khai, xe dựng đầy ở vỉa hè. Bên trong, game thủ vẫn miệt mài luyện.
Tại quán Gnet cũng xuất hiện hình ảnh tương tự. Bên cạnh những nam sinh viên, còn có cả những nữ game thủ, mặc quần đùi, bỏ hai chân lên ghế, dán mắt vào màn hình chơi game… “Bỏ học thì chấp nhận được, chứ bỏ game… khó quá. Không thể bỏ được. Công an có kiểm tra thì tản đi nơi khác tạm thời, rồi quay lại chơi tiếp”, Q.A, nữ sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một gương mặt quen thuộc của quán Gnet nói.
“Làng nhậu”
Theo giới sinh viên, làng đại học còn có tên “làng nhậu”, “làng miễn nhiễm luật an toàn giao thông”.
Có đi thực tế vào giờ khuya ở nơi tập trung hàng chục ngàn sinh viên này mới hiểu được lý do vì sao làng đại học có những cái tên như vậy. Sở dĩ “làng miễn nhiễm luật an toàn giao thông” tồn tại là vì có một bộ phận sinh viên ngó lơ quy định pháp luật. Theo như Quang Hải, sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ban ngày sợ công an thấy nên chấp hành tương đối tốt. Tuy nhiên về đêm, nhất là khi đã qua 0 giờ, chẳng ai màng tới mũ bảo hiểm, chẳng lo bị phát hiện chở 3, chở 4. Chưa kịp để Hải chứng minh, chúng tôi đã vội thấy 4 thanh niên cởi trần, đèo nhau trên một xe máy, vụt đi trong màn đêm.
Cũng tại làng đại học, từ trưa đã có đến hàng trăm quán nhậu mở cửa hoạt động. Quán nào cũng khách đông nườm nượp, cả nam lẫn nữ, phần nhiều là sinh viên. Những tiếng “dô dô”, “trăm phần trăm”, “cạn ly”… liên tục được phát ra đến tận sáng hôm sau.
Lặng lẽ mưu sinh
Tại chợ đêm làng đại học, sau một đêm hoạt động vẫn còn đó những đống rác ngổn ngang. Và đây chính là nguồn thu nhập của Lê Đình Đức, quê ở Phú Thọ, sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM. Gặp Đức khi đã 3 giờ 45 phút, tôi hỏi: “Nhiều người bảo khu này mất an ninh, sao lại đi một mình trong đêm khuya thế này?”. Đức cười cho biết đang đi thu lượm những lon bia, vỏ chai… để bán kiếm thêm thu nhập. Khoe với chúng tôi bịch ni lông đựng vài chục lon bia, Đức nói: “Mình vừa lượm được đấy, bấy nhiêu là đủ mấy cái vé xe buýt đi học rồi”. Hằng ngày, Đức di chuyển bằng xe buýt đi học ở tận Q.4, sau đó tranh thủ đón xe về lại làng đại học, phụ giúp việc ở một quán nhậu để kiếm thêm tiền trang trải chi phí học hành, sinh hoạt.
|
Thanh Nam