Chúa Nhật 26 TN A – 2014: Xây dựng Nước Trời bằng hành động cụ thể
Việc xây dựng Nước Trời không thể thực hiện bằng những lời nói suông hoặc những khẩu hiệu, quyết tâm, mà phải bằng những hành động cụ thể, thực tế trong lòng xã hội và chính trong đời sống hằng ngày của mình.
Chúa Nhật 26 TN A – 2014
Xây dựng Nước Trời bằng hành động cụ thể
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Việc xây dựng và phát triển Nước Trời là ước muốn cao quý của từng người tín hữu Kitô, nhất là trong gia đình và xã hội Việt Nam hiện nay. Khi người ta chối bỏ Thiên Chúa, chỉ biết thụ hưởng những giá trị vật chất, chối bỏ những giá trị tinh thần thì đạo đức suy đồi, gia đình bất an, xã hội hỗn loạn. Dụ ngôn Tin Mừng và các bài Thánh Kinh Chúa Nhật hôm nay muốn giải đáp cho chúng ta câu hỏi: Làm sao để xây dựng và phát triển Nước Trời trong gia đình và xã hội?
1. Ý nghĩa dụ ngôn Tin Mừng
1.1. Không phải xây dựng bằng lời nói suông
Đức Giêsu trình bày cho chúng ta dụ ngôn về hai người con cùng nghe lời cha kêu gọi đi làm vườn nho. Người con thứ nhất đã nói “không đi” nhưng rồi hối hận và đi làm, còn người con thứ hai đã nói ngọt ngào: “Vâng, con đi” nhưng rồi lại không làm. Dụ ngôn như muốn gợi ý cho chúng ta hiểu rằng việc xây dựng Nước Trời giống như người ta đi làm trong vườn nho.
Vườn nho ấy không thể được xây dựng chỉ bằng những lời nói hoa mỹ hay hứa hẹn suông như người con thứ hai, nhưng bằng những hành động cụ thể như cắt tỉa, chăm tưới của người con đầu đối với những cây nho, mảnh đất. Việc xây dựng Nước Trời cũng vậy, chúng ta không thể thực hiện bằng những lời nói suông ngoài môi miệng hoặc những khẩu hiệu, quyết tâm ghi trên những bảng hiệu, băng hình, mà phải bằng những hành động cụ thể, thực tế trong lòng xã hội và chính trong đời sống hằng ngày của mình.
1.2. Hành động cụ thể nào?
Chúa Giêsu đã nói với các thượng tế và kỳ lão rằng: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ông”. Khi nghe lời nói đó, các thượng tế và kỳ lão giận dữ, bực bội, muốn huỷ diệt Đức Giêsu vì Người đã coi thường họ trong khi dân chúng hết sức tôn trọng họ. Đời sống của họ, có thể nói, thật là hoàn hảo: họ tế lễ Thiên Chúa đều đặn, họ ăn chay hãm mình mỗi tuần vài lần, họ làm những việc bác ái từ thiện mà mọi người đều biết. Đời sống đạo đức của họ có gì đáng chê trách đâu?!
Còn các người thu thuế bị dân chúng coi là phản bội dân tộc vì đã bóc lột đồng bào của mình khi làm tay sai cho người Rôma. Những cô gái điếm thì chiều theo dục vọng, mang thân xác mua vui cho người khác, đáng bị ném đá, thế mà Đức Giêsu bấy giờ lại nói rằng những người thu thuế và các cô gái điếm ấy vào Nước Trời trước các thượng tế và kỳ lão. Đây thật là sự sỉ nhục nặng nề, bất công! Có phải Đức Giêsu nhận định sai lầm?
1.3. Bài học dạy chúng ta hôm nay
Nhưng Đức Giêsu không phải chỉ nhắc nhở những con người trong thời đại của mình mà Người muốn nhắc nhở chúng ta, những con người trong thời đại hôm nay vì “Đức Giêsu vẫn là một, hôm qua, cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).
Có phải chúng ta đang giữ thái độ của những thượng tế và kỳ lão dân Do Thái xưa? Chúng ta hãnh diện vì mình dâng lễ, cử hành thánh lễ mỗi ngày hay mỗi tuần, chu toàn việc cầu nguyện, thực hiện nhiều việc bác ái, lần hạt đều đặn, đọc chuỗi Thương Xót rất chăm chỉ… chúng ta còn thiếu gì nữa!? Trong khi bao nhiêu người tội lỗi quanh ta, họ chiều theo những tham vọng và dục vọng. Thế mà Chúa Giêsu lại nhắc nhở ta rằng những loại người tội lỗi thời nay đó, giống như các người thu thuế và những cô gái điếm đã nghe lời Gioan Tẩy Giả, thay đổi đời sống. Họ là những người thật sự thực hiện Nước Trời trong đời sống và họ vào Nước Trời trước chúng ta!
Chúa không lầm nhưng có lẽ ta phải nhìn lại chính mình!
2. Xây dựng và thể hiện Nước Trời
2.1. Những hành động không xây dựng Nước Trời
Chúng ta đã tìm hiểu trong Chúa Nhật tuần trước rằng làm việc trong vườn nho chính là xây dựng Nước Trời. Nhiều lần chúng ta đã nghe nhắc nhở rằng Nước Thiên Chúa là “nước của sự thật và sự sống, của sự thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và bình an”. Chúng ta tự hỏi: Nước Trời có phải được xây dựng và phát triển bằng những lời kinh, thánh lễ mà chúng ta dâng không? Có phải bằng những việc bác ái mà chúng ta đang làm không? Có phải bằng những cuộc hành hương mà chúng ta đi đều đặn để cầu nguyện cho đất nước, cho Giáo Hội, cho giáo xứ, cho gia đình không?
Hình như vừa là có lại vừa là không. “Có” ở đây là vì chúng ta làm với tất cả lòng thành để đưa những giá trị của Nước Trời đó vào đời sống của ta hay của người khác, nên Thiên Chúa chắc chắn nhận lời chúng ta. Nhưng “không” là vì chúng ta có thể làm tất cả các việc đó chỉ “vì hư danh hay vì ghen tị” như thánh Phaolô nhắc nhở trong bài đọc II hôm nay (Pl 2,1-5). Có người đến dự thánh lễ Chúa Nhật chỉ vì cha mẹ giục giã, đi để khỏi bị quấy rầy hơn là vì lòng kính mến Chúa. Tôi biết có bà mẹ cho đứa con nghiện ma tuý 50.000đ mỗi lần đi lễ Chúa Nhật và bà cảm thấy an tâm, còn thằng bé vui vì có tiền chơi thuốc! Có người chồng lên rước lễ chỉ vì để vợ khỏi nghi ngờ tối qua anh đi chơi với cô gái mãi dâm; anh chỉ muốn giữ bình an giả tạo trong gia đình. Có người làm việc bác ái từ thiện chỉ vì muốn cho mấy bà bạn thấy mình cũng chẳng thua kém họ về lòng yêu người!
Tôi làm việc trong lĩnh vực bác ái từ thiện này từ năm 1975 đến nay, tôi thấy nhiều cơ sở từ thiện của các dòng tu thuộc các tôn giáo khác nhau, trong đó có cả Công giáo, nhân danh những trẻ mồ côi, người tàn tật, già nua để xin giúp đỡ. Họ thu được rất nhiều tiền bạc, của cải vật chất, nhưng vẫn để những con người khốn khổ đó sống thiếu thốn, không được dạy dỗ nghề nghiệp, không được học hành để có thể sống tự lập, hầu đánh động lòng thương hại của người khác. Tiền bạc vật chất đóng góp cho người nghèo đã bị chuyển về để xây dựng cho cơ sở dòng tu, thậm chí cho cá nhân. Thử hởi hành động như thế thì chúng ta có tôn trọng sự thật, sự sống, công bình và yêu thương của Nước Trời không?
Chúng ta thử đến các vùng có đông đồng bào Công giáo sinh sống như ở Xóm Mới, Thủ Đức, Hố Nai, Gia Kiệm ở miền Nam hoặc các vùng Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Vinh ở miền Bắc…rồi vào các cửa hàng Công giáo xem họ có nói thách không, có buôn hàng thật, bán hàng tốt không? Chúng ta thử hỏi những người nông dân Công giáo xem họ có dùng những thuốc trừ sâu độc hại, bán những nông sản còn dư lượng phân bón hay chất bảo quản độc hại cho người khác? Nếu hành động như thế là vừa không tôn trọng sự thật vừa không tôn trọng sự sống của người khác, trong khi người ta vẫn dự lễ đầy ắp nhà thờ, thì làm sao xây dựng và phát triển Nước Trời?
Giáo hội Việt Nam, có thể nói có tỷ lệ đông nhất châu Á về linh mục và tu sĩ với hơn 9.000 linh mục và chủng sinh, hơn 20.000 tu sĩ nam nữ. Nhiều nước ở châu Âu và châu Mỹ đến VN tìm ơn gọi. Nhưng chúng ta thử hỏi xem, tại sao 130 năm nay chúng ta loan báo Tin Mừng mà không tăng được 1% dân số Công giáo. Chúng ta có nhận ra được mình đang giữ đạo hình thức không?
2.2. Một thí dụ gợi ý suy tư và hành động
Chúng ta thử nhìn vào Giáo hội Hàn Quốc: chỉ trong vòng 60 năm, từ năm 1949 với 1% dân số, đến năm 2013 đã có trên 33% dân số tin theo Đức Giêsu. Kitô hữu Hàn quốc xây dựng Nước Trời không phải bằng những lời nói suông mà bằng những hành động cụ thể trong đời sống nên đã thành công vượt bậc. Họ tôn trọng sự thật và sự sống của nhau, chia sẻ cho nhau ân sủng, tình yêu để giúp nhau sống công bình, thánh thiện.
Vào cửa hàng của người Công giáo Hàn Quốc ta không sợ bị nói thách, không sợ mua phải hàng giả. Những người Công giáo giàu có ở thành thị góp vốn lập những siêu thị chuyên bán hàng của những anh em Công giáo, họ cho những người nông dân nghèo được vay tiền với lãi suất thấp, gửi kỹ sư nông nghiệp đến dạy cách sản xuất thế nào cho năng suất cao, bón phân sao cho sạch sẽ và an toàn… Tất cả những nông sản được thu mua đưa lên thành phố bán với giá rẻ vì không phải qua nhiều trung gian và được bảo đảm. Vì thế người dân thành thị Hàn Quốc thích vào siêu thị Công giáo mua hàng vì ở đó sản phẩm an toàn, giá rẻ. Những người nông dân khác chưa tin vào Chúa nhưng thấy những người Công giáo đối xử tốt đẹp với nhau như thế nên họ cảm phục và theo đạo.
Học sinh Công giáo Hàn Quốc cũng luôn ý thức mình phải loan báo Chúa Giêsu bằng hành động ở trường lớp chứ không phải chỉ ở nhà thờ. Các em lúc nào cũng chăm chỉ học hành, ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, gặp bất cứ ai cũng chào hỏi tươi cười vì đã được huấn luyện trong đoàn thể Công giáo. Nhiều linh mục tu sĩ chịu khó học hành, nghiên cứu, phát minh, trở thành những giáo sư, tiến sĩ đứng trên giảng đường đại học. Từ đó, người ta nhận ra Chúa của người Công giáo là nguồn của sự thật, là nguồn cái đẹp vì ai cũng nói thật, cư xử đẹp với mọi người. Hành động như thế chúng ta mới thu hút người khác theo Chúa Giêsu chứ không phải là chỉ là những thánh lễ vô hồn, những giờ kinh bất đắc dĩ mà trong đời sống lại chối bỏ những giá trị Nước Trời.
Lời kết
Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5) khi hành động cho những giá trị của Nước Trời. Khi ấy, người ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu ở trong chúng ta. Chính trong tâm tình đó, chúng ta tân Phúc Âm hoá chính mình rồi mới có thể tân Phúc Âm hoá gia đình và cộng đoàn giáo xứ.