27/11/2024

Lớp đẹp, cô giỏi nhưng vắng trẻ

Sau gần một tháng triển khai thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi tại TP.HCM, nhiều nơi cho thấy lớp sạch đẹp, cô thân thiện, vững chuyên môn nhưng số trẻ đến vẫn chỉ rải rác.

 

Giữ trẻ 6-18 tháng tuổi: lớp đẹp, cô giỏi nhưng vắng trẻ

Sau gần một tháng triển khai thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi tại TP.HCM, nhiều nơi cho thấy lớp sạch đẹp, cô thân thiện, vững chuyên môn nhưng số trẻ đến vẫn chỉ rải rác.

 

Cô chăm sóc cháu ở lớp chim non (6-12 tháng tuổi) tại Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ, Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: L.Trang

 

 
 
 

              

  

          

 

 

“À ơi, mẹ thương con có hay không…”. Tiếng hát ru từ radio vọng ra đều đều, cô giáo ngồi cạnh nôi vỗ nhẹ, có cô ẵm trẻ trên tay vỗ về. Những gương mặt trẻ thơ chìm vào giấc ngủ.

Đó là những hình ảnh khá lạ ở các lớp mầm non dành cho trẻ 6-18 tháng tuổi, lần đầu tiên được mở ở các trường mầm non công lập trong năm học này.

Nhập lớp theo từng đợt

Vì sao trẻ ít?

Nhu cầu người dân cao nhưng họ chưa tin tưởng vào việc giữ trẻ từ 6 tháng tuổi ở các trường công lập, một số phụ huynh có xu hướng chờ một thời gian để các lớp này khẳng định chất lượng, đó là lý do một trưởng phòng giáo dục đưa ra về việc hồ sơ xin cho trẻ tham gia lớp 6-18 tháng tuổi còn ít. 

Trong khi đó, tại Hội nghị chuyên đề về công tác tổ chức năm học mới của Ủy ban MTTQ TP.HCM giữa tháng 8 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng đề án thí điểm này hướng đến người lao động, tuy nhiên thủ tục xin học còn rườm rà, nhiêu khê (phải có giấy khám sức khỏe, hộ khẩu, chứng minh công việc, nghỉ việc để làm hồ sơ…).

Mặt khác, nếu gửi con ở trường công, phụ huynh phải đưa đón đúng giờ, vì vậy nhiều công nhân chọn gửi con ở lớp tư thục để tiện đón con khi về trễ hoặc tăng ca.

L.T.

Hình ảnh được ghi lại ở lớp chim non (dành cho trẻ 6-12 tháng tuổi) tại Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Đây là trường duy nhất tại Q.Gò Vấp tổ chức hoạt động giữ trẻ ở độ tuổi này, chuẩn bị cho việc thực hiện thí điểm trong các năm tới.

Lớp có năm trẻ, nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi, lớn nhất 11 tháng tuổi. Có bé vẫn còn bú mẹ vào mỗi buổi trưa.

Lớp có ba cô giáo và một bảo mẫu chia nhau chăm lo cho các bé. Mỗi bé được “biên chế” một nôi, một ghế ăn và một bô để đi vệ sinh.

Phòng học rộng 60m2 được lát sàn gỗ với thảm nhiều màu, cây dây leo trên cửa sổ thoáng mát, kệ tủ đặt trên cao với nhiều loại đồ chơi dành cho trẻ nhỏ, có sẵn đồ chơi tập đi.

Nôi được sơn màu sặc sỡ, lót nệm êm. Tường được ốp các tấm xốp để giữ an toàn cho trẻ. Mỗi phòng học đều có radio để phát nhạc khi ru trẻ ngủ.

Công việc của các cô còn khá “nhàn” khi chỉ mới có vài trẻ đến lớp. 7g: cô đón trẻ, cho ngồi xe đẩy đi tắm nắng. 8-9g: cho trẻ ngủ lần một; 9g30-10g30: chơi, tập với trẻ; 11g30-12g cho bé bú mẹ (nếu có); 12g-14g: ngủ lần 2; 14-15g: cho trẻ ăn; 15-16g: chơi, tập; 16-17g: cô cho trẻ nhỏ ngủ, trẻ lớn chơi, tập và cho phụ huynh đón trẻ.

Công việc nghe qua có vẻ đơn giản theo mốc thời gian, song nhìn cảnh các cô luôn tay luôn chân quan tâm đến từng cử động của từng bé, ru ngủ, vệ sinh, tắm rửa, cho ăn, hát, chơi cùng bé, phản ứng nhanh khi nghe bé khóc, thét hay sặc sữa, ôm ấp vỗ về khi bé gắt ngủ… mới thấy hết sự vất vả và áp lực của những cô giáo dạy lớp nhà trẻ.

Các giáo viên đều là những cô có kinh nghiệm nhiều năm và đã có gia đình, có con và trải qua lớp tập huấn về chăm sóc trẻ độ tuổi này.

Theo bà Mai Thị Ngọc Lan – phó hiệu trưởng nhà trường, đến thời điểm này trường đã nhận 14 hồ sơ nhưng chỉ cho trẻ nhập lớp theo từng đợt.

Đợt đầu nhận 5, 6 bé, khi các bé đã mến chân mến tay cô và quen với nếp sinh hoạt thì thêm hai bé nữa vào lớp, cứ thế đến tháng 10 lớp sẽ nhận đủ 14 trẻ.

Tương tự, ở lớp chim sẻ (13-18 tháng tuổi) đợt đầu có 9, 10 trẻ đến lớp và số trẻ nhận vào sẽ tăng lên theo từng tuần.

Đây cũng là cách làm được Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích các trường áp dụng, nhằm tránh việc cô phải một lúc tiếp nhận số lượng trẻ quá đông trong khi chưa nắm được sở thích, thói quen của từng trẻ cũng như tập cho trẻ quen với chế độ sinh hoạt ở trường.

Trường mầm non Hoa Phượng Hồng (huyện Bình Chánh) vừa đón đợt nhập học thứ hai của lứa tuổi 6-18 tháng. Cô Trần Thị Ngọc Thu, giáo viên dạy lứa tuổi này, cho biết:

“Trường không yêu cầu phụ huynh phải đón bé về trong tuần đầu nhưng khuyến khích cho cháu làm quen từ từ, khi đã quen cô, quen bạn, thân thuộc với mọi thứ trong phòng thì mới nên để cháu nguyên ngày cho giáo viên”.

“Phụ huynh vào đây cũng mang theo bột, sữa và cho bé ăn, bú, chơi, vệ sinh tại đây để bé làm quen dần với môi trường mới. Còn giáo viên chúng tôi cứ từ từ làm quen, ban đầu thì bế ẵm, nựng, sau đó thì cho bé ăn…”.

Phòng chuẩn như… trường quốc tế

Nhiều phụ huynh khi tham quan phòng học dành cho trẻ từ 6-8 tháng tuổi tại các trường công lập đã so sánh với phòng học của những trường tư thục với học phí khá cao hoặc trường quốc tế.

Chị Hương, một phụ huynh có con nhập học đợt hai của lứa tuổi 6-18 tháng ở Trường mầm non Hoa Phượng Hồng (huyện Bình Chánh), cho biết:

“Có nhu cầu gửi con để đi làm nhưng ban đầu tôi rất lo lắng vì sợ con khó thích nghi, ăn uống không đảm bảo, phòng học không an toàn. Nhưng khi đến nhìn phòng học, trường học thì thích ngay, muốn gửi con luôn”.

Phòng học của con chị có diện tích hơn 70m2, cửa sổ rộng, ánh sáng tự nhiên ngập tràn, xung quanh có thêm các loại cây cảnh. Phòng được lát hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên lại được trang bị cả tấm lót xốp ở chỗ chơi của trẻ.

Ngoài những thiết bị cần thiết cho trẻ ở lứa tuổi này như nôi gỗ, ghế nằm ăn…, phòng còn trang trí đầy màu sắc và có cả các bậc thang bằng nệm để trẻ có thể leo lên, leo xuống khi đến tuổi tập bò, tập đi…

Quả thật, với trang thiết bị và diện tích như vậy, phòng học thí điểm chẳng khác nào phòng học mầm non ở trường quốc tế (thậm chí diện tích có thể rộng hơn).

Cô Nguyễn Thị Trúc Ly, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết kinh phí đầu tư trang thiết bị và lát gỗ phòng học của trẻ 6-18 tháng là 105 triệu đồng/phòng.

Dù sửa chữa trên cơ sở cũ nhưng phòng học cho trẻ 6-12 tháng tuổi ở Trường mầm non Hoa Anh Đào (Q.Tân Phú) cũng đẹp “ngất ngây” và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tại đây, các phòng cũng được lát gỗ, đồ chơi được chọn lựa an toàn phù hợp lứa tuổi, trang trí bắt mắt với chi phí gần 100 triệu đồng.

Trẻ ít, đau đầu thu chi

Trong điều kiện phát triển kinh tế và đô thị hóa, nhu cầu người dân là được gửi trẻ sớm hơn. Hiểu được nhu cầu đó, TP đã triển khai thí điểm để giúp những gia đình không có điều kiện giữ trẻ ở nhà có thể an tâm đưa con đến trường.

Hiện nay đã có 500 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được tập huấn, đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ ở độ tuổi nhà trẻ.

TP cũng có nhiều chính sách phụ cấp, ưu đãi cho giáo viên, nhân viên ngành học mầm non, đặc biệt là giáo viên đang giữ trẻ ở độ tuổi 6-18 tháng tuổi với công việc hết sức vất vả.

Trẻ nhỏ được chăm sóc tốt chính là nền tảng để các cháu sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Ông DƯƠNG NGỌC THANH
(phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

 L.TRANG ghi

Trường đẹp, giáo viên vững chuyên môn nhưng số trẻ vào lớp thí điểm vẫn không nhiều.

Tại Trường mầm non Hoa Phượng Hồng, thời điểm này mới có bốn trẻ lứa tuổi 6-12 tháng và năm trẻ 13-18 tháng. Theo Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, hiện đang có thêm bốn hồ sơ ở lứa tuổi 6-12 tháng xin vào học.

Và trường sẽ nhận từ từ mỗi tuần một trẻ như trước. Bình Chánh ưu tiên nhận trẻ là con công nhân và cán bộ công nhân viên.

Với con công nhân thì chỉ yêu cầu có KT3 hoặc tạm trú, với con công nhân viên thì yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú ở huyện.

Do số lượng trẻ đến ít và một số điều chỉnh cho đúng giấc ngủ của trẻ, huyện Bình Chánh sẽ cho ghép hai lứa tuổi 6-12 tháng và 13-18 tháng tuổi thành một lớp vào đầu tháng 10-2014.

Còn tại Trường mầm non Hoa Anh Đào mới có hai trẻ đang học và chỉ có hai bộ hồ sơ đang chờ nhận học ở đợt tiếp theo.

Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, số lượng người tìm đến xin học cũng không nhiều. Tại Thủ Đức có ba trường được chọn thí điểm mô hình này.

Số trẻ 6-12 tháng tuổi ở Trường mầm non Hoa Mai là bốn trẻ, mầm non Linh Xuân ba trẻ và mầm non Sơn Ca tám trẻ.

Số trẻ độ tuổi 13-18 tháng nhiều hơn nhưng vẫn chưa đầy lớp, một phần do các trường chủ trương “nhận từ từ”. Tại quận 12, số phụ huynh quan tâm đến lớp thí điểm này chỉ lác đác 2-3 trường hợp.

Theo các trường, đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản chỉ đạo về thu chi học phí, tiền ăn… cho lớp 6-18 tháng tuổi nên các trường vẫn đang tự làm dựa trên văn bản thu chi liên sở Tài chính và GD-ĐT TP.HCM.

Nguồn thu từ các lớp nhà trẻ hầu như không trang trải đủ chi phí. Tại Trường mầm non Hoa Phượng Hồng, hiện nay mới thu học phí, vệ sinh phí, phí bán trú… lứa tuổi 6-12 tháng như tại lớp nhà trẻ (tổng cộng khoảng 305.000 đồng/tháng) do sữa và thức ăn giặm gia đình mang vào để phù hợp với từng trẻ.

Tại Trường mầm non Hoa Anh Đào, học phí các bé 6-12 tháng tuổi cũng được tạm thu theo lứa tuổi nhà trẻ, hơn 1 triệu đồng/tháng.

Theo cô Thủy, trường chỉ tạm thu, sau này thừa thiếu sẽ tính lại với phụ huynh khi có văn bản chính thức.

Cô Mai Thị Ngọc Lan cũng băn khoăn khi mức tiền ăn thu theo quy định là 28.000 đồng/trẻ/ngày (bao gồm nhiều bữa trong ngày như sữa, bột ăn giặm hoặc cháo, váng sữa hoặc yaourt), nhưng chi phí thực tế luôn cao hơn khiến ban giám hiệu rất khó “đi chợ”.

Giáo viên than về thu nhập

“Ở lứa tuổi lớn hơn, trẻ ổn định giờ giấc hơn, giáo viên này có thức thay ca cho cô khác khác nghỉ một lát nhưng dạy lớp 6-18 tháng phải làm việc liên tục từ 7g-17g vì các cháu ăn, ngủ không đúng giờ giấc và phải cho ăn, uống theo cữ, không chỉ ngày ba bữa chính, phụ như lứa tuổi lớn.

Giáo viên không được nghỉ ngơi, cực hơn và chuyên môn, kinh nghiệm nhiều hơn nhưng thu nhập không tăng thêm là bao” – một giáo viên cho biết.

Nhiều giáo viên kiến nghị nên có chế độ phụ cấp tăng thêm bởi nếu vẫn giữ chế độ như hiện nay, phần lớn giáo viên muốn dạy lớp mẫu giáo (đỡ cực, có “thu nhập ngoài” từ phụ huynh do lớp đông) chứ không ai chịu dạy lớp nhà trẻ (nguy cơ nhiều hơn, vất vả hơn).