THÔNG XE ĐƯỜNG CAO TỐC DÀI NHẤT VIỆT NAM: Rút ngắn khoảng cách Hà Nội – Lào Cai
Với chiều dài 245km từ Hà Nội đi qua các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái đến Lào Cai, tuyến cao tốc này trở thành đường cao tốc dài nhất Việt Nam được đưa vào khai thác, giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn ba giờ rưỡi so với bảy giờ nếu đi theo quốc lộ 70.
THÔNG XE ĐƯỜNG CAO TỐC DÀI NHẤT VIỆT NAM:
Rút ngắn khoảng cách Hà Nội – Lào Cai
Sáng 21-9 tại Lào Cai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cắt băng thông xe toàn tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Đồ họa: V.Cường |
Đây là tuyến đường cao tốc thuộc hành lang đường bộ Côn Minh (Trung Quốc) – Hải Phòng (Việt Nam).
Dự án trong chương trình hợp tác giữa sáu nước thuộc tiểu vùng sông Mekong gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.
Bạt núi mở cao tốc lên vùng cao
Ôtô lao khỏi đường cao tốc ngày thông xe Khoảng 15g10 ngày 21-9, một vụ tai nạn xảy ra khiến chiếc ôtô năm chỗ đâm vào hàng rào hộ lan bằng tôn, lao xuống mái taluy âm đường của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. May mắn, bốn người trong xe không bị thương. Vụ tai nạn xảy ra tại km203 thuộc địa phận xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai). Đại diện Trung tâm điều hành cao tốc Nội Bài – Lào Cai cho biết chiếc xe hiệu Toyota biển số 18A-012.28 đang theo hướng Lào Cai về Hà Nội đã bất ngờ nổ lốp. |
Với chiều dài 245km từ Hà Nội đi qua các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái đến Lào Cai, tuyến cao tốc này trở thành đường cao tốc dài nhất Việt Nam được đưa vào khai thác, giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn ba giờ rưỡi so với bảy giờ nếu đi theo quốc lộ 70.
Từ đầu những năm 2000, Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật cho dự án mở rộng quốc lộ 70 từ Hà Nội đến Lào Cai lúc đó đang là đường có tiêu chuẩn cấp IV miền núi.
Năm 2007, ADB đã thông qua khoản vay 1 tỉ USD để xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tuyến đường được khởi công ngày 25-4-2009.
Đi suốt tuyến cao tốc từ Lào Cai về Hà Nội sau lễ thông xe, những người theo dõi tuyến đường từ ngày khởi công và qua nhiều cuộc đi thăm công trường cũng không khỏi ngỡ ngàng khi diện mạo con đường hình thành khác xa với những ngày còn đang bạt núi, mở tuyến.
Từ Lào Cai về Yên Bái, nhiều đoạn cao tốc chạy song song với sông Hồng, đi giữa những triền núi trong khung cảnh vừa kỳ vĩ vừa thơ mộng.
Ngoài phần đường, đơn vị thi công đã xây 120 cầu lớn nhỏ (có hai cầu lớn là cầu sông Hồng và sông Lô với chiều dài 1,68km, rộng 16,5m); một hầm xuyên núi dài 530m, cao 9m, rộng 14m; một hầm chui (giao cắt quốc lộ 2) dài 645m; 12 nút giao thông khác mức, 13 trạm thu phí…
Tổng vốn đầu tư 1,464 tỉ USD
Phí cao nhất là 1,22 triệu đồng/lượt Mức phí tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai là 1.500 đồng/km với đoạn bốn làn xe, 1.000 đồng/km với đoạn hai làn xe. Xe đi từng chặng sẽ tính phí theo quãng đường thực đi. Xe đi toàn tuyến chịu mức thấp nhất là 300.000 đồng/lượt, cao nhất là 1,22 triệu đồng/lượt tùy theo các loại xe được chia thành năm nhóm. Cụ thể: + Xe dưới 12 ghế, xe dưới 2 tấn và các loại xe buýt chở khách công cộng: 300.000 đồng/lượt. + Xe từ 12 ghế đến 30 ghế, xe từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: 460.000 đồng/lượt. + Xe từ 31 ghế trở lên và xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: 610.000 đồng/lượt. + Xe từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet: 760.000 đồng/lượt. + Xe 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet: 1,22 triệu đồng/lượt. Phương tiện không được tham gia giao thông trên đường cao tốc: xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ; xe máy, máy kéo, môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. |
Tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự cảm ơn những người dân đã dành đất để làm đường cao tốc.
Theo đó, dự án đã giải phóng mặt bằng hơn 2.062ha, đền bù cho 25.031 hộ dân bị ảnh hưởng, xây dựng 99 khu tái định cư.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam này không chỉ có ý nghĩa lớn với việc phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương có tuyến đường đi qua mà còn có ý nghĩa lớn với khu vực Tây Bắc và cả nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát quy hoạch giao thông trong vùng, nghiên cứu đầu tư sớm các hệ thống giao thông kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, trong đó có các địa phương lân cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu.
Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai sớm hoàn thành 19km kết nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với cửa khẩu quốc tế Lào Cai tạo thế liên thông cho cả tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Theo ông Mai Tuấn Anh – tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC – chủ đầu tư dự án), tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A.
Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc bốn làn xe, hai làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc hai làn xe, hai làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Đoạn đường này cũng được bố trí các điểm vượt xe bốn làn (trung bình 8-10 km/điểm). Hiện nay, VEC cũng đã giải phóng toàn bộ mặt bằng ở đoạn cao tốc hai làn (hơn 100km) để mở rộng thành bốn làn xe trong giai đoạn 2.
Để hoàn thành tuyến đường, VEC đã huy động tổng số vốn là 1,464 tỉ USD, bao gồm: vốn vay ưu đãi 236,21 triệu USD, vay thông thường 1,034,5 tỉ USD từ ADB và vốn đối ứng 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
Trên tuyến có tám xe cứu hộ giao thông, sáu xe cứu thương, hai xe cứu hỏa, sáu xe tuần tra ứng trực để đảm bảo an toàn, tham gia cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.
Theo ông Nguyễn Văn Nhi – phó tổng giám đốc VEC, trong quá trình khai thác VEC sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án.
Về việc trên tuyến chưa có trạm xăng và dịch vụ kỹ thuật, ông Nhi cho biết hiện nay ở hai đầu tuyến cao tốc có các trạm xăng. Còn trong ba tháng từ ngày thông xe, VEC sẽ hoàn thiện trạm xăng, nhà vệ sinh ở năm trạm dừng nghỉ dọc tuyến được quy hoạch rộng 23ha.
“Hiện nay, VEC bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các nút giao thông để hỗ trợ phương tiện qua lại. Khi gặp sự cố, cần trợ giúp chỉ cần gọi vào số khẩn cấp 1900 545 592 (được phát ở tờ rơi khi xe vào cao tốc và viết ở biển báo trên đường), sau 15-30 phút (tùy cự ly) lực lượng hỗ trợ sẽ có mặt. Còn các khu vực nghỉ ngơi, cung cấp dịch vụ thương mại ở các trạm dừng nghỉ sẽ đầu tư tùy theo nhu cầu” – ông Nhi cho biết.
Giao thương nhanh hơn, chi phí giảm Theo ông Bùi Danh Liên – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào sử dụng sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp vận tải cũng như nền kinh tế khi quãng đường được rút ngắn, thời gian chạy xe chỉ bằng một nửa so với trước. Tính tổng thể khi sử dụng cả tuyến đường thì thấy mức phí cao nhưng chia ra theo kilômet với 1.000-1.500 đồng/km thì cũng không cao hơn so với cao tốc Hà Nội – Ninh Bình. So với cao tốc ở nhiều nước như Trung Quốc, mức phí tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai thấp hơn khoảng bảy lần. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Tiến – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng – cũng khẳng định đường cao tốc mở ra sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp như: giảm tới 45% thời gian và nhiên liệu so với tuyến đường cũ, tiến độ giao hàng được đẩy nhanh tăng gấp đôi. Phí đường cao tốc hiện nay ở mức chấp nhận được, so với cung đường trước đây thì vẫn có lợi sau khi bù trừ các chi phí khác. “Để tận dụng tối đa lợi ích tuyến đường, doanh nghiệp của tôi là Công ty TNHH vận tải Hà Anh cũng xác định cho tăng cường chuyến hàng từ 10 lên 15-20 chuyến/tháng” – ông Tiến khẳng định. Ở góc độ kinh tế, ông Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế – cho rằng việc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào hoạt động chắc chắn giúp quan hệ giao thương Việt Nam – Trung Quốc thuận lợi hơn. Hiện tại, hàng nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chủ yếu là máy móc, nguyên vật liệu, phân bón… có tổng giá trị 150 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2014. Còn về xuất khẩu, trong sáu tháng đầu năm, hàng Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt khoảng 100 triệu USD, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Việc đưa vào sử dụng tuyến cao tốc này sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí vận chuyển cho hàng hóa trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước. Tuy nhiên, theo ông Long, hàng hóa Trung Quốc qua cửa ngõ này sẽ vào thị trường trong nước nhanh và nhiều hơn. Bởi từ năm sau đến năm 2018, thực hiện cam kết hội nhập, tỉ lệ hàng miễn thuế sẽ nâng lên đến 90%. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp ngăn chặn hàng lậu, hàng không đảm bảo chất lượng. |