19/01/2025

Khó đi, thầy cõng em đi…

Lớp học không đèn, không điện, không quạt, không cửa và không có cả phần thưởng trong ngày tổng kết năm học…

Khó đi, thầy cõng em đi…

Lớp học không đèn, không điện, không quạt, không cửa và không có cả phần thưởng trong ngày tổng kết năm học…

 

 

 

                

          

Thượng úy Trần Bình Phục trong giờ lên lớp - Ảnh: My Lăng
Thượng úy Trần Bình Phục trong giờ lên lớp – Ảnh: My Lăng


Lớp học chỉ có cái tâm của người thầy chưa qua trường lớp sư phạm đã níu chân những đứa trẻ da đen nhẻm và tóc cháy nắng.

Lớp học ấy thuộc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nằm ngoài biển Tây Nam của Tổ quốc.

Ngoài lớp học chỉ có cái biển rất đơn sơ chữ vàng trên nền đỏ giống như trong quân đội: Lớp học tình thương – đồn biên phòng 704.

Thầy giáo quân hàm xanh

Với một đứa trẻ, giáo dục về nhân cách là quan trọng nhất, sau đó mới đến việc dạy chữ. Lúc trước nghe các em nói chuyện bực chịu không nổi. Bây giờ nói chuyện với người lớn, các em biết dạ thưa; tới lớp, đi về đều khoanh tay chào thầy… là mình vui rồi
Thượng úy TRẦN BÌNH PHỤC

Lớp học nằm tựa vào núi ở đảo Hòn Chuối, cách đất liền 17 hải lý (khoảng 31km). Lớp vẻn vẹn 21 học trò nhưng lại có đến năm lớp nhỏ: có em học lớp 1, lớp 2 (lớp 3 vừa chuyển vào bờ), một vài em lớp 4, lớp 5 và một số học lớp 6 nhưng chỉ có một thầy giáo duy nhất: thượng úy Trần Bình Phục (37 tuổi) – sĩ quan đồn biên phòng 705.

Một phần ba tấm bảng thầy vừa viết bài tập cho học trò lớp 2 xong quay sang một phần ba tấm bảng chuyển qua môn chính tả cho lớp 1, rồi lại quay sang giảng bài cho lớp 4… Một buổi dạy thầy giáo cứ dạy xen kẽ liên tục như thế rồi kèm cặp, kiểm tra từng trò nhỏ.

Chúng tôi ra thăm lần này, thầy trò đã có bàn ghế nhìn tươm tất, không như hồi đầu năm 2013 thầy phải gò lưng trên chiếc ghế nhựa người ta hay ngồi uống cà phê để chấm bài cho trò trên cái bàn nhựa thấp lè tè. Trò của thầy có em phải đứng để chép bài vì bàn quá cao mà ghế lại quá thấp! Trò của thầy, những đứa trẻ lớn lên mặn mùi biển, đứa nào cũng đen nhẻm, lem luốc. Trong lớp có cả những bé bị thiểu năng vẫn chép bài rất ngoan ngoãn.

Cậu bé Kim Văn Thọ (12 tuổi), bị chậm phát triển so với các bạn cùng lứa, to nhất lớp. Bốn năm học lớp 1 trong thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), Thọ vẫn không biết mặt chữ. Khi ra đây, sau thời gian được thầy Phục kèm cặp, Thọ giờ đã biết mặt chữ, làm toán. Từ một cô bé không biết gì, Trần Thị Thảo (14 tuổi, đang học lớp 4) giờ là một trong những học sinh rất khá của lớp.

Cha mẹ các em giờ này đang ở dưới gành, trên bè nuôi cá bớp hoặc rong ruổi trên những chiếc thuyền con bươn chải, mưu sinh trong nắng gió, yên tâm giao con mình cho thầy giáo mang quân phục.

Thượng úy Trần Bình Phục đưa học trò xuống dưới gành khi tan học - Ảnh: My Lăng
Thượng úy Trần Bình Phục đưa học trò xuống dưới gành khi tan học – Ảnh: My Lăng

Thầy tốt lắm, cái gì ra cái đó

Lớn lên từ lớp học

Toàn đảo Hòn Chuối có 33 hộ dân với 108 nhân khẩu. Năm 1995, vì thương mấy đứa nhỏ dưới gành đã lớn không biết chữ, suốt ngày lủi thủi ở nhà chờ ba mẹ đi biển về, có đứa tí tuổi đầu đã phải đi câu mướn kiếm tiền, anh em trên đồn bàn nhau mở lớp học tình thương. Có trẻ học ở đây đến lớp 2 chuyển vào đất liền đã đậu đại học, đi làm ngon lành.

Như ba chị em con vợ chồng Sáu Sang đang nuôi cá bớp dưới gành: con gái lớn Nguyễn Ái Vân tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, đang làm việc tại Cần Thơ, con gái thứ hai Nguyễn Thanh Thùy hiện là sinh viên năm 2 ĐH Cần Thơ, con trai Nguyễn Thanh Hoài là sinh viên ĐH Ngoại thương.

Từ dưới gành leo lên lớp học cao hơn 150m, qua những bậc thang gồ ghề cắm ngang vào dốc.

“Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa nguy hiểm lắm, nước từ trên đổ xuống như thác, trơn trượt. Cái dốc này người lớn đi lên còn thở không nổi, té là nát xương huống chi con nít. Lỡ mà lăn xuống là giống như trái banh lăn hoài không dừng” – thượng úy Phục nói.

Không an tâm vì đám học trò quá hiếu động, mỗi khi tan học nắng mưa gì thầy cũng đều đặn đưa tụi nhỏ xuống tận gành rồi trở ngược lên qua bên kia con dốc xuống đơn vị.

Anh bảo: “Con nít hay chạy nhảy, đùa giỡn. Có lần một bé giỡn, té cắm mặt xuống dốc. May mà tôi chụp được cánh tay kéo lại”.

Trò may mắn không trầy da nhưng thầy bị trật khớp, sưng tay cả nửa tháng trời.

“Thầy giáo thương tụi nhỏ lắm. Trời mưa sợ học trò giỡn xô qua xô lại té nên thầy đưa xuống tận gành. Hồi trước thầy khác dạy nhưng tụi nhỏ học rất chậm. Nhờ có thầy Phục mà mấy đứa nhỏ ngoài này biết đọc, biết viết, biết làm toán. Cực quá, tụi tui đâu nghĩ tới chuyện cho tụi nhỏ học.” 

“Mấy anh trên đồn xuống vận động, thấy mấy ảnh nói phải mình mới cho tụi nhỏ lên trên đó học với thầy Phục. Thầy tốt lắm, cái gì ra cái đó. Mỗi lần về bờ tụi tui mua mớ cá khô, ký mực biếu thầy làm quà, thầy nhất quyết không nhận. Thầy dạy vậy chớ cũng coi như trông tụi nhỏ giúp bà con dưới gành” – chị Thu Thủy, một phụ huynh dưới gành, nói. Hai đứa con của chị, bé Tường Vi (9 tuổi) đang học lớp 2, còn bé trai Ngô Văn Cu (6 tuổi) học lớp 1.

Nói về học trò mình, thượng úy Trần Bình Phục cứ nhớ mãi một cô bé bị sốt đi không nổi nhưng nằng nặc đòi lên trường. Mẹ không cho đi, bé khóc, lên tới lớp thì sốt đỏ gay người. Thầy phải dỗ dành dẫn trò về bệnh viện dưới đồn khám bệnh rồi cho về. Bé không chịu, lại đòi thầy đưa lên lớp.

“Bà con thương cho từ trái cà, trái mắm, con cá… Học trò cũng mến thầy, chịu nghe lời. Đó là nguồn động viên tôi. Mỗi lần định giao lớp cho người khác, tụi nhỏ mếu máo bảo thầy ơi, đừng bỏ tụi con. Tụi nhỏ sợ tôi bỏ lớp. Tôi sẽ gắn bó với lớp học đến khi nào không công tác ở đây nữa. Đó như là duyên nợ…” – thượng úy Phục nói.

Phía sau cô bé này là một học sinh phải đứng học vì bàn quá cao mà ghế lại quá thấp - Ảnh: My Lăng
Phía sau cô bé này là một học sinh phải đứng học vì bàn quá cao mà ghế lại quá thấp – Ảnh: My Lăng

Cố dạy cho các em biết được cái chữ

“Thích đảo”

Từng công tác ở đất liền một thời gian dài, thượng úy Trần Bình Phục tình nguyện xin ra đảo chỉ vì lý do rất đơn giản: thích đảo.

Hơn ba năm công tác ở đảo thì chàng sĩ quan có bằng cử nhân xã hội học ở ĐH Mở TP.HCM đã ngót ba năm gắn với lớp học này.

Những đứa trẻ lớn lên từ bề bộn chài lưới mưu sinh, sớm phải lăn lộn kiếm cơm, chưa quen nếp dạ thưa. Mới vô học nhiều em cứ vô tư văng tục, chửi thề, nói trống không… Lớp học như một cái chợ. 

Thượng úy Trần Bình Phục bảo: “Con nít mà. Phải dụ cho tụi nhỏ thích học, làm quen mặt chữ rồi mới thích, hăng say học. Trẻ ở đây rất thích học dù nhận thức không đều. Có hai bé bị khuyết tật, một bé bị nhiễm chất độc da cam, một bé có vấn đề về não. Tôi kiên trì dạy tới dạy lui cho tới chừng nào các em biết chữ thì thôi”. 

“Con thích đi học vì thầy và mấy bạn thương con, hay cho con kẹo” – một cậu bé lớp 2 ngây thơ trả lời. Thầy xoa đầu trò, trăn trở: “Tôi chỉ mong sao tụi nhỏ có được những thứ cơ bản nhất của một học sinh. Bọn trẻ ở đây thiếu thốn nhiều thứ lắm. Lớp học tối vì không có điện (trần lớp học phải làm giếng trời để lấy ánh sáng). Ngày nóng thì không quạt. Bàn ghế không phải dành cho học sinh, con nít sao ngồi bàn cao như vậy được.”

“Có bé phải đứng học nhưng thực tế khó khăn phải chấp nhận. Khó khăn nhất là thiếu dụng cụ học tập. Thiếu nhiều quá. Khi tôi cần dẫn chứng, minh họa thì không biết phải dẫn chứng như thế nào, vẽ đủ kiểu để các em hiểu. Tôi kiếm được sách giáo khoa để dạy là may lắm rồi. Các em học không có sách giáo khoa nên phải viết chữ, thầy ra bài tập cho trò chép lại, mất cả giờ. Tụi nhỏ chỉ có cuốn tập trắng, cái cặp.” 

“Trong lần về phép, tôi mua cho mỗi em một bộ: bút chì, thước kẻ, gôm… Cặp, tập thì vận động xin. Bé nào vào học thì phát. Dân ít quá không thể mở một điểm trường được. Tôi chỉ cố gắng dạy cho các em biết được cái chữ và giáo dục nhân cách, giúp các em trở thành người tốt. Học đến đâu phải do gia đình và nỗ lực của các em rất nhiều”.

Trung tá Nguyễn Hùng Tráng (đồn trưởng đồn biên phòng 704) cho biết: “Việc vận động bà con lúc đầu rất khó khăn vì cuộc sống bà con rất khổ, đa số sống bằng nghề câu nhỏ lẻ, đi biển, rất bấp bênh. Tối ngày cứ cơm áo gạo tiền, không ai quan tâm đến việc học hành của con cái.” 

“Thời gian đầu chúng tôi vận động bà con lúc được lúc không vì có em còn nhỏ đã đi câu, một ngày kiếm được mấy nghìn đồng. Chúng tôi cứ kiên trì tiếp tục vận động. Giờ bà con đã ý thức được việc học quan trọng nên tạo điều kiện cho con em đi học. Một dịp tình cờ có chiến sĩ ra quân, đơn vị thiếu người dạy. Đồng chí Phục xin dạy thử vài tháng, nếu không được thì giao cho người khác. Dạy được gần bốn tháng thấy các em tiến bộ, vào nề nếp, chúng tôi giao luôn cho Phục việc dạy học từ đó tới giờ đã ba năm”.