Biến chứng nặng do lạm dụng corticoid
Dẫu thầy thuốc và báo chí không ít lần cảnh báo nhưng nhiều người vẫn tự mua thuốc có chứa corticoid về điều trị dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề.
Biến chứng nặng do lạm dụng corticoid
Dẫu thầy thuốc và báo chí không ít lần cảnh báo nhưng nhiều người vẫn tự mua thuốc có chứa corticoid về điều trị dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề.
Dexamethasone (có chứa corticoid) được bán rộng rãi, không cần đơn của bác sĩ – Ảnh: Q.Liên |
Có tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng, corticoid thường được dùng để điều trị nhiều loại bệnh. Nhưng nếu dùng kéo dài và không đúng liều, corticoid có thể gây ra vô vàn biến chứng nguy hiểm.
Chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân lạm dụng corticoid dẫn đến suy giảm sức đề kháng, nhiễm vi trùng lao, bị lao phổi, lao màng não, lao xương… Số lượng bệnh nhân bị nhiễm trùng lao này nhiều đến mức trở thành ấn tượng đối với các thầy thuốc chuyên ngành hồi sức. |
Bác sĩ Phạm Thế Thạch (khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai) |
Làm suy giảm sức đề kháng…
Để giảm các triệu chứng đau, sưng của bệnh gout nhanh chóng, ông N.V.K. – 58 tuổi ở Ba Vì (Hà Nội) – thường tự mua thuốc có chứa thành phần corticoid tại hiệu thuốc về điều trị.
Sau một thời gian, bệnh nhân bị lao phổi nặng, bệnh diễn biến nhanh đến nỗi kể từ lúc xuất hiện các triệu chứng ho, sốt… đến lúc đi khám hai lá phổi của bệnh nhân đã trắng xóa! Và chỉ sau ba ngày nằm viện, nhiều vùng cơ thể của bệnh nhân này cũng bị nhiễm trùng, thậm chí có những vết loét ăn vào tận xương…
Giải thích về trường hợp này, bác sĩ Phạm Thế Thạch, khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho biết corticoid nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây nên tình trạng suy giảm sức đề kháng ở người bệnh, tạo điều kiện cho virút, vi khuẩn xâm nhập cơ thể gây bệnh.
Do vậy, những người sử dụng corticoid trong thời gian dài như bệnh nhân K. rất dễ bị bệnh, khi bị bệnh thường nặng hơn và có diễn biến nhanh hơn so với những người bình thường.
Bác sĩ Thạch cũng cho biết khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân có các biến chứng nặng nề như: suy thượng thận, xuất huyết tiêu hóa… do lạm dụng corticoid điều trị các bệnh khác.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – miễn dịch lâm sàng, cho biết không chỉ người bệnh mà ngay cả trong giới y bác sĩ cũng có nhiều người lạm dụng corticoid để điều trị những bệnh thông thường.
Bác sĩ Trường lấy dẫn chứng một trường hợp bệnh nhân nữ ở Phú Thọ bị một cơ sở y tế địa phương cho truyền corticoid liều cao trong nhiều lần để giảm các triệu chứng của bệnh dị ứng nhưng lại dẫn đến biến chứng nổi mụn khắp cơ thể, mọc ria mép, mặt phù nề… Hay như một bà cụ ở Yên Bái bị biến chứng thoái hoá cột sống vì được một bác sĩ chỉ định sử dụng corticoid liều cao để điều trị bệnh hen trong thời gian dài.
Các bác sĩ cũng cho biết những bệnh nhân bị phụ thuộc vào corticoid như trên phải điều trị khá phức tạp, bắt buộc phải giảm liều từ từ kết hợp với các thuốc khác để tránh gây tử vong do suy thượng thận cho bệnh nhân.
Theo giải thích của bác sĩ Trường, việc lạm dụng corticoid làm ức chế tuyến thượng thận sản sinh các hormone corticosteroid – có chức năng chuyển hóa các chất đường, muối, đạm… – duy trì các chức năng sống của cơ thể, khiến cơ thể buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn corticoid ngoại sinh. Vì vậy nếu bị thiếu corticoid đột ngột, cơ thể sẽ nguy kịch vì bị dừng toàn bộ hoạt động chuyển hóa.
Cần đưa corticoid vào diện thuốc bán theo đơn
Đó là đề xuất của bác sĩ Nguyễn Hữu Trường vì theo ông, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lạm dụng corticoid ở người dân là do thuốc này được bán tự do, tràn lan, không cần đơn và chỉ định của bác sĩ.
“Nếu như ở một số nước khác, corticoid được coi như thuốc độc, được quản lý và sử dụng rất thận trọng thì thuốc này ở nước ta lại được bán tự do, tràn lan, người mua có thể mua dễ dàng như mua rau. Do vậy, người ta không chỉ lạm dụng thuốc này trong điều trị mà còn lạm dụng vào các lĩnh vực như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… gây hại cho sức khỏe người dùng” – bác sĩ Trường nói.
Theo bác sĩ Thạch, phần lớn trong số bệnh nhân bị các biến chứng nặng do lạm dụng corticoid từng điều trị tại khoa hồi sức tích cực đều là những người lớn tuổi ở vùng nông thôn mắc các bệnh xương khớp, gout… thường tự ý mua những thuốc có chứa corticoid như: Dexamethasone, Betamethasone… tại các hiệu thuốc với giá rất rẻ về điều trị chứng giảm đau, giảm sưng.
“Quá tin tưởng vào công dụng giảm đau tức thì của thuốc cộng thêm giá thành rẻ, việc mua bán quá dễ dàng, bệnh nhân dễ dàng lạm dụng, phụ thuộc vào thuốc lúc nào không hay” – bác sĩ Thạch nhận định.
Bác sĩ Thạch cũng cho biết corticoid nếu được sử dụng đúng sẽ là thần dược đặc biệt trong điều trị các bệnh hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, nếu lạm dụng để điều trị các bệnh thông thường hoặc sử dụng không đúng liều chỉ định sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân cần tránh việc tự ý sử dụng, khi có bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín vì chỉ có các bác sĩ này mới có thể đánh giá đúng được bệnh cảnh và kết luận cho bệnh nhân dùng hay không dùng thuốc hoặc dùng với liều lượng bao nhiêu.
Đặc biệt, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ điều trị, tránh việc sử dụng không đúng liều, bỏ giữa chừng…
Nhiều nước đưa corticoid vào danh mục thuốc kê đơn Đồng tình với kiến nghị của bác sĩ Nguyễn Hữu Trường về việc đưa corticoid vào diện thuốc bán theo đơn, ông Phạm Lương Sơn – trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN – cho biết nhiều nước trên thế giới đã đưa corticoid vào danh mục thuốc kê đơn nhằm kiểm soát tác dụng phụ. |